Ám ảnh sợ chuyên biệt: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Ám ảnh sợ chuyên biệt là dạng rối loạn được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi mãnh liệt, dai dẳng và phi lý về các hoàn cảnh, tình huống hoặc đối tượng cụ thể. Hiện nay, cơ chế hình thành của chứng bệnh này chưa được hiểu biết cặn kẽ. Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý.
Sợ hãi vốn là một trong những trạng thái cảm xúc bản năng của con người. Chúng giúp chúng ta nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng tự vệ trước những mối nguy hiểm trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi quá mức có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thường ngày ở nhà, cơ quan, trường học… Vậy nỗi sợ hãi thái quá đến mức ám ảnh hay ám ảnh sợ chuyên biệt bắt nguồn từ đâu?
Chứng ám ảnh sợ chuyên biệt là gì?
Ám ảnh sợ chuyên biệt (Specific Phobia) là tình trạng lo sợ quá mức, vô lý và kéo dài về sự hiện diện của một tình huống, sự vật cụ thể nào đó mà họ cho là nguy hiểm. Thế nhưng, trên thực tế, chúng có thể ít hoặc thậm chí không gây nguy hiểm.
Khi tiếp xúc với những tình huống, sự vật này, bệnh nhân sẽ lập tức phản ứng mạnh mẽ bằng cách hoảng loạn (lo lắng cùng cực) hay cố gắng trốn tránh khỏi tình huống, sự vật đó. Nhu cầu lẩn tránh và tình trạng đau khổ xuất phát từ chứng ám ảnh sợ biệt có thể dẫn đến nhiều trở ngại đáng kể trong cuộc sống thường nhật của người bệnh.
Đa số người trưởng thành đều có thể nhận thức được rằng những nỗi sợ hãi của bản thân là phi lý và thái quá nhưng họ vẫn không thể tự vượt qua. Một số bệnh nhân mắc phải nhiều hơn một chứng ám ảnh sợ chuyên biệt.
Khác với tâm trạng lo lắng tạm thời khi chúng ta chuẩn bị làm bài kiểm tra hoặc thuyết trình trước lớp, chứng ám ảnh sợ chuyên biệt thường kéo dài liên tục và có thể dẫn đến nhiều phản ứng mãnh liệt cả về mặt tâm lý lẫn thể chất.
Ước tính, khoảng 3 – 5% dân số thế giới mắc phải các vấn đề về rối loạn ám ảnh sợ hãi. Tuy chưa được thống kê chính thức nhưng những dạng rối loạn này cũng rất phổ biến ở nước ta. Các chuyên gia cho biết, không phải mọi loại ám ảnh sợ chuyên biệt đều cần điều trị. Thật ra, chỉ những tình trạng tác động tiêu cực và trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày mới cần được can thiệp đúng cách.
5 dạng ám ảnh sợ chuyên biệt chính bao gồm:
- Ám ảnh về máu và chấn thương ̣
- Ám ảnh về động vật (rắn, chó, nhện, gián, chuột…)
- Ám ảnh về môi trường tự nhiên (nước, bão, mưa, lốc, độ cao…)
- Ám ảnh về không gian (căn phòng kín hẹp, lên thang máy, đi máy bay…)
- Ám ảnh khác (âm thanh đặc biệt hoặc một số nhân vật cụ thể)
Tuy có vẻ tương đối bình thường nhưng ám ảnh sợ chuyên biệt có thể dẫn đến một số hậu quả như:
- Rối loạn tâm trạng: Nhiều bệnh nhân ám ảnh sợ chuyên biệt thường mắc thêm căn bệnh trầm cảm hoặc các dạng rối loạn lo âu khác.
- Tách biệt xã hội: Việc né tránh những đồ vật, tình huống hoặc địa điểm khiến bản thân sợ hãi có thể kéo giảm kết quả học tập, năng suất công việc và chất lượng mối quan hệ xã hội. Những trẻ em bị chứng bệnh này thường khó tập trung chú ý và dễ bị bạn bè xa lánh.
- Lạm dụng chất kích thích: Tình trạng căng thẳng liên tục khi phải sống chung với nỗi sợ hãi, ám ảnh thường thôi thúc người bệnh lạm dụng thuốc lá hoặc rượu bia.
- Tự tử: Nếu mắc chứng ám ảnh sợ chuyên biệt đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người có thể nảy sinh ý định tự tử.
Dấu hiệu nhận biết chứng ám ảnh sợ chuyên biệt
Khi đối mặt với một nỗi sợ hãi quá mức, chúng ta dễ bị ám ảnh nếu lại bắt gặp nguồn cơn của cảm xúc này thêm một hoặc nhiều lần nữa. Nói cách khác, nỗi sợ không giảm dần đi mà còn trở nên dai dẳng và tồi tệ. Tình trạng này có thể liên quan đến một tình huống, đối tượng hoặc địa điểm nhất định.
Các triệu chứng điển hình của chứng ám ảnh sợ chuyên biệt là:
- Sợ hãi vô lý và thái quá về một sự vật, tình huống, địa điểm, đối tượng hoặc nhân vật nào đó
- Tìm cách tránh né nguồn gốc hình thành nỗi ám ảnh hoặc cố gắng chịu đựng một cách đầy miễn cưỡng và đau khổ
- Xuất hiện các triệu chứng thể chất của tình trạng hoảng loạn, lo lắng như: buồn nôn, tim đập nhanh, tiêu chảy, run rẩy, đổ mồ hôi, khó thở, cảm giác nghẹt thở, lâng lâng, chóng mặt…
- Thường xuyên lo lắng về việc bạn có thể vô tình tiếp xúc với nguồn cơn gây căng thẳng, sợ hãi (chẳng hạn, một người sợ chó hay lo sợ rằng bản thân có thể bất ngờ gặp phải một con chó nào đó trên đường khi đang đi dạo)
Đặc biệt, nếu mắc phải chứng ám ảnh sợ chuyên biệt, trẻ em sẽ quấy khóc, la hét, cáu giận, đơ cứng, bấu víu vào cha mẹ khi cảm thấy sợ hãi. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý quan sát bé thật cẩn thận, kịp thời trấn an và tìm cách hỗ trợ con trẻ tùy theo mức độ nặng nhẹ của chứng bệnh này.
Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt
Hiện nay, cơ chế hình thành chứng bệnh này vẫn chưa được làm rõ. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã phát hiện, các nguyên nhân dẫn đến ám ảnh sợ chuyên biệt có thể bao gồm:
- Trải nghiệm tiêu cực liên quan đến một tình huống, sự việc, địa điểm, đối tượng, nhân vật nào đó
- Yếu tố môi trường và di truyền
- Sự thay đổi chức năng của não bộ
Dạng rối loạn này có thể xuất hiện ở mọi đối tượng (chủ yếu là phụ nữ). Tình trạng ám ảnh sợ hãi ở trẻ em là hiện tượng hết sức bình thường và sẽ biến mất từ từ theo thời gian. Ngược lại, ở người lớn, chứng bệnh này thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến kéo dài. Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân là người trưởng thành có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải chứng bệnh này:
- Độ tuổi: Ám ảnh sợ chuyên biệt thường khởi phát ở trẻ em khoảng 10 tuổi.
- Bệnh sử gia đình: Nếu có bất kỳ thành viên nào trong gia đình bị ám ảnh sợ chuyên biệt hoặc rối loạn lo âu, bạn cũng dễ bị mắc bệnh này hơn hẳn.
- Tính khí: Những người rụt rè, nhạy cảm, hay suy nghĩ tiêu cực dễ bị ám ảnh sợ chuyên biệt hơn.
- Từng nghe kể hoặc trải qua một sự kiện đáng sợ (bị động vật/thú dữ tấn công, kẹt trong thang máy, tai nạn máy bay…)
Biện pháp chẩn đoán chứng ám ảnh sợ chuyên biệt
Những nỗi sợ hãi phi lý có thể khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ không xem đó là ám ảnh sợ chuyên biệt nếu triệu chứng không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Các nỗi sợ hãi ở trẻ em như: sợ quái vật, sợ ở nhà một mình, sợ bóng tối… vốn là hiện tượng vô cùng phổ biến và thường biến mất khi bé bước vào độ tuổi trưởng thành. Thế nhưng, nếu những nỗi ám ảnh thời thời ấu vẫn tồn tại và tác động tiêu cực đến kết quả học tập cùng cuộc sống hàng ngày, độc giả cần kịp thời đưa con em đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
Đa số bệnh nhân ám ảnh sợ chuyên biệt đều được chữa trị thành công nếu tuân thủ phác đồ phù hợp. Công tác điều trị sẽ suôn sẻ, thuận lợi hơn nhiều nếu bạn phát hiện bệnh tình từ sớm và điều trị tích cực.
Nếu phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện ám ảnh sợ chuyên biệt, bác sĩ chuyên khoa sẽ ước lượng tình trạng bệnh lý thông qua những cuộc thăm khám ngắn và xem xét tiền sử bệnh tật.
Hiện nay, chưa có bất cứ loại xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán chính xác chứng bệnh này. Do đó, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thực hiện nhiều loại xét nghiệm khác nhau nhằm đảm bảo rằng các vấn đề về thể chất không phải nguyên nhân hình thành bệnh lý.
Nếu không thể tìm thấy các vấn đề về thể chất, bạn sẽ được yêu cầu đi gặp nhà tâm lý học, bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh hay chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các nhà tâm lý học và tâm thần học sẽ trò chuyện trực tiếp, sau đó đánh giá tình trạng ám ảnh sợ chuyên biệt của bạn bằng một số công cụ đánh giá lâm sàng.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần DSM-5 ghi nhận 7 tiêu chí chẩn đoán chứng ám ảnh sợ chuyên biệt, gồm có:
- Lo lắng, sợ hãi về một tình huống hoặc đối tượng đặc biệt (độ cao, máy bay, động vật, máu, kim tiêm…), trẻ em thường khóc lóc, bất động, giận dữ, cáu kỉnh, bám vào ai đó hoặc giữ chặt đồ vật
- Những tình huống hoặc đối tượng gây ra ám ảnh sợ hãi có thể kích hoạt trạng thái lo âu, sợ hãi gần như ngay lập tức
- Bệnh nhân cố tình né tránh hoặc tìm cách chịu đựng các tình huống, đối tượng gây ra căng thẳng
- Sự lo âu, sợ hãi không tương xứng, phù hợp với mức độ nguy hiểm thực tế của tình huống, đối tượng
- Tình trạng né tránh, lo âu, sợ hãi kéo dài tối thiểu 6 tháng
- Tình trạng né tránh, lo âu, sợ hãi gây đau khổ lâu ngày và suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp đáng kể
- Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt không liên quan đến các dạng rối loạn tâm thần khác
Phương pháp điều trị chứng ám ảnh sợ chuyên biệt
Phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt hiệu quả nhất chính là liệu pháp tiếp xúc. Việc khám phá toàn bộ nguyên nhân dẫn đến triệu chứng ám ảnh thường không quan trọng bằng việc tập trung ngăn chặn quá trình phát triển của hành vi né tránh theo thời gian.
Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị người bệnh kết hợp điều trị nội khoa hoặc áp dụng những phương pháp chữa bệnh khác. Mục tiêu của công tác điều trị là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và kiểm soát, đẩy lùi ảnh hưởng của nỗi ám ảnh ở từng thời điểm cụ thể.
1. Trị liệu tâm lý
Với phương pháp trị liệu tâm lý, các chuyên gia/nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân quản lý nỗi sợ hãi, ám ảnh thông qua những buổi trò chuyện thoải mái, gần gũi. Liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức – hành vi là hai kỹ thuật trị liệu an toàn và phổ biến nhất.
- Liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy) tập trung vào sự thay đổi phản ứng của người bệnh đối với tình huống, đối tượng khiến họ căng thẳng, lo âu và sợ hãi. Khi buộc phải tiếp xúc nhiều hơn với nguyên nhân dẫn đến ám ảnh, họ sẽ học được cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình.
Chẳng hạn, nếu bạn sợ đi thang máy, liệu pháp tiếp xúc sẽ khuyến khích bạn nhìn các hình ảnh thang máy, bước vào thang máy và sử dụng thang máy. Ban đầu, bạn chỉ đi một tầng, sau đó đi nhiều tầng và cuối cùng bước vào một khoang đông đúc.
Vì nhiều dạng rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt liên quan đến triệu chứng né tránh nên liệu pháp này thực sự là một lựa chọn điều trị lý tưởng và khoa học. Nhà trị liệu sẽ đưa ra nhiều bài tập tiếp xúc, đồng thời hỗ trợ người bệnh tìm kiếm, tiếp xúc cũng như đối mặt với những nỗi lo sợ dồn nén bấy lâu, từ đó quen dần với chúng và cảm thấy tốt dần lên.
Thông thường, các nhà lâm sàng sẽ động viên bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây ra nỗi sợ ở mức độ vừa phải. Trong quá trình này, nếu bạn có biểu hiện thở dốc hoặc tim đập nhanh, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn thở chậm, sâu, kiểm soát hơi thở và kết hợp nhiều biện pháp thư giãn tức thời.
Khi người bệnh đã cảm thấy thoải mái hơn ở mức độ phơi nhiễm thấp, bác sĩ tâm lý sẽ điều chỉnh, nâng dần mức độ. Kết quả là, chỉ sau vài phiên điều trị, bạn đã có thể tự tin đối mặt với nguồn gốc gây ra nỗi sợ hãi của bản thân.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) sẽ gợi mở cho bệnh nhân cách thức nhìn nhận khách quan và bình tĩnh đối phó với nỗi sợ hãi của chính mình. Kỹ thuật chữa bệnh này nhấn mạnh vào việc học cách phát triển cảm giác tự tin, làm chủ cảm xúc và suy nghĩ thay vì trốn tránh, chịu đựng và sống cùng nỗi sợ hãi.
2. Điều trị nội khoa
Theo các chuyên gia, phương pháp trị liệu tâm lý nói chung và liệu pháp tiếp xúc nói riêng có thể mang đến kết quả chữa bệnh khả quan. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, để cải thiện triệu chứng hoảng loạn, lo lắng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc Tây phù hợp.
Các loại thuốc này thường phát huy hiệu quả tốt trong quá trình điều trị ban đầu ở từng tình huống cụ thể, không thường xuyên và diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn như: chụp MRI, thuyết trình trước đám đông, đi máy bay…
- Thuốc chẹn beta có tác dụng ức chế khả năng kích thích của hormon adrenaline đối với cơ thể (tác nhân gây run rẩy tay chân, nói năng lắp bắp, tăng huyết áp, tăng nhịp tim…) mỗi khi chúng ta tiếp xúc, đối mặt với nguồn gốc nỗi sợ.
- Thuốc an thần (chẳng hạn nhóm thuốc benzodiazepine) giúp bệnh nhân hạn chế lo lắng và cảm thấy thư giãn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây nghiện. Do đó, bạn cần thận trọng trong quá trình sử dụng, đồng thời tuyệt đối tránh xa nếu có tiền sử nghiện rượu bia.
Sợ hãi là một trong những cảm xúc khởi đầu của cơ chế phản ứng tự vệ bản thân. Thế nhưng, những nỗi sợ phi lý và quá mức sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động của đời sống thường nhật.
Tin vui là chứng rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt có thể được điều trị dứt điểm nếu người bệnh nghiêm túc tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, bạn hãy chủ động thăm khám và chữa bệnh càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
- Rối loạn hoảng sợ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!