Bệnh trầm cảm có tự khỏi được không?
Trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong xã hội hiện nay. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng hướng, bệnh lý này có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy khôn lường, thậm chí khiến bệnh nhân nảy sinh ý định tự sát. Nhiều người thắc mắc: “Bệnh trầm cảm có tự khỏi được không và làm thế nào để điều trị triệt để?” Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thông tin cần biết về căn bệnh trầm cảm
Trầm cảm là tình trạng rối loạn khí sắc, rối loạn cảm xúc thường gặp, bắt nguồn từ sự rối loạn hoạt động của não bộ. Dạng rối loạn tâm thần này sẽ gây ra hàng loạt thay đổi bất thường trong suy nghĩ, hành vi và tác phong của bệnh nhân.
Trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhất là độ tuổi 18 – 45. Phụ nữ dễ bị mắc bệnh hơn đàn ông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi năm, bệnh lý này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 850.000 người. Một số thống kê cho thấy, khoảng 3 – 5% dân số thế giới đang bị rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tỷ lệ mắc chứng bệnh này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mỗi người là khoảng 15 – 20%.
Sau khi chữa khỏi trầm cảm, người bệnh hoàn toàn có thể quay trở về với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân cần kiên trì theo đuổi liệu trình điều trị trong một khoảng thời gian đủ dài với rất nhiều quyết tâm, cố gắng.
Bệnh trầm cảm có thể liên quan đến nhiều yếu tố như: hoàn cảnh gia đình, môi trường sinh sống, tác động từ xã hội, tổn thương trong quá khứ… Trong đó, ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vấn đề này bao gồm:
- Di truyền: Những người có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm thường dễ mắc phải chứng bệnh này.
- Suy nghĩ tiêu cực: Tâm lý bi quan khiến nhiều người phải sống trong chuỗi ngày buồn bã, ưu phiền, u ám, chán nản. Thái độ sống này chính là tác nhân phổ biến sinh ra căn bệnh trầm cảm.
- Gặp tổn thương sau biến cố: Đa số người bệnh đều từng trải qua nhiều biến cố trong quá khứ. Khi những tổn thương xưa cũ hoặc sang chấn tâm lý liên quan đến chuyện tình cảm, công việc, gia đình… vượt quá khả năng chịu đựng, họ có xu hướng dằn vặt, tự trách, gặm nhấm nỗi buồn theo năm tháng. Đến khi không thể kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và tâm trạng được nữa, bệnh nhân sẽ trở nên bất cần, bế tắc, thất vọng, tự ti, buồn rầu, căng thẳng, dễ nóng giận, suy giảm lòng tự trọng.
Các triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm gồm có:
- Thường xuyên cáu gắt, bực bội, chán nản với
- Rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, khó ngủ, mất ngủ, trằn trọc thâu đêm, dễ bị giật mình…)
- Cảm thấy tự ti, đau khổ như đang bị ngược đãi và mặc cảm về những tổn thương trong quá khứ
- Thay đổi thói quen, sở thích trước đây
- Thiếu sức sống, kém năng lượng, luôn mệt mỏi, uể oải, phản ứng chậm chạp, không linh hoạt
- Dễ lo lắng, căng thẳng, kích động hoặc hoảng loạn
- Suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận cuộc sống dưới góc nhìn bi quan
- Tổn hại bản thân, nảy sinh ý định và hành vi tự sát
Không phải mọi người bệnh trầm cảm đều có đầy đủ dấu hiệu nhận biết trên. Biểu hiện của mỗi người tương đối khác nhau, tùy thuộc vào mức độ trầm cảm và nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, những triệu chứng này sẽ kéo dài trong vòng tối thiểu 2 tuần và lặp lại nhiều lần.
Bệnh trầm cảm có tự khỏi không? Có chữa được không?
Nhiều bệnh nhân băn khoăn: “Bệnh trầm cảm có tự khỏi không?”, “Có chữa được không?”, “Làm thế nào để điều trị dứt điểm bệnh lý này?” Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ chữa khỏi của bệnh trầm cảm có thể lên đến 94%. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ (NIMH) cho biết, bệnh nhân có thể đẩy lùi bệnh lý hoàn toàn bằng cách kết hợp phương pháp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý.
Quá trình điều trị tình trạng này được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tấn công diễn ra trong vòng 4 – 8 tuần. Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất bởi bệnh nhân rất dễ nản lòng và ngưng thuốc đột ngột.
- Giai đoạn tác dụng bắt đầu sau khi các triệu chứng thuyên giảm và dần dần ổn định. Ở giai đoạn này, bệnh tình đã được kiểm soát và cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là căn bệnh lý khỏi hẳn. Lúc này, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị, đồng thời chủ động tránh xa các tác nhân có thể khiến bệnh tình trở nặng.
- Giai đoạn duy trì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chữa bệnh trầm cảm tại nhà. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân lại bỏ dở liệu trình sau khi bản thân trở lại bình thường. Tâm lý chủ quan này chính là lý do đẩy tỷ lệ tái phát lên cao. Thông thường, giai đoạn duy trì sẽ kéo dài từ 6 tháng đến vài năm, thậm chí cả đời.
Ngoài ra, để duy trì sức khỏe tinh thần và phòng ngừa tái phát, người bệnh cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc chăm sóc tại nhà khác như: tăng cường rèn luyện sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cân bằng và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm an toàn, hiệu quả
Điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý và điều chỉnh thói quen – lối sống chính là những giải pháp hàng đầu giúp bệnh nhân trầm cảm chữa khỏi bệnh lý, cụ thể:
Điều trị nội khoa
Tuy là một vấn đề sức khỏe nguy hiểm nhưng bệnh trầm cảm có thể được điều trị dứt điểm nếu người bệnh kiên trì, hợp tác và chủ động tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc Tây. Những loại thuốc điều trị trầm cảm phổ biến hiện nay là: citalopram, fluoxetin, sertralin, paroxetin, escitalopram, bupropion, duloxeton, venlafaxin… Lưu ý, những loại thuốc này thường đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, đau đầu, căng thẳng, khó ngủ, bồn chồn, kích động….
Đa số thuốc chống trầm cảm khá an toàn. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, chúng ta cần hết sức thận trọng trong quá trình dùng thuốc bởi trong một số trường hợp, trẻ em và thanh thiếu niên có thể xuất hiện suy nghĩ tự sát hoặc cố gắng tự sát, nhất là trong vài tuần đầu tiên sau khi dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số loại thuốc chống trầm cảm có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nên trao đổi cặn kẽ với bác sĩ chuyên khoa để tìm thấy loại thuốc an toàn, phù hợp nhất.
Ngoài ra, nếu ngừng thuốc đột ngột hoặc tự ý bỏ qua vài liều, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu và vô tình khiến căn bệnh này càng thêm tồi tệ.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là tập hợp nhiều liệu pháp mà trong đó, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ điều trị và phòng ngừa bệnh trầm cảm bằng cách cố gắng tác động đến tâm lý người bệnh theo chiều hướng tích cực và có hệ thống thông qua hình thức trò chuyện.
Những kỹ thuật này có thể giúp bệnh nhân thay đổi cách thức suy nghĩ, cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó phản ứng linh hoạt và xử lý tốt hơn trong các tình huống xung đột, căng thẳng, khó khăn. Liệu pháp này đồng thời cũng hỗ trợ người bệnh ổn định tâm trạng bằng cách loại bỏ những suy nghĩ, hành vi tiêu cực.
Với phương pháp này, nhà trị liệu sẽ giúp đỡ bệnh nhân tháo gỡ những vấn đề, khúc mắc trong lòng, gọi tên cảm xúc tiêu cực và hướng dẫn họ cách thức điều hòa căng thẳng cũng như đối phó với trạng thái bi quan, bế tắc.
Hiện nay, phương pháp trị liệu tâm lý đang được ứng dụng rộng rãi. Một nghiên cứu trên 400 bệnh nhân trầm cảm cho thấy, liệu pháp này có thể giảm nhanh triệu chứng, mang đến tác dụng tương tự thuốc điều trị trầm cảm, không gây ra tác dụng phụ và giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ phác đồ điều trị hơn.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu siêu phân tích (meta-analysis) đã chứng minh rằng, trị liệu tâm lý đặc biệt hiệu quả trong công tác chữa bệnh trầm cảm với tỷ lệ trường hợp đạt kết quả tốt lên đến 70%. Một số liệu pháp tâm lý điều trị căn bệnh trầm cảm bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
Kỹ thuật trị liệu này có thể phát huy hiệu quả khả quan với nhiều đối tượng, độ tuổi, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành và người cao tuổi.
Bằng cách tập trung vào cảm xúc (những điều bạn nghĩ) và hành vi (những thứ bạn làm), liệu pháp nhận thức hành vi giúp bệnh nhân tìm hiểu về các cảm giác của bản thân trong hiện tại. Những suy nghĩ và hành vi có thể quyết định cách thức chúng ta nhìn nhận thế giới. Sau khi xác định nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, nhà trị liệu sẽ cố gắng cải thiện trạng thái tinh thần của bạn.
Liệu pháp nhận thức hành vi khuyến khích người bệnh tập trung thay đổi cách suy nghĩ và cư xử của mình, trong đó có việc điều chỉnh suy nghĩ về những thứ khiến họ không vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra, liệu pháp này còn hướng dẫn bệnh nhân suy nghĩ tích cực, lạc quan, tiếp cận vấn đề một cách khách quan, thực tế, từ đó tìm ra giải pháp cho những vướng mắc của mình.
- Liệu pháp hành vi cụ thể
Đây là kỹ thuật trị liệu tập trung vào hành vi của người bệnh. Khác với liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hành vi cụ thể không cố gắng thay đổi thái độ hay niềm tin của họ. Mục tiêu chủ yếu của phương pháp này là tạo điều kiện để bệnh nhân ra ngoài và thoải mái làm những điều mà họ yêu thích. Đây chính là phương thức đảo ngược xu hướng phản ứng trốn tránh và rút lui mỗi khi người bệnh đối mặt với vấn đề của họ.
Thông qua kỹ thuật trị liệu này, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học sẽ khuyến khích người bệnh tham gia vào những hoạt động có thể mang đến niềm vui thích và sự thỏa mãn. Lúc này, bạn có cơ hội được quay trở lại với sở thích trong quá khứ hoặc trải nghiệm một số hoạt động mới mẻ mà bản thân luôn tò mò. Đi ra ngoài và tạo niềm vui cho chính mình chính là phương châm điều trị bệnh trầm cảm của liệu pháp hành vi cụ thể.
- Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm có thể hạn chế rủi ro tái phát cho bệnh nhân. Kỹ thuật trị liệu này thường được tiến hành theo nhóm và liên quan đến thiền chánh niệm.
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm hướng dẫn người bệnh tập trung vào thời khắc hiện tại, tôn trọng bất cứ điều gì mà họ đang trải qua (dù hạnh phúc hay buồn khổ) mà không chấp niệm hoặc cố gắng thay đổi. Ban đầu, hình thức trị liệu này hướng vào cảm giác vật lý (hơi thở), sau đó từ từ chuyển sang suy nghĩ và cảm xúc.
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm mang đến cơ hội để chúng ta tạm dừng suy nghĩ về quá khứ và tương lai nhằm tránh đi những cảm xúc – suy nghĩ khó chịu, căng thẳng, lo lắng, buồn khổ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh trầm cảm tái phát bởi bạn đã trở nên nhạy cảm hơn với cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và phát hiện từ sớm trước khi chúng kịp quấn chặt lấy bạn.
- Liệu pháp tâm động học
Liệu pháp tâm động học là phương pháp trị liệu cổ điển có mục đích tìm kiếm gốc rễ của căn bệnh trầm cảm. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ phải tự kiểm tra và phản ánh chính mình trong quá khứ. Nhờ đó, họ có thể gọi tên những mối quan hệ rắc rối trong cuộc sống bản thân, từ đó xác định được trầm cảm thực sự đến từ đâu. Lúc này, người bệnh bắt đầu thấu hiểu cách suy nghĩ của bản thân và từ từ loại bỏ cảm giác tự trách, đổ lỗi, cuối cùng can đảm hướng về cuộc sống tốt đẹp phía trước.
- Liệu pháp phân tâm học
Liệu pháp này dựa trên sự hiểu biết về cơ chế tâm thần vô thức xác định cảm xúc, suy nghĩ và hành động của một chúng ta. Cách tiếp cận này giúp bệnh nhân xác định và kết nối với bất kỳ vấn đề thể chất hoặc tâm lý nào đó mà họ đang gặp phải.
Đa số người bệnh không hài lòng với hành vi của mình nhưng lại không biết cách và không thể thay đổi chúng. Vì vậy, hình thức trị liệu phân tâm ra đời nhằm hướng dẫn họ thấu tỏ những động lực vô thức đang kiềm giữ bản thân, khiến họ không thể thay đổi đúng như mong muốn.
- Liệu pháp giải quyết vấn đề
Liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân trau dồi và phát triển các chiến lược quản lý căng thẳng, giải quyết vấn đề và đảm bảo chứng trầm cảm không trở nên tồi tệ. Các buổi trị liệu riêng tư với nhà trị liệu sẽ trao cho người bệnh cơ hội xác định yếu tố hình thành trầm cảm và nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng.
Chuyên gia điều trị có thể gợi mở một số giải pháp cho những vấn đề mà bệnh nhân đang mắc kẹt, đồng thời động viên họ duy trì kết nối tốt đẹp với người thân, bạn bè. Ngoài ra, bạn cũng được hỗ trợ xây dựng những thói quen lành mạnh (ăn uống điều độ, rèn luyện sức khỏe, ngủ đủ giấc, uống thuốc đúng chỉ định và thường xuyên thăm khám bác sĩ chuyên khoa).
- Liệu pháp tiếp xúc cá nhân
Phương pháp trị liệu này chú trọng vào những mối quan hệ trong cuộc sống của người bệnh. Đây là hình thức chữa bệnh phù hợp với những bệnh nhân đang cảm thấy khó khăn khi tương tác hay kết nối với thế giới xung quanh.
Liệu pháp tiếp xúc cá nhân tập trung cải thiện các kỹ năng cần thiết, giúp bệnh nhân tháo gỡ những vấn đề trong mối quan hệ cá nhân. Dưới sự gợi mở của chuyên gia, độc giả có thể khám phá mối quan hệ giữa vấn đề cá nhân và cuộc sống hiện tại. Những vấn đề đang được băn khoăn có thể chính là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến chứng bệnh trầm cảm của bạn.
Sau khi xác định tính chất cụ thể của các vấn đề/mối quan hệ chi phối bệnh tình, chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn mẹo cải thiện mối quan hệ, bí quyết đối mặt với nỗi buồn cũng như cách hòa hợp với người khác.
- Liệu pháp tập trung vào khách hàng
Với phương pháp này, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học không cố gắng giải thích về chứng bệnh trầm cảm hay đưa ra hướng dẫn cụ thể. Thay vào đó, họ kiên nhẫn lắng nghe bệnh nhân tâm sự và mang đến sự chấp nhận, đồng cảm, tôn trọng tuyệt đối.
Hình thức này giúp người bệnh cảm thấy được trao quyền tìm kiếm giải pháp và có khả năng vượt qua vấn đề của bản thân. Mối quan hệ đồng cảm và chấp nhận với chuyên gia trị liệu giúp bạn trở nên tự chủ, tự tin và tự nhận thức hơn.
- Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân
Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân luôn quan tâm đặc biệt đến những mối quan hệ của người bệnh. Trong trường hợp này, các mối quan hệ cá nhân bao gồm tất cả kết nối giữa bệnh nhân với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm, thậm chí người lạ.
Bằng cách tìm kiếm những xung đột trong trạng thái tâm lý, cách làm này giúp họ tập trung vào các mối quan hệ trong hiện thực, phát hiện một số cảm xúc – hành vi không lành mạnh và tìm cách thay đổi, điều chỉnh chúng.
- Liệu pháp gia đình
Nếu người bệnh trầm cảm cảm thấy chán nản, gia đình của họ cũng thế. Liệu pháp gia đình là cách thức tuyệt vời để những người thân thương có thể tìm hiểu thấu đáo về căn bệnh trầm cảm của bạn. Phương pháp này cho phép người bệnh và gia đình trao đổi cởi mở về những căng thẳng trong cuộc sống khi họ mắc phải chứng rối loạn tâm thần này.
Nhiều nghiên cứu cho biết, những buổi trị liệu gia đình thực sự đã hỗ trợ quá trình điều trị, cải thiện triệu chứng và thay đổi lối sống của bệnh nhân.
Tóm lại, trị liệu tâm lý được xem là giải pháp tối ưu để điều trị dứt điểm căn bệnh trầm cảm. Nếu đang quan tâm đến phương pháp điều trị ưu việt này, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ chu đáo, tận tình:
Điều chỉnh thói quen
Là bệnh lý tâm thần nguy hiểm, trầm cảm có thể khiến bệnh nhân suy sụp cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Trong quá trình chữa bệnh, bên cạnh việc kết hợp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý, bạn cần chú ý thay đổi lối sống theo một số gợi ý sau:
- Thả lỏng cơ thể và tâm trí khi bạn bắt đầu lo lắng quá mức. Lúc này, hãy nghĩ đến những người thân yêu để có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật, đồng thời đặt ra mục tiêu tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, tuyệt đối không nản lòng, chùn bước.
- Nuôi dưỡng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh với những người thân thương bằng cách dành nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện, cùng nhau tham gia các hoạt động bổ ích, ý nghĩa.
- Làm những điều bạn yêu: ca hát, nhảy múa, nấu ăn, trồng cây, uống trà, viết lách, đi du lịch…
- Tập thể dục thường xuyên và điều độ, kết hợp hít thở sâu.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, phong phú, uống nhiều nước, tăng cường bổ sung trái cây, rau củ, ngũ cốc, thịt cá và kiêng cữ cà phê, trà đặc, rượu bia cùng các chất kích thích.
- Chú ý ngủ đủ giấc, đúng giờ, không thức khuya.
- Duy trì thói quen ngồi thiền, tập yoga, thư giãn sâu, nghe nhạc, đọc sách.
- Ngừng than thở. Thay vào đó, hãy luôn yêu thương, chăm sóc cơ thể và động viên bản thân tiến về phía trước.
- Tham gia vào các đội nhóm hoặc cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm.
- Đảm bảo bản thân luôn bận rộn với công việc hàng ngày nhằm hạn chế cảm giác bế tắc, chán nản, tuyệt vọng.
- Tắm nước nóng (35 – 37 độ C) khoảng 15 phút/ngày.
- Tránh xa những bộ phim/bản nhạc buồn.
- Thường xuyên chơi đùa với thú cưng để cải thiện tâm trạng.
- Đến nơi có nhiều ánh sáng, ưu tiên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhằm loại bỏ cảm giác u ám, phiền não.
Bệnh trầm cảm có tự khỏi được không? Có chữa được không? Câu trả lời là có. Bệnh nhân có thể đẩy lùi bệnh lý hoàn toàn bằng cách kết hợp phương pháp điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, quá trình chữa bệnh đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Do đó, bạn hãy cố gắng kiên trì điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Trầm cảm và tự kỷ: cách phân biệt và điều trị
- Trầm cảm sau sinh: dấu hiệu, nguyên nhân, mức độ nguy hiểm
- Điều cần biết của chứng bệnh “trầm cảm theo mùa” (SAD)
- Trầm cảm cười hay “nụ cười” của người trầm cảm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!