Lý do căng thẳng trong hôn nhân, vợ chồng bất hoà
Một thực tế kỳ lại là sau khi kết hôn thì những xung đột, cãi vã diễn ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn thời kỳ cả hai còn đang tìm hiểu nhau rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân, từ vấn đề tiền bạc, con cái, gia đình hai bên nội ngoại.. Nếu cả hai không cùng ngồi lại giải quyết sẽ khiến những xung đột ngày càng đẩy lên đỉnh điểm và rất dễ dẫn đến tan vỡ.
Nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân
Hôn nhân là một cột mốc lớn trong cuộc đời mỗi con người, dù là phụ nữ hay đàn ông. Khi đã kết hôn, trách nhiệm của bạn sẽ buộc phải nhân đôi, không thể chỉ chăm sóc cho bản thân hay cha mẹ mình mà còn cả người bạn đời và gia đình của đối phương. Khi những đứa con ra đời, trọng trách này càng nặng nề hơn, cả hai không ai chịu nhún nhường, lúc nào cũng cho mình đúng thì không thể tránh khỏi xuất hiện xung đột.
Thực tế có vô vàn nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân, mỗi gia đình có hàng loạt lý do khác nhau. Thời yêu đương, người ta thường muốn làm lành nhanh chóng, cảm tưởng như không thể thiếu nhau nhưng khi kết hôn, họ biết đối phương đã thuộc về mình nên thường không chịu nhún nhường nhau. Bởi thế mà sau hôn nhân các xung đột dễ bị đẩy lên ở mức độ cao trào hơn.
Vậy đâu là các nguyên nhân thường dẫn tới căng thẳng trong hôn nhân?
1. Vấn đề tài chính
Kinh tế là nguyên nhân hàng đầu gây ra những cuộc căng thẳng, xung đột trong hôn nhân, đặc biệt là khi cả hai đã có những đứa con chào đời. Khi đã kết hôn, có vô vàn thứ phải chi tiêu, khác hoàn toàn so với thời điểm cả hai còn độc lập. Chẳng hạn phải để dành tiền để mua nhà, phải để tiền cho con cái đi học cùng muôn vàn loại chi tiêu khác, thậm chí vượt ngoài cả thu nhập của cả hai người nếu không biết cân đối.
Áp lực tài chính đã khiến rất nhiều cặp vợ chồng phải tranh cãi mỗi ngày, đặc biệt với những người lập gia đình quá sớm khi kinh tế vốn chưa vững, cưới khi còn quá trẻ, cả hai chưa biết cân đối chi tiêu hay có con quá sớm. Chẳng hạn lương tháng cả 2 vợ chồng trung bình chỉ được khoảng 15 triệu nhưng không biết “liệu cơm gắp mắm”, thích gì cũng mua, không khoản dự trù cho tương lai dẫn đến chưa hết tháng đã hết tiền, khi cần việc gì gấp cũng không có.
Một yếu tố khác liên quan đến vấn đề tài chính gây căng thẳng trong hôn nhân thường xảy ra ở một vài gia đình có vợ ở nhà nội trợ, chăm con trong khi chồng đi làm. Mỗi công việc đều có tính chất khác nhau, tuy nhiên nhiều người đàn ông thường cho rằng công việc kiếm tiền của mình vất vả hơn, người vợ ở nhà chăm con thì có gì mà mệt. Nếu vợ chi tiêu tiền bạc trong gia đình mau hết thì một số người chồng thường cho rằng vợ hoang phí, không biết tiếc tiền, thậm chí chì chiết vợ vì chỉ biết tiêu mà không biết làm ra tiền.
Trước khi cưới nhau, người ta thường mơ đến một cuộc sống màu hồng với “một túp lều tranh hai trái tim vàng”, chỉ cần có nhau và cố gắng thì sẽ hạnh phúc. Nhưng thực tế thì nỗi lo về “cơm, áo, gạo, tiền”, chi tiêu thế nào, tiết kiệm ra sao khiến các cặp vợ chồng ngày càng nảy sinh thêm mâu thuẫn. Từ đó mới tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề khác làm những căng thẳng trong hôn nhân ngày càng lên đỉnh điểm.
2. Căng thẳng trong hôn nhân xuất phát từ những tính xấu
Chúng ta hầu như là không có bất cứ ai hoàn hảo, ai cũng có tính xấu nào đó. Trước hôn nhân, dù đã quen nhau nhiều năm, dù có sống chung nhưng hầu như không phải lúc nào chúng ta cũng thể hiện những tính xấu đó trước mặt đối phương vì sợ sẽ mất nhau. Nhưng khi đã chính thức là vợ chồng, đã cùng chung sống dưới một mái nhà, đã quyết định se duyên trọn đời với nhau, thì bản chất thật của mỗi người dần được bộc lộ rõ hơn.
Chẳng hạn như việc người chồng vô cùng lười biếng và bừa bộn, đi làm về ngày nào cũng vứt quần áo, vớ tất lung tung, không chịu làm việc nhà khiến người vợ vô cùng mệt mỏi, dù đã chia sẻ với chồng rất nhiều về vấn đề này . Hay việc người vợ quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân, không biết cân đối chi tiêu cũng khiến người chồng đau đầu vì làm bao nhiêu cũng không đủ so với nhu cầu chi tiêu của vợ.
Căng thẳng trong hôn nhân xuất phát từ tính xấu của nhau nếu cả hai đều quá ích kỷ, 1 trong hai không chấp nhận, không nhường nhịn, không thay đổi thì sẽ khiến các cuộc cãi vã diễn ra ngày càng nhiều. Cả hai có thể dùng những tính xấu này để chì chiết nhau, đến một thời điểm nào đó, khi đối phương cảm thấy mình không còn được tôn trọng thì việc tan vỡ là điều khó tránh khỏi.
3. Vấn đề con cái
Sự ra đời của những đứa con chính là sợi dây kết nối của các thành viên trong gia đình nhưng đồng thời nó cũng có thể chính là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều căng thẳng, xung đột giữa hai vợ chồng hơn. Khi một đứa trẻ ra đời, vấn đề không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn phải có cả trách nhiệm của người làm cha mẹ. Sinh con và dạy con là một chặng đường rất dài, không chỉ là vấn đề ngày một ngày hai là xong.
Thực sự, sau khi sinh con, có vô vàn vấn đề phát sinh mà chúng ta không bao giờ ngờ tới. Lúc mới sinh thì tiền bỉm tiền sữa, tiền quần áo, lớn lên thì tiền đóng học, tiền cho con tham gia hoạt động ngoại khóa, kỹ năng.. Rồi cách làm sao giáo dục con nên người, giúp con hiểu chuyện, biết đối nhân xử thế, làm sao để con thành công.. Những bất đồng quan điểm hay stress căng thẳng của các cặp vợ chồng chính là xuất phát từ các vấn đề này.
Căng thẳng trong hôn nhân có liên quan đến con cái rất dễ gặp ở những gia đình có cha mẹ còn quá trẻ, chưa đủ chín chắn, nuôi con không có sự trợ giúp của hai bên hay có kinh tế chưa vững. Trầm cảm sau sinh thường gặp ở phụ nữ cũng chính là xuất phát từ các vấn đề này.
4. Các vấn đề từ hai bên nội ngoại
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, phân biệt đối xử giữa hai bên nội – ngoại cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề căng thẳng trong hôn nhân. Chẳng hạn sống dưới 1 mái nhà nhưng tính cách của mẹ chồng và nàng dâu không hợp khiến người chồng đứng giữa cực kỳ khó xử hay việc người chồng không muốn để vợ về nhà và gửi tiền về cho nhà ngoại, chỉ muốn vợ toàn tâm chăm sóc cho gia đình chồng.
Những vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa hai bên nội ngoại không hề hiếm gặp và vẫn đang diễn ra từng ngày trong mỗi gia đình hiện nay. Nếu người đứng giữa không biết cách xử lý, dung hòa sẽ khiến cho các mâu thuẫn ngày càng đẩy lên cao trào, làm tổn thương lẫn nhau trong khi cả hai rõ ràng vẫn yêu thương nhau rất nhiều.
5. Tình cảm phai nhạt là nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân
Khi yêu nhau, chúng ta thường cảm thấy không thể thiếu nhau, chỉ muốn mau chóng kết hôn để có thể cùng nhau chung sống, để được nhìn thấy nhau mỗi ngày. Thế nhưng khi đã cùng nhau thức dậy, cùng nhau ăn uống, cùng nhau làm mọi việc hằng ngày lại khiến các cặp đôi dần cảm thấy quá quen thuộc, không còn cảm thấy mới lạ và bắt đầu có những cảm giác.. chán nhau.
Nguyên nhân khiến cảm xúc dành cho nhau dành cho nhau dần phai nhạt có thể liên quan đến vô vàn yếu tố, chẳng hạn do không có không gian riêng, không hòa hợp về tính cách, những xung đột nho nhỏ không được giải quyết triệt để, cả hai không dành cho nhau những điều bất ngờ, lãng mạn như hồi mới yêu… Những căng thẳng trong hôn nhân cứ âm ỉ như ngọn núi lửa chỉ chực chờ một cơn chấn động nhẹ để phun trào.
Chính từ những mâu thuẫn nho nhỏ, cảm giác quen thuộc khiến tình cảm dần nhạt đi đã khiến cho những người thứ 3 có cơ hội chen chân vào. Một số khác có xu hướng ngoại tình tư tưởng, luôn so sánh vợ/ chồng mình với người khác, cảm thấy hối hận khi mình đã lập gia đình quá sớm, cảm thấy mình đã chọn không đúng người. Dù là ngoại tình trong tư tưởng hay đã thực sự ngoại tình bên ngoài thì đây cũng là hành vi hoàn toàn sai trái.
6. Cái tôi quá cao của cả hai
Trong một cuộc tranh cãi, nếu ai cũng có cái tôi quá cao, ai cũng nghĩ mình đúng thì chắc chắn không tránh khỏi những căng thẳng, mâu thuẫn trong hôn nhân ngày càng nghiêm trọng hơn. Cái tôi của bản thân luôn được thể hiện ngay trong những vấn đề nhỏ nhất, chẳng hạn như người chồng cho rằng con cái cần có không gian phát triển tự nhiên, thoải mái trong khi người mẹ muốn con phải chăm chỉ học hành, đăng ký thêm nhiều khóa học.
Hay đơn giản như trong việc nấu ăn, người chồng là người miền Bắc nên thiên về nêm nếm đậm vị hơn trong khi người vợ là người miền Nam, thích nêm nếm ngọt hơn. Cả hai không ai chịu nhường nhịn ai, ai cũng cảm thấy khẩu vị của mình mới là chuẩn, muốn đối phương phải theo ý mình, kết quả dù là vợ chồng nhưng cuối cùng cả hai lại ăn riêng.
Tất nhiên không phải lúc nào vợ chồng cũng cần đồng thuận, đồng lòng hay lúc nào cũng phải theo ý của đối phương, mỗi người vẫn cần có chính kiến riêng của mình. Nhưng khi đã là vợ chồng, cả hai muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, hướng đến một mục tiêu lâu dài thì không thể nào thành công nếu lúc nào cũng có hai luồng ý kiến trái ngược khiến cho những căng thẳng trong hôn nhân ngày càng nghiêm trọng hơn.
7. Không tin tưởng lẫn nhau
Khi không còn tin tưởng nhau thì dù mọi lời nói, hành vi của đối phương có chính trực, đoàng hoàng thế nào cũng khiến bạn trở nên băn khoăn, nghi ngờ. Chẳng hạn khi thấy người chồng nhắn tin với ai đó người vợ chợt suy nghĩ ngay rằng liệu anh ấy có đang mập mờ với người khác, đang lừa dối mình. Hoặc khi thấy vợ diện đồ đẹp ra ngoài, người chồng chợt ghen tuông và cảm thấy vợ đang ngoại tình.
Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau thường xuất hiện do các nguyên nhân như ghen tuông quá mức hoặc do đối phương đã nhiều lần thất hứa. Chẳng khi chồng hứa sẽ đi đón vợ, sẽ về sớm để nấu cơm nhưng 10 lần thì 9 lần quên sẽ khiến người vợ cảm thấy người chồng đang không đáng tin cậy, từ đó chẳng muốn tin vào những gì anh ta nói, anh ta hứa. Mỗi khi có những căng thẳng trong hôn nhân, việc người chồng luôn thất hứa cũng sẽ luôn được vợ nhắc lại để chỉ trích.
Làm thế nào để xóa bỏ căng thẳng trong hôn nhân?
Thực tế thì có vô vàn các nguyên nhân gây căng thẳng trong hôn nhân, phía trên chỉ là một vài các yếu tố chính. Khi cả hai đã bất đồng quan điểm, đã không còn niềm tin ở nhau, tình cảm đã phai nhạt thì đôi khi chỉ cần việc mâm cơm thiếu một chén nước mắm cũng đủ để nảy sinh các cuộc cãi vã. Những mâu thuẫn khi không được giải quyết sẽ cứ dần tích tụ trở lại khiến cả hai có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Khi đã kết hôn, việc đôi lúc cả hai cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì nhau là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là làm như thế nào để có thể giải quyết các mâu thuẫn đó nhanh chóng, hợp lý và có rút ra được điều gì sau mỗi lần tranh luận hay không. Chỉ có như thế mới có thể sớm loại bỏ được các mâu thuẫn để hướng tới những giá trị hạnh phúc lâu bền hơn.
Vậy làm thế nào để giải quyết được những căng thẳng trong hôn nhân?
1. Lắng nghe nhau
Trước bất cứ vấn đề nào, khi có một người đang nói, đang thể hiện quan điểm của mình thì bạn đều không nên chen ngang hay phủ nhận ngay lập tức mà hãy học cách lắng nghe, tôn trọng đối phương. Điều này sẽ vừa khiến cho cuộc tranh cãi diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn đồng thời giúp bạn hiểu rõ nhất đối phương cần gì, muốn gì, suy nghĩ như thế nào, từ đó tìm ra cách giải quyết để khiến cuộc hôn nhân không tiếp tục rơi vào căng thẳng.
Trong một số trường hợp, khi người bạn đời đang trở nên kích động, quá bực tức thì bạn thậm chí có thể chọn cách nhẫn nhịn để tránh việc cả hai đều bùng nổ và có những từ ngữ làm tổn thương nhau. Đợi khi đã đối phương đã bình tĩnh hơn, thoải mái hơn bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về tình hình lúc đó. Khi cả hai đều bình tĩnh thì cũng sẽ nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và tích cực hơn.
2. Bao dung và thấu hiểu
Hôn nhân chính là thỏa hiệp, điều này có nghĩa là đôi lúc bạn cũng cần hạ cái tôi của mình xuống, bao dung đối phương nếu có thể. Chẳng hạn nếu người chồng thường quên đón mình, không dọn dẹp việc nhà vì họ quá bận rộn, công việc quá áp lực thì hoàn toàn có thể thông cảm được. Hãy nhìn nhận những điểm tốt của đối phương để bao dung hơn thay vì cứ soi mói vào khuyết điểm và cảm thấy anh ta thật “đáng ghét”.
Tất nhiên bao dung và thấu hiểu ở đây không có nghĩa là nhẫn nhịn mọi thứ để loại bỏ căng thẳng trong hôn nhân. Điều gì cần nói vẫn nên nói, điều gì không tha thứ được thì hãy thể hiện một thái độ quyết liệt. Chẳng hạn nếu đối phương mới chỉ ngoại tình trong tư tưởng nhưng đã biết quay đầu đúng lúc, chưa làm gì thái quá thì bạn hoàn toàn có thể tha thứ. Tuy nhiên nếu người bạn đời của bạn thực sự đã thực hiện các hành vi ngoại tình hay bạo lực với bạn dù chỉ 1 lần thì hoàn toàn không nên bao dung bởi khi đã có lần 1 thường sẽ có lần thứ 2.
Bao dung và chia sẻ có vô vàn khía cạnh, chẳng có bất cứ một khuôn khổ nào. Chẳng hạn việc nhà không phải là công việc riêng của ai, vợ mệt thì chồng làm, chồng bận thì vợ làm, chẳng cần nhất thiết phải quy định anh phải làm việc này, việc kia là của em. Khi cả hai thực sự yêu thương và thấu hiểu nhau, thì điều họ quan tâm là làm thế nào để nửa kia của mình hạnh phúc nhất chứ không phải là soi mói lỗi lầm thiếu sót của nhau.
3. Giải quyết căng thẳng trong hôn nhân bằng việc thẳng thắn chia sẻ
Hôn nhân hay tình yêu đều cần được duy trì bằng sự sẻ chia và thấu hiểu. Cả hai không thể coi nhau như những người “bạn trọ”, chỉ sống chung một nhà, sử dụng chung tiện ghi mà còn cần chia sẻ cả lợi ích và khó khăn với nhau. Việc bạn chỉ giữ khư khư các vấn đề, những khó khăn với đối phương, lúc nào cũng im lặng nhẫn nhịn sẽ chỉ khiến cả hai ngày càng xa cách, trở thành mối quan hệ hợp tác chứ không phải là vợ chồng.
Vợ chồng dù bận rộn như thế nào cũng nên dành thời gian chia sẻ, tâm sự với nhau hằng ngày. Nếu cảm thấy có những bất đồng, hãy chia sẻ và giải quyết ngay lập tức, đừng để đến khi sự khó chịu lên tới đỉnh điểm sẽ khó giữ được bình tĩnh để cả hai cùng hiểu những vướng mắc ở nhau.
Tuy nhiên để giải quyết những căng thẳng trong hôn nhân một cách hòa bình hơn, bạn cần chú ý về câu từ hay thời điểm. Không nên quá gay gắt nói rằng “anh phải làm thế này, em phải làm như vậy” mà hãy thử nói rằng “em nghĩ anh thử cách này sẽ phù hợp hơn đó” nghe sẽ vừa nhẹ nhàng lại vừa khiến đối phương cảm thấy mình được tôn trọng. Mặt khác cũng đừng chọn thời điểm cả hai đang tức giận để đưa những khuyết điểm ra chì chiết.
Mặt khác để tránh những xung đột, cả hai cũng hoàn toàn có thể tự đề ra những kế hoạch, giới hạn hay một quy tắc nào đó trong gia đình, có thưởng có phạt. Chẳng hạn cả hai có thể thống nhất có thể giữ lương riêng nhưng mỗi tháng cần để trong tài khoản chung 3 triệu hay nếu người chồng đi nhậu với bạn quá 3 lần/ tuần sẽ phải làm việc nhà hết 1 tuần sau.
4. Đừng quên mất việc tạo bất ngờ cho nhau
Một trong những vấn đề rất nhiều cặp vợ chồng thường gặp chính là sau kết hôn, họ hầu như quên mất những giây phút ngọt ngào, riêng tư, lãng mạn cho nhau. Họ cho rằng ngày nào cũng đã gặp nhau, đã sống chung một nhà, đã hiểu hết về nhau thì cần gì bất ngờ nữa. Tuy nhiên chính điều này khiến mối quan hệ vợ chồng có phần tẻ nhạt hơn, không còn nồng nàn được như lúc yêu.
Để duy trì lửa hôn nhân, hãy đừng bao giờ quên mất việc có những giây phút hẹn hò tại những quán ăn ngon, lãng mạn hay đôi khi bất ngờ mua tặng đối phương một bó hoa hay một món quà. Hay khi cả hai cảm thấy hôn nhân đang trong trạng thái căng thẳng thì hãy thử đổi gió, cùng đi du lịch hay thậm chí là rủ nhau …uống một vài ly để tinh thần cả hai có thể thả lòng, thư giãn và dễ dàng chia sẻ với nhau hơn.
Rõ ràng căng thẳng trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi ở bất cứ cặp vợ chồng nào, chỉ là thời điểm xảy ra có thể khác nhau, tuy nhiên không hề có nghĩa là không thể giải quyết hay phòng tránh được. Nhưng tốt nhất, bản thân mỗi người nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tiến tới hôn nhân, cả trong vấn đề tài chính lẫn tinh thần. Khi cả hai bên đã sẵn sàng, đã thực sự trưởng thành, thực sự hiểu nhau thì tự khắc sẽ biết dung hòa để tránh những mâu thuẫn tốt nhất có thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Bạo lực gia đình là gì? Nguyên nhân và hướng phòng chống
- Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là gì? Ảnh hưởng như thế nào?
- Ứng phó và cách vượt qua khi bị miệt thị ngoại hình cơ thể
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!