9 Cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu an toàn hiệu quả
Ngoài sử dụng thuốc Tây điều trị, bệnh nhân cũng có thể dùng các cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu để giảm nhẹ triệu chứng. Ưu điểm của bài thuốc nam là độ an toàn cao, lành tính và thích hợp với nhiều đối tượng. Nếu kiên trì áp dụng, tình trạng lo lắng thái quá, phiền muộn, căng thẳng, sợ hãi,… sẽ giảm đi đáng kể.
Có nên dùng thuốc nam chữa rối loạn lo âu?
Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay bên cạnh stress, các rối loạn liên quan đến stress và trầm cảm. Bệnh lý này đặc trưng bởi cảm giác lo âu, phiền muộn, căng thẳng, buồn bực, bất an, sợ hãi,… kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Không giống với lo âu thông thường, mức độ lo lắng ở người bị rối loạn lo âu thường không tương xứng với vấn đề, đôi khi thừa thãi và thái quá.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân nhận thấy sự lo lắng của bản thân là không cần thiết nhưng không có cách nào kiểm soát và chế ngự. Tình trạng lo âu kéo dài khiến cảm xúc trở nên bất ổn, dễ nổi giận, cáu gắt, khó tập trung, cơ thể mệt mỏi và mất ngủ. Nếu không có biện pháp can thiệp, rối loạn lo âu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, đây còn là nguồn cơn của nhiều vấn đề tâm lý khác.
Ngoài sử dụng thuốc, không ít người bệnh tận dụng các cây thuốc nam quen thuộc để chữa rối loạn lo âu. Các thảo dược này thường chứa một số chất chống oxy hóa có tác dụng giải lo âu, trấn tĩnh và an thần nên có thể giảm triệu chứng của rối loạn lo âu và nâng đỡ tinh thần đáng kể.
Nhìn chung, thuốc nam mang lại hiệu quả khá rõ rệt – nhất là những trường hợp bị rối loạn lo âu lan tỏa. Tuy nhiên, hầu hết các thảo dược tự nhiên đều có tác dụng chậm và hạn chế hơn so với thuốc Tây. Vì vậy, người bệnh chỉ nên áp dụng như liệu pháp hỗ trợ. Tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào các bài thuốc nam khiến triệu chứng rối loạn lo âu tiến triển dai dẳng, kéo dài. Ngoài ra, nên kết hợp thêm với trị liệu tâm lý và lối sống khoa học, lành mạnh để vượt qua chứng bệnh này thành công.
9 Cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu an toàn, hiệu quả
Ưu điểm chung của thuốc nam là dễ tìm, có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên nên tương đối an toàn khi sử dụng. Để cải thiện các triệu chứng của rối loạn lo âu, bệnh nhân có thể áp dụng một số bài thuốc sau:
1. Vông nem – Cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu quen thuộc
Vông nem (thích đồng, hải đồng) là cây thuốc nam quen thuộc được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Theo kinh nghiệm dân gian, thảo dược này có tác dụng an thần, giảm đau đầu và chống lo âu. Chính vì vậy, có thể dùng bài thuốc từ lá vông nem để chữa rối loạn lo âu và một số triệu chứng do căng thẳng thần kinh gây ra.
Hiện tại, lá vông nem đã được sử dụng để sản xuất các thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho người bị lo âu, suy nhược thần kinh, mất ngủ,… Theo nghiên cứu từ y học hiện đại, thảo dược này chứa một loại alkaloid có tên hypaphorin có tác dụng an thần, hạ áp và chống co giật. Do đó, những trường hợp rối loạn lo âu gây tăng huyết áp, mất ngủ, bất an, hồi hộp,… có thể áp dụng bài thuốc từ cây vông nem để cải thiện.
Một số bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu từ cây vông nem:
- Bài thuốc sắc: Dùng khoảng 8 – 16g lá vông nem khô, đem rửa sạch và cắt nhỏ. Đem sắc với 200ml đến khi còn 50ml thì tắt bếp (nên sắc nhỏ lửa). Uống đều đặn 1 lần/ ngày vào buổi tối để cải thiện tình trạng mất ngủ, lo lắng quá mức.
- Canh vông nem: Dùng lá vông nem tươi rửa sạch nấu canh với tôm, trứng, thịt nạc, cá,… để bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa suy nhược thần kinh do rối loạn lo âu kéo dài.
- Cháo vông nem: Sử dụng lá vông 30g, vừng đen 100g và lá dâu 40g. Đem vừng đen xát nhỏ, tán mịn sau đó nấu cho mềm nhừ. Khi cháo sôi, tắt lửa để trong 10 phút, thêm đường hoặc muối vào vừa ăn. Dùng khi cháo còn nóng, mỗi tuần ăn khoảng 2 – 3 lần để giảm lo âu, căng thẳng.
Lá vông nem không chỉ là cây thuốc quý mà còn là loại rau ăn khá quen thuộc với người Việt. Chính vì vậy, ngoài bài thuốc sắc, bệnh nhân bị rối loạn lo âu cũng có thể dùng một số món ăn từ lá vông để cải thiện sức khỏe.
2. Dùng trà hoa cúc giải tỏa lo âu
Hoa cúc là một trong những loại thảo dược có tác dụng an thần, được sử dụng phổ biến để chữa mất ngủ, giải tỏa lo âu và căng thẳng. Từ lâu, thảo dược này đã được sử dụng để pha trà, nấu chè giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Tương tự như lá vông nem, hoa cúc cũng được sử dụng trong công thức của nhiều TPCN hỗ trợ chữa rối loạn lo âu, căng thẳng.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Pennsylvania – Hoa Kỳ nhận thấy rằng, apigenin và luteolin trong hoa cúc có tác dụng thư giãn đầu óc và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa khi sử dụng liên tục trong 8 tuần lễ. Hiện nay, tác dụng giảm căng thẳng, an thần, hạ huyết áp,… của thảo dược này cũng đã được nghiên cứu và chứng minh.
Hoa cúc là thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên nên khá an toàn và lành tính. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có thể dùng trà hoa cúc để cải thiện triệu chứng.
Cách dùng hoa cúc giảm rối loạn lo âu:
- Chuẩn bị khoảng 5 – 7g hoa cúc khô (có thể sử dụng trà túi lọc)
- Cho hoa cúc vào ly và tráng sơ với một ít nước nóng
- Sau đó, hãm hoa cúc với 200ml nước trong 7 phút
- Có thể thêm mật ong, đường phèn vào, khuấy đều và uống khi trà còn ấm
- Dùng đều đặn mỗi ngày 1 ly vào sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ
3. Bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu bằng cây bình vôi
Bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu bằng cây bình vôi vốn là mẹo chữa có nguồn gốc từ dân gian. Hiện nay, cây bình vôi đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất TPCN hỗ trợ giảm mất ngủ, giải tỏa lo âu, căng thẳng thần kinh,…
Theo nghiên cứu từ y học hiện đại, thảo dược này có chứa L-tetrahydropalmatin có tác dụng hạ áp, gây ngủ, an thần và sử dụng liều cao còn có thể chống co giật. Cây bình vôi còn chứa Cepharanthin có tác dụng giãn mạch, hạ áp nhẹ và Roemerin, Rotundin có hiệu quả trấn tĩnh thần kinh. Với các hoạt chất kể trên, cây bình vôi hoàn toàn có thể giảm tình trạng lo âu thái quá, mất ngủ, sợ hãi, bất an,… ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị củ bình vôi tán bột và rượu 40 độ (theo tỷ lệ 1:5-10). Đem ngâm trong bình thủy tinh trong hơn 1 tháng là dùng được. Mỗi ngày uống từ 5 – 15ml để giải tỏa lo âu, căng thẳng và ngủ ngon giấc hơn.
- Bài thuốc 2: Sử dụng nhân hạt táo chua, long nhãn, hạt sen mỗi thứ 10 – 15g, lá vông 12g và củ bình vôi 8g. Đem dược liệu cho vào ấm sắc đặc, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 2 phần bằng nhau, uống 1 lần trong ngày và 1 lần trước giờ ngủ 30 phút.
Mặc dù là thảo dược tự nhiên nhưng cây bình vôi chứa một lượng nhỏ độc tố. Nếu có ý định áp dụng bài thuốc từ thảo dược này, bệnh nhân nên trao đổi với thầy thuốc, bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn cụ thể.
4. Lạc tiên – Cây thuốc chữa trị rối loạn lo âu hiệu quả
Trong y học cổ truyền, lạc tiên được biết đến là cây thuốc chữa mất ngủ hiệu quả. Theo ghi chép, thảo dược này có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, tác dụng an thần, lợi tiểu và tiêu viêm. Với công năng và dược tính đa dạng, lạc tiên được dùng trong bài thuốc chữa mất ngủ, lo âu, cao huyết áp hoặc được dùng ngoài để chữa các bệnh về da.
Lạc tiên chứa nhiều chất chống oxy hóa (apigenin, vitexin, flavonoid, naringenin,…) tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương với khả năng an thần, trấn tĩnh, chống lo âu và hồi hộp. So với các loại thảo dược khác, lạc tiên có tác dụng an thần mạnh hơn nên thích hợp với những trường hợp rối loạn lo âu gây mất ngủ, ngủ chập chờn, thường xuyên gặp phải ác mộng.
Các bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu bằng cây lạc tiên:
- Trà lạc tiên: Sử dụng 15g trà lạc tiên khô sắc lấy nước uống hằng ngày. Nên pha loãng uống thay trà để cải thiện căng thẳng và giảm tình trạng mất ngủ.
- Bài thuốc từ lạc tiên và các thảo dược khác: Nếu rối loạn lo âu gây mất ngủ nhiều, ngủ chập chờn, dễ thức giấc, có thể dùng lạc tiên 50g, lá dâu tằm 10g, lá vông 30g, tâm sen 2g và đường 90g. Đem sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang. Uống bài thuốc này trong 7 – 10 ngày và có thể lặp lại liệu trình nếu cần thiết.
Lạc tiên có tác dụng an thần, giảm căng thẳng tốt. Do đó, có thể dùng trà lạc tiên uống 2 – 3 lần/ tuần để giải tỏa và phòng ngừa stress.
5. Dùng tim sen chữa rối loạn lo âu
Tim sen là vị thuốc quen thuộc đối với người Việt. Với tác dụng an thần và giải nhiệt, thảo dược này thường được dùng để giảm căng thẳng, mất ngủ, cao huyết áp, hồi hộp, đau đầu,… Vì vậy, bệnh nhân bị rối loạn lo âu gặp phải các triệu chứng này có thể dùng bài thuốc từ tim sen để cải thiện.
Các nghiên cứu từ y học hiện đại cho thấy, isoquinoline trong tim sen có tác dụng điều hòa huyết áp và đường huyết. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa các chất chống oxy hóa có hiệu quả an thần, tiêu trừ gốc tự do như asparagine, nelumbo, nuciferin, liensinin,… Những thành phần trong tim sen có thể cải thiện các triệu chứng thể chất và tâm thần do rối loạn lo âu gây ra.
Cách dùng tim sen chữa rối loạn lo âu đơn giản:
- Chuẩn bị khoảng 1/2 thìa cà phê tim sen khô
- Cho tim sen vào tách và tráng sơ với một ít nước nóng
- Sau đó, hãm tim sen với nước nóng trong 5 – 7 phút
- Dùng trà uống khi còn ấm, ngày dùng 1 tách
Tim sen có tính lạnh nên tránh dùng cho người bị rối loạn tiêu hóa thể lỏng (hay đau bụng, tiêu chảy, dễ dị ứng thức ăn,…) và người có huyết áp thấp. Ngoài ra, nên tránh dùng trà tim sen quá lâu do có thể dẫn đến tiêu chảy và suy nhược cơ thể.
6. Bài thuốc nam trị rối loạn lo âu từ nụ tam thất
Ngoài cây bình vôi, lạc tiên và tim sen, nụ tam thất cũng là cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Theo ghi chép, thảo dược này có vị ngọt, tính mát, tác dụng an thần, thanh nhiệt và hạ áp. Nụ tam thất là một trong số những cây thuốc nam đã được nghiên cứu nhiều trên cơ sở khoa học.
Trong thảo dược này chứa saponin gingsenoid nhóm Rb có hiệu quả an thần, tăng lưu thông máu và ức chế khu thần kinh trung ương. Nụ tam thất còn chứa hoạt chất rutin – một loại vitamin P có tác dụng làm bền thành mạch, phòng ngừa xơ vữa và ngăn ngừa biến chứng của cao huyết áp. Với những tác dụng này, bài thuốc từ nụ hoa tam thất có thể giảm tình trạng đau đầu, lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, tim đập nhanh,… do rối loạn lo âu gây ra.
Cách dùng nụ tam thất trị rối loạn lo âu:
- Chuẩn bị khoảng 3 – 5g nụ hoa tam thất (khoảng 15 – 20 nụ)
- Cho thảo dược vào ly và tráng sơ với 100ml để loại bỏ bụi bẩn
- Tiếp theo, đem ủ nụ hoa tam thất với 500ml nước sôi trong 5 – 10 phút
- Dùng trà hoa tam thất uống nhiều lần trong ngày để cải thiện tình trạng mất ngủ, lo âu, căng thẳng
- Nên dùng đều đặn đến khi triệu chứng thuyên giảm
Nụ hoa tam thất có tác dụng hạ áp, an thần và điều hòa đường huyết. Do đó, nên tránh dùng bài thuốc từ thảo dược này cho người bị huyết áp thấp, phụ nữ mang thai và trẻ em. Ngoài ra, người có cơ địa dị ứng cũng nên thận trọng khi sử dụng trà hoa tam thất.
7. Gừng – Cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu quen thuộc
Trên thực tế, một số cây thuốc nam có hoạt tính mạnh có thể tương tác với các loại thuốc điều trị. Nếu đang sử dụng thuốc chữa rối loạn lo âu, bệnh nhân có thể dùng gừng thay vì nụ tam thất hay củ bình vôi. Gừng là loại gia vị quen thuộc luôn có sẵn trong căn bếp nên không mất thời gian tìm kiếm và cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản.
Không chỉ có mùi hương đặc trưng, gừng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe như Gingerol. Hoạt chất này có hiệu quả ức chế các yếu tố gây viêm như cytokin, chemokin. Nhờ vậy có thể cải thiện giấc ngủ, trí nhớ và ngăn ngừa hiện tượng suy nhược thần kinh ở bệnh nhân rối loạn lo âu.
Một số cách dùng gừng chữa rối loạn lo âu đơn giản:
- Sử dụng trà gừng: Dùng 1 củ gừng tươi xắt mỏng hãm với 200ml, sau đó cho mật ong vào khuấy đều uống khi còn ấm. Nên dùng trà gừng vào buổi tối trước khi đi ngủ để cải thiện tình trạng giấc ngủ đến muộn, ngủ chập chờn và dễ thức giấc.
- Tinh dầu gừng: Gừng tươi có tác dụng tăng huyết áp nên không thích hợp với những người có huyết áp cao. Trong trường hợp này, có thể dùng tinh dầu gừng ngửi trực tiếp hoặc xông phòng để giải tỏa căng thẳng. Liệu pháp mùi hương đã được chứng minh là biện pháp hỗ trợ tốt bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu.
8. Nghệ tươi giảm lo âu, phiền muộn
Tương tự như gừng, củ nghệ cũng là vị thuốc nam có hiệu quả chữa rối loạn lo âu. Nghệ được biết đến với tác dụng bồi bổ sức khỏe, cải thiện suy nhược và điều trị một số bệnh lý liên quan đến dạ dày. Khi nghiên cứu hoạt tính sinh học của Curcumin, các chuyên gia cũng nhận thấy chất chống oxy hóa này mang lại hiệu quả rõ rệt với bệnh nhân trầm cảm và rối loạn lo âu.
Hiệu quả giảm lo âu, căng thẳng của Curcumin đã được so sánh với Fluoxetine – loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến. Nghiên cứu này cho thấy, Curcumin mang lại cải thiện tương tự như loại thuốc này nhưng hầu như không gây ra tác dụng phụ. Ngoài ra, chiết xuất Curcumin từ nghệ còn giúp giảm các vấn đề thể chất do rối loạn lo âu gây ra như viêm loét dạ dày, hệ miễn dịch suy giảm, mệt mỏi, sụt cân,…
Cách dùng nghệ chữa rối loạn lo âu đơn giản:
- Dùng trà nghệ: Pha 1 thìa cà phê bột nghệ với 200ml nước ấm, sau đó thêm đường phèn hoặc mật ong vào khuấy đều. Dùng trà nghệ uống vào sáng sớm hoặc tối trước khi ngủ, ngày dùng 1 lần.
- Nghệ ngâm mật ong: Chuẩn bị 200g nghệ tươi và 250g mật ong. Rửa sạch nghệ, để ráo và xắt thành từng lát mỏng, sau đó cho vào bình ngâm với mật ong trong 15 – 20 ngày là dùng được. Mỗi ngày ăn trực tiếp 1 – 2 thìa mật ong + vài lát nghệ hoặc có thể hòa với nước ấm uống như trà.
9. Bài thuốc chữa rối loạn lo âu bằng tía tô
Tía tô thường được dùng để chữa các bệnh da liễu, hô hấp và tiêu hóa nhờ có tác dụng tiêu thực, giải cảm, kháng viêm và làm ấm phế. Ít người biết rằng, thảo dược cũng là cây thuốc nam quý được sử dụng để chữa rối loạn lo âu.
Tía tô chứa axit rosmarinic có tác dụng ức chế chuyển hóa thụ thể GABA, qua đó giúp ổn định tâm trạng, an thần và giảm tình trạng kích động quá mức. Tuy nhiên, hàm lượng axit rosmarinic trong thảo dược không quá cao. Để kiểm soát rối loạn lo âu, bệnh nhân nên áp dụng các bài thuốc từ tía tô đều đặn trong thời gian dài.
Cách dùng tía tô cải thiện triệu chứng do rối loạn lo âu gây ra:
- Chuẩn bị 5 – 7g tía tô khô hoặc dùng 1 nắm lá tía tô tươi
- Với tía tô tươi, đem rửa sạch với nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và vi khuẩn
- Đun sôi 250ml nước, cho lá tía tô vào đun sôi trong 3 – 5 phút thì tắt bếp. Sau khi nước nguội bớt, vớt bỏ lá, thêm chanh và đường phèn vào uống nhiều lần trong ngày.
- Đối với tía tô khô, cần tráng sơ với 100ml nước nóng và dùng 150 – 200ml hãm trong 7 phút. Dùng trà khi còn ấm vào buổi tối trước khi ngủ 1 – 2 tiếng để giải tỏa căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
Lưu ý khi dùng cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu
Các cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu đều có nguồn gốc tự nhiên nên khá an toàn, ít tác dụng phụ và có thể dùng cho những người có bệnh lý nền. Nếu sử dụng đúng cách, tình trạng mất ngủ, lo âu, căng thẳng, hồi hộp, bất an,… có thể thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên để tránh những tác dụng không mong muốn, bệnh nhân cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Thuốc nam được đánh giá cao về độ an toàn và lành tính. Tuy nhiên, một số loại thảo dược có thể chứa một lượng độc tính nhỏ. Vì vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định dùng các cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu trong thời gian dài.
- Trong trường hợp đang sử dụng thuốc tây, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng phối hợp với thuốc nam. Bởi một số hoạt chất trong thuốc nam có thể tương tác với thuốc tây dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý.
- Các bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu mang lại hiệu quả khá chậm. Do đó, nên kiên trì áp dụng để nhận thấy cải thiện rõ rệt. Đối với những trường hợp rối loạn lo âu nhẹ, có thể dùng bài thuốc nam kết hợp với một số biện pháp tại nhà để kiểm soát sự lo âu thái quá và các cảm xúc tiêu cực đi kèm.
- Các cây thuốc nam cũng có thể gây dị ứng, kích ứng. Trong thời gian áp dụng, bạn nên chú ý đến những triệu chứng khác thường và tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.
- Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích để thuốc nam phát huy tác dụng tốt nhất.
- Một số dạng rối loạn lo âu không thể điều trị hoàn toàn mà buộc phải sống chung suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy ngoài sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu, cần xây dựng lối sống lành mạnh và học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
Các cây thuốc nam chữa rối loạn lo âu được đánh giá cao về độ an toàn, lành tính. Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số bài thuốc nam để cải thiện triệu chứng và nâng đỡ thể chất, tinh thần. Tuy nhiên chỉ nên xem đây như giải pháp hỗ trợ, không nên lạm dụng.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc giảm lo âu căng thẳng hồi hộp mất ngủ hiệu quả nhanh
- Tập yoga chữa rối loạn lo âu cực hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!