Nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu và lưu ý khi dùng
Nhóm thuốc trị rối loạn lo âu bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc an thần,… Tùy theo dạng rối loạn và mức độ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là một hội chứng về tâm lý, khiến cho người bệnh luôn xuất hiện những cảm xúc lo lắng, suy nghĩ tiêu cực một cách thái quá.
Một số triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này như:
- Thường trực sự lo âu, phiền muộn
- Cơ thể không có sức sống, lười vận động
- Giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh
- Luôn có cảm giác hồi hộp, lo lắng, sợ hãi,…không rõ nguyên nhân.
- Đổ nhiều mồ hôi, tay chân run, cơ bắp đau nhức
- Rối loạn nhịp tim, mệt mỏi, hơi thở nhanh, khó ngủ, chóng mặt,…
- Có suy nghĩ tiêu cực, liên tưởng đến những tình huống tồi tệ
- Mất khả năng kiểm soát hành vi và lời nói
5 nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu thông dụng nhất
Có khá nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Trong đó, mục tiêu chính là cải thiện các triệu chứng thể chất, tâm thần và nâng đỡ cảm xúc khi trị liệu tâm lý.
5 nhóm thuốc trị rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
1. Thuốc chống trầm cảm
Từ những năm 70, các bác sĩ tâm lý đã nhận thấy hiệu quả điều trị rối loạn lo âu của những loại thuốc chống trầm cảm. Đặc biệt là các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng TCAs, và thuốc ức chế Monoamine oxidase (IMAOs).
Các bác sĩ nhận thấy kết quả vượt trội khi sử dụng 2 nhóm thuốc này cho bệnh nhân rối loạn hoảng sợ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ.
Đa phần bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và thuốc tái hấp thu serononin + norepinephrine (SNRIs).
Các loại thuốc này mang lại hiệu quả cao, ít tác dụng phụ hơn nên có thể sử dụng dài hạn để ngăn ngừa triệu chứng bệnh tái phát.
Các loại thuốc chống trầm cảm thường cho hiệu quả khá chậm. Do đó, đa số các trường hợp đều được sử dụng kết hợp thuốc an thần gây nghiện nhóm benzodiazepines liều thấp với thuốc chống trầm cảm.
Sau khoảng 4 đến 6 tuần sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định giảm dần việc sử dụng benzodiazepines nếu nhận thấy thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng rõ rệt.
Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng trong quá trình điều trị rối loạn lo âu gồm:
- imipramine (tofranil)
- escitalopram (lexapro)
- venlafaxine (Effexor)
- venlafaxine (Effexor)
- sertraline (Zoloft)
- paroxetine (Paxil),…
Tác dụng phụ của thuốc: Trong khoảng thời gian đầu sử dụng, thuốc có thể làm cho các triệu chứng lo lắng, buồn chồn tăng cao.
Chống chỉ định: Các đối tượng bị mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.
2. Thuốc chống loạn thần – Nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu thông dụng
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng như hoảng sợ, kích động, run rẩy, mất kiểm soát,… bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống loạn thần.
Nhóm thuốc này thường được dùng cho những trường hợp rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và rối loạn ám ảnh sợ. Bởi đây là hai dạng rối loạn lo âu dễ gây ra tình trạng hoảng loạn và kích động mạnh.
Thuốc chống loạn thần được chia thành 2 nhóm bao gồm:
- thuốc chống loạn thần thế hệ I (hay còn gọi là thuốc chống loạn thần điển hình)
- thuốc chống loạn thần thế hệ II (thuốc chống loạn thần không điển hình).
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách chẹn các thụ thể dopamin. Từ đó thuốc giúp làm giảm các triệu chứng lo âu quá mức, hoảng sợ, kinh hãi, kích động,…
Thuốc chống loạn thần còn được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt và giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực.
Tương tự như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần cho tác dụng khá chậm. Thuốc thường chỉ mang lại cải thiện sau 2 – 4 tuần sử dụng.
Chống chỉ định thuốc chống loạn thần trong điều trị rối loạn lo âu:
- Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Phụ nữ mang thai (có khả năng gây quái thai)
- Thận trọng với người có huyết áp thấp, tiền sử động kinh
Thuốc chống loạn thần được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn lo âu bao gồm:
- Levomepromazine
- Olanzapine
- Amisulpride
- Aripiprazole
- Paliperidone
Trong thời gian sử dụng, thuốc chống loạn thần có thể gây ra một số tác dụng phụ như hội chứng giống cúm, đau vùng chậu, tê cứng đầu chi, đau ngực, đau cổ,…
Bên cạnh đó, loại thuốc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí.
3. Thuốc an thần nhóm Benzodiazepine (BZD)
Benzodiazepine (BZD) thường được dùng để điều trị rối loạn lo âu, động kinh, co giật, mất ngủ, rối loạn thần kinh,… Thuốc cũng giúp giãn cơ và an thần với liều lượng dùng cao.
Các loại thuốc thuộc nhóm benzodiazepin có thể làm thuyên giảm một số triệu chứng căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Tuy nhiên, do có nguy cơ gây nghiện và lạm dụng cao, hiện nay nhóm thuốc này không còn là lựa chọn ưu tiên khi điều trị các rối loạn lo âu. Thuốc thường được sử dụng với 4 công dụng chính:
- Dễ ngủ
- Chống co giật
- Giãn cơ
- Chống lo âu, giảm bớt các triệu chứng lo lắng, bồn chồn.
Liều lượng sử dụng: Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc benzodiazepin chỉ kéo dài khoảng từ 1 đến 3 tuần do khả năng gây nghiện cao.
Tác dụng phụ: Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh dễ gặp phải một số tác dụng phụ như giảm trí nhớ, khó tập trung, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, chán nản, buồn ngủ, nhầm lẫn, lệ thuộc vào thuốc,….
Chống chỉ định: Thuốc benzodiazepin sẽ chống chỉ định đối với những trường hợp như:
- Những đối tượng bị dị ứng, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Những người có bệnh liên quan đến đường hô hấp.
- Những trường hợp bị suy gan.
- Do thuốc có tác dụng giúp an thần, dễ gây buồn ngủ nên không phù hợp cho những người làm việc đòi hỏi sự tập trung cao.
4. Thuốc chẹn beta – Nhóm thuốc giảm các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu
Thuốc chẹn beta là nhóm thuốc thông dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch như đau thắt ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,…
Ngoài ra, loại thuốc này còn được sử dụng để cải thiện các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm lý, tâm thần gây ra.
Thuốc chẹn beta được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh sợ, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn ám ảnh sợ xã hội,…
Những trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa gặp phải các triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật như bồn chồn, bất an, đổ mồ hôi, tăng huyết áp,… cũng có thể sử dụng nhóm thuốc này để cải thiện.
Tuy nhiên, thuốc chẹn beta có chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp sau:
- Hen phế quản
- Suy tim sung huyết mất bù
- Block nhĩ thất độ II và độ III
- Suy gan với các triệu chứng nghiêm trọng như bệnh lý não do can, cổ trướng, tăng bilirubin huyết,…
- Hội chứng Raynaud
- Phụ nữ mang thai
- Nhịp tim chậm (dưới 50 lần/ phút)
Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO).
Về cơ bản, thuốc chẹn beta chỉ có thể giảm tạm thời các triệu chứng thể chất. Vì vậy để đảm bảo an toàn, bác sĩ thường chỉ định dùng nhóm thuốc này khi thật sự cần thiết và ngắn hạn.
5. Các viên uống hỗ trợ giải tỏa lo âu
Ngoài các loại thuốc trên, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có thể sử dụng thêm một số viên uống hỗ trợ giải tỏa lo âu.
Các sản phẩm này thường chứa chiết xuất tự nhiên có khả năng chống oxy hóa, giải tỏa căng thẳng và lo âu. Một số sản phẩm còn chứa các khoáng chất và vitamin cần thiết cho quá trình tái tạo các tế bào thần kinh.
Sử dụng các loại viên uống hỗ trợ giúp tăng tuần hoàn máu lên não và tái tạo các tế bào thần kinh bị thoái hóa. Ngoài ra, thuốc cũng giúp nâng đỡ thể trạng, và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm.
Các viên uống hỗ trợ được dùng cho bệnh nhân rối loạn lo âu thường chứa vitamin D, magie, canxi, vitamin C, kẽm, chiết xuất lá bạch quả, hoa cúc,…
Xem thêm: 7 Viên TPCN hỗ trợ chữa rối loạn lo âu bạn nên biết
Một số lưu ý khi uống thuốc chống lo âu
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt và cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bệnh nhân phải chú ý một số điều sau đây:
- Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, hoặc áp dụng đơn thuốc của người khác.
- Trước khi uống thuốc nên kiểm tra liều lượng, nhãn thuốc để tránh nhầm lẫn.
- Không được tự ý tăng giảm liều dùng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
- Báo ngay với chuyên gia khi xuất hiện triệu chứng bất thường
- Không được tự ý ngưng thuốc đột ngột
- Kiên trì áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Tuyệt đối không uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, các chất gây nghiện.
- Không tự ý kết hợp các loại thuốc (bao gồm cả thuốc Đông y và viên uống hỗ trợ) nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tương tác thuốc.
Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng nên trị liệu tâm lý và xây dựng lối sống khoa học để vượt qua chứng lo âu và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Trên đây là thông tin cơ bản về các nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu được sử dụng phổ biến nhất. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để được tư vấn kỹ và chính xác hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu cần lưu ý
- Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng và chữa trị
- Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!