Chứng sợ lái xe (Amaxophobia): Phân tích những ảnh hưởng
Amaxophobia còn được gọi là hội chứng sợ lái xe. Hội chứng này không chỉ khiến người bệnh hoảng loạn, sợ hãi, khó thở khi nghĩ đến việc phải điều khiển một phương tiện giao thông , và còn khiến họ không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng do ám ảnh về tai nạn thảm khốc có thể xảy ra.
Hội chứng sợ lái xe là gì?
Hội chứng sợ lái xe Amaxophobia được xem là một chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Hội chứng này khiến người bệnh rơi vào cảm giác sợ hãi, hoảng loạn, đau khổ cùng cực khi nghĩ đến việc phải điều khiển, hoặc ngồi trên một phương tiện giao thông. Mặc dù những phương tiện này có tính an toàn cao và không gây hại cho người sử dụng, nhưng cảm giác sợ hãi sẽ vẫn đeo bám người bệnh.
Amaxophobiac cản trở cuộc sống hàng ngày và khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Hội chứng sợ lái xe không chỉ khiến ta né tránh việc tự lái xe, mà còn không muốn sử dụng các phương tiện giao thông như taxi, xe bus, máy bay, tàu hỏa,… Nỗi sợ hãi với xe cộ và việc không tự chủ khi đi lại làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, giao tiếp và những mối quan hệ xã hội.
Hội chứng sợ lái xe không phải là một trường hợp hiếm gặp. Trên thế giới vẫn có rất nhiều người chịu ảnh hưởng của hội chứng này, đặc biệt là những người đã chứng kiến hoặc trải qua những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc không. Ngoài ra, những người thường xuyên theo dõi tin tức và thống kê về những vụ tai nạn giao thông đường bộ cũng có thể rơi vào tình trạng này.
Mức độ lo sợ của từng người dành cho việc lái xe là không giống nhau. Ví dụ, có những người có thể ngồi trên chiếc xe quen thuộc, với người cầm lái là người mà họ tin tưởng như cha mẹ, anh chị, vợ chồng. Có người có thể sử dụng xe máy khi đi trên tuyến đường quen thuộc, nhưng lại lo sợ khi sử dụng phương tiện có kích thước lớn như xe hơi, xe bus, tàu thuyền, máy bay,…
Một số người thì sợ hãi lái xe trên đường cao tốc vì buộc phải lái với tốc độ nhanh, và họ chỉ có thể lái xe ở những khoảng cách ngắn, hay những khu vực ít xe cộ và người qua lại. Cũng có những người chỉ có thể cầm lái, hoặc ngồi trên xe nếu bên cạnh có những người thân quen. Họ không thể lái xe một mình vì cảm giác lo sợ luôn ám ảnh. Họ cũng sợ chở trẻ con vì lo lắng tai nạn có thể xảy ra.
Trường hợp nghiêm trọng nhất là người mắc chứng Amaxophobiac chỉ có thể đi bộ mới cảm thấy an toàn. Điều này khiến cơ hội việc làm của họ bị ảnh hưởng vì chỉ có thể tìm công việc gần nhà, hạn chế việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí để duy trì các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra họ cũng không thể đi quá xa khỏi khu vực sinh sống, không thể đi du lịch một mình, hoặc đi cùng bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.
Chính vì mức độ lo sợ của những người mắc hội chứng sợ lái xe là khác nhau tùy thuộc tình hình cụ thể, thế nên nhiều trường hợp người mắc Amaxophobiac không nhận ra tình trạng của bản thân. Họ cho rằng đây chỉ là cảm xúc nhất thời, hoặc do ám ảnh từ một trải nghiệm không tốt trong quá khứ. Theo một số nghiên cứu, Amaxophobia khá phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 33% dân số, đa phần là phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ảnh hưởng của chứng sợ lái xe
Nỗi sợ hãi phi lý khi điều khiển xe cộ hoặc khi ngồi trên xe khiến người mắc hội chứng này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi bộ, hoặc chỉ di chuyển trên những đoạn đường ngắn bằng những phương tiện quen thuộc. Cảm giác sợ hãi, lo lắng, hoảng hốt vì lo sợ xảy ra tai nạn, hoặc những hình ảnh thảm khốc về những vụ tai nạn giao thông không ngừng lặp lại trong đầu khiến họ không có can đảm cầm lái.
Điều khiến người mắc hội chứng sợ lái xe ám ảnh nhất là những tai nạn bất ngờ có thể xảy đến trong quá trình di chuyển. Ám ảnh về tổn thương trầm trọng, hoặc cái chết khiến họ không thể tự lái xe, hoặc giao phó tính mạng của mình vào tay người khác khi ngồi phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, một số trường hợp người mắc chứng sợ lái xe có thể là do ảnh hưởng của hội chứng sợ không gian hẹp, không gian kín.
Những người sống ở thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những người sống ở nông thôn hay vùng hẻo lánh khi phải đối diện với Amaxophobia. Nguyên nhân là vì nông thôn có ít xe cộ, đường xá cũng không lớn nên chủ yếu người dân sử dụng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ. Ngược lại, thành phố là nơi có nhiều xe cộ qua lại, do đó người sợ lái xe sẽ luôn chìm trong cảm giác sợ hãi, lo âu khi hàng ngày phải đối diện với các phương tiện giao thông.
Cuộc sống hối hả và quỹ thời gian eo hẹp cũng buộc ta phải tối ưu hóa thời gian di chuyển nếu không muốn lỡ việc. Đi bộ đòi hỏi thể lực và thời gian di chuyển rất dài. Thay vì tự lái xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm thời gian, sử dụng khoảng thời gian đó để làm những việc có ích hơn, ta lại lãng phí chúng vào việc di chuyển. Kết quả là công việc không đạt hiệu suất như mong muốn, mà cuộc sống cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Hội chứng sợ lái xe cũng khiến chúng ta phải lựa chọn những công việc gần nhà để khoảng cách đi lại giữa nhà và công ty ngắn, hoặc buộc phải làm tại gia để hạn chế việc di chuyển. Ngoài ra, những người mắc hội chứng sợ lái xe cũng không thể đi công tác xa hay liên tục thay đổi các phương tiện giao thông. Điều này khiến cơ hội việc làm hay cơ hội thăng tiến gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, những mối quan hệ xã hội cũng khó lòng duy trì nếu chúng ta không thường xuyên gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay gặp khách hàng trong những dịp cần thiết. Hội chứng này khiến ta dần xa cách mọi người, không thể tham dự vào những cuộc gặp gỡ, vui chơi, du lịch và dần tạo ra khoảng cách với những người xung quanh. Trạng thái này rất có hại cho sức khỏe tâm thần, dễ dẫn đến stress, trầm cảm hay các hội chứng rối loạn tâm lý khác.
Biểu hiện của hội chứng sợ lái xe
Người mắc chứng sợ lái xe sẽ có phản ứng sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn và tỏ thái độ chống cự khi rơi vào những tình huống như: tự điều khiển xe, ngồi trên phương tiện giao thông công cộng hoặc xe người khác, nhìn xe chạy ngoài đường và tưởng tượng bản thân đang ở trong xe, hoặc xem những cảnh lái xe trên phim ảnh và trò chơi điện tử. Mức độ phản ứng sẽ tùy vào nỗi sợ và tình trạng của người bệnh.
Trong cơn hoảng loạn và sợ hãi, người bị Amaxophobia có thế xuất hiện những biểu hiện sau:
- Tìm mọi cách thoát ra khỏi xe, thoát khỏi nơi có nhiều xe cộ, hoặc quay mặt đi và đến chỗ khác nếu những hình ảnh này xuất hiện trên màn hình tivi.
- Từ chối lái xe trong mọi trường hợp, có thái độ né tránh và không muốn ngồi trên xe của người khác.
- Cảm giác ớn lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh gây khó thở.
- Cảm giác buồn nôn và khó chịu
- Đau thắt phần ngực do căng thẳng và hoảng loạn.
- Có cảm giác đau đầu, chóng mặt, đầu óc lang lâng khiến ta không thể giữ thăng bằng , dễ té ngã.
- Đổ mồ hôi lạnh, tay chân lạnh ngắt và run rẩy, tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng, bức bối, khó chịu khi nghĩ đến việc phải ngồi trong xe, hay tự điều khiển xe.
- Suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra khi lái xe như động cơ xe bị hư, mất lái, tai nạn giao thông,…
- Lo sợ khi phải cầm lái vào những lúc thời tiết xấu (tuyết rơi, sương mù, mưa to, bão lụt,…), vào lúc trời tối và tại những đoạn đường đông đúc. Ngoài ra, ám ảnh vì những tai nạn có thể xảy ra khiến họ từ chối chở chở trẻ em, phụ nữ mang thai, và người cao tuổi.
Những biểu hiện này xuất hiện cả khi người bệnh lái xe, hoặc khi được người khác chở. Biểu hiện rõ ràng hay mãnh liệt là tùy vào từng tình huống cụ thể, cũng như khả năng chịu đựng của người bệnh. Một số người có thể xuất hiện những triệu chứng nên trên, người người đó lại không mắc hội chứng Amaxophobia. Muốn chẩn đoán chính xác ta cần sự giúp đỡ của bác sĩ để được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Nguyên nhân gây ra chứng sợ lái xe
Hội chứng sợ lái xe Amaxophobia còn được gọi là Hemaxophobia, Ochophobia và Motorphobia. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể liệt kê ra một số yếu tố góp phần ảnh hưởng và kích phát tình trạng này ở người. Những yếu tố này bao gồm di truyền, sang chấn tâm lý, yếu tố môi trường, bệnh lý rối loạn tâm thần, hoặc một số yếu tố khách quan khác.
- Di truyền học: Tình trạng sợ hãi và ám ảnh một sự vật, sự việc nào đó được cho là có liên quan đến tính trạng di truyền. Tỷ lệ những người trong gia đình có huyết thống trực hệ như cha mẹ – con cái, anh chị em ruột, đặc biệt là những cặp sinh đôi, cùng mắc một chứng rối loạn tâm thần là rất cao. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, những đối tượng này có thể có một số ám ảnh tâm lý tương tự. Nếu một thành viên trong nhà mắc chứng rối loạn lo âu hay ám ảnh, những thành viên khác cũng có nguy cơ cao rơi vào tình trạng tương tự.
- Sang chấn tâm lý: Việc bạn tận mắt chứng kiến, hoặc trực tiếp trải qua một vụ tai nạn giao thông, đều có thể để lại bóng ma tâm lý khó phai mờ. Sang chấn tâm lý sau tai nạn sẽ khiến bạn ám ảnh nặng nề, không dám lái xe hoặc ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng. Bởi vì mỗi lúc như vậy, những ám ảnh về tai nạn lại hiện về và khiến bạn mất bình tĩnh. Có nhiều trường hợp những người mất lái vô tình gây tai nạn bị ám ảnh tâm lý trong thời gian dài, đến mức mất đi năng lực lái xe. Họ cần đi điều trị tâm lý rất lâu để thoát khỏi ám ảnh.
- Môi trường sống: Nếu bạn thường xuyên nghe về những vụ tai nạn xe cộ từ những người xung quanh, hoặc chứng kiến sự hoảng loạn, sợ hãi của người mắc hội chứng này trong thời gian dài, có thể bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Ví dụ nếu cha mẹ mắc hội chứng sợ lái xe thì con cái của họ, kể cả con ruột và con nuôi, đều có nguy cơ rơi vào ám ảnh tương tự. Việc liên tục tiếp thu những hình ảnh và cảm giác về nỗi sợ của những người thân cũng khiến trẻ phát triển nỗi sợ và ám ảnh với việc lái xe.
- Ảnh hưởng từ các chứng rối loạn tâm thần khác: Chứng sợ lái xe có thể xuất hiện do ảnh hưởng của một số hội chứng rối loạn lo âu khác như chứng sợ không gian kín, sợ không gian hẹp, sợ máy bay, sợ bị giam cầm,… Có không ít những trường hợp người được phát hiện mắc chứng sợ lái xe cũng mắc những chứng rối loạn khác.
Có thể tồn tại những nguyên nhân khác nằm ngoài những nguyên nhân nêu trên mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra. Những sự kiện trong đời và những tác động khách quan sẽ ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau. Do đó, những ám ảnh mà chúng mang đến cũng sẽ không giống nhau. Trong cùng một sự kiện, sẽ có người bị ám ảnh, nhưng có người lại không.
Cách vượt qua hội chứng sợ lái xe
Hội chứng sợ lái xe gây ra rất nhiều phiền toái không đáng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập và các hoạt động hàng ngày. Vì thế việc phát hiện và điều tri sớm có thể giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi ám ảnh, hạn chế những triệu chứng và ảnh hưởng xấu mà Amaxophobia mang đến cho tinh thần. Hiện nay việc điều trị sẽ xoay quanh sử dụng thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp thực tế ảo.
1. Liệu pháp thực tế ảo
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã mang đến những thành tựu kỹ thuật to lớn, và có thể áp dụng vào nhiều vấn đề trong cuộc sống. Công nghệ thực tế ảo, hay công nghệ VR, ngày nay được ứng dụng một cách rộng rãi trong đời sống, đặc biệt là trong việc điều trị các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi. Phương pháp này an toàn và mang đến hiệu quả điều trị khả quan cho nhiều bệnh nhân.
Vượt qua nỗi sợ lái xe là một thách thức lớn với người mắc Amaxophobia, nhưng không phải là không thể với sự giúp đỡ của thực tế ảo. Các chuyên gia và các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, điều chỉnh và chuẩn hóa các thông số dựa theo từng tình huống cụ thể của người bệnh. Trải nghiệm lái xe thông qua VR mang đến sự chân thực nhất có thể, và luôn an toàn khi nằm trong sự kiểm soát.
Những ảnh hưởng mà Amaxophobia mang đến có thể được cải thiện một cách hiệu quả thông qua liệu pháp thực tế ảo. Bằng cách đặt một cá nhân vào những môi trường lái xe khác nhau và thay đổi các thông số tùy theo tình hình thực tế, cơ thể sẽ dần đối mặt với việc lái xe một cách tự nhiên hơn. Kết quả thu lại vô cùng khả quan cho thấy rằng, phương pháp này thật sự có hiệu quả.
Việc sử dụng thực tế ảo giảm thiểu đáng kể mức độ lo lắng của người mắc chứng Amaxophobia so với trải nghiệm lái xe thực tế. Cảm giác chân thật mà phương pháp này mang đến giúp người bệnh có cảm giác như đang lái xe thật sự trên đường, từ đó dần làm quen với cảm giác về tốc độ và cảm giác lái xe. Nếu có bất cứ sự cố hay phản ứng nghiêm trọng nào của cơ thể, các bác sĩ có thể cho dừng trải nghiệm ngay lập tức.
2. Tư vấn tâm lý
Tư vấn tâm lý là liệu pháp không thể thiếu nhằm giúp bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ hãi, thay đổi hành vi, suy nghĩ và có quyết tâm vượt qua ám ảnh đeo bám. Việc cứ giữ mãi những suy nghĩ tiêu cực, những ám ảnh về tai nạn trong quá khứ, hoặc lo sợ những sự cố có thể xảy ra trong tương lai sẽ khiến ta mãi bị vây trong nỗi sợ vô lý mà không thể thoát ra được. Chấp nhận đối mặt mới là điều nên làm để vượt qua ám ảnh.
Hiện nay liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) vẫn là liệu pháp được sử dụng phổ biến và có tác dụng tốt nhất trong điều trị những ám ảnh hoảng sợ. Bằng cách giúp người sợ lái xe nhận ra cảm giác lo lắng, hoảng loạn của mình là vô lý, và việc lái xe hay ngồi trên các phương tiện giao thông không mang đến nguy hiểm, họ sẽ tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của bản thân để vượt qua ám ảnh.
Liệu pháp tiếp xúc cũng có thể được sử dụng nếu không có sự giúp đỡ của công nghệ thực tế ảo. Liệu pháp tiếp xúc và công nghệ VR đều giúp người bệnh đối diện với nỗi sợ và dần làm quen, nhưng liệu pháp tiếp xúc chân thực và dễ gây phản ứng mạnh hơn. Người sợ lái xe ban đầu sẽ được tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh thông qua giấy và video. Sau đó từ từ được đưa vào môi trường thực tế.
Liệu pháp này yêu cầu thời gian lâu và sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Việc để người bệnh tiếp xúc với những môi trường thực tế có thể mang đến những rủi ro không lường trước. Tuy nhiên, đây lại là cách hiệu quả và nhanh chóng nhất vì đánh thăng vào nỗi sợ của người trong quá trình điều trị. Liệu pháp tiếp xúc thường đi kèm thuốc để giảm căng thẳng và giúp người tham gia bình tĩnh hơn.
3. Sử dụng thuốc
Amaxophobia có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống lo âu hay một số loại thuốc khác theo từng tình huống nhất định. Những loại thuốc này không có tác dung chữa chứng sợ lái xe, mà dùng để ngăn chặn tình trạng hoảng loạn, tránh tình trạng người bệnh vì quá hoảng sợ mà mất khống chế cảm xúc. Việc sử dụng thuốc sao cho đúng cách sẽ được hướng dẫn cụ thể trong quá trình điều trị.
Sử dụng thuốc trong điều trị có những mặt tốt và mặt xấu. Người dùng phải chấp nhận một số vấn đề có thể phát sinh như: thuốc không có tác dụng/tác dụng chậm, liều lượng quá thấp/quá cao, tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe, và buộc phải kiêng bia rượu và chất kích thích trong thời gian điều trị để tránh tương tác thuốc có hại. Nếu cảm thấy thuốc không có tác dụng hoặc xuất hiện tình trạng dị ứng cần báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
Hội chứng sợ lái xe ảnh hưởng đến rất nhiều người, và khiến họ gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Tuy nhiên những liệu pháp điều trị hiện nay đã tiên tiến và hiệu quả hơn, và cho thấy những chuyển biến tích cực trong quá trình cải thiện ảnh hưởng của hội chứng này. Do đó, hãy liên hệ với bác sĩ và chuyên gia tâm lý sớm để được điều trị sớm, giảm thiểu triệu chứng có hại và nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng Megalophobia: Nỗi sợ về những thứ siêu to, khổng lồ
- Hội chứng sợ hóa chất (Chemophobia) và những vấn đề ảnh hưởng
- Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia): Nguyên nhân và Cách chữa
- Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!