Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ và cách chữa trị an toàn
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ rất đa dạng vì vậy các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát để có thể phát hiện kịp thời. Bởi nếu tình trạng bệnh kéo dài thì có thể tác động đến cảm xúc, hành vi và cản trở quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là một thuật ngữ để miêu tả về giai đoạn khi trẻ đang ngủ tốt bất ngờ thức giấc nhiều lần trong đêm, thời gian ngủ rút ngắn nhưng không rõ nguyên do. Giai đoạn này thường sẽ kéo dài khoảng 30 ngày hoặc có trường hợp duy trì trong vài tháng.
Thông thường, đối với một người trưởng thành cần đảm bảo giấc ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em thời gian ngủ sẽ dài hơn, tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ mà giấc ngủ cũng sẽ có sự khác biệt.
- Trẻ sơ sinh: ngủ từ 16 đến 18 giờ /ngày, trẻ sẽ ngủ hầu hết thời gian trong ngày, trừ những lúc thức để ăn.
- Trẻ từ 2-12 tháng: cần ngủ từ 14 đến 16 giờ /ngày
- Trẻ từ 13- 36 tháng: cần ngủ từ 12 đến 14 giờ /ngày
- Trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi: cần ngủ từ 10 đến 12 giờ /ngày
- Từ 6 tuổi 10 tuổi: cần ngủ từ 10 đến 11 giờ /ngày
- Từ 10 tuổi trở lên: thời gian ngủ bằng người lớn 8 giờ/ngày
Bên cạnh việc đảm bảo thời gian ngủ, trẻ cũng cần đi ngủ đúng giờ, đặc biệt là giấc ngủ vào ban đêm. Phụ huynh không nên để trẻ thức quá khuya, các chuyên gia khuyên rằng trẻ nhỏ nên ngủ trước 21 giờ mỗi ngày. Bởi vì khi ngủ quá muộn sẽ làm giảm hàm lượng hormone của thùy sau tuyến yên khiến trẻ chậm phát triển.
Do đó, khi trẻ không được đảm bảo về thời gian ngủ hoặc có dấu hiệu thường xuyên tỉnh giấc lúc đêm thì nguy cơ mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em rất cao.
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ
Nếu trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc do ban ngày bé hoạt động, vui chơi quá nhiều khiến cho giấc ngủ không được trọn vẹn về đêm thì là một tình trạng hết sức bình thường. Các bậc phụ huynh chỉ cần nhanh chóng thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt của bé hoặc hỗ trợ điều trị bệnh sẽ giúp bé phục hồi tốt hơn.
Thế nhưng nếu trẻ thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ chập chờn, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, không thể tự ngủ thì cha mẹ cũng cần quan tâm bởi vì trẻ có thể mắc phải các loại rối loạn giấc ngủ sau đây. Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ bị rối loạn giấc ngủ như:
- Ngủ gật, thường xuyên ngáp.
- Mí mắt sụp
- Cơ thể mệt mỏi, không có sức sống, lờ đờ.
- Chậm chạp, không hứng thú để tham gia các hoạt động vui chơi.
Tuy nhiên, dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ còn phải tùy thuộc vào từng dạng bệnh khác nhau. Dưới đây là một số hội chứng rối loạn giấc ngủ mà trẻ em có thể gặp phải.
1. Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên hay còn được gọi tắt với tên là RLS (Restless legs syndrome). Đây là một chứng bệnh thường xảy ra đối với những người trưởng thành, tuy nhiên trong các nghiên cứu gần đây có thấy một số trường hợp bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ em.
Triệu chứng đặc trưng khi trẻ mắc phải hội chứng này là bé sẽ có cảm giác như đang có con vật hoặc đồ vật nào đó đang bò trên chân khiến trẻ cảm thấy khó chịu và phải cử động chân thường xuyên. Khi cha mẹ biết được dấu hiệu của bệnh, cần nhanh chóng đưa bé đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Chứng ngưng thở lúc ngủ
Chứng ngưng thở lúc ngủ có thể xuất hiện ở người trưởng thành và cả trẻ nhỏ, tuy nhiên nó sẽ mang tính chất nguy hiểm hơn đối với trẻ em, đặc biệt là các bé sơ sinh. Khi mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ này, trẻ sẽ thường ngưng thở khi ngủ trong khoảng 10 giây trở lên, điều này khiến cho trẻ không thể tiếp tục giấc ngủ và bắt buộc phải tỉnh giấc.
Khi trẻ gặp phải chứng bệnh này thường sẽ xuất hiện các dấu hiệu nhận biết như ngủ hở miệng, ngáy to, mệt mỏi, ngủ gật, lờ đờ vào ban ngày. Nếu tình trạng này kéo dài và không được can thiệp sẽ gây nên những ảnh hưởng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và nhiều khả năng khiến trẻ gặp phải các vấn đề về tim mạch.
3. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ kinh hoàng sẽ khiến trẻ thường xuyên gặp phải ác mộng, trẻ sẽ dễ bị kích động, mất kiểm soát kèm theo các triệu chứng như khóc thét, ha hét, hoảng loạn, thậm chí có thể tự ý rời khỏi giường, mộng du, đi lang thang xung quanh. Tuy nhiên, sau khi bé hoàn toàn tỉnh táo sẽ không thể ghi nhớ được những điều đã diễn ra trước đó.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng sẽ khiến cho bé dễ gặp phải ác mộng trong khoảng 90 phút đầu sau khi chìm vào giấc ngủ và hiện tại vẫn chữa có biện pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng có thể giúp trẻ kiểm soát tốt triệu chứng bằng các thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hàng ngày của trẻ.
Những nguyên nhân nào gây rối loạn giấc ngủ của trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, các chuyên gia đã thống kê và phân chia thành 2 loại đó là nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân sinh lý, cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân sinh lý
Theo nghiên cứu và nhận định từ các chuyên gia thì có 2 dạng giấc ngủ REM và NREM. Trong đó, giấc ngủ REM chỉ chiếm khoảng 25% tổng thời gian ngủ nhưng giấc ngủ NREM lại chiếm đến 75% thời gian ngủ đối với người trưởng thành. Riêng với trẻ em thì giấc ngủ REM sẽ chiếm khoảng 50% thời gian ngủ, một điểm đặc biệt đó chính là trong giấc ngủ REM của trẻ các cơ quan sẽ được gia tăng hoạt động.
Điển hình như là tình trạng tim đập nhanh hơn, não gia tăng tốc độ chuyển híoas, thở nhanh hơn so với bình thường,…Do đó, chỉ cần một cử động nhỏ hoặc tiếng động nào đó cũng có khả năng làm cho bé tỉnh giấc và điều này sẽ làm cho bé tỉnh ngủ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn trẻ đang phát triển cũng sẽ có những thời điểm khiến giấc ngủ của trẻ không được trọn vẹn, trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc, ngủ không đủ giấc. Một số yếu tố gây nên tình trạng này có thể kể đến như sắp mọc răng, vận động quá nhiều vào ban ngày, trẻ sắp bò, ăn quá no trước khi ngủ,….
2. Nguyên nhân bệnh lý
Còi xương là một trong các bệnh lý chiếm tỉ lệ cao gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ. Bên cạnh đó, những vấn đề về hô hấp, não bộ, tim mạch, tiêu hóa cũng là yếu tố làm gia tăng căn bệnh này.
Những trẻ mắc phải các căn bệnh mạn tính như đau chướng bụng, hen phế quản, đầy hơi, kích thích thần kinh, chứng tăng động, rối loạn tập trung sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây nên các tác động xấu về giác ngủ.
3. Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý thì tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em cũng có thể bắt nguồn từ các yếu tố như:
- Cho trẻ ngủ sai cách: Trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày hoặc lệ thuộc vào các yếu tố như nôi điện, võng,…
- Phòng ngủ của trẻ không đủ không khí, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, nhiều tiếng ồn, ánh sáng quá chói,…
- Điều kiện vệ sinh kém như giường chiếu không sạch sẽ, tả ướt, quần áo bẩn, viêm da,….
Làm gì khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ?
Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là chậm quá trình phát triển tự nhiên, cản trở hoặc làm suy giảm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Do đó, khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ, các bậc phụ huynh nên chú ý một số điều sau đây.
Những việc nên làm:
- Rèn luyện những thói quen tốt cho trẻ trước khi đi ngủ như rửa tay chân, rửa mặt, tắm, thay quần áo sạch sẽ, thoáng mát, dễ chịu…Cha mẹ nên duy trì thực hiện đều đặn và liên tục để tạo cho bé một phản xạ có điều kiện.
- Tạo cho bé cảm giác an toàn trước khi đi ngủ, phụ huynh có thể cho trẻ mang theo những vật yêu thích như gối ôm, gấu bông, búp bê khi ngủ.
- Duy trì và tập cho bé thói quen ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định, kể cả những trẻ đang đi học và được nghỉ vào cuối tuần.
- Có thể tham khảo và áp dụng một số loại thảo dược thiên nhiên để giúp trẻ xoa dịu thần kinh. Tuy nhiên, các biện pháp này cần được sự hướng dẫn và cho phép của các chuyên gia để có thể sử dụng với liều lượng phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Những việc không nên làm:
- Phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ, điều này sẽ khiến cho hệ tiêu hóa bị rối loạn, làm cho tình trạng rối loạn giấc ngủ càng trở nên nghiêm trọng.
- Nên giúp trẻ phân biệt chính xác về ngày và đêm. Tốt nhất cha mẹ nên chú ý về ánh sáng và nhiệt độ của phòng. Vào ban ngày nên để chó ánh sáng được chiếu vào phòng và hạn chế lại khi trời về đêm.
- Không có trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như xem tivi, điện thoại, chơi game hoặc vận động, vui chơi quá nhiều trước khi đi ngủ.
- Không được cho bé sử dụng quá nhiều thuốc trước khi ngủ. Một số loại thuốc bổ, vitamin có thể làm cho hệ thần kinh bị kích thích gây nên tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc ở trẻ nhỏ.
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn giấc ngủ thường rất đa dạng và còn tùy thuộc vào hội chứng giấc ngủ mà trẻ gặp phải. Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế những tác hại xấu cho con, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa ngay khi nhận thấy những biểu hiện của bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Bị rối loạn giấc ngủ nên khám và điều trị ở đâu tốt?
- Chứng mất ngủ – hay quên của dân văn phòng: nguyên nhân, cách điều trị
- 8 Cách chữa rối loạn giấc ngủ tại nhà không cần dùng thuốc
- Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!