Rối loạn ác mộng và các giải pháp giúp bạn lấy lại giấc ngủ ngon
Rối loạn ác mộng đặc trưng bởi các cơn ác mộng lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc, khiến cho tinh thần trở nên căng thẳng, thậm chí lo lắng và sợ hãi khi đến giờ ngủ. Chứng bệnh này thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng có các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Rối loạn ác mộng là gì?
Ác mộng là những giấc mơ gây ra những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, kinh hoàng, tức giận, hoảng loạn,… Hầu như tất cả mọi người đều ít nhất một lần mơ thấy ác mộng. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, rất có khả năng đây là biểu hiện của rối loạn ác mộng.
Rối loạn ác mộng (Nightmare Disorder) là một trong những dạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi việc thường xuyên mơ thấy ác mộng. Cảm xúc tiêu cực từ giấc mơ gây ra trạng thái căng thẳng, sợ hãi và làm gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh sợ hãi không dám chợp mắt, sức khỏe suy kiệt, mệt mỏi vào ban ngày.
Theo thống kê, trẻ từ 3 – 6 tuổi là đối tượng dễ mơ thấy ác mộng nhất. Lúc này trẻ có nhiều nỗi sợ như sợ ma, sợ quái vật, ác quỷ,… Nỗi sợ chi phối khiến trẻ thường xuyên gặp phải những giấc mơ có tính chất tiêu cực. Tuy nhiên, ác mộng sẽ giảm dần khi trưởng thành và đa phần chỉ xuất hiện khi thần kinh căng thẳng hoặc khi gặp phải biến cố lớn.
Ước tính, rối loạn ác mộng ảnh hưởng đến khoảng 2 – 6% người trưởng thành và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Thống kê dịch tễ học cho thấy, phụ nữ từ 20 – 39 tuổi là đối tượng dễ mắc phải chứng bệnh này. Sau độ tuổi 50 – 59, tỷ lệ nam – nữ mắc chứng rối loạn ác mộng không có sự chênh lệch.
Rối loạn giấc ngủ nói chung và rối loạn ác mộng nói riêng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, tâm thần. Ngoài những ảnh hưởng như lờ đờ, thiếu tỉnh táo, suy nhược cơ thể,… chất lượng giấc ngủ giảm sút còn gia tăng các vấn đề tâm lý. Do đó, trang bị những hiểu biết về rối loạn ác mộng để kịp thời chẩn đoán và điều trị là vô cùng cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn ác mộng
Rối loạn ác mộng đặc trưng bởi việc gặp phải ác mộng một cách thường xuyên. Những giấc mơ có tính chất tiêu cực xảy ra với tần suất dày đặc khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn. Tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi và rất khó có thể chìm vào giấc ngủ trở lại.
Rối loạn ác mộng dễ bị nhầm lẫn với ác mộng thông thường. Những dấu hiệu sau sẽ giúp nhận diện chứng bệnh này trong thời gian sớm nhất:
- Thường xuyên xuất hiện ác mộng trong giấc ngủ (những giấc mơ có nội dung kinh hoàng để lại cảm xúc đau khổ, sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, tức giận, buồn bã,…).
- Ác mộng xảy ra thường xuyên khiến người bệnh không ngừng suy nghĩ về giấc mơ. Tinh thần trở nên căng thẳng, lo lắng và thậm chí nhiều người sợ hãi không dám chợp mắt.
- Các cơn ác mộng lặp đi lặp lại gây cản trở giấc ngủ và khiến cơ thể mệt mỏi, lờ đờ. Khả năng tập trung, trí nhớ giảm sút và khó có thể duy trì hiệu suất công việc như trước.
- Cơ thể giảm năng lượng và mất đi những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng,… do bị nỗi sợ, sự lo lắng chi phối.
- Một số người có xu hướng sợ bóng tối và cảm giác lo lắng tăng lên khi đến gần giờ ngủ.
Rối loạn ác mộng được xác định khi gặp phải ác mộng ít nhất 5 lần/ tuần. Đồng thời sự xuất hiện của ác mộng phải gây ra những cảm xúc tiêu cực và làm cản trở cuộc sống hằng ngày. Mức độ ảnh hưởng sẽ có sự khác biệt tùy theo tần suất, cường độ cảm xúc do giấc mơ gây ra.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ác mộng
Rối loạn ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Giai đoạn này sẽ xuất hiện sau khoảng 70 – 90 phút kể từ khi ngủ. Ác mộng xảy ra trong giai đoạn REM khiến giấc ngủ bị gián đoạn và bệnh nhân khó có thể ngủ trở lại.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ác mộng vẫn chưa được biết rõ. Dù vậy, qua những nghiên cứu đã được thực hiện, một số yếu tố sau đã được xác định có liên quan đến chứng bệnh này:
- Căng thẳng thần kinh: Những người bị căng thẳng trường diễn sẽ có nguy cơ mắc phải các rối loạn giấc ngủ nói chung và rối loạn ác mộng nói riêng. Đặc biệt, người vừa trải qua các biến cố lớn sẽ dễ gặp phải ác mộng. Biến cố có tính chất càng nghiêm trọng thì tần suất, cường độ cảm xúc mà ác mộng gây ra càng lớn.
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): PTSD là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn ác mộng. Sang chấn quá lớn từ các biến cố khiến não bộ bị tổn thương và phản ứng bằng cách tái hiện lại bằng giấc mơ. Hầu hết giấc mơ có liên quan đến biến cố nên đa phần đều gây ra những cảm xúc tiêu cực.
- Tác dụng phụ của thuốc: Rối loạn ác mộng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson, thuốc chẹn beta,… Sau khi ngưng thuốc, tình trạng này thường sẽ thuyên giảm dần. Tuy nhiên nếu rối loạn ác mộng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi thuốc hoặc can thiệp các biện pháp cải thiện.
- Thiếu ngủ dài ngày: Rối loạn ác mộng có thể là hậu quả do thiếu ngủ dài ngày. Không ngủ đủ giấc trong một thời gian dài khiến các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ bị rối loạn. Nếu thường xuyên thay đổi giờ ngủ và múi giờ, xuất hiện ác mộng liên tục là điều khó có thể tránh khỏi.
- Nghiện rượu, chất kích thích: Rối loạn ác mộng thường gặp ở người nghiện rượu và chất kích thích. Về cơ bản, chất gây nghiện có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Khi sử dụng dài ngày sẽ gây rối loạn trong não bộ, từ đó gia tăng các vấn đề về giấc ngủ như ngủ chập chờn, khó ngủ, thiếu ngủ, ác mộng,…
- Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): Kết quả từ cuộc nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn ác mộng cho thấy, 95.5% người bị BPD có biểu hiện rối loạn giấc ngủ và 49% thường xuyên gặp phải ác mộng. Do đó, BPD là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn ác mộng.
- Rối loạn phân ly: Rối loạn phân ly đặc trưng bởi tình trạng cảm xúc, suy nghĩ và cảm nhận của người bệnh gần như bị tách rời. Tình trạng này thường gặp chủ yếu ở nữ giới với nguyên nhân không rõ ràng. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 57% người bị rối loạn phân ly thường xuyên gặp phải ác mộng.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác: Các chuyên gia nhận thấy, rối loạn ác mộng thường gặp ở người các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thường gặp nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần ở bệnh nhân ung thư, người có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng,…
- Di truyền: Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng nguy cơ mắc chứng rối loạn ác mộng có thể gia tăng nếu tiền sử gia đình mắc chứng bệnh này. Ngoài ra, tỷ lệ bị rối loạn ác mộng cũng tăng lên khi bố mẹ, anh chị em ruột bị mộng du và các rối loạn giấc ngủ khác.
Rối loạn ác mộng – Mối nguy đối với giấc ngủ và sức khỏe
Tương tự như các rối loạn giấc ngủ khác, rối loạn ác mộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Trạng thái căng thẳng, sợ hãi do ác mộng gây ra khiến bệnh nhân thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và khó có thể ngủ trở lại.
Chất lượng, số lượng giấc ngủ sụt giảm sẽ kéo theo tinh thần đi xuống. Bệnh nhân thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, ủ rũ, mệt mỏi, chán chường, thiếu tập trung và không thể làm việc hết năng suất. Chất lượng giấc ngủ kém cũng khiến cho các cơ quan trong cơ thể không được tái tạo, phục hồi. Từ đó gây ra nhiều vấn đề về thể chất như đau đầu, suy nhược, cơ thể xanh xao và hệ miễn dịch suy giảm.
Ngoài ra, gặp phải ác mộng thường xuyên sẽ khiến cho tâm lý bị ảnh hưởng. Bệnh nhân căng thẳng kéo dài, đôi khi sợ hãi và lo lắng khi đến gần giờ ngủ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể phải đối mặt với chứng trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Một số nghiên cứu đã được thực hiện cũng cho thấy, ác mộng làm gia tăng nguy cơ và hành vi tự tử. Những giấc mơ mang tính chất tiêu cực sẽ kéo theo một loạt các cảm xúc như căng thẳng, sợ hãi, hoảng loạn, bồn chồn,… Cảm xúc tích tụ ngày qua ngày sẽ thôi thúc hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi sự giày vò và mặc cảm tội lỗi.
Rối loạn ác mộng còn làm gia tăng nguy cơ gặp phải tai nạn do thiếu tỉnh táo khi điều khiển phương tiện giao thông. Thiếu cẩn trọng khi làm việc trên cao và những công việc nguy hiểm.
Tóm lại, rối loạn ác mộng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng giấc ngủ giảm còn làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có. Đồng thời gia tăng tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân có sẵn các vấn đề tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn phân ly, rối loạn hoang tưởng,…
Chẩn đoán rối loạn ác mộng
Rối loạn ác mộng dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn giấc ngủ khác. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh dễ bị nhập nhằng với biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hiện tại, không có bất cứ xét nghiệm nào để chẩn đoán chứng bệnh này. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh lý và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.
- Khai thác tiền sử bệnh lý: Trước tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh để xác định xem có yếu tố nào gia tăng nguy cơ gặp ác mộng hay không. Trường hợp có các vấn đề sức khỏe tâm thần, bệnh nhân sẽ được chuyển sang khoa Tâm thần để thuận tiện cho việc chẩn đoán và điều trị.
- Khai thác triệu chứng: Ngoài khai thác tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ cũng sẽ tìm hiểu các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Rối loạn ác mộng đặc trưng bởi sự xuất hiện thường xuyên của ác mộng (>5 lần/ tuần), số lượng – chất lượng giấc ngủ sụt giảm gây ra ảnh hưởng đáng kể trong cuộc sống hằng ngày.
- Đo đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ theo dõi sóng não, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và chuyển động mắt. Kết quả của kỹ thuật này có thể loại trừ một số vấn đề sức khỏe có triệu chứng tương tự.
Trong thực tế, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nhiều kỹ thuật khác để phục vụ cho quá trình chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị rối loạn ác mộng
Rối loạn ác mộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Ác mộng xuất hiện thường xuyên còn khiến cho các vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và làm gia tăng hành vi tự tử.
Hiện nay, không có phác đồ thống nhất cho bệnh nhân rối loạn ác mộng. Phương pháp điều trị được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.
Các phương pháp được xem xét trong điều trị rối loạn ác mộng bao gồm:
1. Liệu pháp hóa dược
Trường hợp ác mộng có tính chất kinh hoàng gây ra cảm xúc mạnh mẽ, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng một số loại thuốc. Trên thực tế, liệu pháp hóa dược chủ yếu được chỉ định cho bệnh nhân PTSD.
Prazosin là loại thuốc có hiệu quả nhất trong việc cải thiện tình trạng ác mộng có liên quan đến PTSD – rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Thực tế, đây là loại thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp. Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, loại thuốc này thật sự có hiệu quả giảm các cơn ác mộng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên khi điều trị rối loạn ác mộng. Sử dụng thuốc có thể giảm các cơn ác mộng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bác sĩ sẽ đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định thuốc cho bệnh nhân.
2. Trị liệu tâm lý
Phần lớn các trường hợp rối loạn ác mộng đều có liên quan đến những vấn đề sức khỏe tâm thần như PTSD, trầm cảm, rối loạn phân ly,… Vì vậy, trị liệu tâm lý là phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị.
Trị liệu tâm lý sẽ giúp bệnh nhân tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực, giảm sự đau khổ và căng thẳng sau những biến cố lớn trong cuộc sống. Chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của bệnh nhân để lên kế hoạch trị liệu phù hợp.
Các phương pháp trị liệu tâm lý được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn ác mộng:
- Liệu pháp tiếp xúc và thư giãn
- Liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT)
Mục tiêu khi can thiệp trị liệu tâm lý là giảm tần suất của các cơn ác mộng liên quan đến rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Ngoài ra, trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ giúp bệnh nhân xoa dịu cảm xúc tiêu cực và xây dựng thói quen ngủ lành mạnh.
3. Điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Rối loạn ác mộng hiếm khi xảy ra đơn độc mà thường có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ sàng lọc để tìm ra bệnh lý nguyên nhân. Bên cạnh trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc, điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thật sự hữu ích trong việc cải thiện triệu chứng của rối loạn ác mộng.
Khắc phục rối loạn ác mộng bằng biện pháp tại nhà
Rối loạn ác mộng là vấn đề cần được cải thiện sớm để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hiện nay, lựa chọn điều trị cho bệnh lý này còn khá hạn chế.
Sử dụng thuốc hay liệu pháp tâm lý chỉ góp phần làm giảm ác mộng, giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực. Để có thể cải thiện rối loạn ác mộng hiệu quả, bệnh nhân nên thực hiện thêm một số biện pháp khắc phục tại nhà sau đây:
1. Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ có hiệu quả trong việc cải thiện các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ chập chờn, rối loạn ác mộng, rối loạn nhịp sinh học,… Biện pháp này giúp hình thành thói quen ngủ lành mạnh, qua đó giảm tần suất của các ác mộng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Vệ sinh giấc ngủ bao gồm các hoạt động giảm kích thích lên não bộ trước giờ ngủ như tránh vận động mạnh, ăn quá no, sử dụng rượu bia, cà phê, hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử,…
Ngoài ra, để ngủ ngon giấc và hạn chế căng thẳng, có thể thực hiện thêm một số biện pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu, tắm nước ấm và massage. Nên giữ không gian yên tĩnh và có thể đốt nến thơm để có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Vệ sinh giấc ngủ không thể mang lại kết quả ngay mà cần thực hiện đều đặn trong một thời gian dài. Không chỉ riêng bệnh nhân rối loạn giấc ngủ, người bị căng thẳng thần kinh và trầm cảm cũng có thể áp dụng những cách này để cải thiện giấc ngủ.
2. Học cách bình tĩnh sau khi gặp ác mộng
Ác mộng để lại cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, thường là sự sợ hãi, kinh hoàng, lo lắng và bồn chồn. Những cảm xúc tiêu cực này chi phối khiến bệnh nhân khó có thể ngủ trở lại. Để cải thiện, người bệnh nên học cách lấy lại bình tĩnh và tự trấn an sau khi gặp ác mộng.
Một trong những cách để lấy lại bình tĩnh là hít thở sâu. Nếu cần thiết, có thể ngồi thiền trong 20 – 30 phút. Trạng thái thiền định sẽ giúp xua tan cảm giác sợ hãi, kinh hoàng, từ đó đưa tinh thần trở lại trạng thái ổn định và giúp người bệnh trở lại giấc ngủ.
3. Viết lại/ chia sẻ giấc mơ
Các chuyên gia nhận thấy rằng, việc viết ra hoặc chia sẻ giấc mơ sẽ làm giảm bớt sự kinh hoàng và sợ hãi. Ngoài ra khi nói về ác mộng, những hình ảnh trong giấc mơ sẽ không ám ảnh dai dẳng quá lâu như khi giữ chúng trong lòng.
Dần dần, bệnh nhân có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực khi gặp phải ác mộng. Từ đó chất lượng giấc ngủ và sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể.
4. Sử dụng đèn ngủ
Một số nghiên cứu cho thấy, bật đèn ngủ có thể giảm bớt cảm giác sợ hãi khi gặp phải ác mộng. Ánh sáng từ đèn có thể trấn an bệnh nhân khỏi cảm giác lo lắng và sợ hãi. Ngoài ra, có thể tạo cảm giác an toàn khi ngủ bằng cách ôm gấu bông hoặc gối ôm.
5. Hạn chế bia rượu, chất gây nghiện
Chất gây nghiện và đồ uống chứa cồn tác động tiêu cực đến sức khỏe nói chung và giấc ngủ nói riêng. Nếu có các vấn đề về giấc ngủ, nên hạn chế những loại thức uống này. Kiêng cữ bia rượu, chất gây nghiện,… có thể giảm bớt cường độ của các cảm xúc tiêu cực do rối loạn ác mộng gây ra.
Rối loạn ác mộng là một trong những loại rối loạn giấc ngủ hiếm gặp. Chứng bệnh này chưa được biết đến quá nhiều nên đa phần bệnh nhân đều không được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, nên tìm gặp bác sĩ sớm để được hỗ trợ. Tránh tâm lý chủ quan khiến cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống giảm sút.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc điều trị khó ngủ – mất ngủ và những thông tin cần biết
- 8 Cách chữa rối loạn giấc ngủ tại nhà không cần dùng thuốc
- Rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (DSPD) là gì? Chữa trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!