8 hành vi của Cha Mẹ khiến con bị stress
Những hành vi thường ngày của cha mẹ đôi lúc có thể khiến con trẻ bị stress và mệt mỏi. Stress ở mức độ vừa phải có thể là nguồn động lực lớn để con phát triển và thành công hơn. Tuy nhiên khi căng thẳng với cường độ cao kéo dài sẽ khiến con vô cùng khó chịu, thậm chí là mất kiểm soát về suy nghĩ và hành vi.
Những hành vi của cha mẹ có thể khiến con trẻ bị stress
Thông thường, người lớn sẽ dễ bị căng thẳng bởi những khó khăn trong công việc, các nỗi lo lắng về tài chính, gia đình, con cái, sức khỏe,…Còn đối với trẻ em thì các yếu tố khiến trẻ cảm thấy stress đó có thể là những hành vi của cha mẹ. Điều này đã được Rustika Thamrin – nhà tâm lý học của Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Indonesia cho biết trong buổi talkshow “Làm thế nào để là trở thành một người mẹ chăm con tốt” ngày 27/01/2012.
Ông cũng cho biết thêm, trong thực tế có rất nhiều các bậc phụ huynh không nhận thức được những hành vi của mình lại dẫn đến sự căng thẳng ở con trẻ. Từ đó khiến cho tình trạng stress liên tục kéo dài và phát triển thêm ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Để giúp trẻ có được một tinh thần thật tốt thì các bậc cha mẹ nên chú ý và hạn chế các hành vi khiến con trẻ bị stress sau đây:
1. Phân biệt đối xử với các con
Sự phân biệt đối xử giữa con cái trong gia đình cũng chính là hành vi có thể khiến cho trẻ nhỏ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều bậc phụ huynh vô tình có sự thiên vị đối với trẻ, đặc biệt là cha mẹ ở Việt Nam luôn dành nhiều sự yêu thương và quan tâm hơn cho con trai, nhất là những đứa trẻ còn nhỏ. Lúc này những đứa con khác sẽ cảm thấy buồn tủi, ganh ghét, thậm chí còn sinh ra lòng đố kỵ với chính anh em ruột của mình.
Đôi khi những sự phân biệt đối xử không chỉ được biểu hiện qua hành vi cụ thể mà còn là lời nói, giọng điệu. Thường thì khi anh em trong nhà có xảy ra mâu thuẫn, bất hòa thì cha mẹ thường dùng giọng điệu nhẹ nhàng hơn với các em út và cho rằng anh chị phải biết nhường nhịn em của mình. Điều này sẽ khiến cho đứa trẻ lớn hơn cảm thấy bản thân không được yêu thương, bị bỏ rơi, chán ghét và dần trở cảm thấy stress, thậm chí là trầm cảm.
2. Cấm con khóc
Chắc hẳn bất kì bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con cái mau chóng trưởng thành và có được những thành công nhất định trong cuộc sống. Vì thế họ thường xuyên dành cho con những lời động viên, khích lệ nhằm muốn con trở nên tài giỏi hơn. Tuy nhiên, đôi lúc những lời khuyến khích quá mức đó lại khiến cho trẻ cảm thấy rất nặng nề, có thể làm cho trẻ bị stress.
Nhà tâm lý học Rustika Thamrin cũng đã từng chia sẻ: “Gánh nặng và áp lực này xảy ra đối với bé trai nhiều hơn bé gái, bởi vì trong văn hóa phương Đông, nam giới được coi là sinh vật mạnh mẽ nhất mà không được phép thể hiện những yếu điểm của mình dù rất nhỏ”.
Trẻ em vẫn chưa thể đủ khả năng để có thể nhận biết và kiềm chế cảm xúc giống như người lớn. Chẳng hạn như khi trẻ té ngã thì phản ứng đầu tiên sẽ là òa khóc. Nếu đó là bé gái thì cha mẹ có thể cho phép bé được khóc. Tuy nhiên, đối với nhiều bé trai thì cha mẹ sẽ cản không cho trẻ khóc và kèm theo những thông điệp như “Là con trai không được khóc, phải thật mạnh mẽ” hoặc “Con là đàn ông, không thể ủy mị, yếu đuối”.
Mặc dù mục đích của những câu nói này đó chính là giúp con thêm mạnh mẽ và có đủ khả năng để đối mặt với những khó khăn. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ sẽ không thể hiểu hết được ý nghĩa của chúng và dần có suy nghĩ khác về những câu nói đó. Một vài đứa trẻ xem đó như một mệnh lệnh và nó sẽ luôn tồn tại trong tâm trí của trẻ.
Cho đến khi trưởng thành trẻ vẫn sẽ nuôi dưỡng tư duy đó, cố gắng kìm chế để không phải khóc vì bất cứ điều gì. Những nỗi buồn sẽ dần được chôn giấu vào bên trong, lâu dần sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và căng thẳng.
Do đó sẽ không quá ngạc nhiên khi bạn thấy nam giới lại rất hiếm khi khóc hoặc thể hiện sự đau buồn tột độ của mình. Cũng bởi ngay từ nhỏ họ đã được giáo dục và truyền cho những thông điệp. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết rằng, dù nam hay nữ thì khóc cũng không sao, miễn là bạn có thể kiểm soát được tần số lần khóc của mình và nên khóc vì những chuyện chính đáng.
Việc khóc cũng có thể giúp giải phóng tốt những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Vì thế, cha mẹ cũng không nên ép buộc con cái phải nín khóc nếu cảm xúc trẻ đang tồi tệ. Chỉ nên hướng dẫn con cách giữ bình tĩnh và cũng cần khuyến khích con bộc lộ cảm xúc khi cần thiết.
3. Kiểm soát và cấm đoán con quá mức
Hành vi cấm đoán, kiểm soát quá mức của cha mẹ cũng có thể khiến con trẻ bị stress. Cha mẹ luôn nghĩ rằng con cái còn nhỏ, chưa đủ nhận thức và hiểu biết để có thể đối phó với mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Do đó, các bậc phụ huynh thường có xu hướng muốn kiểm soát và cấm đoán con làm rất nhiều việc.
Tuy nhiên, dù là trẻ nhỏ nhưng các con vẫn có những suy nghĩ, tính cách và mong muốn riêng của mình. Đặc biệt là những đứa trẻ ở độ từ 4 đến 6 tuổi sẽ rất thích sự sáng tạo và tò mò về mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ con cái gặp phải những điều không tốt nên cha mẹ thường xuyên cấm đoán và ngăn cản con vận động, vui chơi, tìm hiểu thế giới.
Lúc này cha mẹ thường sử dụng nhiều hành động và từ ngữ cấm đoán trẻ như “không được đụng vào”, “không được đến gần đó”, “không được phá phách, nghịch ngợm”,….Cho dù mong muốn của cha mẹ đó chính là bảo vệ con cái tránh khỏi những sự nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi lúc hàng loạt các từ ngữ cấm đoán, không nên làm khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng vì chúng không biết những việc làm của mình là đúng hay sai, chúng không được tự do để tìm hiểu mọi thứ.
4. Không nhất quán trong cách dạy con
Việc cha mẹ không nhất quán trong cách nuôi dạy con cái sẽ khiến cho trẻ cảm thấy bối rối, hoang mang, căng thẳng vì những hành vi không phù hợp của cha mẹ. Dựa vào kết quả của một cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, trẻ em từ khoảng 1 đến 7 tuổi sẽ tiếp thu 90% mọi thứ xung quanh bằng ngôn ngữ cơ thể, 7% bằng ngữ điệu của giọng nói và 3% bằng lời nói.
Vì thế, cha mẹ cần phải có được một thái độ dứt khoát, rõ ràng trong việc giáo dục và nuôi dạy con cái. Giữa vợ và chồng nên cùng nhau thảo luận và thống nhất về phương pháp dạy con. Chẳng hạn nếu như trẻ xem tivi quá giờ quy định và bị phạt lần đầu tiên nhưng lần thứ hai lại không bị trách phạt sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hoang mang và dễ phạm phải sai lầm vào những lần tiếp theo.
5. “Đóng đinh” thành kiến với con
Một trong những hành vi của cha mẹ khiến con trẻ có thể dễ bị stress đó chính là “đóng đinh” thành kiến với con. Ví dụ như cha mẹ thường hay chê bai, trách phạt hoặc sử dụng những câu từ như “con thật lười biếng”, “con chậm chạp quá”, “con mập quá rồi”,…
Đôi lúc những lời nói, hành vi chê bai này chỉ mang tính chất đùa giỡn hoặc muốn con cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này thực sự không nên bởi trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, mất dần sự tự tin và dần rơi vào tình trạng căng thẳng, chán nản.
6. Thường xuyên so sánh con với người khác
Việc liên tục so sánh con với những đối tượng khác cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị stress, trầm cảm. Các bậc phụ huynh thường có xu hướng nói về “con nhà người ta” và cho rằng con cái của mình không bằng họ, ước gì con mình được một nửa như con họ cũng đã mãn nguyện.
Đôi lúc có thể những hành vi này chỉ muốn con thực sự nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn để đạt được những thành tích tuyệt vời. Tuy nhiên, không ai muốn bản thân bị đem so sánh với người khác, đặc biệt là với những bạn bè cùng trang lứa. Việc cha mẹ cứ liên tục so sánh con với những người xung quanh không chỉ khiến con trẻ bị stress, căng thẳng mà lâu dần trẻ sẽ trở nên nhút nhát, rụt rè, tâm lý bị đè nặng nghiêm trọng.
7. Quan tâm, bao bọc con quá mức
Đôi khi sự quan tâm, bao bọc quá mức của cha mẹ cũng chính là lý do khiến cho nhiều đứa trẻ bị căng thẳng và mệt mỏi. Không ít những đứa trẻ tìm đến chuyên gia tâm lý với các biểu hiện stress, rối loạn hành vi, cảm xúc, trầm cảm, thu hẹp giao tiếp với sự quan tâm, chăm sóc quá mức của cha mẹ.
Các em chia sẻ rằng đôi khi sự bao bọc, che chở của cha mẹ khiến bản thân cảm thấy “ngộp thở” và vô cùng mệt mỏi. Trẻ cảm thấy không được là chính mình, không có được sự tự do nhất định. Đặc biệt là đối với những trẻ đang bước vào giai đoạn dậy thì. Lúc này trẻ đã bắt đầu có những suy nghĩ, chính kiến riêng của bản thân và muốn cha mẹ đối xử với mình như một người trưởng thành.
Vì thế, nếu cha mẹ luôn kèm cập, quan sát mọi hành vi, hoạt động của trẻ sẽ làm cho trẻ cảm thấy mất sự tự do. Không ít các trường hợp do lo sợ con gặp phải những điều tiêu cực nên luôn dành thời gian ở bên con mọi lúc, cha mẹ không để con tự đến trường, không cho con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí với bạn bè hoặc thậm chí không để con làm bất kì công việc gì kể cả những việc con có thể tự thực hiện.
8. Đặt kỳ vọng quá lớn đối với con
Sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái cũng là một trong các hành vi khiến cho con trẻ dễ rơi vào trạng thái stress. Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có từ khoảng 1 đến 2 con nên các bậc phụ huynh thường đặt nhiều hi vọng vào trẻ. Do đó, cha mẹ thường muốn con phải nỗ lực và cố gắng thật nhiều để đạt được những thành tích học tập vượt trội.
Sự mong mỏi quá mức của cha mẹ sẽ khiến cho con trẻ dễ bị áp lực, lâu dần dẫn đến tình trạng stress. Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng hầu hết các trường hợp trẻ em tìm đến để trị liệu tâm lý đều xuất phát từ những áp lực đến từ trường học, gia đình.
Một số bậc phụ huynh vì muốn con học tốt, đạt được những điểm số cao mà luôn khắt khe, đưa ra những mục tiêu quá lớn với con. Đặc biệt khi con không đạt được đúng mong đợi của cha mẹ thì họ lại có xu hướng chỉ trích, chê bai, chửi mắng con cái một cách thậm tệ khiến cho con cảm thấy vô cùng mệt mỏi và căng thẳng.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về các hành vi của cha mẹ có thể khiến con trẻ bị stress. Các chuyên gia khuyến cáo, khi con bị căng thẳng thì phụ huynh nên tìm hiểu cụ thể nguyên nhân để có thể giải quyết triệt để, giúp trẻ giải tỏa tốt tâm trạng hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
- Tâm Trạng Buồn Chán, Thất Vọng Vì Điểm Kém Và Cách Giải Tỏa
- Mệt Mỏi Áp Lực Vì Điểm Số Và 5 Cách Giúp Bạn Vượt Qua
- 10 Cách Giúp Bạn Giải Tỏa Áp Lực Cuộc Sống Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!