Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý né tránh những thông tin tiêu cực
Bạn có nhận thấy rằng bản thân có xu hướng né tránh kiểm tra số dư tài khoản khi đã lỡ tiêu xài quá tay, né tránh bước lên cân khi cơ thể bắt đầu lên tiếng về cân nặng. Con người chúng ta thường có thói quen né tránh những thông tin tiêu cực vì không muốn đối mặt với chúng, hệt như đà điểu vùi đầu xuống cát để né tránh nguy hiểm. Chính vì sự giống nhau của hai hành động mà hiệu ứng tâm lý này được gọi là hiệu ứng đà điểu.
Hiệu ứng đà điểu là gì?
Hiệu ứng đà điểu là một quan niệm khá nổi tiếng để cập đến nhận thức và hành động của con người đi đối diện với những tình huống và thông tin tiêu cực. Tên gọi này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006, do hai nhà kinh tế học Israel là Dan Galai và Orly Sade đưa ra. Ho dùng cụm từ “ostrich effect” (hiệu ứng đà điểu) khi bàn luận về việc những nhà đầu tư có xu hướng né tránh rủi ro tiềm ẩn bằng cách giả vờ rằng chúng không tồn tại, giống như đà điểu vùi đầu xuống cát để lẫn trốn kẻ thù.
Hiện tượng đà điểu vùi đầu xuống cát để trốn tránh khi gặp nguy hiểm là một quan niệm xưa cũ của các nhà khoa học khi họ nghiên cứu tập tính và lối sống của loài đà điểu. Hình ảnh này dần trở thành một khái niệm đại chúng để nói về những người hèn nhát, không dám đối mặt với sự thật, giả vờ rằng những khó khăn và bất hạnh của họ không tồn tại. Tuy nhiên sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu, nhiều người nhận ra đây thật sự là một hiểu lầm.
Đà điểu chạy rất nhanh và có những cú đá đầy uy lực, vì thế chúng không cần phải chui đầu xuống cát để né tránh nguy hiểm như con người phỏng đoán. Có rất nhiều nguyên nhân cho hành vi cúi đầu xuống đất của đà điểu như: lắng nghe âm thanh vang vọng trên mặt đất để xác định nguy hiểm đến gần, tìm kiếm cát sỏi trong đất để nuốt vào bụng nhằm hỗ trợ hệ tiêu hóa, hoặc đào hố chôn trứng để chuẩn bị cho việc sinh sản.
Hình ảnh đà điểu chôn đầu xuống cát đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ thông dụng đến mức, tất cả mọi người đều chấp nhận ý nghĩa sai lệch của nó, mặc dù ngày nay chúng ta biết rằng đây là một sự hiểu lầm. Ngay cả trong tiếng Anh chúng ta cũng có thành ngữ “Bury your head in sand” nghĩa là “chôn đầu xuống cát” để nói về việc con người có xu hướng chối bỏ một sự thật vì không dám đối diện.
Ngày nay, cụm từ hiệu ứng đà điểu không chỉ xuất hiện trong kinh tế học, mà còn được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghiên cứu khác, và cả trong đời sống như: chính trị, tôn giáo, quân sự, tâm lý học, y học, quản lý, nhân sự, thể thao, thương mại, văn hóa,… Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hiện tượng này ở bất cứ đâu trong cuộc sống, ngay cả chính chúng ta cũng không ít lần có xu hướng “đà điểu” khi đối mặt với vấn đề.
Vì sao chúng ta thường rơi vào hiệu ứng đà điểu?
Hiểu ứng đà điểu mô tả tâm lý trốn tránh hiện thực của con người. Khi ta nhận thức được rắng việc tiếp nhận thông tin sẽ mang đến những đau khổ cho bản thân, chúng ta có xu hướng lẫn tránh chúng. Trong nhiều trường hợp, đó là sự xung đột giữa lý trí và tình cảm. Bạn nhận thức được rằng bản thân sẽ bị tổn thương, và bạn nên thoát khỏi mối quan hệ độc hại càng sóm càng tốt, nhưng bạn giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục yêu đương với đối phương.
Con người thường thích những điều tích cực, và luôn cố gắng để cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Do đó khi buộc phải đối mặt với nhứng thứ tiêu cực, chúng ta sẽ tìm cách ngụy biện, lừa dối bản thân, thậm chí phớt lờ và cho rằng chúng không tồn tại. Hành động này khiến ta cảm thấy thoải mái và ngăn chặn cảm giác nặng nề. Thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và khiến ta sinh ra tâm lý né tránh những điều tiêu cực:
- Cái tôi quá lớn: Cái tôi cá nhân quá lớn không cho phép ta chấp nhận những thất bại, khó khăn và những tin tức tiêu cực liên quan đến bản thân. Do đó, chúng ta thường cố gắng bẻ cong sự thật, hoặc phớt lờ những điều không muốn tiếp nhận để không rơi vào tình trạng mệt mỏi và khó xử. Một ví dụ dễ hiểu cho tình trạng này là khi làm sai một điều gì đó, chúng ta nhận thức được sai lầm của bản thân, nhưng vẫn tự bào chữa và tìm lý do để khiến sai lầm đó là kết quả của nhiều yếu tố tạo thành, chứ không hoàn toàn là lỗi của chúng ta. Hiệu ứng đà điểu khiến ta phòng đại những điều tích cực, và giảm nhẹ những điều tiêu cực nhằm tạo ra một tấm khiên tâm lý để bảo vệ lòng tự trọng.
- Nhạy cảm với nỗi buồn: Một số người rất nhạy cảm với những điều tiêu cực. Họ ám ảnh đến mức thường tự “nhốt” mình trong trạng thái buồn bã, mất mát, đau khổ một thời gian dài khi phải tiếp nhận những điều không vui vẻ. Do đó việc trốn tránh giống như một cơ chế tự vệ của bển thân, nhằm ngăn việc bạn cứ rơi vào cảm giác khó chịu, đau khổ trong thời gian dài. Những người quá chú tâm vào nỗi buồn, sự mất mát và những điều tiêu cực mà bỏ qua những điều tích cực hiện hữu, thường dễ rơi vào hiệu ứng đà điểu hơn những người khác. Ví dụ trong kinh doanh, nhiều người chỉ nhìn vào những khoảng khó khăn và khoản lỗ trước mắt, và không nhạn ra tiềm năng lợi nhuận về sau.
- Biểu hiện của sự lười biếng: Ngày thi đang đến gần và bạn cần học hành thật chăm chỉ để vượt qua kỳ thi khó khăn trước mặt. Tuy nhiên thay vì chấp nhận và cố gắng ôn bài, bạn thầm tự nhủ với bản thân “thời gian còn lâu”, “nốt hôm nay nữa thôi ngày mai mình sẽ học bài”, hay thậm chí là “mình còn nhiều thời gian học nên hãy đặt nó sang một bên và nghỉ ngơi”. Kết quả là bạn vẫn tụ tập hội hè cùng bạn bè, dành thời gian xem phim, chơi game, nghỉ ngơi, và không quan tâm gì đến số lượng bài học bài tập khổng lồ mà bản thân cần hoàn thành. Chính vì sự lười biếng và tâm lý trì hoãn, bạn có xu hướng phủ định và làm lơ những điều khiến bản thấy khó chịu.
- Sợ sụp đổ niềm tin: Niềm tin của bản thân vào một vấn đề và thực tế cuộc sống luôn tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt không thể đoán trước. Do đó, chúng ta thường chỉ tin vào những điều muốn tin, và từ chối lắng nghe những góp ý chân thành, xác đáng, có dẫn chứng cụ thể nhưng đi ngược lại niềm tin của bản thân. Tình trạng này thường thấy trong đầu tư kinh doanh hay vấn đề tình cảm. Khi chúng ta đặt niềm tin quá lớn vào một kế hoạch hay dự án và tin tưởng nó sẽ thành công, chúng ta có thể bỏ qua những rủi ro được dự báo trước. Hoặc trong chuyện tình cảm, chúng ta có thể làm lơ những dấu hiệu bất thường của nửa kia, hoặc bác bỏ lời cảnh báo và khuyên nhủ từ người thân hay bạn bè.
Hiệu ứng đà điểu là một hiệu ứng tâm lý thường gặp và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Dẫu biết rằng không ai hy vọng phải nghe thấy những tin tức không tốt, không ai muốn tin vào những điều tiêu cực, nhưng đây lại là những sự thật không thể chối bỏ. Vì thế, đừng trở nên tích cực độc hại, mà cần đối mặt và giải quyết chúng một cách dứt khoát mới là lựa chọn chính xác và ít mang đến đau khổ nhất.
Biểu hiện và tác hại của việc né tránh những điều tiêu cực
Hiệu ứng đà điểu khiến chúng ta trở thành một kẻ thất bại, hèn nhát vì luôn trốn tránh những sự thật đang bày ra trước mắt. Chúng cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc và tỷ lệ thành công của chúng ta trong cuộc sống. Tâm lý này biểu hiện trong mọi mặt từ học tập, làm việc, đến những quyết định lớn nhỏ mà chúng ta đưa ra trong đời. Hãy kiểm tra xem bản thân có những biểu hiện của hiệu ứng đà điểu dưới đây hay không:
- Bạn không dám đối mặt với những áp lực trong cuộc sống, luôn nhút nhát né tránh những điều có thể gây tổn thương cho bản thân. Ví dụ nếu phải chịu trách nhiệm cho một vấn đề gì đó, bạn sẽ tìm mọi cách từ chối ngay từ đầu, hoặc trốn tránh xem như chúng không tồn tại để không cần phải chịu trách nhiệm.
- Bạn không muốn nhìn nhìn nhận sự thật được phơi bày trước mắt vì sợ tổn thương. Bạn giả vờ phớt lờ những dấu hiệu bất thường, những điều được cảnh báo từ trước, và huyễn hoặc bản thân rằng mọi thứ đều ổn. Bạn tin rằng nếu không cố tình để cập đến thì mọi thứ sẽ không có gì thay đổi.
- Bạn cố chấp với những quyết định của mình đến mức không nghe lời khuyên từ người khác. Bạn đặt niềm tin vào kế hoạch và quyết định của bản thân lớn đến mức né tránh những lời khuyên vì sợ bản thân sẽ lung lay khi nghe phân tích. Một số bạn cũng dự đoán được rủi ro, nhưng vẫn quyết định làm theo ý mình vì không chấp nhận được những sai lầm, và không muốn nhìn thăng vào sự thật.
- Bạn hoàn toàn phớt lờ những thông tin tiêu cực, mà chỉ quan tâm đến những thứ tích cực mà bản thân muốn nghe. Bạn sẽ tránh đọc một vài trang tin, một vài tờ báo, hay những chủ đề cụ thể để tránh bị ảnh hưởng bởi những tin tức tiêu cực. Bạn cũng tránh theo dõi những chương trình tivi, những góp ý từ những người bạn không thích, hoặc bỏ ngoài tai những thông tin thật sự cần thiết vì chúng khiến bạn cảm thấy không thoải mái.
- Bạn có xu hướng tiếp nhận thông tin và lý giải chúng một cách sai lệch. Bằng cách bẻ cong sự thật, bạn sẽ không còn cảm thấy bối rối, tội lỗi, không bị những cảm giác tồi tệ đeo bám. Nếu tình trạng này kéo dài, hiệu ứng đà điểu có thể biến bạn thành một kẻ ích kỷ, giả dối, chỉ quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc cá nhân mà bỏ quên sự thật. Việc tiếp nhận thông tin sai lệch khiến bạn luôn hướng suy nghĩ về những điều tích cực, mà bỏ quên bản chất thật sự của vấn đề, cũng như những mặt tối, những khó khăn mà ta cần đối mặt.
Hiệu ứng đà điểu là hòn đá cản đường mà bạn cần loại bỏ. Hiệu ứng tâm lý này ngăn cản sự mạnh mẽ vươn lên từ thất bại, sự trưởng thành và sự thành công của bạn trong tương lai. Những người không dám đối diện với sự thật, chọn cách an toàn mà bỏ qua những thách thức ẩn chứa nhiều cơ hội sẽ không bao giờ thành công như những người dám đương đầu với khó khăn và chấp nhận thất bại. Bạn sẽ mất cơ hội để phát triển và cải thiện những khuyết điểm cảu bản thân
Càng chối bỏ những vấn đề tiêu cực, bạn càng không có khả năng chống chọi với khó khăn, và thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề khi có bất ngờ xảy ra. Cần nhớ rằng việc trốn tránh chỉ kéo dài thời gian, và khiến vấn đề ngày càng tồi tệ hơn, chứ không thể giải quyết chúng một cách triệt để. Ngoài ra, việc liên tục né tránh những thông tin tiêu cực có thể khiến bạn ngày càng nhút nhát, tự ti, không còn đủ tự tin để đương đầu với cuộc sống.
Hiệu ứng đà điểu còn khiến chúng ta đánh mất những mối quan hệ tốt đẹp và quan trọng. Việc liên tục từ chối sự giúp đỡ của những người thân quen, chui rúc trong chiếc mai rùa không dám đối diện với sự thật, có thể đẩy bạn ngày càng rời xa đồng nghiệp, người thân hay bạn bè. Sự tích cực độc hại khi trốn tránh khó khăn cũng ảnh hưởng đến tinh thần, khiến bạn dễ rơi vào căng thẳng, mệt mỏi, stress, trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Làm thế nào để vượt qua hiệu ứng đà điểu?
Muốn vượt qua hiệu ứng đà điểu, chúng ta cần học cách nhìn thẳng vào sự thật, không đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, và chấp nhận đương đầu với những khó khăn phía trước. Hiệu ứng đà điểu chỉ có tác dụng với những người nhút nhát, kém tự tin và nhạy cảm trong cuộc sống. Do đó bạn cũng cần khiến bản thân mạnh mẽ, tự tin hơn để dám chấp nhận những ý kiến trái chiều, những phê bình và góp ý từ những người xung quanh.
- Chấp nhận rủi ro có thể xảy ra: Bất cứ hành động hay quyết định nào mà chúng ta đưa ra đều có thể dẫn đến sai lầm, thất bại. Đây là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống, vì thế không có gì phải sợ hãi hay trốn tránh. Né tránh và phủ nhận những yếu tố dẫn đến sai lầm không khiến chúng ta trưởng thành, tự tin và hoàn thiện bản thân hơn. Thay vì vùi đầu né tránh, chúng ta nên học cách chấp nhận, sửa sai, và không ngừng học hỏi từ những sai lầm đã phạm. Những thất bại nho nhỏ là tiền đề cho những thành công to lớn về sau.
- Chấp nhận phê bình và những ý kiến trái chiều: Những góc nhìn khác nhau có thể đưa ra những kết quả khác biệt, nhưng lại có thể bổ sung hoàn hảo cho nhau. Chấp nhận những lời phê bình và ý kiến trái chiều để bản thân ta không bao giờ quên rằng, mình cần học hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh. Không ai là hoàn hảo, và không có góc nhìn nào là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế tiếp thu và sàng lọc tinh túy trong những ý kiến trái chiều để cải thiện những mặt chưa tốt là cách khôn ngoan để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống.
- Không né tránh sự thật: Mọi người có xu hướng né tránh sự thật vì sợ bị tổn thương. Họ tin rằng chỉ cần không đề cập đến những yếu tố tiêu cực thì có thể xem chúng như chưa hề tồn tại, và họ có thể tiếp tục huyễn hoặc bản thân trong ảo tưởng mình dựng nên. Hiệu ứng đà điểu trong trường hợp này khiến chúng ta ngày càng lún sâu vào những điêu không thực tế, ngày càng tự ti và nhút nhát. Đến một ngày nào đó, khi chúng ta không thể lừa đối bản thân được nữa, sự bùng nổ cảm xúc bị dồn nén sẽ vô cùng khủng khiếp.
- Đến gặp bác sĩ tâm lý: Nếu bạn cảm thấy bản thân không thể vượt qua những rào cảm tâm lý, cần có người hướng dẫn và tư vấn thì đến gặp bác sĩ, hoặc các chuyên gia tâm lý là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Điều bạn cần là một người biết lắng nghe, chia sẻ, không phán xét và hỗ trợ bạn đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Thông qua những cuộc trò chuyện, những người có chuyên môn có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ, giảm bớt tình trạng co đầu rụt cổ, nhút nhát khi gặp khó khăn. Bạn hãy thành thật với bác sĩ để được tư vấn một cách hiệu quả và đúng đắn nhất.
- Luyện tập thiền và yoga: Thiền và yoga là hai hình thức rèn luyện sức khỏe và tâm trí được nhiều người ưa chuộng. Những bài tập thở và những động tác thư giãn có tác động rõ rệt đến suy nghĩ và nhận thức, có ảnh hưởng tích cực giúp ta vượt qua những rào cản tâm lý. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng bối rối, bất an, căng thẳng và cố tình né tránh những yếu tố tiêu cực thì thiền và yoga chính là những thứ bạn đang cần. Duy trì luyện tập trong thời gian dài sẽ khiến bạn thả lỏng tinh thần, cảm thấy tự tin và yêu đời hơn.
Hiệu ứng đà điểu là một hiệu ứng phổ biến trong đời sống, nhưng lại không mang đến những hiệu quả tích cực cho trạng thái tinh thần và sự phát triển của bạn trong tương lai. Né tránh những điều tiêu cực là hình thức trị ngọn không trị gốc, bởi vì vấn đề vẫn tồn tại, chỉ là ta cố tình không nhìn thấy nó. Và rồi đến một lúc nào đó, khi căn bệnh ngày càng trầm trọng do mầm móng chưa được điều trị, chúng ta sẽ bị nó đánh gục.
Hướng đến những điều tích cực là một điều tốt, nhưng đừng quân tiêu cực cũng là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống để giúp ta trưởng thành và hoàn thiện từng ngày. Dững cảm đối mặt, chấp nhận sự thật, mạnh mẽ đối diện với khó khăn và sai lầm là cách giải quyết tốt nhất cho mọi vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
- Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Phân tích rõ hệ quả
- Suy nhược thần kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Lời khuyên giúp vượt qua stress áp lực về tiền bạc
- Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!