Hiệu ứng Rashomon: Phân tích và ứng dụng trong đời sống
Bạn có bao giờ nghe nhiều người cùng đề cập đến một sự việc, nhưng các lời kể mâu thuẫn với nhau, và chúng đưa ra những góc nhìn khác biệt về sự kiện chưa? Nguyên nhân của hiện tượng này là con người luôn có xu hướng diễn giải một sự việc theo góc nhìn của bản thân, hoặc theo hướng có lợi cho họ. Do đó, sự thật là họ đề cập không hoàn toàn là sự thật 100%. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Rashomon.
Nguồn gốc của hiệu ứng Rashomon
Hiệu ứng Rashomon được lấy theo tên của bộ phim nổi tiếng “Rashomon” (La Sinh Môn), một kiệt tác của nền điện ảnh Nhật được chuyển thể từ hai truyện ngắn là “In a Grove” (tên tiếng Việt là “Trong rừng trúc”) và “Rashōmon” của nhà văn Ryunosuke Akutagawa. Phim được công chiếu vào năm 1950 và không nhận về nhiều ý kiến tích cực. Tuy nhiên, Rashomon lại nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, và trở thành một trong những niềm tự hào của điện ảnh Nhật Bản.
Nội dung của Rashomon được đạo diễn Akira Kurosawa xây dựng vô cùng thành công. Bằng cách kể lại một sự kiện, là vụ giết người và cưỡng hiếp trong rừng trúc, bằng góc nhìn của bốn người khác nhau, Rashomon đã cho thấy sự chủ quan và mâu thuẫn trong góc nhìn của từng người trong cùng một sự kiện. Mỗi người đều nêu lên những sự kiện có thật, nhưng vì những lý do riêng, sự thật trong mắt họ đã bị bóp méo.
- Tên cướp Tajomaru: Hắn khai rằng bản thân là người đã bắt trói chàng samurai và cưỡng bức vợ của anh ta. Sau đó, nhờ võ nghệ cao cường cùng tài năng của bản thân, hắn giết chàng trong một cuộc chiến danh dự bằng thanh kiếm ngắn, mục đích là để giành lấy người phụ nữ xinh đẹp.
- Người vợ samurai: Người vợ khai rằng chàng samurai đã hắt hủi và dùng ánh mắt lạnh băng, khinh bỉ để nhìn cô dù cô là người bị hại. Vì quá sợ hãi, cô đã ngất đi và vô tình dùng kiếm đâm chết người samurai đang bị trói. Sau khi nhận ra mình lỡ tay giết chồng, cô đã nhiều lần tự sát nhưng không thành.
- Chàng samurai: Hồn của chàng samurai được một bà đồng gọi lên để làm nhân chứng. Tùy nhiên lời khai của anh lại là một phiên bản khác của câu chuyện. Theo lời kể của anh, người vợ sau khi ăn nằm với tên cướp đã dụ dỗ hắn giết chết chàng samurai, nhưng tên cướp vì đạo nghĩa nên đã từ chối. Hẳn cởi trói cho chàng samurai và bỏ đi. Đau lòng vì bị phản bội, anh đã tự tử để bảo toàn khí tiết. Và anh củng khai rằng thanh kiếm anh dùng tự sát đã bị ai đó lấy đi.
Có thể thấy, lời kể của cả ba người đều phù hợp logic nhưng lại vô cùng mâu thuẫn với nhau. Hung thủ và nạn nhân đều cho thấy những góc nhìn khác nhau, và không có gì làm bằng chứng để chứng minh ai là người trung thực. Đến lúc này, lời khai của người tiều phu, người thứ 4 đứng ngoài chứng kiến câu chuyện mới cho ta một góc nhìn khác của sự kiện. Mỗi người đều nói thật, nhưng họ không đẹp đẽ như lời bản thân đã tô điểm.
Tên cướp chiến thắng nhờ may mắn chứ không tài giỏi như hắn vẫn tự cho. Người vợ quá đau khổ khi vừa thất tiết, vừa trở thành món đồ không đáng giá trong mắt hai người đàn ông, nên lên tiếng khích bác cho hai người đánh nhau. Còn chàng samurai thì bị giết trong cuộc đấu tay đôi, chứ không tự sát anh dũng như anh ta vẫn kể. Cuối cùng, người tiều phu là người đã lấy cắp thanh kiếm, nhưng lại không hề khai báo chi tiết này vì sợ bị liên lụy vào câu chuyện.
“It’s human to lie. Most of the time we can’t even be honest with ourselves.” (Nói dối là bản chất của con người. Chúng ta hầu như chẳng bao giờ thành thật với bản thân) là câu thoại nổi tiếng trong phim, và cũng khái quát vấn đề mà hiệu ứng Rashomon muốn đề cập. Hiệu ứng Rashomon nói về một sự kiện khi được mô tả thông qua những nhân chứng khác nhau, thì sẽ hiện lên với những góc nhìn khác nhau. Và không ai kiểm chứng được những lời kể đó có hoàn toàn là sự thật hay không. Do đó, trên đời không tồn tại một sự thật khách quan tuyệt đối.
Sự khác biệt và mẫu thuẫn trong lời kể của các nhân chứng có thể là vô tình hoặc cố ý. Trong nhiều tình huống, cách chúng ta ghi nhớ sự kiện và nhận thức vấn đề chịu ảnh hưởng của những tình huống cụ thể, tính cách tự thân, định kiến xã hội và tính chất văn hóa của từng khu vực. Do đó, cách nhìn nhận của mỗi người với cùng một sự kiện trong vô thức không phản ánh đúng thực tế, mà là phản ánh góc nhìn chủ quan của bản thân.
Ngoài vấn đề vô thức, con người cũng có xu hướng nhìn nhận và kể lại sự việc theo hướng có lợi cho mình, nhằm che giấu lỗi lầm hoặc mưu cầu một lợi ích nào đó. Những sự kiện chính trong câu chuyện là chính xác, nhưng chúng lại được điểm tô cho đẹp hơn, và chứa nhiều yếu tố ngẫu nhiên hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể lấp liếm những điều phi logic, và những sự thật bản thân không muốn đề cập.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng Rashomon
Hiệu ứng Rashomon xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, và thường liên quan đến các chủ đề như văn học, điện ảnh, lịch sử, pháp luật, tâm lý học, và xã hội học. Thông qua hiệu ứng Rashomon, chúng ta có thể lý giải vì sao những lời khai của nhân chứng trong cùng một vụ án, hay những góc nhìn của các văn bản lịch sử trong cùng một sự kiện lại có sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn với nhau.
1. Sự ảnh hưởng của văn hóa, xã hội
Bạn có để ý rằng tuy cùng rơi vào một tình huống, nhưng góc nhìn và cách phản ứng với sự kiện bất ngờ ở từng người là khác nhau? Nguyên nhân là do cách ta “nhìn” vấn đề chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tính cách, môi trường sống, và điều kiện văn hóa xã hội. Vì thế, chúng ta sẽ có một cái nhìn chủ quan nhất định khi đánh giá một sự vật hay sự việc, trong khi chưa hiểu rõ bản chất của chúng.
Ví dụ, trong một số nền văn hóa, xăm mình là hành động hết sức bình thường, và chúng ta không đánh giá nhân cách của một người dựa trên hình xăm của họ. Nhưng với những nền văn hóa khác, xăm mình là biểu thị cho một điều không tốt, do đó nhận định của chúng ta về một người đã mang thiên tính chủ quan, chứ không phản ánh đúng bản chất. Chính vì hiệu ứng Rashomon, chúng ta sẽ đưa ra những nhận định không khách quan và không đúng sự thật.
2. Sự ích kỷ và thiên vị của con người
Hiệu ứng Rashomon cho thấy sự ích kỷ và thiên vị của con người có thể ảnh hưởng ra sao đến tính chính xác trong lời tường thuật về một sự kiện. Đầu tiên, con người luôn có bản năng tự bảo vệ bản thân. Do đó trong vô thức hay cố ý, chúng ta có xu hướng thay đổi chi tiết trong câu chuyện theo hướng có lợi cho mình. Sự thay đổi tuy nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng vô cùng lớn tới bản chất của sự kiện.
Bởi vì chúng ta luôn bào chữa và tìm lý do cho hành động của bản thân, thế nên hình ảnh của “chúng ta” trong lời kể sẽ được điểm tô cho đẹp hơn. Đây là lý do các nhân chứng trong cùng sự kiện không ai có thể giải thích đầy đủ và chính xác về những gì đã xảy ra, bởi vì góc nhìn của mỗi người chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, cùng với sự ích kỷ và thực dụng của từng cá nhân.
Ngoài ra, trong sự kiện có nhiều người tham dự, ta cũng có thể dựa trên sự yêu ghét và thiên vị với từng cá nhân mà chọn cách tăng mạnh hay giảm nhẹ tình tiết liên quan đến họ. Nhận định đầy chủ quan này có thể khiến ta bỏ quên và lý giải sai lệch về mục đích hành động cua từng đối tượng, từ đó đảo lộn sự thật. Cần nhớ rằng một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.
3. Sự hình thành ký ức
Hiệu ứng Rashomon cũng có thể giải thích dưới góc nhìn sinh học. Các nhà thần kinh học qua nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, quá trình hình thành ký ức của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những sự kiện trong quá khứ, và những định kiến có trong tiềm thức. Thế nên trong quá trình ghi nhớ và tường thuật sự kiện, chúng ta luôn đinh ninh rằng mình đang nói sự thật, mà không nhận ra rằng ký ức đó trên thực tế đã bị bóp méo.
Ngay cả khi chúng ta có thế ghi nhớ sự kiện một cách chính xác, thì việc tiếp nhận những thông tin và góc nhìn mới cũng có thể làm ảnh hưởng tới ký ức, khiến sự hồi tưởng của chúng ta có sự lệch lạc nhất định. Vì thế những lần sau khi nghĩ về sự kiện, thứ còn lại trong đầu chúng ta là ký ức được điểm tô cho đẹp hơn. Ký ức này không còn chính xác như ban đầu, dẫn đến việc thay đổi góc nhìn của nhân chứng.
Ứng dụng của hiệu ứng Rashomon trong đời sống
Hiện nay hiệu ứng Rashomon được ứng dụng nhiều trong sáng tác văn học, làm phim điện ảnh, hay việc nghiên cứu lịch sử, nhân chủng học, tâm lý học, những vấn đề liên quan đến pháp luật, và cả trong kinh tế. Chính vì bộ phim cho thấy một thực tế rằng, mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về một sự kiện, dù họ cùng nhau tham dự và chứng kiến sự kiện đó. Rashomon cho chúng ta một góc nhìn đa chiều hơn về thế giới.
Như trong bộ phim Rashomon, cả 4 nhân chứng đều kể câu chuyện theo góc nhìn của họ, và tất cả chi tiết đều rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta có một câu hỏi còn bỏ ngỏ: đâu mới là sự thật? Lời kể của người tiều phu có vẻ là lời kể khách quan và đúng đắn nhất, nhưng ai có thể chắc chắn rằng người tiều phu là kẻ nói thật? Liệu trong lời của 4 người, có ai thể hiện một “sự thật khách quan” và phản ánh đúng bản chất của sự kiện?
Hiệu ứng Rashomon đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, hay những bộ phim điện ảnh nổi tiếng về sau. Bằng cách đưa ra những góc nhìn đa chiều về một sự kiện thông qua nhiều lời kể, chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về nhân tính và sự thiên vị của con người. Ngoài ra, chúng ta cũng hiểu rằng, sự thật khách quan gần như không tồn tại, vì nó sẽ trộn lẫn với nhiều yếu tố chủ quan của từng cá nhân trong sự kiện.
Trong quá trình nghiên cứu lịch sử, tâm lý học, và điều tra tội phạm, hiệu ứng Rashomon cũng giúp mọi người có cái nhìn đa chiều khi tìm hiểu và phân tích các sự kiện lịch sử, cùng với tâm lý của con người khi nhìn nhận một sự việc. Trong bất kỳ tình huống nào, lời kể của một cá nhân đều không đủ sức tin cậy, và không thể kết luận vội vàng dựa trên một lời khai “có vẻ khách quan” từ nhân chứng.
Về cơ bản, hiệu ứng Rashomon cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng và chân thật về cái gọi là “sự thật khách quan”. Trong lời kể của các nhận trong phim, ai cũng đề cập đến những sự kiện có thật, nhưng những chi tiết xung quanh đã bị bóp méo theo hướng có lợi cho mỗi người. Đó là bản chất và thiên tính của con người, bởi vì ký ức và góc nhìn của chúng ta luôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Sự thật thông qua lời kể từ những người khác nhau sẽ có sự mâu thuẫn nhất định với những người khác, thế nên rất khó để xác định rằng, đâu mới là bản chất của vấn đề. Khi tiếp nhận một câu chuyện theo góc nhìn đa chiều, chúng ta không nên nhanh chóng kết luận đúng sai, mà hãy cẩn thận xem xét và nhận định tình huống. Đôi khi, chúng ta không thể xác định đâu mới là sự thật chính xác nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý
- Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
- Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý né tránh những thông tin tiêu cực
- Khủng hoảng hiện sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!