Hiệu ứng Pratfall: Người có năng lực mắc lỗi lại rất dễ thương
Bạn có bao giờ cảm thấy có chút dễ thương và đáng yêu khi sếp vô tình mắc lỗi, hoặc khi người mà bạn cho rằng rất giỏi giang, hoàn mĩ phạm một sai lầm nhỏ. Dường như những lỗi lầm ấy khiến những người bạn ngưỡng mộ và sùng bái trở nên bình dị, gần gũi và con người hơn. Đó là do bạn đang chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Pratfall, một hiệu ứng tâm lý khá thú vị trong cuộc sống.
Hiệu ứng Pratfall: Con người không có ai là hoàn hảo
Chúng ta luôn nghĩ rằng mọi người sẽ yêu thích những người tài giỏi, khôn ngoan, hoàn mĩ về mọi mặt và không bao giờ mắc sai lầm. Nhưng trên thực tế, những đối tượng này sẽ dễ giành được thiện cảm của người khác hơn nếu họ thể hiện một sai lầm nhỏ, hoặc một mặt chưa tốt của mình. Đương nhiên, điều này thường chỉ có hiệu quả nếu ấn tượng ban đầu mọi người dành cho bạn là ấn tượng tốt.
Bạn có chú ý rằng trong số những câu chuyện nổi tiếng về các thiên tài, vĩ nhân của thế giới, hay những thần tượng được nhiều người mến mộ, có không ít “giai thoại” về những sai lầm, những hành động hay lời nói ngu ngốc mà họ từng thể hiện. Những câu chuyện này thường được nhiều người ghi nhớ, và tạo ấn tượng về những “thiên tài” nhưng tính cách rất đời thường, rất con người.
Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu ứng Pratfall, một hiệu ứng tâm lý biến những sai lầm trở thành nét thu hút đặc trưng ở một đối tượng. Thông thường, những sai sót trong công việc và cuộc sống thường khiến ta bị đánh giá không tốt, và nhận ánh mắt thiếu thiện cảm từ người khác. Tuy nhiên trong trường hợp này, những sai sót nhỏ lại mang đến những cảm xúc tích cực.
Hiệu ứng Pratfall được phát hiện thông qua một thí nghiệm của nhà tâm lý học xã hội Elliot Aronson vào năm 1966. Ông đã chọn ngẫu nhiên 48 sinh viên nam tại trường Đại học Minnesota, và cho họ nghe những đoạn băng ghi âm đặc biệt. Những đoạn băng ghi âm này được chia ra làm hai tình huống: một người tài giỏi trả lời đúng đến 92% câu hỏi được nêu ra, và một người bình thường chỉ có 30% đáp án đúng.
Khi hai người giới thiệu về khả năng của mình, các sinh viên có thể dễ dàng nhận thấy được cách đối đáp, học vấn, kiến thức hay năng lực của người đầu tiên đều vượt trội người thứ hai. Cuối ghi âm, hai người đều mắc một lỗi giống hệt nhau, đó là vô tình làm đổ cà phê lên áo, và họ mô tả lại tình huống này trong đoạn ghi âm. Sau khi cho học sinh nghe xong, Elliot Aronson yêu câu sinh viên làm đánh giá.
Kết quả, hầu hết sinh viên đều có những nhận xét tích cực và tỏ ý thú vị với người tài giỏi. Họ cho rằng việc anh ta vô tình làm đổ cà phê lên áo đã tạo một góc nhìn khác, và khiến anh ta để nên đáng yêu, trở nên “con người” hơn. Trong khi đó, người bình thường phạm lỗi tương tự thì lại không nhận được những đánh giá tích cực tương tự. Điều này cho thấy hiệu ứng Prafall chỉ hoạt động trên những đối tượng nhất định.
Từ thí nghiệm trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, người thông minh và tài giỏi có thể gia tăng sự quyến rũ và thu hút của bản thân nếu thỉnh thoảng họ có những hành động ngốc nghếch, hoặc phạm sai lầm. Những đối tượng này cũng dễ nhận sự thông cảm từ người khác hơn khi họ chia sẻ những sai lầm trong quá khứ theo hướng nhận sai và có thái độ sửa đổi. Những sai lầm khiến chúng ta thật thà hơn trong mắt những người khác.
Những điều rút ra từ hiệu ứng Pratfall
Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking đã từng nói rằng trên đời này không có gì là hoàn hảo cả. Không hoàn hảo là mọt trong những quy luật cơ bản của vụ trụ này, nếu bạn quá hoàn hảo thì bạn không tồn tại, bạn không sống như một con người. Đây là một kết luận đúng đắn, và cùng là một trong những điều hiệu ứng Pratfall thể hiện. Rõ ràng khi người nổi tiếng phạm sai lầm, họ không “xa vời” như cách ta nhìn nhận.
1. Sai lầm khiến chúng ta “con người” hơn
Thí nghiệm Aronson và những tình huống thực tế trong xã hội cho chúng ta thấy rõ một số vấn đề quan trọng trong đời sống. Con người có xu hướng so sánh bản thân với những người xung quanh. Do đó chúng ta dễ dàng cảm thấy khâm phục, ấn tượng và kính trọng họ. Nhưng đâu đó, một phần trong chúng ta không tránh khỏi cảm giác ghen tỵ, ghen ghét với những thế mạnh họ sở hữu.
Chúng ta cảm thấy địa vị bị lung lay, và có cảm giác bất lợi về mọi thứ khi so sánh với những người tài giỏi. Tuy nhiên, nếu thấy những người này vấp ngã, hay phạm một sai lầm nào đó, cảm giác ghen tị của chúng ta nhanh chóng được cân bằng. Bởi vì khi đó, chúng ta đặt mình vào vị trí của người mắc lỗi. Điều này tạo nên sự đồng cảm giữa hai đối tượng, khiến ta cảm thấy họ gần gũi, bình dị và đáng yêu hơn.
2. Sai lầm được nhìn nhận khác nhau theo nhiều yếu tố
Có thể nói, sai lầm tạo nên con người, và ai trong chúng ta đều có những lúc sai lầm. Điểm chung này khiến chúng ta đến gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách giữa người với người, bởi vì dù là thiên tài hay người nổi tiếng đều không tránh khỏi rơi vào những tình huống khó xử. Tuy nhiên, có nhiều sai lầm là do cố ý, và những người thông minh nhận thức sẽ biết cách tận dụng hiệu ứng Pratfall nhằm tạo lợi thế cho bản thân.
Điều kiện tiên quyết cho hiệu ứng Pratfall là người phạm sai lầm phải gây được ấn tượng tốt, thể hiện sự vượt trội trong một khía cạnh nào đó. Các nghiên cứu về sau cho thấy, hiệu ứng này không có hiệu quả trong mọi trường hợp. Ví dụ, một số người có cái nhìn khác biệt với số đông. Dù người kia có phạm lỗi hay không phạm lỗi, họ cũng không thay đổi cái nhìn ban đầu dành cho đối tượng, bất chấp những yếu tố khác.
Những đối tượng này nhìn nhận người tài giỏi theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt, và họ cho rằng sai lầm là thứ không nên phạm phải. Do đó, thay vì có cái nhìn thoáng và đồng cảm hơn, họ chuyển sang chán ghét những người tài năng. Ví dụ này cho chúng ta thấy rằng, sai lầm được nhìn nhận khác nhau dựa trên nhiều yếu tố. Những yếu tố này có thể bao gồm: tính cách, giới tính, định kiến xã hội,…
Những người có năng lực bình thường dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sai lầm hơn so với những người tài giỏi. Chúng ta cũng có xu hướng bỏ qua những sai sót của một người tài năng, trong khi lại để ý những lỗi lầm của những kẻ kém cỏi hơn. Hiểu đơn giản thì người giỏi có phạm sai lầm thì họ vẫn giỏi, sai lầm đó chỉ là một khuyết điểm nhỏ khiến họ trở nên gần gũi hơn. Trong khi đó, sai lầm của người kém cỏi phản ánh thực tế về con người họ.
3. Sử dụng hiệu ứng Pratfall một cách khôn ngoan
Sử dụng hiệu ứng Pratfall một cách khôn ngoan, đúng nơi đúng chỗ, và với tần suất vừa phải sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực. Nếu chúng ta lạm dụng hiệu ứng này, ta sẽ biến bản thân thành trò hề, và khiến người khác nghi ngờ vào năng lực bản thân. Do đó, cách tối ưu nhất để đảm bảo bạn được nhiều người yêu quý là thỉnh thoảng mắc lỗi, và thừa nhận chúng chứ đừng né tránh.
Ứng dụng của hiệu ứng Pratfall
Hiệu ứng Pratfall được ứng dụng rộng rãi trong sinh hoạt, và đăc biệt là trong ngành marketing nhằm thu hút sự chú ý, và tạo lòng tin cho khách hàng trong quá trình tìm hiểu và sử dụng sản phẩm. Nhiều công ty đã thành công vượt qua những giai đoạn khó khăn, vượt qua khủng hoảng truyền thông, và phát triển những hình thức quảng cáo sáng tạo thông qua việc áp dụng hiệu ứng Pratfall hợp lý.
Trong nhiều tình huống, việc thừa nhận sai lầm và đưa ra phương pháp cải thiện tình trạng một cách hợp lý ăn điểm trong mắt công chúng hơn là việc phớt lờ, và cố gắng để những tranh cãi chìm dần theo thời gian. Bạn có thắm mắc vì sao một số quảng cáo tập trung vào những điểm không tốt, hoặc khuyết điểm nhỏ của sản phẩm lại thu hút công chúng hơn? Cùng tìm hiểu trong những ý dưới dây.
1. Giải quyết khủng hoảng truyền thông và tạo dựng lòng tin
Sai lầm, trong bất cứ tình huống nào, đều là thứ không ai mong muốn. Với một nhãn hàng lớn và có uy tín, việc họ sai lầm và làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến uy tín và việc kinh doanh của công ty. Do đó, việc chấp nhận sai sót, cũng như tìm cách giải quyết cho thấy thái độ trung thực, dám đối mặt và chịu trách nhiệm của nhãn hàng với công chúng.
Hành động này cũng giúp giảm áp lực của khủng hoảng truyền thông đến doanh nghiệp. Chúng ta đều hiểu rằng bất cứ ai trong chúng ta, kể cả những thương hiệu lớn đều có thể xay ra sơ sót. Do đó thái độ của doanh nghiệp với với sự việc là chìa khóa cho mọi vấn đề. Nếu xử lý tốt, công ty có thể lấy lại tên tuổi, và xây dựng lòng tin trong lòng người tiêu dùng về những sản phẩm được đảm bảo an toàn.
2. Cho khách hàng quyền lựa chọn
Hiệu ứng Pratfall tập trung vào những sai sót nhỏ trong đáng nhắc đến trong một tổng thể tốt hơn về nhiều mặt. Đây là điều những hãng hàng không giá rẻ đã tận dụng để thu hút khách hàng. Ví dụ, ngay từ đầu họ đã thừa nhận những điều người dùng phải đối mặt như chỗ ngồi không thoải mái, lượng hành lý mang theo bị hạn chế. Nhưng đồng thời, hàng không giá rẻ vẫn đảm bảo độ an toàn với chi phí phải chăng.
Họ đặt lựa chọn vào tay người tiêu dùng, và cho thấy dịch vụ của mình vẫn có những ưu điểm đang xem xét. Một ví dụ khác khi quảng cáo kem, một nhãn hàng thừa nhận kem có thể khiến bạn lên cân một chút, nhưng chúng có hương vị truyệt vời, và rất hợp để thưởng thức cùng người mình yêu thương. Nhiều người sẽ sẵn sàng bỏ qua “khuyết điểm” nho nhỏ được để ra, chỉ để đổi lấy sự vui vẻ.
Nhãn hàng Listerine cũng đã áp dụng hiệu ứng Pratfall thành công trong một quảng cáo của họ. Bằng cách nhấn mạnh rằng, nước súc miệng Listerine có mùi vị không dễ chịu nhưng chúng giúp đánh bay mọi vi khuẩn trong khoang miệng, nhà sản xuất đã tạo nên hiệu ứng tốt khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Việc “thành thật” về sản phẩm khiến người tiêu dùng có cái nhìn tốt về thương hiệu.
3. Áp dụng trong những chương trình thực tế
Ngày nay những chương trình thực tế, hay các gameshow truyền hình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người trong chúng ta. Sức hấp dẫn của những chương trinh này nằm ở việc không có kịch bản, hoặc kịch bản không nhiều. Do đó sự ứng biến và xử lý của người chơi trong các tình huống bất ngờ là điều gây hứng thú cho người xem, khiến họ quan tâm theo dõi.
Những người biết tận dụng hiệu ứng Pratfall trong quá trình ghi hình có thể gây ấn tượng với khán giả, khiến họ được gán với một hình ảnh nào đó, và thu hút nhiều fan hâm mộ hơn. Những hành động ngốc nghếch, những hành vi hay câu nói sai lầm mang đến niềm vui là những vũ khí thu hút tuyệt vời mà các nghệ sĩ có thể tận dụng để tạo dựng thương hiệu cho mình.
Trong trường hợp người phạm lỗi không cố ý, những pha xử lý khéo léo khi vô tình hụt chân, té ngã, hay có những hành động bất ngờ vẫn là một cách ghi điểm trong mắt những người xung quanh, và trong mắt công chúng. Áp lực phải hành động một cách tự nhiên trước ống kính khiến nhiều người trở nên căng thẳng hơn, do đó dễ phạm sai lầm, lúng túng, và lộ nhiều vấn đề hơn, từ đó gây nên nhiều tình huống thú vị.
Thông qua hiệu ứng Pratfall, ta có thể thấy rằng con người thật sự thích những điều không hoản hảo hơn. Con người hoàn hảo là cái đích mà chúng ta hướng đến, nhưng những người không hoàn hảo lại khiến ta cảm thấy gần gũi, quen thuộc, và “con người” hơn. Vận dụng hiệu ứng tâm lý thú vị này một cách hợp lý trong cuộc sống hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ thu được những kết quả bất ngờ.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý
- Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự
- Hiệu ứng Zeigarnik: Hãy biến những lo lắng trở thành động lực
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Làm sao để trở nên tự tin hơn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!