Hoang tưởng mang thai (mang thai giả) và điều cần biết
Hoang tưởng mang thai thường xuất hiện ở phụ nữ hiếm muộn, vì quá mong mỏi có con dẫn tới những ám ảnh tâm lý và ảo tưởng không có thật. Điều đặc biệt biểu hiện của hội chứng này thực sự tương đồng với triệu chứng mang thai khiến bản thân họ và những người xung quanh đều nhầm lẫn. Một số bệnh nhân có thể phải điều trị nội trú tại các chuyên gia tâm thần để ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm khác xuất hiện.
Hoang tưởng mang thai là gì?
Mang thai là thiên chức mà chỉ có người phụ nữ mới có thể thực hiện, bởi vậy, nó trở nên vô cùng cao cả và thiêng liêng. Người phụ nữ đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời đều có khao khát mãnh liệt về việc mang thai, có con, đặc biệt với những người đã kết hôn. Nếu đã lập gia đình một vài năm mà chưa mang thai, hầu hết các chị em đều rơi và căng thẳng, không chỉ bởi khao khát của bản thân, mà còn bởi áp lực từ người xung quanh.
Hoang tưởng mang thai ( Pregnancy Paranoia ) là một hội chứng tâm lý, tâm thần thường gặp ở những người phụ nữ trong tình trạng trên. Đặc trưng của hội chứng này chính là niềm tin mãnh liệt của người bệnh khi cho rằng bản thân đang thực sự mang thai, cho dù sự thật không hề như vậy. Điều đặc biệt là những bệnh nhân này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống như một phụ nữ có thai thực sự.
Một thuật ngữ khác cũng được dùng thay thế cho hoang tưởng mang thai như mang thai giả (Pseudocyesis), tuy nhiên không phải do người bệnh cố tình mà là do những cảm xúc mãnh liệt đã tạo thành những ảo tưởng đánh lừa tâm trí. Thậm chí có những trường hợp bụng hoàn toàn to như bụng bầu, chỉ đến khi tính đủ tháng, đủ ngày đến bệnh viện sinh thì mới phát hiện hoàn toàn không phải là mang thai.
Một vài trường hợp khác, người phụ nữ lại nói rằng bản thân đã sảy thai và họ thực sự có vết sẹo tại vị trí thường thực hiện các thủ thuật mổ. Tuy nhiên chỉ khi thăm khám chuyên môn, làm các xét nghiệm thai sản mới biết họ chưa từng mang bầu lần nào. Tuy nhiên bản thân người bệnh thường không chấp nhận điều này và có thể trở nên kích động nghiêm trọng.
Hoang tưởng mang thai thường có xu hướng kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai bởi người bệnh hầu như có đầy đủ các triệu chứng mang thai nên nếu gia đình không có sự quan tâm sẽ rất khó phát hiện. Một số trường hợp nặng sau khi được chẩn đoán họ không hề có bầu đã buộc phải nhập viện để điều trị tâm thần lâu dài, phòng tránh các hệ lụy nguy hiểm khác có thể xảy ra.
Một điều thú vị hơn là chứng mang thai giả còn có thể gặp trên cả nam giới. Thuật ngữ được sử dụng trong trường hợp này là couvade syndrome hay mang thai đồng cảm, xuất hiện trên nam giới có vợ đang mang thai. Người đàn ông có đầy đủ các triệu chứng mang thai, chẳng hạn như ốm nghén, đau lưng và khiến họ cảm tưởng như mình cũng đang thực sự có thai.
Hoang tưởng mang thai hay mang thai giả không nhằm mục đích trục lợi hay lừa đảo mà xuất phát từ chính tâm lý của người bệnh bởi chính bản thân họ cũng bị đánh lừa và những biểu hiện hay cảm xúc của họ đều là thật. Niềm tin rằng bản thân đang mang thai của họ rất khó thay đổi cho tới khi được thực hiện các biện pháp điều trị tâm lý, y tế chuyên môn khác.
Biểu hiện hoang tưởng mang thai
Có thể nói các biểu hiện của hoang tưởng mang thai gần như tương đồng hoàn toàn với các triệu chứng của có bầu, bao gồm cả sự thay đổi về cơ thể trong từng giai đoạn, chỉ thiếu 1 yếu tố duy nhất chính là “em bé”. Không chỉ người bệnh mà những người xung quanh cũng dễ dàng bị đánh lừa, cảm thấy rằng người bệnh đang thực sự mang trong một mình sinh linh nhỏ bé.
Một số biểu hiện đặc trưng của hoang tưởng mang thai bao gồm:
- Khoảng 56–98% bệnh nhân đều có các dấu hiệu mất kinh nguyệt – một trong những đặc điểm đầu tiên của phụ nữ khi mang thai. Thậm chí khoảng 63-97% bệnh nhân nếu nói rằng mình có cơn đau bụng thường gặp ở bà bầu. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi tiết tố từ việc căng thẳng, stress kéo dài hoàn toàn có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ nên vô tình khiến những người này có cơ sở tin rằng mình mang thai
- Khoảng 60-90% bệnh nhân đều có biểu hiện bụng lớn dần, tương tự với sự phát triển của thai nhi trong từng giai đoạn. Thực tế, các bác sĩ chỉ ra, nguyên nhân khiến cho bụng phình to dần ở những người mắc hoang tưởng mang thai là do đầy hơi, tích tụ khí, chất béo, phân hay nước tiểu trong thời gian dài – tình trạng này có thể loại bỏ ngay khi thực hiện một số thủ thuật y tế
- Một số người có cảm giác căng và đau tức ngực, đôi khi có sự thay đổi ở núm vú và tiết sữa non – đây cũng là đặc điểm khá điển hình khi phụ nữ có bầu. Tình trạng này xảy ra cũng được cho là do ảnh hưởng từ sự tăng cao nồng độ một số loại hormone trong cơ thể
- Khoảng 50-75% người mắc hoang tưởng mang thai nói rằng, họ thực sự cảm nhận được việc thai nhi đang đạp bên trong ( thai máy), điều này thường xuất phát từ tâm lý bất ổn của người phụ nữ vì quá tin tưởng rằng mình đang có thai
- Một số triệu chứng khác như ốm nghén, nôn, buồn nôn; đau lưng, mệt mỏi, tăng kích thước tử cung hay cổ tử cung có xu hướng mềm hơn trong người cũng đều xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân
- Tăng cân cũng xuất hiện trên một số bệnh nhân hoang tưởng mang thai
- Khoảng 1% người bệnh có triệu chứng đau bụng chuyển dạ
- Một vài người mắc hoang tưởng mang thai có thể xuất hiện các triệu chứng trầm trọng, chẳng hạn như tiền sản giật hay accs cơn co thắt bất thường
- Một số người bệnh có xu hướng tránh né các biện pháp thử thai tại nhà hay thăm khám bác sĩ
Hoang tưởng mang thai hầu hết gặp ở phụ nữ hiếm muộn nên việc xuất hiện các biểu hiện này khiến họ cảm thấy cực kỳ vui vẻ và hạnh phúc. Một số người có xu hướng đi khám thai liên tục, nhưng lại từ chối cho người nhà đi. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều gia đình hầu như không nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân cho tới giai đoạn sinh nở theo đúng thai kỳ.
Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm, tùy theo thời điểm mà họ được bác sĩ thăm khám. Nếu các triệu chứng này đột ngột dừng lại, người bệnh sẽ tự cho rằng bản thân đã bị sảy thai và tìm cách tạo ra các vết rạch ở tầng sinh môn, tương tự như các dấu vết phẫu thuật lấy thai.
Tuy nhiên, có đến 18% người mắc hoang tưởng mang thai đã từng được chẩn đoán mang thai chính bởi các chuyên gia y tế nếu không thực hiện đầy đủ các kiểm tra thai sản nghiêm ngặt, đầy đủ mà chỉ xem xét các triệu chứng bên ngoài. Điều này càng làm khẳng định niềm tin phi lý của người bệnh, khiến sau đó dù các bác sĩ tâm thần có chẩn đoán họ không hề mang thai thì người bệnh cũng không chấp nhận.
Thậm chí ở một vài trường hợp đã sử dụng que thử thai nhưng lại cho kết quả “2 vạch” vẫn có thể xảy ra do tình trạng rối loạn nội tiết tố làm hormone tăng cao hoặc do chất lượng que thử thai kém. Hy hữu hơn có trường hợp khi khám, phát hiện thấy nồng độ nồng độ hCG cao ( hormone tạo thành từ chính nhau thai) nhưng không phải do mang thai mà do khối u ung thư.
Nguyên nhân hoang tưởng mang thai
Mặc dù đã được đề cập trong Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan ICD -10 phiên bản mới nhất nhưng những nguyên nhân cụ thể gây hoang tưởng mang thai vẫn chưa được xác minh rõ. Yếu tố quan trọng dẫn tới các hội chứng này là phụ nữ, người hiếm muộn, chưa có con trong thời gian dài. Tỷ lệ người mắc bệnh chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi 33.
3 giả thuyết chính được các nhà nghiên cứu đưa ra về nguyên nhân gây hoang tưởng mang thai bao gồm
- Sự xung đột trong tâm lý, chẳng hạn như khao khát có con mãnh liệt ( hoặc cũng có thể là sợ mang thai) dẫn sự thay đổi nội tiết tố và hình thành các triệu chứng tương tự như mang thai
- Khao khát muốn hiện thực mong muốn của bản thân cũng có thể đánh lừa não bộ, khiến bất cứ triệu chứng nào của cơ thể cũng được người bệnh lý giải rằng đó là do mang thai
- Các rối loạn tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm cũng khiến cơ thể có sự thay đổi hormone đáng kể. Bởi trạng thái căng thẳng hay lo âu có thể làm kích thích hạ đồi – tuyến yên – thượng thận tiết ra estrogen và prolactin – một số hormone đặc trưng ở phụ nữ mang thai nên mới hình thành các triệu chứng bất thường này
Tuy nhiên có thể hiểu rằng, nỗi khao khát, ám ảnh về việc có con không chỉ xuất phát từ mong muốn của bản thân người phụ nữ mà còn phải chịu áp lực từ chính những người xung quanh. Nhiều người rơi vào trầm cảm bởi chồng và gia đình nhà chồng hay những người xung quanh thường xuyên hỏi thăm, thậm chí là chì chiết, mỉa mai khiến họ vô cùng áp lực về việc không có em bé.
Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu cũng cho rằng, các yếu tố như chấn thương tâm lý ( từng mang thai nhưng thực sự bị sảy trước đó); thiếu tình cảm; lạm dụng hay xâm hại tình dục; nghèo đói, thiếu sự hiểu biết về y tế; hoặc những trục trặc trong các mối quan hệ cũng làm tăng nguy cơ mang thai giả ở nhiều người.
Có những trường hợp bệnh nhân trước khi rơi vào hoang tưởng mang thai đã tìm đủ mọi cách để mang thai, bao gồm cả cúng kiến, đi coi bói hay các biện pháp phi lý khác. Tất cả đều khiến họ trở nên ám ảnh quá mức kết hợp với những áp lực, căng thẳng từ xung quanh, tâm lý tiêu cực nên mới gia tăng nguy cơ mắc hàng loạt các vấn đề rối loạn tâm thần khác.
Hậu quả của hoang tưởng mang thai
Từ cảm giác hạnh phúc vỡ òa, người phụ nữ có thể rơi vào trạng thái tuyệt vọng như rơi vào một cái hố sâu thẳm nếu biết tin bản thân không hề mang thai. Hầu hết chỉ khi đến bệnh viện và thực hiện các thủ thuật kiểm tra chuyên sâu, người bệnh mới có thể nắm bắt chính xác về tình trạng của mình. Một số người thậm chí có niềm tin mãnh liệt tới mức không chấp nhận tin các chẩn đoán của bác sĩ chuyên môn.
Tâm lý bất ổn, kích động, căng thẳng của người bệnh nếu không được xoa dịu kịp thời có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu hay một số rối loạn tâm thần nghiêm trọng khác, đặc biệt nếu họ phát hiện trong những giai đoạn cuối của thai kỳ. Một số bệnh nhân còn có hành vi tự hại hay tự sát vì quá đau khổ và tuyệt vọng, xấu hổ. Nếu không kiểm soát kịp thời, rất nhiều trường hợp tồi tệ có thể xảy ra.
Mặt khác hoang tưởng mang thai cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ giữa người bệnh và người nhà. Thậm chí một số người xung quanh còn cho rằng người bệnh cố tình giả vờ chứ không tin rằng họ đang mắc bệnh tâm thần. Một số người có thể bị chấm dứt cuộc hôn nhân ngay trong thời điểm này nếu người chồng không đủ quan tâm, thấu hiểu. Điều này càng khiến người bệnh tuyệt vọng, bị đẩy vào đường cùng và dễ tự sát hơn.
Chẩn đoán hoang tưởng mang thai
Bản thân chính người bệnh có thể tự kiểm tra bản thân có đang mang thai không thông qua một biện pháp vô cùng đơn giản chính là sử dụng que thử thai. Hầu hết hiện nay, việc mua bán và sử dụng que thử thai vô cùng dễ dàng bởi sản phẩm có bán ở hầu hết các nhà thuốc ở bất cứ đâu. Nếu sau khi thử que lên 2 vạch tức là có thai, tỷ lệ này có độ chính xác khá cao. Dù vậy hầu như bác sĩ luôn khuyến khích việc thăm khám tại bệnh viện.
Phụ nữ nếu có triệu chứng mang thai được khuyến khích thực hiện đầy đủ các xét nghiệm chuyên sâu, bao gồm xét nghiệm hormone thai kỳ Beta hCG, xét nghiệm máu và siêu âm. Các kết quả này không chỉ xác định chính xác việc có mang thai hay không mà còn giúp kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi ( áp dụng với các trường hợp mang thai bình thường).
Nếu bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bệnh nhân không mang thai và nghi ngờ mắc hoang tưởng mang thai sẽ được yêu cầu thực hiện các kiểm tra tâm lý cần thiết. Bác sĩ cũng cần trò chuyện trực tiếp với gia đình để nói rõ tình trạng của bệnh nhân, từ đó mới có thể xây dựng hướng điều trị phù hợp. Gia đình cần có mặt để hỗ trợ kiểm soát bệnh nhân, ngăn chặn các phản ứng tiêu cực vì kích động quá mức.
Hướng điều trị hoang tưởng mang thai
Mục tiêu của các biện pháp điều trị hoang tưởng mang thai chính là thay đổi niềm tin phi lý của người bệnh đồng thời cần phải ổn định được cảm xúc của bệnh nhân sau khi đón nhận cú sốc này. Không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân đều có thể dễ dàng chấp nhận sự thật, nên nếu trong quá trình chẩn đoán bác sĩ không khéo léo sẽ có thể gây ra một vài tác động tiêu cực nên cần cực kỳ thận trọng.
Sử dụng một số loại thuốc, trị liệu tâm lý và đặc biệt là sự đồng hành từ gia đình, người thân đều là các yếu tố cần thiết để vượt qua hoang tưởng mang thai.
Trị liệu tâm lý
Hoang tưởng mang thai thường xuất phát từ trạng thái căng thẳng, lo lắng kéo dài không được giải quyết nên các liệu pháp trị liệu tâm lý thường được chuyên gia khuyến khích phổ biến. Nhà trị liệu cần trò chuyện trực tiếp để hiểu rõ gốc rễ các tổn thương tâm lý khiến người bệnh có niềm tin mãnh liệt về việc mang thai, từ đó xây dựng các liệu pháp cần thiết để vượt qua hoang tưởng phi lý này.
Tâm lý trị liệu giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng của bản thân, chấp nhận các triệu chứng xuất hiện trên cơ thể không phải do mang thai. Niềm tin sai lầm của người bệnh dần được thay thế bằng những nhận thức đúng đắn, phù hợp với thực tại. Nhà trị liệu cũng chia sẻ các biện pháp để người bệnh cảm thấy thư giãn, nhẹ nhõm hơn, không quá áp lực hay xấu hổ về việc bản thân không hề mang thai.
Thôi miên cũng có thể được chỉ định trong vài trường hợp nhằm thay thế các suy nghĩ một cách có hiệu quả hơn, đặc biệt nếu các liệu pháp trước đó không có hiệu quả hay người bệnh không chấp nhận hợp tác với nhà trị liệu. Thôi miên cũng giúp người bệnh chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với nhà trị liệu một cách trung thực hơn.
Bên cạnh đó, các liệu pháp nhóm hay trị liệu gia đình cũng được xây dựng nhằm tạo cơ hội để người bệnh có thể chia sẻ nhiều hơn cũng như giúp các thành viên trong gia đình có thể thấu hiểu cảm xúc của nhau, tránh vô tình gây ra các áp lực quá mức. Người bệnh cũng được học cách tôn trọng, nâng cao giá trị của bản thân, nhìn nhận các vấn đề một cách tích cực hơn.
Điều trị bằng hóa dược
Mục tiêu chính của việc dùng thuốc trên bệnh nhân hoang tưởng mang thai chủ yếu là xoa dịu tâm lý tạm thời cho người bệnh, tránh các hành vi kích thích trong lúc tinh thần chưa thực sự ổn định. Một số bệnh nhân có thể được yêu cầu điều trị nội trú nếu có dấu hiệu tâm thần bất ổn dễ dàng theo dõi, quan sát và kiểm soát hành vi phù hợp hơn.
Một số loại thuốc được chỉ định phổ biến như các nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, opioid, thuốc chống loạn thần.. Các nhóm thuốc này có thể giảm nồng độ catecholamine và prolactin nên cũng có thể kiểm soát các triệu chứng mang thai giả phù hợp. Bên cạnh đó, có thể phải sử dụng thuốc nhuận trường để giải quyết tình trạng bụng phình to nếu có liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa.
Một vài nghiên cứu gần đây đã đưa ra một giải pháp mới cho các bệnh nhân hoang tưởng mang thai là sinh con giả”(hysterical childbirth), được thực hiện sau 9 tháng, tính từ giai đoạn người bệnh có niềm tin rằng mình mang thai. Dù vậy vẫn tồn tại rất nhiều bất cập trong phương pháp này nên vẫn đang được nghiên cứu, chưa được đề nghị trong điều trị chính thức.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Hoang tưởng mang thai hoàn toàn có thể vượt qua được và không gây ra quá nhiều phản ứng nghiêm trọng nếu có sự hỗ trợ từ gia đình. Bác sĩ và các chuyên gia khuyến khích, gia đình cần động viên, nhẹ nhàng, tránh nhắc đến việc mang thai để tâm lý người bệnh dần ổn định, không tự trách cứ bản thân. Bất cứ sự khiển trách hoặc gây căng thẳng nào liên quan đến việc mang thai trong thời điểm này đều khiến cho tình trạng người bệnh chuyển biến xấu đi rất nhiều.
Để vượt qua cú sốc về việc bản thân vốn không hề có con vốn chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt khi khao khát có con của họ mãnh liệt đến như thế. Bởi vậy quá trình chữa lành có thể là một hành trình rất dài, cần có sự đồng hành của gia đình, đặc biệt là người chồng để lấy lại sự tự tin cho người vợ khi đã phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn.
Một số biện pháp có thể hữu ích cho người mắc hoang tưởng mang thai như
- Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế làm việc quá sức hay tham gia vào các hoạt động khiến tinh thần trở nên tiêu cực trong thời gian đầu
- Dành thời gian để tập trung vào các hoạt động khác để tránh việc suy nghĩ quá nhiều đến việc mang thai hay những chuyện buồn từ quá khứ. Chẳng hạn làm việc, học thêm một kỹ năng nào đó, đọc sách hay viết lách
- Học cách chấp nhận thực tại, tin tưởng vào bản thân thay vì luôn tìm cách trốn chạy. Bất cứ vấn đề nào cũng có hướng giải quyết khi mà tinh thần chúng ta thư giãn và thoải mái hơn
- Người mắc hoang tưởng mang thai nên tìm kiếm những nơi thoải mái để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Chẳng hạn về nhà nhà với bố mẹ đẻ, đi du lịch hoặc bất cứ nơi nào mà họ thấy thoải mái
- Thực hành các liệu pháp như thiền hay yoga hằng ngày có thể giúp ích cho người điều trị hoang tưởng mang thai đáng kể cho quá trình chữa lành, bình ổn cảm xúc, hướng tới những suy nghĩ tích cực hay thả lỏng hơn
- Chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với những người đáng tin cậy, đặc biệt và chồng hay gia đình. Bởi vốn dĩ việc mang thai không phải là trách nhiệm và cũng không phải là nhiệm vụ riêng của người phụ nữ nên cần phải bàn luận, chia sẻ rõ các vấn đề với người chồng để cả hai cùng trao đổi, thảo luận và hướng giải quyết phù hợp
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể để phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần
- Thăm khám bác sĩ, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về sinh sản hay hiếm muộn để tìm cách giải quyết nhu cầu có con
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không chịu đi thăm khám bác sĩ mà lại tự tìm đến các loại thuốc đông/ tây y thậm chí là sử dụng các biện pháp cúng kiến không hề khoa học để mong cầu có con. Trong khi đó, theo các bác sĩ, càng bị áp lực về việc mang thai, lúc nào cũng sống trong căng thẳng thì lại càng khó để thành công. Trong khi đó, khi tâm lý thoải mái, vui vẻ, tỷ lệ mang thai lại cao hơn rất nhiều.
Tất nhiên vẫn có những trường hợp người vợ/ chồng gặp các vấn đề sức khỏe dẫn tới không thể nào có con. Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng cần ngồi xuống và bàn luận các vấn đề với nhau. Đứa con có thể là sợi dây gắn kết giữa cả hai, nhưng hoàn toàn không phải là tất cả. Các cặp đôi có thể xin con nuôi hoặc áp dụng các biện pháp khoa học, chẳng hạn như thụ tinh nhân tạo nếu thực sự khao khát có con. Quan trọng là cả hai có thực sự yêu thương và chấp nhận vì nhau hay không.
Một vài thống kê cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc hoang tưởng mang thai hiện nay đã thấp hơn bởi việc áp dụng các biện pháp thử thai tại nhà hiện nay vô cùng phổ biến. Trước khi lập gia đình hay muốn có con, các cặp đôi nên lên kế hoạch thực hiện các kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân để phát hiện sớm nếu có vấn đề bất thường, từ đó có hướng giải quyết và phòng tránh các hệ lụy liên quan phù hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh hoang tưởng ở người già: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
- Hoang Tưởng Bị Hại Là Gì? Nguy Hiểm Như Thế Nào?
- Rối Loạn Hoang Tưởng Tự Cao (Bệnh Vĩ Cuồng): Biểu Hiện Và Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!