Bệnh hoang tưởng ở người già: Những điều cần biết
Do sự suy giảm của hoạt động não bộ nên người lớn tuổi rất hay gặp phải các vấn đề sức khỏe thần kinh, trong đó có chứng hoang tưởng. Bệnh hoang tưởng ở người già gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt nên cần có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh hoang tưởng ở người già là gì?
Hoang tưởng là một bệnh lý rối loạn tâm thần có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, kể cả những người già cao tuổi. Những người mắc phải căn bệnh này thường có ý tưởng sai lầm và không phù hợp so với thực tế. Những suy nghĩ, ý tưởng này đều do chính bản thân người bệnh tự nghĩ ra. Tuy nhiên, đối với bản thân họ thì những điều này hoàn toàn đúng và không có bất kì ai có thể giải thích hay phê phán được.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì bệnh hoang tưởng rất phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là các trường hợp từ 60 tuổi trở lên. Dựa theo ước tính thì có khoảng 23% các trường hợp người già mắc phải những vấn đề về rối loạn thần kinh, trong đó hoang tưởng chiếm tỉ lệ khá cao.
Những người bệnh thường cảm thấy sợ hãi, hoang mang, lo lắng và liên tục phàn nàn, tấn công những người xung quanh bằng cả hành động lẫn lời nói. Tùy vào từng dạng hoang tưởng và từng đối tượng bệnh khác nhau mà người bệnh sẽ có các phản ứng riêng biệt với những hoang tưởng mà họ gặp phải.
Theo đó, hoang tưởng ở người già là một dạng bệnh của tâm thần phân liệt hoang tưởng. Bệnh lý này cần được sớm nhận biết và có biện pháp can thiệp phù hợp bởi nó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân người bệnh và những người bên cạnh họ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh còn có xu hướng tăng dần theo thời gian gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống của bệnh nhân.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh hoang tưởng ở người già
Hiện nay, về nguyên nhân gây ra chứng bệnh hoang tưởng ở người già vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một số yếu tố có liên quan như sau:
- Do di truyền: Đây được xem là yếu tố thường xuyên được nhắc đến khi nói về các lý do có thể gây ra những căn bệnh rối loạn tâm thần, trong đó có bệnh hoang tưởng ở người già. Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột mắc phải các bệnh lý tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn nhận thức, hoang tưởng thì khả năng các thành viên còn lại mắc chứng hoang tưởng sẽ cao hơn so với bình thường.
- Các tổn thương ở hệ thống thần kinh: Hệ thần kinh của con người có thể bị tổn thương bởi rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như tai biến, u não,…Những sự tổn thương cấu trúc này sẽ gây ra hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động và chức năng của bộ não, nhất là cá vùng não có nhiệm vụ kiểm soát tư duy và nhận thức. Cũng chính vì thế nếu cấu trúc ở hệ thần kinh bị tổn thương vì bất kì lý do nào thì cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng bệnh hoang tưởng ở người già.
- Một số bất thường tâm thần: Nhiều giả định cho rằng các triệu chứng của hoang tưởng có thể xuất hiện sau khi người bệnh liên tục lo lắng, ám ảnh trong thời gian kéo dài. Một số trường hợp khác nó có thể xuất hiện đồng thời ở những bệnh nhân tâm thần, điển hình là trầm cảm, tâm thần phân liệt, loạn thần cấp tính,…
- Sự lão hóa theo tuổi tác: Đây có thể được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng bệnh hoang tưởng ở người già. Bởi theo thời gian, cơ thể của con người sẽ dần bị lão hóa, gây nên nhiều vấn đề sức khỏe như Alzheimer, sa sút trí tuệ tuổi già. Những tình trạng này dần tiến triển và phá hủy tư duy, nhận thức, khả năng ghi nhớ của người cao tuổi.
- Thuốc và độc chất: Việc thường xuyên sử dụng các loại chất như rượu bia, thuốc lá, ma túy trong thời gian kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn thần kinh, gây hoang tưởng ở người cao tuổi.
Dấu hiệu nhận biết người già mắc bệnh hoang tưởng
Các trường hợp người già bị bệnh hoang tưởng thì biểu hiện đầu tiên dễ nhận biết nhất đó chính là trạng thái lo lắng, căng thẳng quá mức. Tuy nhiên, đa phần các dấu hiệu nhận biết ban đầu lại không được quan tâm và chú ý đúng mức.
Sau một thời gian dài, những lo lắng, căng thẳng đó dần gia tăng khiến cho người bệnh xuất hiện các ảo giác, ảo tưởng hoặc đôi khi tự suy diễn ra những tình huống, vấn đề theo một chiều hướng tiêu cực, bi quan, từ đó sinh ra hoang tưởng. Hệ quả của điều này đó chính là việc người bệnh dần hạn chế tiếp xúc, luôn tìm cách né tránh mọi người xung quanh. Kèm theo đó là các triệu chứng sợ hãi, hoang mang, chán ăn, thực hiện các hành vi bất thường.
Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào đặc điểm của từng dạng hoang tưởng mà người bệnh sẽ có những phản ứng và đặc điểm khác nhau. Dưới đây là một số dạng hoang tưởng thường gặp như:
- Hoang tưởng bị hại: Theo số liệu thống kê nhận thấy thì đây là dạng hoang tưởng thường gặp nhất. Người bệnh sẽ luôn có cảm giác bản thân bị theo dõi, bị rình rập. Họ nghĩ rằng có người nào đó đang cố gắng quan sát và bám lấy họ để trộm cắp, mưu sát, giết hại họ.
- Hoang tưởng tự cao: Những người già mắc phải dạng hoang tưởng này thường sẽ có biểu hiện đặc trưng bởi sự tự đánh giá và nâng cao bản thân. Họ luôn nghĩ rằng bản thân là người tài giỏi, làm được những việc lớn lao, có thể phát minh ra những ngôn ngữ, giao tiếp được với người ngoài hành tinh và làm được những việc vĩ đại mà không ai có thể làm được.
- Hoang tưởng được yêu: Người mắc bệnh có một niềm tin mãnh liệt rằng có một hoặc nhiều người đang yêu thầm họ. Họ nghĩ rằng vì một lý do nào đó mà người ấy không dám thổ lộ tình cảm của mình và họ đang cố gắng truyền tải thông điệp qua nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như gọi điện, cố ý gặp gỡ, trao đổi bằng ánh mắt, cử chỉ tay chân,…mặc dù thực tế không phải như vậy.
- Hoang tưởng ghen tuông: Dạng hoang tưởng này thường xảy ra với những người già có bạn đời còn sống. Họ cho rằng vợ/ chồng của mình đang ngoại tình, đang cố gắng che giấu một mối quan hệ mờ ám, ngoài luồng. Cũng chính vì thế mà họ liên tục tìm kiếm những chi tiết, thông tin để chứng minh rằng mối quan hệ này là có thật.
- Hoang tưởng cơ thể: Dạng hoang tưởng này xảy ra trên các bộ phận của cơ thể người bệnh. Bệnh nhân sẽ có cảm giác như tay chân không thuộc về mình hoặc cơ thể có dị dạng, có mùi khó chịu.
Bệnh hoang tưởng ở người già có nguy hiểm không?
Theo đánh giá của các chuyên gia thì bệnh hoang tưởng ở người già là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần được quan tâm và có biện pháp can thiệp phù hợp. Người bệnh luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt về những điều mà họ suy nghĩ. Họ cho rằng đó là điều đúng đắn và không một ai có thể bác bỏ, phê phán hoặc giải thích đúng sai. Chính do đó, họ có xu hướng hành động theo những điều hoang tưởng này.
Việc liên tục có những hành động, lời nói dựa theo những điều hoang tưởng không có thực mang tính chất vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của bản thân người bệnh mà còn mang đến nhiều tác động tiêu cực đối với gia đình và toàn xã hội. Thậm chí, người bệnh đôi khi còn gặp phải nhiều rắc rối do những hành động quyết định không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Đặc biệt hơn, với những sự đáp ứng của người bệnh với những nội dung mà họ hoang tưởng có khả năng làm ảnh hưởng và nguy hại đối với chính bản thân họ hoặc những người bệnh cạnh. Ví dụ như tình trạng người già bị hoang tưởng ghen tuông, họ sẽ liên tục nghi ngờ người bạn đời của mình và có thể thực hiện các hành vi gây hại cho người khác với mục đích phá vỡ mối quan hệ “mờ ảo” trong suy nghĩ của họ.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của các chuyên gia thì nếu các triệu chứng của hoang tưởng ở người già không sớm được phát hiện và có biện pháp điều trị thích hợp sẽ dần tiến triển nguy cơ cao dẫn đến bệnh trầm cảm. Dựa trên số liệu thống kê nhận thấy rằng, có đến gần một nửa các trường hợp mắc bệnh hoang tưởng ở người già bị trầm cảm sau khi bị bệnh khoảng 3 đến 6 tháng.
Hướng điều trị bệnh hoang tưởng ở người già
Như đã chia sẻ ở trên, bệnh hoang tưởng ở người già cần được phát hiện và can thiệp sớm để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay, để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ, chuyên gia sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp cùng với việc dùng thuốc nhằm giúp người bệnh ổn định tâm trạng và ngăn ngừa các hoang tưởng gây hại.
Cụ thể các phương pháp điều trị hoang tưởng thường được áp dụng cho người cao tuổi như:
1. Liệu pháp tâm lý
Áp dụng liệu pháp tâm lý luôn được đánh giá cao trong quá trình điều trị bệnh hoang tưởng, đặc biệt là các trường hợp bệnh ở người già. Cũng bởi đây là phương pháp trị liệu an toàn, không sử dụng đến thuốc nên có thể áp dụng được cho nhiều đối tượng bệnh khác nhau.
Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp không ít các khó khăn và cần phải nỗ lực, kiên trì trong một khoảng thời gian nhất định. Cũng bởi, hầu hết những người mắc chứng hoang tưởng đều nghĩ rằng những ý tưởng của họ là đúng đắn, không thể phê phán được nên rất khó để có thể tiếp cận và thay đổi suy nghĩ của họ.
Người bệnh sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với chuyên gia tâm lý/ nhà trị liệu. Bằng các kỹ thuật chuyên môn, chuyên gia sẽ khai thác và đào sâu vào trong tiềm thức của bệnh nhân để giúp họ dần hiểu rõ hơn về vấn đề và những suy nghĩ sai lệch của mình.
Đối với các trường hợp bị bệnh hoang tưởng thì sẽ được cân nhắc áp dụng các liệu pháp tâm lý như sau:
- Liệu pháp tâm lý cá nhân: Liệu pháp này sẽ giúp cho người bệnh dần nhận thức được những suy nghĩ sai lệch, hoang tưởng của mình.
- Liệu pháp hành vi và nhận thức: Người bệnh sẽ được hỗ trợ xây dựng các mô hình hành vi, suy nghĩ đúng đắn và phù hợp để tránh việc dẫn đến các hoang tưởng.
2. Sử dụng thuốc
Song song với việc áp dụng liệu pháp tâm lý thì người bệnh cũng có thể được hướng dẫn dùng thêm một số loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng hoang tưởng. Theo tỉ lệ thống kê nhận thấy rằng, có đến khoảng 50% các trường hợp người bệnh hoang tưởng cải thiện tốt sau khi được điều trị bằng thuốc, các triệu chứng bệnh cũng được thuyên giảm đáng kể.
Thông thường thì các loại thuốc chống loạn thần sẽ được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh hoang tưởng ở người già. Một số loại thuốc được dùng như sau:
- Thuốc chống loạn thần thông thường: Bao gồm chlorpromazine, haloperidol, perphenazine….đều là những loại thuốc chống loạn thần thế hệ đầu, được hoạt động dựa trên cơ chế làm ức chế thụ thể dopamin của não bộ.
- Thuốc chống loạn thần không điển hình: Bao gồm clozapine, paliperidone, risperidone, olanzapin,….là những loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới cũng hoạt động trên cơ chế ức chế dopamin và serotonin tại não. Tuy nhiên, các loại thuốc nhóm này được tối ưu hơn, ít tác dụng phụ hơn nên được sử dụng rộng rãi hơn.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người già bị bệnh hoang tưởng
Bên cạnh việc áp dụng đúng theo phác đồ điều trị của chuyên gia thì việc chăm sóc người bệnh hoang tưởng cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng bởi người bệnh hoang tưởng sẽ có các triệu chứng bất thường, đôi khi sẽ hành động chống đối, không tuân thủ đúng quy tắc điều trị.
Chính vì thế, nếu bạn đang chăm sóc cho một người già mắc bệnh hoang tưởng thì cần lưu ý một số điều sau:
- Cần phải kiên nhẫn và tỉ mĩ quan sát các hành vi, trạng thái của người bệnh để kịp thời phát hiện ra những sự bất thường, những thay đổi nhỏ của họ.
- Thay vì cứ cố gắng giải thích và phân tích cho người bệnh hiểu rõ đúng sai thì bạn hãy dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với họ nhiều hơn.
- Hãy chú ý và quan sát những điều xảy ra xung quanh người bệnh, tìm hiểu xem họ đang cảm thấy lo sợ và hoảng loạn về vấn đề gì.
- Nên ghi lại nhật ký chăm sóc người bệnh hoang tưởng. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận thấy những thay đổi của họ qua từng cột mốc. Đồng thời nó cũng chính là tư liệu quý giá giúp đỡ cho bác sĩ đánh giá đúng về tiến độ điều trị và có hướng cải thiện tốt cho bệnh nhân.
- Khi cần thiết hãy tìm đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế, bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về chứng bệnh hoang tưởng ở người già. Đây được xem là một vấn đề tâm thần khá phổ biến ở người cao tuổi cần được theo dõi để phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn các hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
- Tìm Hiểu Về Chứng Rối Loạn Phân Ly Ở Trẻ Em
- Rối loạn phân ly có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Cách Chăm Sóc Bệnh Nhân Hysteria
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!