Hội chứng sợ gián (Blatophobia): 3 Cách vượt qua sợ hãi
Hội chứng sợ gián (Blatophobia) là một rối loạn tâm lý cực kỳ phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ. Người mắc chứng này thậm chí có thể ngất xỉu nếu bị gián bay lên người. Trị liệu tâm lý, học cách đối mặt trực tiếp với nỗi ám ảnh của bản thân, điều chỉnh nhận thức phù hợp là biện pháp thường chỉ định chủ yếu cho người mắc Blatophobia để vượt qua nỗi sợ hãi phi lý này.
Hội chứng sợ gián là gì?
Gián là loài côn trùng dù có kích thước nhỏ nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh to lớn của rất nhiều người. Môi trường sống của loài gián vốn là những nơi hôi thối, chẳng hạn như bãi rác, cống sình hay nơi ẩm thấp nên đi đến đâu chúng cũng đem theo các mùi khó chịu này vào không khí. Chưa kể chúng còn thường xuyên gặm nhấm hay thải phân ra khiến quần áo, túi xách, đồ ăn trong nhà đều bị hư hỏng.
Phản xạ của người bình thường khi thấy gián có thể la hét vì giật mình, tuy nhiên sau đó thường nhanh chóng lấy lại cảm xúc bình tĩnh và tìm cách tiêu diệt chúng. Gián dù có kích thước nhỏ và khá nhanh nhạy, tuy nhiên hầu như không thể tấn công hay làm hại con người nên hầu như không gây ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, ở người mắc hội chứng sợ gián, loài côn trùng nhỏ bé này lại thực sự trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Hội chứng sợ gián có tên khoa học là Blatophobia (hoặc Katsaridaphobia), hiện chưa được đề cập chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5); tuy nhiên nhìn chung vẫn được các nhà tâm lý học và khoa học chấp nhận. Tình trạng này được xếp thuộc nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi và có thể gây ra khá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần của mỗi người.
Đặc trưng rõ nhất của Blatophobia chính là nỗi căng thẳng, sợ hãi quá mức và có phần phi lý của một người khi đứng trước loài côn trùng bé nhỏ này. Họ có thể la hét, hoảng loạn, chạy trốn hay thậm chí ngất xỉu cho dù vốn dĩ loài vật này không thể tấn công hay làm nguy hại đến họ nhiều. Rất khó làm thay đổi niềm tin hay nỗi ám ảnh của người bệnh về loài gián, trừ khi được điều trị.
Biểu hiện của hội chứng sợ gián
Không khó để nhận ra một người mắc hội chứng sợ gián bởi các biểu hiện được bộc lộ hoàn toàn ra bên ngoài một cách rõ ràng, đặc biệt khi họ đứng trước loài côn trùng này. Ở một số người có nỗi ám ảnh và căng thẳng quá mức, họ thậm chí còn mang nỗi sợ hãi đi cả vào trong giấc ngủ. Điều này cản trở rất nhiều đến các hoạt động trong đời sống hằng ngày của họ.
Cần hiểu rằng, các biểu hiện sợ hãi trong Blatophobia có tần suất, cường độ nghiêm trọng hơn nỗi sợ gián thông thường rất nhiều lần, thậm chí có thể mất kiểm soát trong suy nghĩ, hành vi. Chẳng hạn
- Các trạng thái khi thấy gián có thể được biểu hiện như giật mình, la hét; run rẩy, đứng không vững; toát mồ hôi ở tay và chân; choáng váng; tim đập nhanh; huyết áp tăng cao; lắp bắp; tìm cách chạy trốn; khô miệng; buồn nôn và nôn; nghẹt thở.. Một số người sợ hãi quá mức còn có thể dẫn tới tình trạng ngất xỉu
- Người mắc hội chứng sợ gián luôn có cảm giác muốn chạy trốn ngay lập tức nếu nhìn thấy gián, đôi khi đó có thể chỉ là hình ảnh hay xác gián hay nhìn thấy bóng hình chúng từ xa
- Luôn có suy nghĩ cho rằng gián là loài côn trùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hiểm họa cho con người, không chỉ bản thân mà còn là xung quanh. Người bệnh cũng không ngừng tìm cách chứng minh suy nghĩ này của bản thân
- Người mắc hội chứng sợ gián sẽ luôn tìm cách trốn tránh những nơi có thể nhìn thấy gián, chẳng hạn đi qua bãi rác, đi qua ao hồ, nhà kho, hang động
- Luôn trong trạng thái phòng bị, dễ giật mình vì sợ rằng gián có thể xuất hiện và tấn công họ bất cứ lúc nào
- Tìm cách dọn dẹp nhà cửa hay những nơi xuất hiện gián, đặc biệt ở người có chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Họ luôn cảm giác có mùi hôi đáng sợ của gián nên cố gắng làm mọi cách như dọn dẹp, lau nhà, xịt phòng hay xịt nước hoa, thậm chí là vứt bỏ những đồ mà gián đã chạm lên
Nguyên nhân hội chứng sợ gián
Tương tự như một số dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, chưa thể tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng sợ gián. Tất nhiên do ngoại hình không mấy đẹp mắt cùng mùi hôi khó chịu của gián khiến nhiều người thường có cảm giác không thể yêu thích loại côn trùng này hơn là sợ hãi, bởi dù gì chúng ta cũng có thể tiêu diệt chúng rất dễ dàng và cũng có rất nhiều cách.
Cảm xúc sợ hãi chính là một phản ứng tự nhiên của con người khi đứng trước các tình huống gây nguy hiểm. Nỗi ám ảnh phi lý và quá mức của hội chứng sợ gián có thể hình thành do các yếu tố sau
- Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có mắc Blatophobia hoặc có tiền sử mắc các bệnh tâm lý, tâm thần khác thì nguy cơ khởi phát của hội chứng này cao hơn
- Ám ảnh từ quá khứ: một người từng có những trải nghiệm tiêu cực với loài gián, chẳng hạn từng ăn cơm có gián; bị hù dọa bởi con gián; từng bị gián bay vào mắt gây tai nạn hay mắc các bệnh nhiễm trùng do gián hay thậm chí là bị gián làm ổ trng tai.. có thể hình thành những nỗi sợ hãi, căng thẳng tột độ khi lại nhìn thấy loài côn trùng này. Vì bản thân họ đã trực tiếp phải chịu những tác động do gián gây ra nên nỗi sợ hãi này đã “ghi” chặt vào tâm trí và bùng phát bất cứ lúc nào
- Tiếp xúc với những thông tin tiêu cực: những người có tâm lý yếu, chẳng hạn như trẻ nhỏ nếu thường xuyên tiếp nhận các thông tin tiêu cực về loài gián cũng sẽ rất dễ mắc hội chứng sợ gián. Chẳng hạn như cha mẹ hù rằng không được động vào gián; gián có thể làm lây lan bệnh dịch; nếu bị gián tấn công sẽ mắc các bệnh nguy hiểm.. sẽ dần hình thành tâm lý cho rằng gián tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khó lường.
- Một số yếu tố khác: người nếu sống trong môi trường không có gián; người có tâm lý yếu, nhạy cảm quá mức; người quá ưa sạch sẽ; người được cha mẹ quá bảo bọc cũng rất dễ mắc hội chứng này.
Hội chứng sợ gián có nguy hiểm không?
Hầu hết nỗi sợ hãi chỉ bùng phát khi gặp các yếu tố khiến họ ám ảnh, căng thẳng trong tiềm thức. Tuy nhiên gián lại là loài côn trùng cực kỳ phổ biến, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ở hầu hết mọi nơi. Điều này đồng nghĩa với việc nỗi sợ của người bệnh cũng xuất hiện một cách thường trực hơn, bất cứ lúc nào cũng trong trạng thái đề phòng vì gián có thể đột ngột xuất hiện.
Hội chứng sợ gián có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh trong cuộc sống hằng ngày. Vì phải luôn đề phòng nên họ cũng dễ giật mình hơn, tâm lý căng thẳng liên tục khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, dễ kích động và cáu giận. Một số có xu hướng từ chối việc ra ngoài, đến những nơi công cộng hay bất cứ nơi nào hộ nghi ngờ có gián xuất hiện để bảo vệ bản thân mình.
Cuộc sống của một người nếu luôn tồn tại một nỗi lo âu ám ảnh nào đó thì không thể nào trọn vẹn. Trước khi làm bất cứ điều gì hay đi đâu, tham gia vào hoạt động nào, họ cũng luôn băn khoăn rằng liệu nơi đó có gián hay không. Các mối quan hệ xung quanh cũng có thể trở nên xa cách dần do họ luôn tìm cách trốn tránh việc ra ngoài, đôi khi cũng có thể là các xung đột có liên quan đến nỗi ám ảnh phi lý của họ.
Người mắc hội chứng sợ gián kéo dài còn có thể tiến triển sang các vấn đề tâm lý, tâm thần khác chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn giấc ngủ.. Chất lượng học tập, công việc cũng giảm sút đáng kể nếu họ mãi không điều chỉnh được nỗi sợ hãi của bản thân để tập trung làm những công việc khác.
Thực tế tỷ lệ người mắc hội chứng sợ gián Blatophobia không hề ít nhưng thường dễ bị bỏ qua. Thậm chí những người này còn bị những người xung quanh bàn tán, cho rằng “gián bé xíu có gì mà sợ”. Điều này càng làm người bệnh tự tin, xấu hổ, không dám chia sẻ về tình trạng của bản thân và gia tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý khác.
Làm thế nào để vượt qua hội chứng sợ gián?
Các triệu chứng lo lắng, căng thẳng sợ hãi, phản ứng quá mức khi thấy gián nếu kéo dài quá 6 tháng và đạt đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán sẽ được lên kế hoạch điều trị. Do chưa được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM phiên bản mới nhất nên bác sĩ cần trò chuyện trực tiếp, tìm hiểu về tiền sử gia đình, thời điểm xuất hiện triệu chứng cùng các xét nghiệm chuyên sâu để xác định chính xác từng tình trạng.
Tùy các triệu chứng, tần suất hay cường độ nỗi sợ hãi, ám ảnh của người bệnh mà hướng điều trị có thể khác nhau. Tuy nhiên đa phần tiên lượng của hội chứng sợ gián đều khá tốt, hoàn toàn có thể khắc phục được nếu người bệnh thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, chuyên gia.
Trị liệu tâm lý
Nỗi sợ hãi quá mức của Blatophobia thường bắt nguồn chính từ cách nhìn nhận vấn đề sai lệch nhưng đã ghim sâu trong tiềm thức, vì vậy không thể nói ” gián không có gì đáng sợ” là họ sẽ không sợ nữa. Mặt khác nếu chỉ khuyên nhủ bình thường cũng rất khó để làm thay đổi định kiến của người bệnh về loại côn trùng này. Do đó trị liệu tâm lý sẽ là biện pháp được khuyến khích với người mắc hội sợ gián.
Mục tiêu chính của tâm lý trị liệu chính là thay đổi niềm tin phi lý của người bệnh về loài gián, giúp họ hiểu rằng loài côn trùng này không đáng sợ đến như thế, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi theo hướng thích hợp hơn. Một số liệu pháp thường được áp dụng cho người mắc hội chứng sợ gián như
- Liệu pháp tự phơi nhiễm: nhà trị liệu sẽ tạo ra các không gian hay tình huống để yêu cầu người bệnh tự tiếp xúc với nỗi sợ hãi của bản thân, hay ở đây chính là loài gián. Ban đầu có thể là nghe thông tin về loài gián, xem hình, xem clip, nhìn gián qua hộp kính hay thậm chí là chạm vào loại côn trùng này. Việc tiếp xúc thường xuyên sẽ làm giảm dần mức độ sợ hãi của người bệnh khi đứng trước nỗi căng thẳng. Ngoài ra các công nghệ thực tế ảo cũng được áp dụng rất nhiều trong liệu pháp phơi nhiễm để người bệnh có cảm giác tiếp xúc chân thật nhất mà không hề gây nguy hiểm.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): được chỉ định phổ biến trong hội chứng sợ gián cùng các dạng rối loạn ám ảnh khác để người bệnh có thể hiểu rõ những suy nghĩ, tư duy của bản thân đã gây ảnh hưởng đến họ như thế nào, từ đó thay thế dần những tư duy sai lệch bằng những nhận thức phù hợp hơn. CBT còn giúp ích trong việc giảm các hành vi tránh né cũng như giảm bớt các xu hướng tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày cho người bệnh.
- Liệu pháp thư giãn: thường được hướng dẫn song song với liệu pháp tự phơi nhiễm nhằm hạn chế các hành vi kích thích trong khi phải đối diện với nỗi sợ hãi của người bệnh. Các liệu pháp thư giãn sẽ giúp người bệnh học các tự kiểm soát cảm xúc của bản thân khi đối diện với các tình huống gây căng thẳng mà không có sự trợ giúp.
Bên cạnh đó nhà trị liệu cũng cần trò chuyện trực tiếp với người mắc hội chứng sợ gián để hiểu rõ nguồn gốc của nỗi sợ hãi, chỉ khi đó việc xây dựng lộ trình trị liệu mới có hiệu quả. Gia đình cũng được đề nghị tham gia vào quá trình trị liệu để có thể hỗ trợ trong quá trình chăm sóc người bệnh tại nhà. Người đáp ứng tốt với các liệu pháp tâm lý thường mang đến những phản hồi khá nhanh chóng và tích cực, phòng tránh nguy cơ tái phát về lâu dài.
Điều trị bằng thuốc
Hiện tại không có bất cứ loại thuốc nào được chỉ định đặc trị cho hội chứng sợ gián nói riêng cũng như các dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung. Một vài loại thuốc giúp xoa dịu tâm lý, ổn định tinh thần cho người bệnh có thể được chỉ định để hạn chế các trạng thái hay hành vi quá khích do căng thẳng kéo dài, tuy nhiên cần đảm bảo có sự yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Một số loại thuốc được chỉ định phổ biến cho Blatophobia gồm nhóm thuốc an thần; thuốc chẹn beta hay thuốc chống trầm cảm, lo âu. Tuy nhiên các nhóm thuốc này đa phần đều đi kèm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như buồn ngủ hay uể oải hơn, đồng thời cũng có thể gây phụ thuộc nếu lạm dụng trong thời gian dài. Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc từ bác sĩ chủ trị để hạn chế tốt nhất các nguy cơ này.
Điều trị tại nhà
Hội chứng sợ gián không quá nghiêm trọng và có tiên lượng khá tốt nên sẽ không phải điều trị nội trú tại bệnh viện. Bên cạnh dùng thuốc hay liệu pháp tâm lý, việc điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hằng cũng rất quan trọng để sớm vượt qua hoàn toàn nỗi ám ảnh phi lí này. Gia đình cũng được khuyến khích nên đồng hành cùng người bệnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Một số biện pháp giúp ích trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà cho người mắc hội chứng sợ gián bao gồm
- Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, tránh để cơ thể hay tâm trí rơi vào căng thẳng hay mệt mỏi quá mức
- Tránh việc tiếp nhận quá nhiều các thông tin tiêu cực về loài gián, đồng thời chọn lọc các thông tin phù hợp
- Dọn dẹp nhà cửa hay nơi ở sạch sẽ để tránh việc xuất hiện gián hay bất cứ các loại côn trùng nào khác, điều này cũng giúp người bệnh an tâm và thả lỏng tinh thần khi nghỉ ngơi tại nhà
- Người mắc hội chứng sợ gián được khuyến khích học thiền, yoga hay các liệu pháp hít thở để giúp ích cho quá trình phục hồi tâm lý, có thể giữ bình tĩnh khi đối diện với loài gián hôi hám, đáng ghét
- Mặc áo dài tay, sử dụng các loại thuốc chống côn trùng để có cảm giác an tâm hơn khi cần ra ngoài
- Tìm hiểu những thông tin hay xem những bộ phim hoạt hình thú vị về loài gián cũng có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ về loài côn trùng này
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân hằng ngày bằng các biện pháp đơn giản như xông hơi với tinh dầu, massage, tắm nước ấm
- Chia sẻ nỗi sợ hãi của bản thân để tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết
Hội chứng sợ gián có thể gặp ở rất nhiều người, tuy nhiên thường bị bỏ qua thay vì tập trung điều trị. Con người thường có rất nhiều nỗi sợ phi lý thường được hình thành từ những trải nghiệm không vui từ quá khứ chưa thể loại bỏ. Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân mỗi ngày, chắt lọc thông tin tiếp nhận hằng ngày cùng một lối sống lành mạnh có thể giúp ích để mỗi người chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ đi học (Didaskaleinophobia) và thông tin cần biết
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì? Hướng dẫn cách vượt qua
- Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ mưa (Ombrophobia): Tác hại và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!