Hội chứng sợ đi học (Didaskaleinophobia) và cách khắc phục
Hội chứng sợ đi học nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực tế lại khá phổ biến, ảnh hưởng đến gần 5% trẻ trong độ tuổi học đường. Nếu không trang bị kiến thức, phụ huynh có thể nhầm lẫn hội chứng này với tâm lý lười học thông thường.
Hội chứng sợ đi học (Didaskaleinophobia) là gì?
Trẻ nhỏ thường có hành vi trốn học, từ chối đến trường, thậm chí giả bệnh để được ở nhà. Đây là những hành vi thường thấy ở trẻ trong độ tuổi học đường và đôi khi xảy ra ở cả sinh viên. Những hành vi này được xem là bình thường vì nhiều trẻ không thích đi học và cảm thấy việc học nhàm chán, không hứng thú bằng các hoạt động khác.
Hội chứng sợ đi học không được sử dụng để đề cập đến những tình huống kể trên. Hội chứng này là một dạng rối loạn tâm lý mà trẻ sợ hãi, thậm chí ám ảnh quá mức về việc đến trường. Việc phải đi học mỗi ngày hay thậm chí là ý nghĩ phải đến trường học cũng đủ để kích hoạt nỗi sợ, cảm giác hoảng loạn, lo lắng.
Hội chứng sợ đi học còn được biết với tên khoa học là Scolionophobia hoặc Didaskaleinophobia. Hiện nay, hội chứng này vẫn chưa được xem là chẩn đoán chính thức trong DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ phiên bản thứ 5).
Didaskaleinophobia thường được xem là triệu chứng của một dạng rối loạn lo âu nào đó, phổ biến nhất là rối loạn lo âu chia ly. Hội chứng này gặp chủ yếu ở trẻ từ 4 – 6 tuổi, bởi đây là thời điểm trẻ rời khỏi ngôi nhà quen thuộc để thích nghi với môi trường mới.
Thống kê cho thấy, chứng Didaskaleinophobia ảnh hưởng đến khoảng 2 – 5% trẻ trong độ tuổi học đường. Hội chứng này phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra vào thời điểm chuyển cấp. Việc phải rời xa ngôi trường quen thuộc để đến ngôi trường mới với nhiều thứ lạ lẫm là điều kiện kích hoạt hội chứng sợ đi học bùng phát.
Nhận biết hội chứng sợ đi học
Đa phần trẻ nhỏ đều không thích đến trường vì cảm thấy việc học nhàm chán và buồn tẻ. Không ít trẻ trốn tránh bằng cách giả bệnh, nói dối về lịch học,… Tuy nhiên, hội chứng sợ đi học gây ra cả triệu chứng thể chất và tâm lý. Bản thân trẻ không kiểm soát được nỗi sợ của bản thân, thậm chí nhiều trẻ trở nên hoảng loạn, quấy khóc, bám víu ba mẹ.
Học tập cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và kỹ năng xã hội. Vì vậy, hội chứng sợ đi học cần được khắc phục sớm để trẻ có cơ hội học tập thuận lợi. Gia đình có thể phát hiện sớm hội chứng này ở trẻ thông qua các triệu chứng sau đây:
- Trẻ rất sợ phải đến trường, kể cả trong ý nghĩa. Nỗi sợ dai dẳng, quá mức và bản thân trẻ không thể kiểm soát. Đi kèm là cảm giác lo lắng, hoảng loạn, bất an và nhiều suy nghĩ tiêu cực khác.
- Ý nghĩ phải đến trường có thể kích hoạt sự ám ảnh và gia tăng mức độ của nỗi sợ. Trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách la hét, khóc lóc và bám víu lấy bố mẹ.
- Tương tự như các hội chứng sợ khác, trẻ mắc chứng Didaskaleinophobia có xu hướng né tránh việc đến trường và hạn chế đề cập đến trường học trong các cuộc trò chuyện. Trẻ có thể giả ốm và tìm mọi cách để không phải đến trường.
- Một số trẻ có các hành vi cực đoan như tự gây tổn thương các bộ phận trên cơ thể, giấu sách vở, thậm chí tự gây ngộ độc bằng cách ăn các loại thực phẩm dị ứng.
- Trẻ có thể khóc lóc cả đêm hôm trước vì biết rằng ngày mai sẽ phải đến trường.
- Một số trẻ chủ động chia sẻ với bố mẹ sự sợ hãi và lo lắng quá mức về việc đến trường. Tuy nhiên, dù đã tìm mọi cách trấn an nhưng trẻ vẫn không thể kiểm soát nỗi sợ. Điều này khiến một số bậc phụ huynh tức giận cho rằng trẻ cố ý trốn tránh việc đến trường.
- Khi ở trường, trẻ có thể nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực như cái chết của những người thân yêu hoặc đại loại không thể gặp lại bố mẹ. Những ý nghĩ này khiến trẻ có xu hướng đeo bám bố mẹ và người chăm sóc một cách quá mức.
- Khi nhắc đến việc đi học hoặc phải đến trường, các triệu chứng thể chất sẽ được kích hoạt. Thường gặp nhất là khô miệng, đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, run rẩy,…
- Thanh thiếu niên cũng có thể mắc hội chứng sợ đi học. Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi này ít chia sẻ nỗi sợ với bố mẹ. Thay vào đó, trẻ sẽ thực hiện hành vi trốn học, giả bệnh,… nhằm mục đích không phải đến trường.
- Trẻ mắc hội chứng sợ đi học thường xuyên gặp ác mộng, tâm trạng dễ kích động và khó kiểm soát cảm xúc.
- Hội chứng sợ đi học có thể đi kèm với một số hội chứng sợ khác như hội chứng sợ bị bỏ rơi, hội chứng sợ ma, hội chứng sợ bóng tối,…
Nỗi sợ quá mức, dai dẳng về việc phải đến trường khiến cho trẻ chậm tiếp thu, kết quả học tập kém. Một số trẻ có biểu hiện căng thẳng, trầm cảm,… do phải đối mặt với nỗi sợ và sự lo lắng kéo dài.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đi học
Không có nguyên nhân rõ ràng cho các hội chứng sợ nói chung và hội chứng sợ đi học nói riêng. Dù vậy, các chuyên gia nhận thấy các vấn đề ở trường học và ở nhà góp phần phát triển nỗi sợ vô lý này.
Một số yếu tố được xác định có thể gây ra hội chứng sợ đi học:
- Rối loạn lo âu chia ly: Trẻ từ 4 – 6 tuổi là đối tượng dễ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly. Trẻ thường sợ hãi, thậm chí bị ám ảnh về việc phải chia ly với bố mẹ và những người thân thiết. Đến trường đồng nghĩa với việc trẻ không thể ở cạnh gia đình, vì vậy nỗi sợ đến trường đôi khi bắt nguồn sâu xa từ việc trẻ sợ phải chia ly và lo sợ sẽ không được gặp lại bố mẹ.
- Gia đình thiếu sự quan tâm: Tâm lý chung của trẻ nhỏ là sợ chia ly. Đặc biệt nếu gia đình không quan tâm và chăm sóc chu đáo, trẻ sẽ bị ám ảnh về việc bị bỏ rơi. Từ đó dần hình thành nỗi sợ khi đến trường vì luôn có cảm giác bất an.
- Điều kiện sinh sống thấp: Các chuyên gia nhận thấy, trẻ mắc hội chứng sợ đi học thường sống trong điều kiện không thuận lợi như bạo lực gia đình, vô gia cư, cuộc sống không ổn định, thu nhập thấp,… Những yếu tố này tạo cho trẻ cảm giác không an toàn khi đến môi trường mới. Lo sợ sẽ không thể gặp lại bố mẹ sau khi từ trường trở về.
- Biến cố trong gia đình: Nỗi sợ quá mức về việc phải đến trường thường xảy ra sau những biến cố trong gia đình như người thân qua đời đột ngột, bố mẹ ly hôn, chuyển môi trường sống,… Bản thân trẻ chưa có kỹ năng thích ứng với những thay đổi đột ngột nên có thể phát triển nỗi sợ, sự lo lắng quá mức, không tương xứng với tình huống (mà trong trường hợp này là nỗi sợ đến trường).
- Cách giáo dục của gia đình: Cách giáo dục của gia đình cũng góp phần gây ra hội chứng sợ đi học. Trẻ được bố mẹ bảo bọc quá mức có thể sợ hãi, bất an khi đến môi trường mới. Hơn nữa, cảm giác xa lạ, không được chiều chuộng ở trường học sẽ khiến trẻ không thích việc đi học.
- Do những khó khăn ở trường: Trong một số trường hợp, trẻ có thể phát triển nỗi sợ, ám ảnh về việc đến trường do bị bạo lực học đường, thường xuyên bị giáo viên trách phạt, bạn bè chế giễu, tẩy chay,… Những khó khăn này khiến trẻ sợ đến trường và mong muốn được ở nhà để cảm thấy an toàn.
- Trẻ bị rối loạn học tập: Các chuyên gia nhận thấy, trẻ mắc chứng rối loạn học tập có nguy cơ phát triển hội chứng sợ đi học cao hơn so với bình thường. Lý do là vì các rối loạn học tập như chứng khó đọc, chứng khó học toán,… khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp thu, thường xuyên bị thầy cô trách mắng và bạn bè trêu chọc.
- Các tai nạn ở trường học: Trẻ chứng kiến các tai nạn ở trường học như hỏa hoạn, té ngã cầu thang,… có thể sợ hãi quá mức và lo lắng khi đến trường. Các sự kiện này để lại ấn tượng mạnh khiến hạch hạnh nhân của não bộ “ghi nhớ”, sau đó kích hoạt cảm giác sợ hãi, bất an, lo lắng khi đến trường để “cảnh báo” về mối nguy tiềm ẩn.
Có rất nhiều yếu tố được xác định có liên quan đến hội chứng sợ đi học. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết vì một số trẻ có đầy đủ yếu tố nhưng không phát triển nỗi sợ quá mức về việc đến trường.
Hội chứng sợ đi học gây ra những ảnh hưởng gì?
Tất cả các rối loạn sợ đặc hiệu đều gây ra những cản trở đối với cuộc sống, bao gồm cả hội chứng sợ đi học. Học tập là quá trình cần thiết giúp trẻ phát triển tư duy, trang bị kiến thức và kỹ năng. Môi trường học đường còn là nền tảng để trẻ phát triển các mối quan hệ xã hội và góp phần hình thành nhân cách.
Hội chứng sợ đi học khiến trẻ luôn tìm mọi cách để không phải đến trường. Trẻ la hét, khóc lóc, bám víu bố mẹ gây ra nhiều phiền toái cho gia đình. Khi đến trường, trẻ liên tục có những suy nghĩ tiêu cực như không thể gặp lại bố mẹ, lo sợ thảm họa sẽ xảy ra ở trường học hoặc ở nhà.
Trẻ mắc hội chứng sợ đi học sẽ khó có thể học tập tốt. Nỗi sợ, sự lo lắng, bất an xâm chiếm suy nghĩ khiến trẻ khó có thể tập trung hoàn toàn, thường xuyên lơ đễnh, kết quả học tập kém.
Những khó khăn trong việc học cộng với tính cách có phần nhút nhát, tự ti cũng tạo rào cản trong việc kết bạn. Trẻ trở thành đối tượng bị bạn bè trêu chọc, tẩy chay và thường xuyên bị giáo viên phê bình trước lớp. Một số trẻ phản ứng quá khích, nổi giận, hung hăng khi bị bạn bè trêu chọc. Điều này càng khiến cho trẻ khó thích nghi với môi trường mới và nỗi sợ về việc đến trường vì thế không ngừng gia tăng.
Hội chứng sợ đi học không được điều trị sẽ gây ra vô số biến chứng như kết quả học tập kém, cô lập xã hội, trẻ tự ti, nhút nhát. Trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu sợ xã hội và đôi khi phát triển hội chứng Self-Harm. Ý nghĩa, hành vi toan tự sát cũng có thể xảy ra ở trẻ mắc hội chứng này.
Những khó khăn mà trẻ mắc hội chứng sợ đi học là rất lớn. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Trường hợp được chẩn đoán và điều trị kịp thời thường sẽ có đáp ứng tốt. Trẻ có thể kiểm soát nỗi sợ để học tập, kết bạn một cách thuận lợi.
Chẩn đoán hội chứng sợ đi học
Hội chứng sợ đi học không được xem là chẩn đoán chính thức mà thường xuất hiện trong các rối loạn lo âu khác như rối loạn lo âu sợ xã hội, rối loạn lo âu chia ly,… Chẩn đoán hội chứng này dựa vào triệu chứng mà trẻ gặp phải, thời điểm khởi phát, thời gian kéo dài bao lâu,… Bác sĩ cũng có thể đặt câu hỏi để hiểu hơn về các sự kiện sang chấn xảy ra trong cuộc sống của trẻ.
Hội chứng sợ đi học ít khi được chẩn đoán ngay từ lần đầu. Các bác sĩ có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Các phương pháp điều trị khắc phục hội chứng sợ đi học
Nếu trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng sợ đi học, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì tình trạng này có thể điều trị dứt điểm. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ của hội chứng, sau đó cân nhắc các phương pháp điều trị phù hợp.
Giống như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ đi học cũng sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Thuốc, chế độ chăm sóc và các kỹ thuật thư giãn cũng góp phần kiểm soát hội chứng này hiệu quả.
1. Liệu pháp tâm lý
Hội chứng sợ đi học thường phát triển từ tổn thương tâm lý hoặc môi trường sống không thuận lợi. Do đó, liệu pháp tâm lý được xem là lựa chọn hàng đầu. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) và liệu pháp tiếp xúc sẽ được cân nhắc cho trẻ mắc hội chứng sợ đi học.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT giúp trẻ thay đổi suy nghĩ tiêu cực về trường học và loại bỏ suy nghĩ về việc không thể gặp lại bố mẹ sau khi từ trường trở về. Thông qua việc điều chỉnh suy nghĩ, trẻ sẽ giảm đáng kể nỗi sợ, cảm giác lo lắng, bất an về việc đến trường. Hành vi né tránh, cố ý giả bệnh, trốn học,… vì thế cũng thuyên giảm dần theo thời gian.
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Bên cạnh liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hành vi biện chứng cũng được cân nhắc cho trẻ bị hội chứng sợ đi học. Liệu pháp này giúp trẻ hiểu rõ suy nghĩ ảnh hưởng như thế nào đến hành vi. Qua đó từng bước thay đổi suy nghĩ, hỗ trợ trẻ kiểm soát cảm xúc tiêu cực và mâu thuẫn trong các mối quan hệ:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc được áp dụng cho nhiều hội chứng sợ như hội chứng sợ gián, hội chứng sợ lỗ, hội chứng sợ yêu,… Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ cho trẻ tiếp cận với nỗi sợ theo mức độ tăng dần. Cơ thể sẽ dần thích nghi với nỗi sợ và trẻ sẽ không còn cảm giác ám ảnh, căng thẳng mỗi khi đến trường.
Liệu pháp tâm lý có thể kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng, căng thẳng ở trẻ mắc hội chứng sợ đi học. Tuy nhiên, các liệu pháp này đều cần nhiều thời gian nên gia đình cần động viên, khuyến khích trẻ trong suốt quá trình trị liệu.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc chỉ được sử dụng cho những trẻ có các vấn đề khác đi kèm như lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn học tập,… Dùng thuốc giúp kiểm soát một số triệu chứng thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc có tính chất tạm thời nên điều trị tâm lý vẫn là phương pháp không thể thay thế.
Các loại thuốc có thể được sử dụng cho trẻ mắc hội chứng sợ đi học bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc an thần, giải lo âu
3. Các kỹ thuật thư giãn
Trẻ không thể trốn tránh việc đến trường như các đối tượng khác (động vật, phương tiện giao thông…). Đối mặt thường xuyên với nỗi sợ khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo âu. Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ kỹ thuật thư giãn để giải tỏa căng thẳng và phiền muộn.
Một số kỹ thuật thư giãn được khuyến khích trong quá trình điều trị hội chứng sợ đi học:
- Yoga
- Ngồi thiền
- Kỹ thuật thở bụng
- Âm nhạc, vẽ tranh
4. Các biện pháp hỗ trợ khác
Căng thẳng, bất an là trạng thái tâm lý thường trực ở trẻ mắc hội chứng sợ đi học. Trẻ cũng có thể trở nên tự ti vì bản thân không thích nghi tốt như bạn bè đồng trang lứa, học tập kém, khác biệt so với mọi người… Chính vì vậy, gia đình cần hỗ trợ trẻ bằng một số biện pháp sau:
- Trao đổi với giáo viên về tình trạng sức khỏe để trẻ được hỗ trợ, giúp đỡ. Trường hợp trẻ quá sợ hãi, hoảng loạn, nên cho trẻ nghỉ học một thời gian để thuận tiện cho việc trị liệu. Hoặc cũng có thể cân nhắc cho trẻ tham gia chương trình học online cho đến khi tâm lý ổn định.
- Chú ý chế độ ăn uống nhằm nâng đỡ thể trạng và tinh thần cho bé. Chú ý tập trung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin để hỗ trợ thư giãn, giảm căng thẳng.
- Thường xuyên trò chuyện, động viên trẻ kiên trì trị liệu. Không nên la mắng, trách móc khiến trẻ trở nên lầm lì và có xu hướng tự cô lập.
- Giúp con gia tăng lòng tự trọng, sự tự tin bằng cách tạo điều kiện để trẻ phát huy thế mạnh (âm nhạc, vẽ tranh, các trò chơi tư duy, thể thao,…).
Rất nhiều bậc phụ huynh không hề biết đến hội chứng sợ đi học. Hiểu biết hạn chế khiến cho con trẻ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Trong mắt bố mẹ và những người xung quanh, trẻ bị xem là đứa trẻ hư, lười biếng, luôn tìm cách để trốn tránh việc đến trường.
Hiểu về hội chứng sợ đi học sẽ giúp trẻ được thăm khám và can thiệp điều trị sớm. Theo thời gian, trẻ có thể vượt qua nỗi sợ và thoải mái đến trường để học tập, kết bạn. Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, gia đình nên hỗ trợ về mặt tâm lý nhằm giúp trẻ tự tin và thoải mái hơn trong suốt quá trình trị liệu.
Có thể bạn quan tâm
- Cảm xúc tiêu cực trong học tập: Ảnh hưởng và cách ứng phó
- Mẹo hay giúp giảm stress trong học tập, thi cử
- Áp Lực Học Tập: Thực Trạng Và Những Hậu Quả Tiềm Ẩn
- Dấu hiệu trẻ khủng hoảng tâm lý khi đi học và cách xử lý
Con tôi đang trong trường hợp này, sắp tới giờ đi học thì khóc lóc,hoảng loạn.động viên,khuyên nhủ nhưng chưa có kết quả,con vẫn rất lo sợ,không chịu đi. Là bậc cha mẹ tôi cần lắm những chia sẻ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm của mọi người để giúp con tôi được chữa bệnh này.