Hội chứng sợ kim tiêm (Belonephobia): Hậu quả và Cách điều trị
Việc bị kim tiêm đâm vào người luôn mang đến cảm giác lo lắng và sợ hãi cho nhiều người, kể cả trẻ em và người lớn. Trong hầu hết các trường hợp, cảm xúc này chỉ thoáng qua, và không ảnh hưởng quá nhiều đến việc tiêm phòng, lấy máu hay truyền dịch. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ kim tiêm (Belonephobia) thì việc đối diện với mũi tiêm có thể khiến họ hoảng loạn và đau khổ tột cùng.
Hội chứng sợ kim tiêm là gì?
Hội chứng sợ kim tiêm có tên tiếng Anh là Belonephobia. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ là βελόνη (belónē: mũi kim, mũi giáo) và φόβος (phóbos: nỗi sợ). Hội chứng này còn có hai từ đồng nghĩa là aichmophobia và trypanophobia, tuy nhiên những cụm từ này thường được dùng chỉ chung cho chứng sợ vật sắc nhọn (dao, kéo,..).
Belonephobia gây ra một nỗi sợ hãi phi lý về kim tiêm. Nỗi sợ này chi phối cuộc sống, khiến người bệnh đau khổ, hoảng sợ khi nghĩ đến việc phải tiêm chủng hay xét nghiệm. Thậm chí, khi nghĩ đến kim tiêm, hoặc nhìn thấy những đồ vật có thể gợi nhớ đến kim tiêm như ống tiêm, họ cũng sẽ có những phản ứng dữ dội.
Hội chứng sợ kim tiêm được xem là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Hình ảnh kim tiêm gây ra cảm giác sợ hãi dồn dập, chóng ngợp và dai dẳng cho người bệnh trong mọi tình huống, dù là tưởng tượng hay trực tiếp nhìn thấy. Nỗi sợ này kéo dài trong ít nhất 6 tháng, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Cảm giác sợ hãi khiến người bệnh từ chối mọi hình thức tiêm phòng, hay những thủ thuật y tế liên quan đến kim tiêm. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe người bệnh, ngăn cản các nhân viên y tế thực hiện quy trình cấp cứu, khám chữa bệnh. Nhiều người nhận ra nỗi sợ là phi lý, nhưng không thể chống lại nỗi sợ mà họ đang chịu đựng.
Nỗi sợ kim tiêm vô cùng phổ biến trong thời thơ ấu, cảm giác đau đớn mà kim tiêm mang đến khiến nhiều đứa trẻ ám ảnh và sợ hãi. Nhưng theo thời gian, cảm giác này sẽ dần phai nhạt. Chúng ta vẫn có thể chấp nhận việc tiêm chủng, dù nỗi sợ đau đớn vẫn tồn tại, nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến trạng thái cảm xúc.
Còn với những người mắc hội chứng sợ kim tiêm, nỗi sợ hãi này bắt đầu trở nên rõ ràng vào lúc 5 tuổi, và dần dần nghiêm trọng hơn khi trưởng thành. Ám ảnh về kim tiêm lớn đến mức họ từ chối tiêm chủng, lấy mẫu máu, hay truyền dịch trong bệnh viện. Nếu bị ép thực hiện, họ có thể phản ứng dữ dội, hoặc ngất xỉu vì cảm giác sợ hãi choáng ngợp.
Hội chứng sợ kim tiêm không bị ảnh hưởng bởi hội chứng sợ máu (hematophobia) hay hội chứng sợ các vật sắc nhọn (aicmofobia). Những hội chứng này có thể đi kèm với nhau, nhưng không ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiều người vẫn còn lầm tưởng và hiểu sai về sự liên quan giữa các hội chứng này.
Trong một số trường hợp, người sợ kim tiêm có thể đi kèm với nỗi sợ máu và sợ vật nhọn. Nhưng trong những trường hợp khác, người bệnh chỉ cảm thấy lo lắng, hoảng sợ và ám ảnh với kim tiêm, còn khi nhìn thấy máu hoặc vật có đầu nhọn như dao kéo thì vẫn bình thường.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kim tiêm
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kim tiêm có thể là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm yếu tố sinh học và môi trường. Nguyên nhân gây ra cảm giác sợ hãi sẽ khác nhau ở mỗi người, nhưng chúng ta có thể liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
- Ảnh hưởng từ cha mẹ: Trẻ có thể mắc hội chứng belonephobia khi lớn lên nếu cha mẹ, hay anh chị em thể hiện sự ám ảnh với kim tiêm. Các nhà khoa học cho rằng nỗi sợ này một phần đến từ di truyền, một phần đến từ việc trẻ nhìn thấy và cảm nhận được sự sợ hãi, hoảng loạn của người thân, từ đó học theo hành vi của họ.
- Sự mẫn cảm với đau đớn: Khả năng cảm nhận sự đau đớn của mỗi người là khác nhau. Y học đã từng ghi nhận trường hợp không cảm nhận được cảm giác đau đớn, nhưng cũng có những người vô cùng nhạy cảm với cơn đau. Dù chỉ là một kích ứng nhẹ, nỗi đau người đó phải chịu sẽ gấp nhiều lần người bình thường. Chính vì thế, những người mẫn cảm với cơn đau thường mắc hội chứng sợ tiêm, vì bị ám ảnh với cơn đau do kim tiêm mang đến.
- Ảnh hưởng từ quá trình tiến hóa: Có một giả thuyết cho rằng trong quá trình tiến hóa, con người nhận thức được rằng những vật mảnh và sắc nhọn như kim tiêm có thể gây đau đớn, chảy máu và tạo nên vết thương trên da thịt. Vì thế ở một số đối tượng, tình trạng đột biến gen xảy ra nhằm cảnh báo về nguy hiểm mà kim tiêm mang đến, từ đó gây ra hội chứng sợ kim tiêm.
- Trải nghiệm không tốt trong quá khứ: Nếu trong quá khứ, bệnh nhân có những trải nghiệm không tốt về kim tiêm như bị ép tiêm một cách thô bạo, chảy máu khi tiêm, gãy kim tiêm, sốc thuốc sau khi tiêm,… thì khi lớn lên, người đó có thể mắc hội chứng sợ tiêm. Ám ảnh bởi cảm giác đau đớn và nỗi sợ khi tiêm mang đến khiến người bệnh từ chối mọi thao tác liên quan đến tiêm phòng.
Tùy vào trải nghiệm và những vấn đề tâm lý của từng người, nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kim tiêm sẽ khác nhau. Để xác định chính xác yếu tố nào gây ra tình trạng tâm lý này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ chẩn đoán tốt hơn.
Biểu hiện và chẩn đoán của hội chứng sợ kim tiêm
Triệu chứng sợ kim tiêm có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào tình trạng của người bệnh, nhưng chúng đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Sự ám ảnh, sợ hãi và hoảng loạn thể hiện ở cả tình trạng thể chất và tâm lý. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng cho thấy bạn và người thân đang mắc hội chứng belonephobia bao gồm:
- Có những biểu hiện về mặt thể chất khi nghĩ đến kim tiêm, hoặc đối diện với kim tiêm như: hoảng sợ, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, đổ mồ hôi lạnh, khó thở, đau tức ngực, chóng mặt, buồn nôn,…
- Khóc lóc, run rẩy, hoảng loạn, kích động, mất kiểm soát hành vi, tìm mọi cách thoát khỏi khu vực tiêm phòng, cách kim tiêm càng xa càng tốt.
- Cảm giác lo lắng, sợ hãi tột cùng, đau khổ tưởng chừng sắp chết đi khi đối diện với những thủ thuật y tế liên quan đến kim tiêm như lấy máu xét nghiệm, tiêm chủng, truyền nước, truyền dịch,…
- Từ chối việc tiêm ngừa, hoặc bất kỳ yệu cầu về y tế nào liên quan đến kim.
Việc trẻ con hay người lớn sợ tiêm là hết sức bình thường, tuy nhiên cảm giác khó chịu và lo sợ này không kích thích quá lớn đến thần kinh, và không gây ra ám ảnh thường trực đến tâm trí của chúng ta. Việc chẩn đoán hội chứng sợ kim tiêm sẽ dựa trên những tiêu chuẩn của DSM-5 bao gồm:
- Nỗi sợ kim tiêm gây ra ám ảnh kéo dài (ít nhất 6 tháng), cản trở suy nghĩ và hoạt động bình thường của người bệnh, ngăn cản họ đến bệnh viện, ngăn cản họ tiếp nhận những thủ thuật y tế.
- Nỗi sợ ập đến nhanh và dữ dội khi vừa nhìn thấy kim tiêm, dù người bệnh không gặp nguy hiểm, không bị kim tiêm đe dọa (trường hợp kim tiêm còn trong bao bì). Điều này giúp phân biệt với trường hợp sợ hãi bị lây bệnh của nhiều người khi nhìn thấy kim tiêm dính máu, hoặc kim tiêm đã qua sử dụng.
- Người bệnh né tránh mọi trường hợp tiếp xúc với kim tiêm, bất chấp tình trạng sức khỏe và yêu cầu của bác sĩ.
- Người bệnh có những biểu hiện thể chất đặc trưng như lo lắng, hoảng loạn, đau khổ cực độ, rung rẩy, thậm chí ngất xỉu khi nhìn thấy kim tiêm.
Dựa trên những yếu tố nêu trên, cùng một số xét nghiệm nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng về tình trạng bệnh nhân. Hội chứng sợ kim tiêm mang đến những trải nghiệm vô cùng tồi tệ cho người bệnh, và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe vì người bệnh không thể tiếp nhẫn những thủ thuật y tế khi cần thiết.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ kim tiêm
Hội chứng sợ kim tiêm cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo ước tính tại Mỹ, có hơn 10% dân số được ghi nhận là mắc chứng sợ kim tiêm. Tuy nhiên con số thật sự sẽ lớn hơn nhiều, vì có nhiều người cảm thấy xấu hổ nên che giấu tình trạng sợ tiêm của bản thân bằng cách từ chối mọi hình thức tiêm ngừa.
Cảm giác sợ hãi kim tiêm lâu ngày sẽ tạo những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh. Đầu tiên, hội chứng này làm cản trở quá trình khám chữa bệnh. Con người không tránh khỏi những lúc ốm đau bệnh tật, vì thế việc tiêm ngừa, lấy máu là điều bắt buộc trong quy trình y tế.
Tình trạng sợ hãi kim tiêm khiến người bệnh có phản ứng dữ dội, do đó ngăn cản các thủ thuật y tế. Nếu không được tiêm thuốc đầy đủ, chúng ta rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lên cơn dại khi bị động vật cào cấu, thậm chí là chết vì không được tiêm thuốc chữa trị kịp thời.
Ám ảnh kim tiêm cũng tạo gánh nặng lên tâm lý, khiến người bệnh luôn trong tâm trạng căng thẳng và sợ hãi. Lâu dần những cảm xúc tiêu cực này có thể phát triển thành stress và trầm cảm. Một số người có thể tìm đến rượu hay ma túy để loại bỏ cảm giác khó chịu, bức bối. Hành động này rất gây hại đến sức khỏe.
Làm sao để cải thiện tình trạng sợ kim tiêm?
Suy nghĩ rằng bản thân thật hèn nhát, vô dụng vì sợ kim tiêm khiến nhiều người xấu hổ, và không chấp nhận điều trị. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ, hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt để hạn chế những ảnh hưởng có hại do hội chứng này gây ra.
Hội chứng sợ kim tiêm có thể được cải thiện và chữa trị nếu áp dụng đúng phương pháp. Hiện nay biện pháp điều trị được áp dụng rộng rãi là điều trị tâm lý, kết hợp với dùng thuốc và các biện pháp can thiệp tại nhà. Thời gian phục hồi nhanh hay chậm là tùy vào khả năng tiếp nhận của người bệnh.
1. Tư vấn tâm lý
Tư vấn tâm ý là liệu pháp điều trị bắt buộc trong quá trình điều trị hội chứng sợ kim tiêm nhằm giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, loại bỏ ám ảnh và thoát khỏi những sợ hãi đeo bám. Người bệnh nên chọn những bác sĩ giỏi, những chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín để đảm bảo quá trình tư vấn đạt được kết quả tốt.
Hiện nay những liệu pháp tâm lý được ưa chuộng và đạt hiệu quả cao bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp tiếp xúc. Hai liệu pháp này có thể được kết hợp trong quá trình điều trị nhằm nâng cao hiệu quả. Các bác sĩ sẽ dựa trên tình hình thực tế để quyết định nên dùng liệu pháp nào.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp này giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức và sự ám ảnh về nỗi sợ, nhận ra sự sợ hãi của bản thân là vô lý, sau đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Những chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ cùng người bệnh đối thoại trong không gian riêng tư, giúp người bệnh dần thoát khỏi những nút thắt trong tâm lý, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực với kim tiêm.
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc buộc người bệnh lặp đi lặp lại quá trình tiếp xúc với những tác nhân gây ám ảnh và sợ hãi, từ đó học cách làm quen và điều tiết cảm xúc. Dần dần, cảm giác quen thuộc sẽ giúp người sợ kim tiêm giảm bớt sự ám ảnh, không còn cảm thấy bị đe dọa khi nhìn thấy chúng. Ban đầu, người bệnh sẽ được tiếp xúc với hình ảnh trên giấy hoặc thông qua màn ảnh. Khi đã quen dần, chúng ta sẽ được tiếp xúc với vật thể thật, với khoảng cách từ xa đến gần.
Liệu pháp tâm lý có tác dụng tốt nhất trong những trường hợp ám ảnh nhẹ. Nếu người bệnh có những triệu chứng lo âu, sợ hãi, hoảng loạn quá mức, hoặc tình trạng sợ hãi ở mức nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để hạn chế triệu chứng. Sau khi kiểm soát được tình trạng tinh thần, việc điều trị tâm lý sẽ được tiếp tục.
2. Sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc trong trường hợp này rất hạn chế, vì thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu trầm cảm, lo âu quá mức, hoặc có phản ứng dữ dội trong quá trình điều trị tâm lý, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm SSRI, hoặc thuốc chẹn beta.
3. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Một số bệnh nhân có thể hoàn toàn thoát khỏi nỗi sợ kim tiêm sau thời gian điều trị. Nhưng cũng có trường hợp chỉ có thể giảm nhẹ cảm giác sợ hãi, cũng như kiểm soát nỗi sợ trong mức có thể chấp nhận. Người bệnh vẫn sợ kim tiêm, nhưng vẫn có cách giúp bản thân bình tĩnh, tránh hoảng loạn khi đối diện với nỗi sợ hãi
Thiền và yoga là những phương pháp được khuyến cáo dành cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu. Phương pháp này giúp chúng ta học cách giữ bình tĩnh, thả lỏng đầu óc, suy nghĩ tích cực, và giúp loại bỏ ám ảnh một cách hiệu quả. Duy trì tập thể dục, thiều và yoga hằng ngày rất có ích cho quá trình điều trị.
Trong trường hợp bạn buộc phải đối mặt với việc tiêm ngừa, nhưng cảm giác sợ hãi vẫn tồn tại, thì có thể một số cách dưới đây. Hiệu quả của những phương pháp này sẽ tùy vào khả năng chịu đựng, và tình huống cụ thể người bệnh đang đối mặt. Đừng ngại khi thể hiện nỗi sợ của mình.
- Tránh việc nhìn trực tiếp vào kim tiêm trong quá trình tiêm ngừa. Bạn nên tìm kiếm một vật gì đó để đánh lạc hướng suy nghĩ của bản thân, hoặc đi cùng người thân hay bạn bè để có chỗ dựa tinh thần.
- Nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ hoặc chuyên viên y tế về tình trạng của bản thân. Những người có chuyên môn sẽ biết cách giúp bạn vượt qua cơn sợ hãi, hoặc có biện pháp giúp bạn không cảm nhận được kim tiêm mà vẫn hoàn thành thủ thuật y tế.
- Việc gồng cứng cơ không có tác dụng giúp bạn giảm đau, hoặc thoát khỏi ám ảnh về kim tiêm. Hành động này có thể gây nguy hiểm trong trường hợp kim bị gãy, hoặc người tiêm không xác định đúng vị trí mà phải ghim kim nhiều lần. Vì thế hãy thả lỏng, nhắm mắt và cố gắng đừng nghĩ đến kim tiêm.
Hội chứng sợ kim tiêm cần được phát hiện và chữa trị sớm, nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho người bệnh. Nếu không trong những trường hợp đặc biệt, người bệnh không thể tiếp nhận thủ thuật y tế cần thiết liên quan đến tiêm ngừa hay lấy máu. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia) là gì? Làm sao vượt qua?
- Hội chứng sợ già (Gerascophobia): Biểu hiện và Cách vượt qua
- Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic) luôn cản trở bạn thành công
- Hội chứng sợ bị người khác nhìn: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!