Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia): Biểu hiện & cách khắc phục
Hội chứng sợ phụ nữ là thuật ngữ được sử dụng để chỉ nỗi sợ quá mức, phi lý và kéo dài dai dẳng có liên quan đến nữ giới. Người mắc phải chứng bệnh này sẽ có xu hướng sợ hoặc không thích phụ nữ, luôn muốn lẩn tránh, giữ khoảng cách với phụ nữ trong bất kỳ tình huống, hoạt động nào.
Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia) là gì?
Hội chứng sợ phụ nữ hay còn có tên tiếng Anh là Gynophobia được xem như một chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi với nỗi sợ cụ thể có liên quan đến phụ nữ. Những người mắc phải tình trạng này sẽ thường trực nỗi sợ quá mức, phóng đại, kéo dài về hầu hết những gì có liên quan đến nữ giới.
Theo số liệu thống kê thì hội chứng sợ này thường khởi phát phổ biến ở nam giới và gây nên nhiều cản trở, ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống của họ. Chính do nỗi sợ phi lý và mất kiểm soát của bản thân nên người bệnh luôn có xu hướng tránh né việc xuất hiện tại những nơi có nguy cơ tồn tại yếu tố kích thích, thậm chí họ còn tự nhốt mình trong nhà để tránh gặp phải phụ nữ.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì hội chứng sợ phụ nữ là một dạng rối loạn nghiêm trọng có sức ảnh hưởng to lớn đối với từng trường hợp người bệnh khác nhau. Do đó, Gynophobia cần được hỗ trợ can thiệp trong giai đoạn sớm để ngăn chặn các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, chất lượng đời sống của bệnh nhân.
Mặc dù hiện nay hội chứng sợ phụ nữ vẫn chưa được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần riêng biệt theo DSM-5 (Sổ tay Chẩn đoán và Điều trị Rối loạn tâm thần xuất bản lần thứ V) nhưng nếu có thể phát hiện và can thiệp bằng nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau thì tình trạng bệnh vẫn có thể được cải thiện hiệu quả. Đối với hầu hết các tình trạng ám ảnh sợ hãi cụ thể, tâm lý trị liệu kết hợp với thuốc là phương pháp có thể mang đến hiệu quả tích cực nhất cho từng đối tượng bệnh khác nhau.
Biểu hiện của hội chứng sợ phụ nữ
Cũng tương tự như các hội chứng sợ ám ảnh khác, hội chứng sợ phụ nữ cũng sẽ được đặc trưng bởi nỗi sợ quá mức, phi lý và phóng đại có liên quan đến phụ nữ. Tình trạng sợ hãi này thường kéo dài dai dẳng tối thiểu 6 tháng và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày và làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần khác ở người bệnh.
Cụ thể, để nhận biết một người đang mắc phải hội chứng sợ phụ nữ, bạn có thể dựa vào một số biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, bất an về phụ nữ, nỗi sợ bao trùm ngay cả khi suy nghĩ hoặc nhìn thấy hình ảnh của phụ nữ.
- Có xu hướng muốn tránh né, lẩn trốn việc gặp gỡ phụ nữ trong tất cả các tình huống khác nhau, kể cả những cuộc trò chuyện có liên quan đến nữ giới.
- Hiểu rõ về nỗi sợ phi lý của bản thân nhưng không có khả năng kiểm soát và loại bỏ chúng.
- Luôn có xu hướng giữ khoảng cách đối với phụ nữ, kể cả những người quen biết, thân thuộc trong cuộc sống.
- Nỗi sợ thường trực khiến bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, thói quen ăn uống, sinh hoạt dần bị đảo lộn, không đảm bảo chất lượng.
- Dễ mất tập trung, trí nhớ suy giảm đáng kể, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, lựa chọn hàng ngày.
- Nhiều trường hợp tự tách biệt, nhốt mình trong nhà vì lo sợ sẽ gặp phải phụ nữ. Người bệnh thường cảm thấy cô đơn hoặc thậm chí bị mọi người xung quanh chỉ trích vì thái độ sợ hãi, “kỳ thị” phụ nữ quá đà.
Nỗi sợ về phụ nữ sẽ được biểu hiện mạnh mẽ hơn với hàng loạt các triệu chứng về thể chất, giống như đang đối diện với những tình huống nguy hiểm, đe dọa. Cụ thể, nếu người bệnh phải đối mặt với phụ nữ, họ sẽ khởi phát các dấu hiệu như:
- Chóng mặt, choáng váng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau đầu, khô miệng
- Khó thở, thở gấp, hơi thở nông
- Tim đập nhanh liên hồi, huyết áp tăng giảm bất thường
- Tức ngực, đổ nhiều mồ hôi
- Tay chân bủn rủn, không thể cử động
- Nói lắp bắp, nói không thành lời
- Đau tức vùng bụng, khó tiêu
- Ngất xỉu
- La hét, hoảng loạn, mất tự chủ về hành động
Biểu hiện của hội chứng sợ phụ nữ có thể khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, dù nó xảy ra ở giai đoạn nặng hay nhẹ cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với sinh hoạt, đời sống của họ nên cần được nhận biết, can thiệp càng sớm càng tốt.
Hội chứng sợ phụ nữ – Nguyên nhân do đâu?
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ về nguyên nhân gây ra hội chứng sợ phụ nữ. Tuy nhiên, dựa trên nhiều giả thuyết được đặt ra thì họ nhận thấy sự sợ hãi có liên quan mật thiết đối với những trải nghiệm, tổn thương trong quá khứ cùng với sự ảnh hưởng từ môi trường sống, tính cách, các bệnh lý rối loạn tâm thần khác.
Việc biết rõ về các yếu tố nguy cơ và tác động đối với nỗi sợ quá mức về phụ nữ cũng góp phần giúp cho bệnh nhân lựa chọn được phương pháp can thiệp, cải thiện tốt cảm xúc rối loạn của bản thân. Cụ thể, một số nguyên nhân thường được nhắc đến đối với hội chứng sợ phụ nữ như:
- Trải nghiệm tiêu cực về phụ nữ trong quá khứ: Đây được xem là một trong các lý do phổ biến và có tính thuyết phục nhất đối với hầu hết các trường hợp mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể. Nếu trong quá khứ, đặc biệt là từ thời thơ ấu, người bệnh đã từng trải qua các tổn thương, đau khổ có liên quan đến phụ nữ thì họ sẽ có nhiều khả năng khởi phát hội chứng này. Ví dụ như các trường hợp bị lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi, bạo hành, bắt cóc, quấy rối tinh thần, thể chất,…
- Do di truyền: Mặc dù chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào về những loại gen có khả năng gây ra hội chứng sợ phụ nữ nhưng các nhà khoa học cho biết rằng, nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải Gynophobia hoặc các ám ảnh sợ hãi liên quan khác thì tỷ lệ khởi phát bệnh ở các thành viên khác cũng sẽ cao hơn so với bình thường.
- Giáo dục, môi trường sống: Nỗi sợ không tự được sinh ra mà nó thường hình thành trong quá trình học tập, phát triển, trưởng thành. Nếu một người thường xuyên được giáo dục về sự nguy hiểm, tồi tệ, xấu xa của phụ nữ thì họ cũng dễ nảy sinh nỗi sợ phi lý này.
- Tính cách: Những người có sự nhạy cảm quá mức, lòng tự trọng thấp, dễ tổn thương sẽ có nguy cơ phát triển hội chứng sợ phụ nữ cao hơn so với bình thường.
Hội chứng sợ phụ nữ gây ra những ảnh hưởng gì?
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có ít nhất một nỗi sợ về những thứ hiện hữu xung quanh. Tuy nhiên, đối với nỗi sợ về phụ nữ lại có mức độ ảnh hưởng lớn đối với đời sống, sinh hoạt của mỗi con người.
Cũng bởi, phụ nữ chiếm đến 50% dân số trên toàn thế giới và chúng ta hoàn toàn không có cách nào để mãi lẩn trốn việc gặp gỡ, tiếp xúc với phụ nữ. Do đó, những người mắc phải hội chứng này thường gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong học tập, sinh hoạt đời sống hàng ngày, thậm chí họ không thể duy trì tốt các công việc, mối quan hệ lành mạnh do nỗi sợ quá mức của bản thân.
Như đã chia sẻ, người bệnh thường có xu hướng tránh né, từ chối việc góp mặt vào các cuộc hẹn, địa điểm có nguy cơ xuất hiện phụ nữ. Chính vì thế mà họ thường tự nhốt mình trong nhà, không dám bước chân ra đường vì luôn cảm thấy sợ sệt, căng thẳng khi phải nhìn thấy nữ giới.
Điều này làm cản trở to lớn đối với chất lượng sống của người bệnh, họ không thể học tập, làm việc ở bất kỳ đâu, đặc biệt là những nơi có sự xuất hiện của phụ nữ. Hơn thế, những trường hợp này còn không thể duy trì tốt các mối quan hệ lành mạnh, họ không thể tiến đến một cuộc hôn nhân với người khác giới bởi nỗi sợ khó kiểm soát của mình.
Sự đơn độc, cô quạnh kéo dài dai dẳng có thể làm gia tăng khả năng hình thành những suy nghĩ tiêu cực, bi quan ở bệnh nhân. Nếu không sớm được khắc phục và can thiệp tốt thì người bệnh có khả năng phải đối diện với những vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm hơn, phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn cảm xúc,….
Nhiều trường hợp do cảm thấy xấu hổ, mặc cảm và bất lực trước những cảm xúc tồi tệ của chính mình nên có xu hướng sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại. Đặc biệt hơn, hội chứng sợ phụ nữ kéo dài cũng có thể khiến bệnh nhân hình thành những hành vi ngược đãi bản thân, thậm chí là tự sát để giải thoát cho chính mình.
Cách khắc phục hội chứng sợ phụ nữ
Hội chứng sợ phụ nữ được xem như một vấn đề sức khỏe tâm lý nên việc điều trị thường được ưu tiên áp dụng các liệu pháp trị liệu để giúp bệnh nhân kiểm soát, điều chỉnh tốt về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân. Tùy vào từng tình trạng và mức độ nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để lựa chọn các liệu pháp phù hợp, hữu hiệu giúp họ loại bỏ tốt nỗi sợ phi lý về phụ nữ.
Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay như:
1. Liệu pháp tiếp xúc
Với hầu hết các trường hợp ám ảnh sợ hãi cụ thể, trong đó có hội chứng sợ phụ nữ thì việc áp dụng liệu pháp tiếp xúc luôn được cân nhắc sử dụng để mang đến hiệu quả tích cực cho từng trường hợp bệnh. Đây là liệu pháp giúp bệnh nhân có thể tiếp xúc, đối mặt trực tiếp với chính nỗi sợ của bản thân để từng bước kiểm soát cảm xúc và vượt qua nó.
Chuyên gia tâm lý sẽ cho người bệnh thực hiện trong môi trường an toàn, cho họ tiếp xúc với phụ nữ theo từng mức độ đơn giản đến phức tạp. Ví dụ như nói về phụ nữ, xem hình của phụ nữ, gặp gỡ trực tiếp phụ nữ,…Trong giai đoạn này, chuyên gia tâm lý có nhiệm vụ hỗ trợ cho người bệnh các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng, lo lắng và những kỹ năng phù hợp để họ đánh bại được nỗi sợ phi lý của bản thân.
Việc liên tục tiếp xúc với yếu tố gây sợ hãi sẽ dần điều chỉnh được suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của người bệnh, giúp họ dần giảm bớt nỗi sợ với phụ nữ và có thể đối mặt được với sự sợ hãi của mình. Sau quá trình trị liệu, người bệnh sẽ dần loại bỏ sự ám ảnh của bản thân mình, có thể tiếp cận tốt hơn với phụ nữ ở mức độ nhất định.
2. Liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT)
Để gia tăng hiệu quả trị liệu, các chuyên gia tâm lý thường kết hợp giữa liệu pháp tiếp xúc với liệu pháp nhận thức và hành vi. Phương pháp này giúp người bệnh tự nâng cao nhận thức về nỗi sợ quá mức của bản thân và dần biết cách điều chỉnh, thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi theo chiều hướng tích cực, lành mạnh hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn trang bị thêm những kỹ năng quản lý kiểm soát, kỹ năng đối mặt với căng thẳng, kỹ năng thư giãn, kỹ năng kết nối,…để người bệnh dần hòa nhập hơn với cộng đồng, từng bước xây dựng lại đời sống tích cực, lành mạnh hơn. Quá trình này có thể được kết hợp tốt với liệu pháp thôi miên, liệu pháp nhóm để giúp cho quá trình can thiệp đạt được hiệu quả tích cực hơn.
3. Sử dụng thuốc
Đối với những trường hợp mắc hội chứng sợ phụ nữ có kèm theo các biểu hiện trầm cảm, sợ hãi, lo lắng quá mức thì có thể được cân nhắc sử dụng thêm cùng với một số loại thuốc hỗ trợ phù hợp. Thuốc không có tác dụng loại bỏ tận gốc nỗi sợ nhưng nó giúp cho các triệu chứng sợ hãi dần được thuyên giảm và ngăn chặn tốt các hệ lụy nguy hiểm, tồi tệ có thể xảy ra.
Tuy nhiên, một số loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, thuốc an thần,…cũng có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn nên cần được cẩn trọng trong suốt quá trình sử dụng. Nếu trong thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì cần thông báo ngay để được hướng dẫn cách giải quyết, khắc phục phù hợp.
4. Hỗ trợ cải thiện tại nhà
Song song với các biện pháp điều trị chuyên khoa, người mắc phải hội chứng sợ phụ nữ cũng cần chú ý hơn về thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, cố gắng thay đổi và loại bỏ những lối sống tiêu cực, kém lành mạnh. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì để giúp cho nỗi sợ phi lý về phụ nữ nhanh chóng biến mất, bệnh nhân cần duy trì các thói quen tích cực sau đây:
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, giảm căng thẳng tại nhà. Mỗi ngày chỉ cần vận động lành mạnh khoảng 30 phút cũng giúp bạn loại bỏ tốt những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, mệt mỏi trong cuộc sống.
- Chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, tăng cường ăn rau xanh, các loại hoa quả tươi cùng những thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, hạn chế những món ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản độc hại.
- Tuyệt đối không được lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá,…
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc mỗi ngày để gia tăng sự tập trung và mang đến nguồn năng lượng tích cực.
- Thiền định và yoga là hai bộ môn luôn được khuyến khích để áp dụng cho những người đang mắc hội chứng sợ phụ nữ. Nó giúp bạn kiểm soát tốt cảm xúc, dễ dàng loại bỏ những suy nghĩ sai lệch, chưa phù hợp.
- Chủ động hơn trong việc chia sẻ về tình trạng tâm lý với những người thân bên cạnh để nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu từ họ.
- Có thể đăng ký tham gia vào các hội nhóm của người mắc phải hội chứng sợ để được chia sẻ về các kinh nghiệm khắc phục, đồng thời nhận được nhiều lời khuyên, động viên bổ ích từ những người đã từng mắc bệnh.
Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia) gây nên nhiều ảnh hưởng và cản trở đối với đời sống, sức khỏe của người bệnh. Hy vọng qua thông tin chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về bệnh lý để có cách can thiệp, khắc phục hiệu quả trong giai đoạn sớm.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ bệnh viện (Nosocomephobia) là gì? Cách vượt qua
- Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia) là gì? Làm sao vượt qua?
- Hội chứng sợ bị người khác nhìn: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia): Nguyên nhân và Giải pháp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!