Im lặng độc hại: Âm thầm gây tổn thương tâm lý cho đối phương
Im lặng độc hại là một dạng tra tấn tinh thần và thao túng tâm lý người khác. Mục đích là để đối phương cảm thấy lo lắng, hoang mang, sợ hãi, và chấp nhận “đầu hàng” trước người đang thể hiện sự im lặng. Phương pháp này thường được sử dụng trong những mối quan hệ độc hại, và gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho đối tượng bị nhắm đến.
Im lặng độc hại là gì?
Im lặng độc hại không phải là trạng thái im lặng cần thiết trong một mối quan hệ. Giữa người với người, chúng ta không thể tránh được những lúc bất đồng ý kiến, những lúc cãi vã. Và đôi bên cần những khoảng lặng, tránh gặp mặt hay tương tác trong một thời gian để cả hai cùng bình tâm suy nghĩ về vấn đề.
Sự im lặng này giúp hòa hoãn mối quan hệ, giúp đôi bên có góc nhìn đa chiều hơn về sự việc, và đưa ra những quyết định phù hợp nhất. Đây là sự im lặng tích cực. Còn với im lặng độc hại, đây đơn giản là một hình thức áp đặt quyền lực, buộc đối phương phải phục tùng và chịu yếu thế trước bản thân.
Sự im lặng độc hại là đơn phương đàn áp tinh thần đối phương bằng sự ngó lơ và im lặng, thay vì chửi rủa hay có hành vi bạo lực. Hiểu đơn giản thì đây là một hình thức tẩy chay, cô lập và bạo lực lạnh phổ biến trong cuộc sống. Trên thực tế, phương pháp này gây tổn thương tinh thần kinh khủng gấp nhiều lần bạo hành bằng lời nói.
Việc từ chối giao tiếp với đối phương thông qua lời nói hay hành động, không trả lời tin nhắn, xem đối phương là không khí, dừng cuộc trò chuyện khi thấy mặt đối phương, hoặc đối xử với người bị tẩy chay một cách khác biệt đều là những hành vi thể hiện sự im lặng theo cách độc hại. Im lặng độc hại cũng có thể là một dạng guilt trip mà kẻ thích thao túng thường dùng.
Hành vi này đươc xem là một hình thức hữu hiệu, xảo quyệt nhưng cũng rất độc ác khi đối phó với người khác. Con người nếu bị cô lập, ngó lơ và không được tương tác với xã hội trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần. Đặc biệt, sự im lặng đáng sợ đến từ người thân là càng có sức sát thương lớn hơn.
Vì sao chúng ta áp dụng sự im lặng độc hại với người khác?
Im lặng độc hại không mang đến những điều tốt đẹp, và khiến các mối quan hệ ngày càng tệ hại hơn, vì một bên luôn chịu yếu thế hơn bên còn lại. Thế nhưng nhiều người vẫn thích áp dụng biện pháp này. Mỗi người sẽ có những lý do riêng để chọn im lặng, và dưới đây là một số nguyên nhân thường thấy:
- Áp đặt quyền lực: Chỉ cần im lặng và ngó lơ đối phương, người đó sẽ tự động nhận sai và đáp ứng yêu cầu của bản thân. Đây là suy nghĩ thường thấy của những kẻ thích thao túng trong những mối quan hệ độc hại. Mối quan hệ độc hại này không chỉ gói gọn trong chuyện tinh cảm nam nữ, mà còn chỉ quan hệ giữa cha mẹ – con cái, đồng nghiệp, bạn bè với nhau. Việc áp đặt quyền lực giúp kẻ thao túng dễ dàng đạt được mục đích bằng cách khiến đối phương chủ động nhận sai.
Xem thêm: Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là gì? Cách nhận biết
- Né tránh xung đột: Chấp nhận chịu đựng và im lặng để ngăn chăn sự việc leo thang một cách mất kiểm soát là cách nhiều người chọn để giải quyết vấn đề. Đây cũng là một dạng im lặng độc hại, khi một trong hai bên chọn cách trốn tránh, không nhìn thẳng vào vấn đề, và không tìm cách giải quyết triệt để. Việc im lặng này có thể tạo cơ hội cho bên còn lại làm trầm trọng thêm vấn đề, và có những hành vi bạo hành.
- Trừng phạt đối phương: Sự im lặng độc hại còn là một hình thức trừng phạt về tâm lý. Nhiều người tin rằng việc im lặng, chiến tranh lạnh, không nói năng hay chú ý đến đối phương sẽ khiến họ nhớ, và không bao giờ phạm lại sai lầm một lần nữa. Ví dụ nếu cha mẹ thấy con cái làm điều sai quấy, một vài người sẽ im lặng và không quan tâm đến trẻ. Họ tin rằng làm như vậy trẻ sẽ luôn nhớ đến hành vi sai lầm của mình, và có được bài học nhớ đời. Nhưng đây là cách tệ hại nhất để dạy con, hoặc trừng phạt một ai đó.
- Đối phó với tổn thương: Một số người chọn cách im lặng như liệu pháp đối phó với tổn thương. Trong tiềm thức, họ tin rằng sự im lặng là cách tốt để giải quyết vấn đề. Điều này có thể xảy ra do những chấn thương tâm lý tuổi thơ, hoặc do ảnh hưởng từ cách dạy dỗ của gia đình.
- Chấm dứt mối quan hệ: Thay vì chọn cách đưa ra lời chia tay thẳng thắn, một số người lại chọn cách im lặng để chấm dứt mối quan hệ. Họ muốn cho đối phương cảm thấy tình cảm này đã đi đến điểm dừng, dùng sự im lặng để đối phương chán nản, mệt mỏi và chủ động đưa ra yêu cầu chấm dứt. Những người chọn cách này sẽ không quan tâm đến vấn đế tranh cãi, không muốn đối phương xin lỗi, và không có nhu cầu giải quyết vấn đề. Cái họ muốn là đối phương tự cảm thấy mệt mỏi và lựa chọn chia tay.
Có thể thấy, trái ngược với sự im lặng bình tĩnh, im lặng độc hại không bao giờ có thể giải quyết vấn đề theo cách tích cực. Thay vì để hai người có thời gian suy ngẫm, tự vấn lại bản thân và đối phương, im lặng tiêu cực chỉ thể hiện sự ích kỷ, kiêu ngạo, cố chấp, hoặc tâm lý yếu đuối, thích trốn tránh vấn đề của một trong hai bên.
Rõ ráng khi áp dụng hình thức tra tấn tâm lý này, kẻ thích áp đặt và thao túng không hề quan tâm đến cảm nhận của người đối diện, mà chỉ muốn thỏa mãn cái tôi và nhu cầu cá nhân. Hành vi này hoàn toàn có thể giết chết một mối quan hệ, và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau.
Một số hành vi thể hiện sự im lặng độc hại
Sự im lặng độc hại diễn ra trong mọi mối quan hệ, và đẩy mâu thuẫn, hoặc sự bất bình đẳng ngày càng vượt quá tầm kiểm soát. Nếu một trong hai bên liên tục là người yếu thế và hạ mình trong mối quan hệ, tình cảm sẽ nhanh chóng tan vỡ. Nếu cả hai cùng áp dụng sự im lặng với đối phương, mối quan hệ sẽ đi đến ngõ cụt.
Dưới đây là một số hành vi thể hiện sự im lặng độc hại mà chúng ta cần tránh xa:
- Không trả lời tin nhắn, không nói chuyện, không nhìn vào mắt, không phản ứng với những điều bạn muốn nói.
- Đối xử với những người khác bình thường, nhưng xem bạn như không khí.
- Thể hiện thái độ hả hê khi nhìn bạn cố gắng bắt chuyện với họ trong vô vọng.
- Nói xấu đối phương với những người xung quanh, tỏ ra bản thân là nạn nhân trong câu chuyện.
- Từ chối nói chuyện một cách thẳng thắn để giải quyết vấn đề.
- Luôn có hành vi, thái độ lạnh lùng và thể hiện sự thờ ơ với bạn sau mọi cuộc tranh luận, dù lỗi là của ai.
- Chỉ chấp nhận thay đổi thái độ khi bạn nhận sai, xin lỗi, làm mọi thứ để van cầu sự tha thứ, và chấp nhận mọi yêu cầu do người đó đưa ra.
- Không quan tâm đến những cảm xúc tiêu cực của bạn, và luôn khiến bạn cảm thấy rằng bạn là người có lỗi, còn họ là người bị hại.
- Họ biết rằng hành vi bạo lực lạnh này gây tổn thương cho đối phương nhưng vẫn làm.
- Sự im lặng tiêu cực thể hiện sự tức giận, không hài lòng, thất vọng của đối phương dành cho bạn, chứ không hề có thiện chí suy ngẫm để giải quyết vấn đề.
Có những người biết rõ ảnh hưởng của tích cực độc hại đến người khác, nên cố tình dùng phương pháp này để đạt được mục đích. Có người thì chỉ sử dụng như một thói quen và phản ứng tự nhiên khi muốn trốn tránh vấn đề. Dù là với mục đích vào, im lặng theo hướng tiêu cực vẫn mang đến ảnh hưởng xấu cho cả hai bên.
Ảnh hưởng của im lặng độc hại đến mọi người
Im lặng độc hại là hình thức tra tấn tinh thần và tẩy chay, đặc biệt là khi nhiều người áp dụng cách này với một người. Chúng ta có thễ dễ dàng nhìn thấy việc nhiều hoc sinh trong lớp phớt lờ và cô lập một học sinh khác, hoặc đồng nghiệp trong công ty cố tình làm lơ sự tồn tại của một người trong văn phòng.
Hình thức tẩy chay này cô lập nạn nhân với xã hội, không cho họ cơ hội giao tiếp với những người xung quanh nhằm đánh nát tinh thần, thao túng cảm xúc, và khiến họ chấp nhận làm mọi thứ theo ý người thao túng. Hoặc đơn giản, nhiều người áp dụng phương pháp này chì vì chán ghét đối phương, và muốn họ cảm thấy đau khổ.
Những người bị ảnh hưởng bởi sự im lặng tiêu cực sẽ bắt đầu hoang mang, thiếu tự tin vào bản thân, giảm lòng tự trọng, và cho rằng họ phải chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề. Khi tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, nạn nhân bị thao túng sẽ tạo thành thói quen tự chỉ trích bản thân, luôn cố gắng làm hài lòng người kia, dù kẻ im lặng mới là người có lỗi.
Không chỉ thế, sự lo âu, tự ti, căng thẳng khi bị bạo lực lạnh, bị đối phương áp dụng im lặng độc hại cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Những người bị áp bức, tẩy chay có tỷ lệ mắc trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chán ăn, sụt cân, mất ngủ, đau đớn về thể chất, có hành vi tổn hại bản thân và tự tử cao hơn bình thường.
Với những mối quan hệ khắng khít, cần sự tôn trọng, bao dung, yêu thương như cha mẹ – con cái, vợ – chồng, người yêu,… thì im lặng độc hại là liều thuốc độc giết chết sợi dây gắn kết tình cảm giữa đôi bên. Đến khi chúng ta hối hận, muốn hàn gắn và cải thiện mối quan hệ thì mọi thứ đã muộn màng.
Cha mẹ và con cái dần xa cách, không thể nói chuyện với nhau. Vợ chồng hoặc những người yêu nhau ngày càng chán ngán mối quan hệ, không còn tình cảm và hứng thứ để vun đắp cho tình yêu và gia đình. Hậu quả là những mối quan hệ đổ vỡ, để lại vết thương lòng không thể hàn gắn cho những người trong cuộc.
Sử dụng sự im lặng như một hình thức trừng phạt, áp đặt quyền lực, hay trốn tránh vấn đề đều không tốt cho đôi bên. Khi muốn thể hiện quyền lực trong một mối quan hệ, muốn đối phương phục tùng bản thân vô điều kiện, thì chính bạn đã không coi trọng mối quan hệ của cả hai, mà chỉ muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân.
Những người có suy nghĩ này không bao giờ có được tình cảm chân thành, cũng như không bao giờ biết tôn trọng và thông cảm cho người khác. Với những người áp dụng cách này để trốn tránh vấn đề, bạn có thể đánh mất những mối quan hệ quý báu, và có thể chìm trong những càm xúc tiêu cực không thể thoát ra.
Cách vượt qua ảnh hưởng của im lặng tiêu cực
Khi nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của im lặng độc hại, chúng ta không nên để bản thân trở thành nạn nhân của hình thức thao túng và tra tấn tâm lý này. Nếu bạn cảm thấy mình có nguy cơ bị đối xử bất công, hoặc đang trong giai đoạn bị ảnh hưởng của im lặng độc hại, hãy thử những cách dưới đây:
- Đặt ra quy tắc cho mối quan hệ: Cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề là không tạo cơ hội cho nó xuất hiện. Nếu bạn đang trong mối quan hệ yêu đương, hoặc với những người thân trong gia đình, tất cả nên đặt ra quy tắc là không im lặng một cách tiêu cực khi có tranh cãi. Mọi người có thể cho nhau thời gian suy nghĩ dể giải quyết vấn đề, nhưng tuyệt đối không thể có hành vi bạo lực lạnh với đối phương. Nếu có người không tuân thủ quy tắc, chứng tỏ họ không coi trọng mối quan hệ đôi bên. Lúc đó, chúng ta cần có cách giải quyết thích hợp trong từng tình huống.
- Đừng đánh mất bản thân: Những người chịu ảnh hưởng tiêu cực của hình thức áp đặt tâm lý này luôn nghĩ bản thân là người có lỗi. Họ đánh mất cái nhìn sáng suốt và chính kiến của mình với sự việc. Do đó, hãy luôn nhìn nhận sự việc theo hướng khách quan, có thể lắng nghe góp ý từ người xung quanh, nhưng đừng bao giờ đánh mất bản thân. Đừng để bạn biến thành con rối bị người khác thao túng.
- Học cách giữ bình tĩnh: Bạn càng mất bình tĩnh thì càng dễ rơi vào bẫy của những kẻ thích thao túng. Khi kích động, bạn đã đẩy bản thân vào vị thế người có lỗi, người “cố tình gây sự”, và bạn xứng đáng nhận sự im lặng từ đối phương như một cách trừng phạt. Ngoài ra khi nóng giận, bạn cũng có thể có những hành vi bốc đồng, mất kiểm soát. Từ đó, bạn bị ám ảnh rằng bản thân là người gây ra mọi việc, và sẵn sàng tỏ thái độ xin lỗi, câu xin sự tha thứ. Bạn quên mất lý do ban đầu của cuộc tranh luận, mà chỉ nhớ rằng mình đã quá tay với đối phương.
- Thoát khỏi mối quan hệ độc hại: Nếu một mối quan hệ không khiến bạn vui vẻ, hạnh phúc mà luôn phải hứng chịu sự im lặng, luôn là người phải năn nỉ, ỉ ôi, nhận sai, và đáp ứng yêu cầu vô lý của đối phương một cách quá đáng thì hãy thoát khỏi mối quan hệ đó. Sự im lặng của đối phương chỉ là một thủ thuật khống chế và ép buộc bạn phục tùng. Chứng tỏ người đó không hề coi trọng và yêu thương bạn. Như vậy, vì sao chúng ta cứ phải cố chấp ôm khư khư một thứ tình cảm độc hại đến thế. Hãy chủ động dứt ra để giải phóng bản thân.
Nếu tinh thần và sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi im lặng độc hại trong thời gian dài, hãy thả lỏng bản thân và yêu quý bản thân nhiều hơn. Bạn không phải là người có lỗi hoàn toàn trong câu chuyện. Và cũng không phải là người luôn phải hạ mình, để rồi đánh mất tự trọng và sự tự tin vào bản thân.
Hãy thoát khỏi mối quan hệ độc hại càng sớm càng tốt, sau đó xây dựng cho bản thân một chế độ sống lành mạnh hơn. Bạn có thể đọc sách, thiền chánh niệm, tập thể thao, du lịch, tìm một công việc bản thân yêu thích, tâm sự với bạn bè, hoặc làm bất cứ thứ gì giúp bản thân vui vẻ.
Bạn cũng có thể tìm đến những trung tâm tư vấn tâm lý uy tín, có đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm để xin lời khuyên, nhằm giúp bản thân vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của im lặng độc hại.
Có thể bạn quan tâm
- Đặc Điểm Tính Cách, Tâm Lý Trẻ Khi Lớn Lên Trong Gia Đình Độc Hại
- Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Phân tích rõ hệ quả
- Chấn thương tâm lý tuổi thơ nguy hại như thế nào?
- Bị Bố Mẹ Ghẻ Lạnh: Những Tổn Thương Tâm Lý Mà Trẻ Phải Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!