6 Loại trầm cảm thường gặp hiện nay và cách nhận biết
Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm hiện nay đang ngày càng tăng cao mặc dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và phổ cập về bệnh lý này nhiều hơn. Nhận biết các loại trầm cảm thường gặp hiện nay sẽ giúp bạn sớm có biện pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn những hệ lụy nguy hiểm khác xuất hiện.
6 Loại trầm cảm thường gặp hiện nay và cách nhận biết
Có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm như ám ảnh tâm lý, các vấn đề về tình cảm, tự ti về ngoại hình, áp lực học tập, làm việc quá căng thẳng.. Đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm được thể hiện thông qua những hành vi, suy nghĩ mang tính tiêu cực của bản thân người bệnh và cần sớm được kiểm soát.
Trên thực tế có rất nhiều loại trầm cảm được phân loại dựa trên nguyên nhân, cơ chế gây bệnh và triệu chứng nhưng thường chúng ta chỉ gọi chung là trầm cảm. Phát hiện bệnh sớm thông qua các triệu chứng ban đầu sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.
1. Trầm cảm theo mùa
Trầm cảm theo mùa hay còn được gọi với cái tên là rối loạn cảm xúc theo mùa có tên khoa học là Seasonal Affective Disorder (SAD). Bệnh xuất hiện vào thời điểm giao mùa, thường là mùa đông hay mùa thu nên còn được gọi là trầm cảm mùa đông. Rất ít người mắc bệnh vào mùa xuân hay hè.
Nguyên nhân là do vào thời điểm này, môi trường bị thiếu ánh sáng mặt trời, thời gian ban ngày thường ngắn hơn bình thường nên khiến đồng hồ sinh học bị thay đổi, não bộ mất đi các melatonin hormone tự nhiên, đồng thời nồng độ serotonin cũng giảm xuống. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và hệ thần kinh của những người bệnh.
Các triệu chứng đặc trưng của SAD bao gồm
- Cơ thể mệt mỏi ủ rũ, không muốn hoạt động, làm việc hay nói chuyện với bất cứ ai
- Tâm trạng buồn bã, tư duy chậm chạp, giảm sự tập trung và tốc độ xử lý thông tin
- Có xu hướng thèm ăn và ăn nhiều hơn
- Dễ khóc lóc, tức giận, cảm thấy bồn chồn và lo lắng vô cớ
- Thiếu năng lượng
- Rối loạn giấc ngủ, nếu ở mùa đông thường cảm thấy thèm ngủ nhiều hơn bình thường
- Có xu hướng tăng giảm cân nặng bất thường
- Sử dụng các chất kích thích, bia rượu thuốc lá hay các chất gây nghiện
- Ở người bị trầm cảm mùa xuân hay mùa hè còn có xu hướng dễ bị kích động, chán ăn, có ham muốn tình dục mạnh mẽ, co xen lẫn các trạng thái hưng cảm.
Bệnh xuất hiện có tính chu kỳ, thường chỉ diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm, có thể tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên trong thời kỳ diễn ra bệnh nếu không sớm được kiểm soát, người bệnh cũng có những suy nghĩ và hành vi hướng tới việc tự tử.
2. Trầm cảm sau sinh
Một trong những loại trầm cảm thường gặp nhất ở phụ nữ chính là trầm cảm sau sinh. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, đáng báo động, có thể làm hại cả bản thân và em bé. Đặc biệt dù được cảnh báo rất nhiều nhưng tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh vẫn đang không ngừng tăng lên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh như sự thay đổi về hormone, nuôi con khó khăn, sinh con khi còn quá trẻ, sự đau đớn ở cơ thể hay các vấn đề với chồng và người thân…Tất cả đều khiến tinh thần của người mẹ xuống dốc trầm trọng, không còn cảm thấy niềm vui và không còn tha thiết với cuộc sống này.
Những triệu chứng điển hình ở những phụ nữ trầm cảm sau thời kỳ sinh nở bao gồm
- Tâm trạng buồn bã, u buồn, mệt mỏi, luôn trong trạng thái có thể khóc bất cứ lúc nào
- Mất tập trung, lơ đãng, thường xuyên ngồi bần thần hay nhìn về nơi xa xăm mặc dù con đang khóc ở bên
- Suy nghĩ, hành động rất chậm chạp
- Luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ một điều gì đó mơ hồ nên dễ giật mình hoảng hốt
- Luôn có cảm giác cô đơn, lạc lõng, khong có ai hiểu mình dù được rất nhiều người chăm sóc
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài, không thể ngủ được
- Cơ thể thiếu sức sống, không muốn nói chuyện giao tiếp với ai
- Dễ dàng kích động, giận dữ hoặc có những người trở nên thờ ơ với mọi thứ
- Cân nặng tụt giảm, cơ thể suy nhược trầm trọng
- Không còn ham muốn tình dục, muốn xa lánh chồng
- Cảm giác không có mối liên hệ với con
- Có suy nghĩ tự tử và có thể giết chính con của mình, sau đó mới tự tự
Thực tế cho thấy không ít người mẹ bị trầm cảm đã tự tay giết chết chính con của mình, sau đó mới tự tử. Họ giết con vì có thể cho rằng đó chính là nguyên nhân khiến mình đau khổ, tuy nhiên cũng có những người thương con, sợ con không có mẹ sẽ khổ nên muốn “đưa” con đi cùng mình.
Bệnh có thể xuất hiện sau sinh vài tuần hay vài tháng, tuy nhiên mức độ nguy hiểm đều rất cao. Cần nhanh chóng đưa người mẹ đi điều trị tâm lý để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm này.
3. Các loại trầm cảm thường gặp – Rối loạn lưỡng cực (RLLC)
Rối loạn lưỡng cực (RLLC) là một loại trầm cảm thường gặp được đặc trưng bởi rối loạn cảm xúc với các triệu chứng trầm cảm, hưng cảm xuất hiện xen kẽ nhau. Người bệnh có hai trạng thái cảm xúc vui – buồn và thường được thể hiện ra một cách thái quá bất thường không thể tự kiểm soát được.
Sự thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi nội tiết tố hay các rối loạn sinh học có thể nguyên nhân chính gây rối loạn lưỡng cực. Bệnh có nguy cơ tự tử cực kỳ cao, gấp 15 lần so với người bình thường và có thể dẫn đến biến chứng là các rối loạn tâm thần.
Một số triệu chứng giúp nhận diện sớm bệnh này bao gồm
- Trong giai đoạn trầm cảm:
- Trạng thái buồn bã, mệt mỏi, sầu uất, cực kì bi quan về cuộc sống
- Suy nghĩ tội lỗi và thất vọng về bản thân
- Không muốn giao tiếp với chuyện với ai, tự cô lập chính mình
- Dễ dàng cáu gắt, giận giữ vô cớ
- Cơ thể mệt mỏi không có năng lượng, khó tập trung, không muốn tham gia hoạt động hay làm việc nào khác
- Đau nhức cơ thể
- Giảm ham muốn tình dục
- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, khó đi vào giấc ngủ
- Trí nhớ suy giảm, khó khăn khi phải quyết định một vấn đề nào đó
- Giai đoạn hưng cảm
- Cảm thấy vui vẻ, kích thích quá mức
- Khó tập trung, có những lời nói nhanh, lời nói vô nghĩa, lộn xộn, không logic
- Bỗng nhiên cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng, muốn làm tất cả mọi thứ, mọi công việc không ngừng nghỉ, tuy nhiên chất lượng công việc hoàn thành không được tốt
- Cảm giác hưng phấn, có ham muốn tình dục
- Rơi vào tình trạng nghiện ngập, tìm đến chất kích thích để giải tỏa năng lượng, giải tỏa cảm xúc.
Việc điều trị rối loạn lưỡng cực cũng không hề dễ dàng. Trong các trạng thái trầm cảm hoặc hưng phấn nặng, người bệnh có thể có những hành vi, suy nghĩ không phù hợp, mang hướng tiêu cực và tự làm hại bản thân.
4. Các loại trầm cảm thường gặp – Trầm cảm tình huống
Trầm cảm tình huống xuất hiện sau một sự kiện khiến khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống mà họ cảm thấy không vượt qua được. Người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi áp lực, suy nghĩ nhiều, buồn bã và chỉ suy nghĩ về các sự kiện đau khổ đó. Các sự kiện có thể gây trầm cảm tình huống như sự chia ly, sự ra đi của người thân, mẫu thuẫn trong gia đình hay mới trải qua các sự kiện thảm khốc.
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm tình huống bao gồm
- Cảm xúc buồn bã, luôn trong trạng thái có thể khóc bất cứ lúc nào
- Mơ màng, trống rỗng, không suy nghĩ được gì, luôn nhìn về hướng vô định
- Dễ xúc động hoặc kích động hoặc có thể khóc bất cứ lúc nào khi có người nhắc về các sự kiện ấy
- Không ngủ được, thường xuyên gặp ác mộng
- Cảm giác mệt mỏi, uể oải như không còn một chút năng lượng nào
- Chỉ muốn nằm một chỗ mà không muốn làm bất cứ việc gì
- Suy nghĩ đến cái chế và tự tử
Hiện nay bác sĩ có thể dùng thuật ngữ “hội chứng đáp ứng stress” thay cho trầm cảm tình huống.
5. Trầm cảm ẩn
Trầm cảm ẩn hay còn được gọi là trầm cảm che dấu (Masked Depression) cũng là một thể trầm cảm phổ biến, tuy nhiên rất khó để phát hiện. Người bệnh có thể không xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm như bình thường, thay vào đó họ có thể gặp một số vấn đề khác trên cơ thể. Đôi khi chính bản thân họ cũng không nhận ra rằng bản thân mình đang có vấn đề.
Những triệu chứng điển hình của trầm cảm ẩn bao gồm
- Thường xuyên than vãn về tình trạng đau nhức cơ thể, đau lưng, đau răng..
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi thất thường, có thể gặp những khó khăn trong giấc ngủ
- Bắt đầu nói nhiều về triết lý, tương quan trong cuộc sống, có thể nói về cái chết và tự nhận rằng bản thân thấy bình thản với điều đó
- Cố gắng đối mặt với những vấn đề tổn thương trong tâm trạng, cảm thấy lo lắng buồn bã nhưng tự động viên rằng bản thân đang rất ổn
- Dễ xúc động, cảm giác muốn khóc bất cứ lúc nào
- Luôn cố gắng giữ vẻ mặt vui vẻ hạnh phúc
- Nhìn nhận mọi thứ một cách bi quan
- Che dấu bản thân đang có vẫn đề với mọi người.
- Nếu người bệnh bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác thì chứng tỏ tình trạng bệnh đã trầm trọng hơn trước rất nhiều
- Có suy nghĩ đến cái chết
Do các triệu chứng trầm cảm bị ẩn mất thay bằng các cảm giác thực thể nên đôi khi việc đi khám bệnh cũng chưa chắc có thể phát hiện bệnh. Tình trạng này khiến nỗi u ám ngày càng bám chặt lấy người bệnh khiến mức độ trầm cảm nặng nề hơn, người bệnh có thể tự tử nếu cảm thấy không thể chống đỡ.
6. Hội chứng trầm cảm cười
Hội chứng trầm cảm cười (Smiling Depression) thường xuất hiện ở những bệnh nhân đã bị trầm cảm trong thời gian dài trước đó. Người ngoài rất khó nhận thấy bệnh nhân đang có vấn đề về tâm lý bởi hầu như họ không thể hiện ra các trạng thái u buồn mà thay bằng nụ cười.
Hiện chưa rõ về cơ chế gây bệnh nhưng tạm xác định trầm cảm cười có thể liên quan đến các yếu tố gây sang chấn tâm lý, do môi trường sống, hay do những áp lực căng thẳng quá mức. Người bệnh nhận thấy được những căng thẳng, khó khăn, bất thường của mình nhưng lại không muốn người khác nhận ra nên tìm cách che đâu bằng nụ cười.
Các triệu chứng SD điển hình như
- Luôn vô cùng vui vẻ, cười nói, nhiệt huyết vào ban ngày nhưng khi ở một mình lại cảm thấy cô đơn, trống rỗng, mệt mỏi, tự khóc một mình
- Luôn miễn cưỡng khi thức dậy hoặc cần phải tham gia các hoạt động tập thể nào đó, tuy nhiên nếu tham gia sẽ thể hiện sự vui vẻ hết mình
- Khi đi đến nơi đông người, tham gia vào các đột nhóm thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng và trống rỗng, cảm tưởng như không hòa nhập được
- Chỉ muốn ở một mình
- Đôi khi họ cũng thể hiện sự tức giận, cáu gắt một cách thái quá mà chính họ cũng không kiểm soát được. Các trạng thái này có thể xen lẫn với thời gian vui vẻ trước đó
- Khó khăn khi đi vào giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi, không còn một chút năng lượng nào vào cuối ngày.
Người mắc hội chứng trầm cảm cười luôn trong trạng thái phải đấu tranh giữa hai thái cực của cuộc sống, luôn cảm thấy mệt mỏi và cảm thấy như không còn là chính bản thân mình. Khi điều này vượt quá sức chịu đựng của bản thân, họ có thể buông bỏ tất cả, thực hiện hành vi tự sát để được thư thả, không phải đau buồn nữa.
Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Hầu hết triệu chứng chung của loại trầm cảm thường gặp là trạng thái u buồn, mệt mỏi, khí sắc u ám, không thể cảm nhận được niềm vui. Có những người bị trầm cảm nhưng vẫn có những hành xử như bình thường nên rất khó phát hiện.
Tỷ lệ tự tử ở những bệnh nhân trầm cảm là rất cao và đang không ngừng tăng lên tới con số đáng báo động. Cuộc sống ngày càng trở nên vội vã, mọi người mải mê chạy theo việc kiếm tiền, không còn thời gian nghỉ ngơi, quên mất việc chăm sóc bản thân hay để cho đầu óc được thư giãn. Đồng thời bạo lực ngôn từ, những ảnh hưởng từ mạng xã hội cũng có thể là những tác nhân khiến nguy cơ mắc trầm cảm ngày càng gia tăng.
Để phòng tránh nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này, bạn có thể tham khảo những điều sau
- Luôn dành thời gian để đầu óc nghỉ ngơi thư giãn, tránh trạng thái căng thẳng quá mức
- Mỗi cuối ngày bạn có thể dành thời gian nghe nhạc, đọc sách, thiền, ngâm nước ấm hay xem một bộ phim hài hước cũng là cách để đầu óc được thư giãn, thả lỏng
- Sống và làm việc theo hướng thích cực, luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Trước mọi sự việc hãy tập cách bình tĩnh, phân tích để giải quyết theo hướng tốt nhất, ít thiệt hại hơn
- Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, đây cũng là cách để giải tỏa căng thẳng, loại bỏ tiêu cực để thấy dễ chịu hơn
- Coi trọng giấc ngủ, nếu không bắt buộc về công việc, nên cố gắng đi ngủ trước 11h đêm. Bạn có thể thức dậy sớm hơn để giải quyết các công việc sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều
- Nhanh chóng giải quyết những băn khoăn, không để nó trong lòng quá nhiều
- Tâm sự với gia đình, người thân, nên làm bạn với những người tích cực vui vẻ để lan truyền những năng lượng này
- Một số cách để giải tỏa tâm trạng căng thẳng như viết lách, chạy bộ, tập võ hay thực hiện các sở thích của bản thân
- Yoga và thiền là bộ môn rất tốt cho tâm trạng
Nếu phát hiện các triệu chứng tâm trạng bất thường, người bệnh nên chấp nhận và đi điều trị càng sớm càng tốt. Tùy từng tình trạng mà bệnh nhân sẽ được chỉ định các phác đồ riêng, bao gồm dùng thuốc, trị liệu hay các biện pháp kích điện. Tìm đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần và trung tâm tâm lý sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi trạng thái nặng nề mệt mỏi do trầm cảm.
Trên đây là tổng hợp một số loại trầm cảm thường gặp, ngoài ra vẫn còn rất nhiều loại trầm cảm khác. Mỗi người nên bắt thay đổi lối sống khoa học lành mạnh hơn, biết cách cân bằng những cảm xúc, loại bỏ những điều tiêu cực để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác.
Có thể bạn quan tâm
- 10 Cách phòng ngừa bệnh trầm cảm khi mang thai mẹ bầu nên biết
- Cà chua và công dụng giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm
- Tác dụng phụ của thuốc chống trầm bạn nên cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!