Lý thuyết trao đổi xã hội và sự tác động trong các mối quan hệ
Lý thuyết trao đổi xã hội là sự tương tác qua lại giữa các mối quan hệ trong xã hội, thể hiện qua vấn đề lợi ích.
Khái niệm về lý thuyết trao đổi xã hội
Lý thuyết trao đổi xã hội (Social exchange theory) mô tả việc con người tương tác với các mối quan hệ trong xã hội là kết quả của một quá trình trao đổi lợi ích.
Các mối quan hệ chỉ lâu dài và bền vững nếu mọi người công bằng về lợi ích của nhau. Lợi ích nhận lại cũng phải tỉ lệ thuận với cái giá bỏ ra.
Hầu hết các mối quan hệ được hình thành và phát triển dựa trên việc “cho” và “nhận”. Khi bất lợi lớn hơn nhiều so với ích lợi, mọi người sẽ chọn cách chấm dứt và từ bỏ.
Do đó, lý thuyết trao đổi xã hội giúp con người có suy nghĩ tích cực hơn. Họ tin rằng thiệt hại sẽ được hạn chế tối đa, và lợi ích sẽ được ưu tiên.
Lý thuyết trao đổi xã hội cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý hay kinh tế. Tuy nhiên, lý thuyết này bị hạn chế khi áp dụng ở các mối quan hệ tình cảm.
Yếu tố tình yêu, tình cảm khó có thể tính toán công bằng giữa việc “cho” và “nhận”. Con người có xu hướng muốn cho đi, và không quan tâm đến việc nhận lại.
Sự hình thành của lý thuyết trao đổi xã hội
Vào năm 1958, nhà xã hội học người Mỹ George C. Homans đã hình thành những tư tưởng đầu tiên về “hành vi xã hội là những sự trao đổi qua lại”. Sau đó, ông cùng một số cộng sự đã phát triển và hoàn thiện khái niệm này.
Những cộng sự của ông đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển hoàn thiện lý thuyết trao đổi xã hội. Họ bao gồm: John Thibaut, Harold Kelley, và Peter Blau.
Đến nay, lý thuyết trao đổi xã hội đã được áp dụng trong hầu hết các mối quan hệ. Nhiều người không biết về khái niệm này, nhưng họ vẫn đang sử dụng hàng ngày trong giao tiếp và ứng xử.
Các thành phần chính của lý thuyết trao đổi xã hội
Những thành phần chính trong lý thuyết trao đổi xã hội là cơ sở để con người thấu hiểu và vận dụng hợp lý. Bốn thành phần này gồm: lợi ích, chi phí, kỳ vọng, và mức độ so sánh.
1. Lợi ích và chi phí
Lợi ích được hiểu là phần lợi nhận được trong một mối quan hệ. Đó có thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần.
- Vật chất: tiền bạc, trang sức, quần áo, phương tiện, nhà cửa,…
- Tinh thần: niềm vui, hạnh phúc, tự hào, sự động viên, sự tự tin,…
Những thứ bạn mong muốn có được, và nhận lại sẽ được coi là lợi ích theo như lý thuyết
Chi phí thường sẽ được xem là phần thiệt thòi trong một mối quan hệ. Đó có thể là những tổn thất về vật chất hoặc tinh thần.
- Vật chất: tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, trang sức,…
- Tinh thần: sự lãng phí thời gian, công sức, nỗi buồn, thất vọng, đau khổ,…
Những điều tiêu cực bạn phải nhận lấy khi cho đi gọi là chi phí trong lý thuyết.
Một mối quan hệ tích cực, lành mạnh thì yếu tố lợi ích sẽ nhiều hơn chi phí. Ngược lại, nếu mối quan hệ độc hại, tiêu cực thì yếu tố chi phí sẽ chiếm phần lớn.
Theo lý thuyết trao đổi xã hội thì để tính được giá trị của một mối quan hệ, ta sẽ lấy tổng lợi ích nhận được trừ đi tổng chi phí bỏ ra.
Nhưng trên thực tế, giá trị của một mối quan hệ không thể hoàn toàn tính bằng con số. Chúng được kết hợp bởi nhiều yếu tố, trong đó có cả tình cảm.
Rất khó để tính toán lợi và hại trong tình cảm. Do đó, chi phí và lợi ích không bắt buộc phải cân bằng trong mối quan hệ.
Trong mối quan hệ kinh doanh, đôi bên rất rõ ràng về mặt lợi ích, cho đi và nhận lại sòng phẳng. Tuy nhiên, họ vẫn hợp tác bền chặt nhờ sự tin tưởng, yêu thích, ngưỡng mộ hoặc kính phục lẫn nhau.
2. Kỳ vọng và mức độ so sánh
Kỳ vọng và so sánh cũng là hai yếu tố quan trọng trong quá trình trao đổi xã hội. Đây được coi là một hệ quả của lợi ích và chi phí.
Hai yếu tố này hình thành nhờ mức độ trải nghiệm về một mối quan hệ trong quá khứ.
Mối quan hệ càng lành mạnh, nhận được nhiều lợi ích thì kỳ vọng và so sánh sẽ cao. Nếu mối quan hệ chỉ toàn điều tiêu cực thì chắc chắn so sánh và kỳ vọng sau sẽ thấp hơn.
Khi bạn kỳ vọng vào lợi ích có được, nhưng kết quả lại không xứng đáng. Lúc này, các xung đột về lợi ích dễ xảy ra khiến mối quan hệ không thể kéo dài.
Sự tác động của lý thuyết trao đổi xã hội trong các mối quan hệ
Lý thuyết trao đổi xã hội thường đề cập đến 3 giai đoạn.
1. Giai đoạn trăng mật
Đây là giai đoạn đầu của các mối quan hệ và thường kéo dài trong một tháng. Tùy vào mức độ tiếp xúc và nhìn nhận của mỗi người, khoảng thời gian này có thể thay đổi.
Giai đoạn này được đánh giá là khá cảm tính vì yếu tố tình cảm thường sẽ quyết định mọi thứ.
Theo các nhà tâm lý học, đây là giai đoạn khá mù quáng. Con người sẽ quên đi những tổn thất mình phải chịu, và thường phóng đại lợi ích nhận được so với thực tế.
Khi giai đoạn trăng mật kết thúc, con người sẽ lấy lại cái nhìn khách quan và thực tế hơn. Họ bắt đầu xem xét giữa lợi ích và chi phí.
2. Giai đoạn nhìn nhận sự công bằng
Đây là lúc con người nhìn nhận lại sự công bằng trong mối quan hệ. Họ bắt đầu tự hỏi, liệu lợi ích và chi phí bản thân nhận được có cân bằng hay không?
Nhìn nhận lại sự công bằng giữa lợi ích và chi phí sẽ quyết định xem mối quan hệ nên tiếp tục hay cần loại bỏ.
Nếu một người cho đi quá nhiều, họ dần sẽ cảm thấy bị bất công, và sinh ra tranh chấp lợi ích. Còn người nhận nếu được quá nhiều lợi ích, họ cũng sẽ trở nên mặc cảm, hoặc tham lam.
3. Giai đoạn đánh giá các lựa chọn thay thế
Giai đoạn này là lúc bứt phá để tìm được lựa chọn mới đúng đắn hơn. Sau khi phân tích và so sánh nhiều yếu tố, chúng ta sẽ đưa ra những lựa chọn thay thế phù hợp hơn.
Trên thực tế, ít có mối quan hệ nào đúng hoàn toàn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu mọi thứ quá độc hại, và không mang lại lợi ích thì nên thay thế.
Để tránh việc thay đổi quá nhiều lần, con người cần nên xem xét lại kỳ vọng của bản thân, và cân bằng lại giữa việc cho đi và nhận lại.
Xem thêm: Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là gì? Cách nhận biết
Các ví dụ về việc áp dụng lý thuyết trao đổi xã hội
Tùy theo chất của mối quan hệ xã hội, lý thuyết trao đổi xã hội sẽ thể hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung, nó giúp mối quan hệ bền vững hơn và công bằng hơn.
1. Nhân sự và doanh nghiệp
Lý thuyết này thể hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp. Đây là trường hợp cần rõ ràng về lợi ích nhận được, và cái giá phải trả khi nhận được lợi ích đó.
Nhân sự và doanh nghiệp đều sẽ nhận được phúc lợi, và phải bù đắp lại bằng những yếu tố khác.
Lương bổng, khen thưởng, cơ hội thăng tiến là lợi ích mà nhân viên có được. Chi phí mà họ phải chi trả là sức lao động, trách nhiệm, và sự cống hiến cho công ty.
Lợi nhuận, danh tiếng, và nhiều yếu tố khác là lợi ích doanh nghiệp nhận được. Chi phí họ phải trả là trả lương đúng hạn, khen thưởng đúng lúc.
Doanh nghiệp càng có chính sách tốt, biết ghi nhận thành tích và khuyến khích sự cố gắng làm việc của nhân viên, thì nhân viên sẽ càng gắn bó và cống hiến lâu dài.
Tác động qua lại trong lý thuyết trao đổi xã hội phải cần được vận dụng triệt để trong môi trường làm việc để tránh xảy ra những xung đột về lợi ích.
2. Người mua và người bán
Sự tác động của lý thuyết trao đổi xã hội trong thương thảo, buôn bán là điều cần thiết. Mối quan hệ này cần được xây dựng dựa trên sự công bằng, và lợi ích ngang nhau.
Mối quan hệ giữa người mua và người bán không thể lâu dài nếu một trong hai có được lợi ích quá nhiều, hoặc chịu thiệt hại quá nhiều. Đây là mối quan hệ có qua có lại.
Về người mua, chắc chắn họ phải bỏ tiền, hoặc rất nhiều tiền để có được món hàng mà mình mong muốn. Lợi ích mà khách hàng nhận được là sản phẩm, các tính năng và công dụng mà sản phẩm đó mang lại.
Còn về phần người bán, họ sẽ nhận lại được tiền, và cả phần lời khi bán được món hàng đó. Nhưng người bán phải cam kết được các lợi ích và chất lượng của sản phẩm.
3. Người yêu/ vợ chồng
Mối quan hệ yêu đương như người yêu hay vợ chồng thường bỏ qua những yếu tố trong lý thuyết trao đổi xã hội. Họ không muốn cân đo đong đếm nên rất khó để nói ai cho nhiều hơn, hay ai nhận nhiều hơn.
- Người yêu: Những người yêu nhau có thể sẵn sàng bỏ qua tất cả, dù chúng mang lại thiệt hại cho họ vì đối phương.
- Vợ chồng: Mối quan hệ hôn nhân bao hàm nhiều yếu tố như trách nhiệm, sự chia sẻ và thông cảm. Vì thế, sẽ có những khía cạnh người vợ/chồng được nhiều hơn, hoặc mất nhiều hơn. Họ thường không tranh chấp về lợi ích, trừ khi một trong hai người đã không còn chịu được việc cho đi quá nhiều
Thông thường, các mối quan hệ tình cảm sẽ bù đắp bằng sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.
4. Bạn bè
Tình bạn là chỗ dựa tinh thần của mỗi con người. Đây cũng được xem là mối quan hệ có chứa yếu tố tình cảm, nhưng sự ràng buộc không như người yêu hay vợ chồng.
Nhưng để duy trì tình bạn lâu dài, chúng ta cần xác định rõ lợi ích dành cho nhau. Lợi ích trong tình bạn không tính toán bằng tiền hay đồ vật, mà đó là tinh thần và tình cảm.
Tình bạn muốn bền chặt cần sự chia sẻ, chân thành, khoan dung, không vụ lợi, và thấu hiểu lẫu nhau. Nếu đôi bên có sự dối trá, lừa gạt, tính toán và ích kỷ, tình bạn này sẽ không lâu dài.
5. Các thành viên trong gia đình
Đây là mối quan hệ hầu như không có bất kỳ sự rạch ròi về lợi ích hay công bằng về việc “cho” và “nhận”. Mọi thứ đều xuất phát từ tình yêu thương và sự hy sinh.
Cha mẹ thường không tính toán những lợi ích đã mang lại cho con cái. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì con mà không cần hồi báo.
Con cái đối với cha mẹ cũng tương tự. Họ thể hiện tình cảm bằng cách phụ giúp, chăm sóc cha mẹ, cố gắng học tốt, làm việc siêng năng để cha mẹ vui lòng,…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn không thiếu những trường hợp xung đột trong gia đình dẫn đến sứt mẻ tình cảm do áp dụng lý thuyết trao đổi xã hội quá cứng nhắc.
6. Con người và xã hội
Lý thuyết trao đổi xã hội thể hiện mạnh mẽ nhất khi không có sự can thiệp quá nhiều của tình cảm. Nhưng đây không được xem lý thuyết thể hiện sự vô cảm và tính toán.
Mối quan hệ giữa con người và xã hội rất cần sự chia sẻ lợi ích qua lại. Tùy vào đối tượng tiếp xúc, chúng ta sẽ có thái độ và cách hành xử khác nhau. Yêu cầu về lợi ích cũng khác nhau.
Xã hội cho con người cơ hội, môi trường để phát triển và những mối quan hệ. Con người sẽ trao trả lại bằng cách cống hiến hết mình vì mục tiêu chung, góp phần phát triển đời sống cộng đồng.
Con người làm nên xã hội. Do đó chúng ta cần phải trao đi những điều tốt đẹp và tử tế, thì mới có thể nhận lại những điều tương tự.
Lý thuyết trao đổi xã hội là cơ sở để đánh giá các mối quan hệ xung quanh. Mối quan hệ không thể lành mạnh, bền vững và phát triển chì cho đi mà không nhận lại.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên áp dụng lý thuyết một cách sách vở. Mỗi mối quan hệ sẽ có những cách đánh giá khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
- Phân tích tâm lý đám đông trên mạng xã hội và những ảnh hưởng
- Đặc Tính Lười Biếng Xã Hội (Social Loafing) Là Gì?
- Sợ (Ngại) Giao Tiếp Xã Hội: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Khắc Phục
- Bí Quyết Hòa Hợp Mối Quan Hệ Giữa Mẹ Chồng Và Con Dâu
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!