Tâm lý đám đông trên mạng xã hội có gì đặc biệt?
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội có cả những mặt tích cực và tiêu cực. Hiểu được những vấn đề xoay quanh trạng thái tâm lý này giúp bạn thoải mái, an toàn hơn khi tham gia mạng xã hội.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là gì?
Tâm lý đám đông, hay hiệu ứng đám đông, là một khái niệm tâm lý xã hội. Hiệu ứng này đặc trưng bởi cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, lời nói và hành vi của cá nhân chịu ảnh hưởng của tập thể.
Sự tác động này có thể khiến cho cá nhân đó “đánh mất chính mình”. Họ thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi chưa bao giờ thể hiện khi ở một mình.
Tâm lý đám đông khiến nhiều người đổ xô vào phán xét một vấn đề. Hành vi này xuất phát từ sự hiếu kỳ, tò mò, muốn thể hiện bản thân, hoặc giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Thực tế cho thấy, tâm lý này thường thể hiện theo nhóm. Đây là tập hợp của nhóm người có cùng đặc điểm tính cách, cùng suy nghĩ và nhân sinh quan.
Khi đứng trước một vấn đề, mỗi nhóm người sẽ có cái nhìn khác nhau. Chính những ý kiến trái chiều của các nhóm sẽ gây tranh cãi, thu hút nhiều người tranh luận hơn.
Đặc tính của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon, đám đông trên không gian mạng xã hội thường quy tụ những tính chất điển hình sau đây:
1. Tính bốc đồng, dễ thay đổi
Hành động của đám đông thường bị điều khiển bởi hệ thần kinh thực vật nhiều hơn so với não bộ. Tức là, có rất nhiều người tham gia mạng xã hội bị điều khiển bởi sự vô thức.
Trên thực tế, hành động của đám đông thường đi theo những kích thích ngẫu nhiên. Họ không nhận thức rõ vấn đề, mà bị kích động trong giây phút, và phản ứng theo sự kích thích đó.
2. Tính nhẹ dạ và dễ bị tác động
Nhẹ dạ và dễ bị tác động cũng là một trong những đặc tính nổi bật của tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Cho nên, tâm lý đám đông rất dễ bị thao túng.
Đám đông dễ bị tình cảm mãnh liệt của bản thân kích thích. Do đó, họ thường không có chính kiến, luôn ngả theo ý kiến số đông từ những người xung quanh.
3. Tính thái quá
Cảm xúc mà tâm lý đám đông trên mạng xã hội thể hiện đa phần đều mang tính thái quá. Cảm xúc này lan truyền nhanh, dễ dàng “lây nhiễm” từ người này sang người khác.
Khi đọc bình luận, hay xem những đoạn phim ngắn trên mạng, cảm xúc phẫn nộ, chán ghét, vui sướng,… của con người luôn mạnh mẽ, và kích động hơn bình thường.
4. Tính phiến diện
Đây là đặc tính của đám đông trên mạng xã hội giúp bảo vệ họ khỏi lo lắng, nghi ngờ và lưỡng lự. Sự phiến diện khiến họ luôn tin mình là người đúng.
Có những điều thoạt nhìn qua đã thấy rất đáng nghi, phi logic nhưng đám đông lại chỉ nhìn nhận một chiều. Ngay lập tức, họ biến một điều không rõ ràng thành điều chắc chắn, rõ ràng mười mươi.
5. Tính độc đoán, bảo thủ
Đa phần những ý kiến, tư tưởng của đám đông sẽ được tiếp nhận một cách nhanh chóng mà không cần xem xét. Do đó, họ có xu hướng tùy tiện, độc đoán và không khoan dung.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là luôn tôn sùng quyền lực. Họ dễ dàng chấp nhận sự bảo thủ, độc đoán. Họ luôn kiên định với lập trường cố hữu mà không quan tâm đến đúng sai, phải trái.
Nguyên nhân hình thành tâm lý đám đông
Hiệu ứng đám đông không chỉ xuất hiện trên không gian mạng xã hội, mà còn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Tâm lý này bắt nguồn từ một số yếu tố như:
1. Nhu cầu hòa nhập
Đa phần mọi người đều không muốn trở nên khác biệt trong mắt những người xung quanh. Do đó, con người làm mọi thứ để bản thân hòa nhập với xã hội.
Mọi người sẵn sàng bỏ qua chính kiến cá nhân hay đạo đức để chạy theo số đông. Điều này sẽ tạo cảm giác an toàn, khiến họ không bị cô lập hay dè bĩu.
2. Thiếu chính kiến, không có lập trường
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội thường là nơi quy tụ của những con người thiếu chính kiến. Những người này không có lập trường vững vàng, chỉ thích hùa theo người khác.
Họ sẵn sàng “phản chiến”, thay đổi lập trường theo bên đông hơn, có lợi hơn mà không hề quan tâm đến đúng sai. Một số người chỉ muốn tìm ai đó để giải tỏa cảm xúc tiêu cực nên mới hùa theo số đông.
3. Sự thao túng tâm lý
Chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy tâm lý đám đông nếu biết cách. Đây là cách những người làm truyền thông, quảng cáo thường xuyên áp dụng.
Những người này hiểu rất rõ sức mạnh của tâm lý đám đông. Họ lợi dụng điều này để thực hiện các chiến dịch quảng bá, kinh doanh để gây được sự chú ý với nhiều người khác.
Xem thêm: Hiệu ứng lan tỏa: Hiểu để ứng dụng thành công trong Marketing
Ảnh hưởng của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Theo đánh giá từ các chuyên gia tâm lý học xã hội, tâm lý đám đông mang đến cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Cụ thể như sau:
1. Ảnh hưởng tích cực của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Tâm lý đám đông mang đến lợi ích cho một số nhóm người nhất định. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,… đã ứng dụng điều này trong những chiến dịch truyền thông, quảng bá.
Nếu chú ý bạn có thể thấy, trên mạng xã hội bây giờ đang rất thịnh hành chiến dịch “seeding”. Đây là một ảnh hưởng tích cực mà tâm lý đám đông mang lại cho lĩnh vực marketing.
Seeding sẽ giúp tạo hiệu ứng và gây dựng niềm tin, lôi kéo sự quan tâm của nhiều người đối với sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo.
Một ví dụ khác cho tâm lý này là việc nâng cao tinh thần tương thân tương ái trong đại dịch covid-19. Trong đại dịch, Facebook xuất hiện rất nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.
Những comment tích cực được hưởng ứng rất nhiều. Mỗi người góp một tiếng nói để cổ vũ, động viên lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một khía cạnh khác mà tâm lý đám đông mang lại lợi ích khi biết ứng dụng đó là việc đòi lại công bằng. Tiếng nói của một người không có giá trị, nhưng nhiều người thì khác.
Tâm lý đám đông giúp gây áp lực nhằm đòi danh dự, đòi nợ, hoặc khiến nhiều vấn đề khuất tất được phơi bày ra ánh sáng.
2. Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Đám đông trên mạng xã hội thường hùa theo mà không quan tâm đúng sai. Có một số vấn đề rõ ràng là sai trái, nhưng vẫn nhiều người tin theo và ủng hộ.
Điều này để lại những hệ lụy khó lòng đong đếm cho xã hội. Đặc biệt là tình trạng bắt nạt, bạo lực mạng xã hội rất nóng trong những năm gần đây.
Nhiều người dùng mánh khéo điều hướng dư luận, gây áp lực cho người khác vì mục đích xấu. Nạn nhân của bão lực mạng rất dễ suy sụp tinh thần, gặp các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
Thậm chí một số nạn nhân còn nghĩ quẩn và tìm đến cái chết. Tình trạng bạo lực mạng ngày càng trở nên đang quan ngại, đặc biệt là ở Việt Nam
Đối tượng tham gia mạng xã hội chủ yếu là thanh thiếu niên. Mà đặc điểm của lứa tuổi này là dễ bị kích động, bốc đồng, và chưa chín chắn trong suy nghĩ.
Đối tượng xấu sẽ lợi dụng điều này để cổ súy, lan tỏa các hành vi xấu, kém văn minh, thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật để kích động người trẻ.
Trong kinh doanh, không ít người cũng đã lợi dụng hiệu ứng đám đông trên không gian mạng để chơi xấu, hạ bệ đối thủ cùng ngành bằng cách bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt.
Mặc dù các tin đồn sau đó đã được đính chính thì vẫn có nhiều người nghi ngờ. Lý do là tâm lý chung của đám đông là chỉ tin vào câu chuyện ban đầu.
Có thể thấy rằng, việc nắm bắt được tâm lý đám đông trên mạng xã hội là rất cần thiết. Nó giúp cho bạn không bị cuốn theo những chiêu trò, hành vi xấu từ người khác.
Đồng thời cũng có thể ứng dụng được hiệu ứng đám đông trong trường hợp cần thiết để đấu tranh cho công bằng, lẽ phải.
Có thể bạn quan tâm
- Trầm cảm do mạng xã hội – Thực trạng đáng báo động ở giới trẻ
- Trẻ Bị Công Kích Trên Mạng Xã Hội Cha Mẹ Nên Làm Gì?
- Phân tích ảnh hưởng của mạng xã hội đến tâm lý người dùng
- Thao túng tinh thần (Gaslighting) là gì? Dấu hiệu nhận biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!