Nghiện mua sắm (Omniomania): Nguyên nhân và cách kiểm soát
Mua được một món đồ ưng ý, một chiếc áo mới, một đôi giày mới, hay một món đồ trang trí nho nhỏ cũng sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Cảm giác thỏa mãn khi mua được một món đồ khiến chúng ta hưng phấn, và rất dễ gây cảm giác nghiện. Bạn sẽ bắt đầu vòng tuần hoàn mua sắm không ngừng chỉ để thỏa mãn cơn nghiện mua sắm của bàn thân, dù đó là những món đồ không cần thiết.
Thế nào là nghiện mua sắm?
Đặc trưng của tình trạng nghiện mua sắm (Omniomania) là việc mua sắm không kiểm soát, mua cả những thứ không cần thiết chỉ để thỏa mãn cảm giác “chốt đơn” của bản thân. Nghiện mua sắm thể hiện cả trong hình thức mua đồ truyền thống ở các cửa hàng, và cả mua đồ trên mạng thông qua các nền tảng mua sắm trực tuyến. Tình trạng nghiện mua sắm hiện nay đang ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.
Người nghiện sẽ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm không ngừng nghỉ. Thậm chí đến khi không đủ tiền, họ cũng sẽ tìm mọi cách bằng cách vay mượn để chi trả cho thú vui của mình. Cơn nghiện mua sắm khiến họ không nghe lời khuyên của những người xung quanh, và tìm mọi cách mua hàng bất chấp bị ngăn cản.
Chứng nghiện mua sắm nếu nghiêm trọng có thể phát triển thành rối loạn mua sắm cưỡng bức, đe dọa đến sức khỏe tâm thần, cuộc sống, cũng như tình hình tài chính của người nghiện. Nghiện mua sắm hiện nay chưa được chính thức công nhận là một chứng rối loạn hành vi như nghiện bài bạc.
Trong quá trình mua sắm, não của chúng ta rơi vào trạng thái thỏa mãn và giải phóng endorphin cùng dopamine tự nhiên. Đây là hai chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng kích thích, mang đến cảm giác hưng phấn, vui vẻ, tràn đầy năng lượng, làm tăng sự nhiệt tình và khả năng tập trung.
Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, cảm giác hưng phấn tạo ra trong quá trình mua sắm sẽ gây nghiện. Hiện nay với sự phát triển của các ứng dụng mua sắm trực tuyến, việc mua sắm và chi trả trở nên dễ hơn nhiều chỉ với vài cú chạm. Do đó, tình trạng nghiện mua sắm lại càng nghiêm trọng hơn.
Nghiện mua sắm có thể bắt nguồn từ một thói quen, hoặc một cách để đối phó với stress căng thẳng. Không phải lúc nào chúng ta cũng lý trí khi mua sắm. Sẽ có những lúc bạn “vung tay quá trán” cho một món hàng nào đó để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Vậy, làm sao phân biệt việc thỉnh thoảng phung phí khi mua sắm bình thường và chứng nghiện mua sắm?
Phân biệt mua sắm bình thường và nghiện mua sắm
Hành vi mua sắm bình thường là mua sắm những mặt hàng thiết yếu, có thể sử dụng được, phục vụ cho nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn mặc, ngủ nghỉ, di chuyển, vui chơi giải trí,… Những khoản chi tiêu được tính toán kỹ lưỡng, không gây ảnh hưởng đến tài chính, và việc mua sắm không được thực hiện do người mua cảm thấy bị ép buộc.
Thỉnh thoảng phung phí là chuyện thỉnh thoảng xảy ra trong quá trình mua sắm. Tiêu xài phung phí thường là bỏ tiền mua những món đồ không thật sự cần thiết trong thời điểm hiện tại, hoặc bỏ ra số tiền lớn cho một món hàng không có nhiều giá trị sử dụng, nhưng có giá trị về tinh thần. Việc phung phí thường là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, và chi tiêu cho những món hàng đắt đỏ.
Sẽ có những lúc bạn muốn mua một đôi giày hiệu yêu thích, một chiếc váy mới, mua vé xem ca nhạc, hoặc có dịp đi ăn chơi du lịch cùng bạn bè. Những lúc này bạn thường sẽ phải phung phí một khoảng tiền không nhỏ để thỏa mãn nhu cầu nhất thời của bản thân. Điều này không có gì đáng trách vì bạn đã cân nhắc về khả năng tài chính, và có tính toán để “phung phí” một cách hợp lý.
Trái với hành vi mua sắm bình thường hay phung phí có kiểm soát là chứng nghiệm mua sắm. Nghiện mua sắm sinh ra do thôi thúc mua sắm mạnh mẹ và mang tính bắt buộc, chứ không phải xuất phát từ ý định và tính toán từ trước. Nghiệm mua sắm khiến bạn mua sắm liên tục, mua quá nhiều món đồ không cần thiết, hoặc không có giá trị sử dụng chỉ để thỏa mãn cảm giác hứng phấn gây ra khi mua hàng.
Tình trạng mua sắm vô độ và không có kế hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tài chính. Bạn có thể phải vay tiền ngân hàng, mượn tiền bạn bè hay người thân để tiếp tục thú vui mua sắm của bản thân. Với người mắc hội chứng này, mua sắm giống như một loại chất gây nghiện khó bỏ, và họ không thể khống chế việc “chốt đơn” liên tục.
Nếu vấn đề này tiếp diễn, người nghiện mua sắm có thể đánh mất những mối quan hệ xã hội, thậm chí là những mối quan hệ thân thiết, vì không ai muốn tiếp xúc với một kẻ chi tiêu vô tội vạ và thường xuyên mượn tiền những người xung quanh. Việc bị cô lập, xa lánh có thể kích phát những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người nghiện mua sắm.
Biểu hiện của tình trạng mua sắm mất kiểm soát
Tình trạng nghiện mua sắm của từng người sẽ thể hiện qua những hành vi khác nhau từ nhẹ đến nặng. Không phải ai cũng thể hiện hành vi theo một kiểu giống nhau, tuy nhiên vẫn có những triệu chứng đặc trưng mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy của chứng nghiện mua sắm. Những dấu hiệu đó bao gồm:
- Phần lớn thời gian trong ngày của bạn là dành cho việc lướt các trang bán hàng trực tuyến, hoặc lượn lờ tại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng,… để mua sắm.
- Bạn cảm thấy có một sự thôi thúc mạnh mẽ không thể kiếm soát, buộc bản thân phải liên tục mua sắm mà không thể dừng lại. Khi cơn nghiện không được thỏa mãn, bạn cảm thấy lo lắng, khó chịu, bồn chồn, buồn bã, dễ nổi nóng và mất kiềm chế cảm xúc.
- Bạn bị ám ảnh bởi việc mua đồ, luôn suy nghĩ về những món đồ mình muốn mua, hoặc mua sắm những món đồ không cần thiết, không có giá trị sử dụng chỉ vì cảm giác mua sắm thôi thúc.
- Bạn cảm thấy hưng phấn, vui vẻ cực độ trong quá trình mua sắm, và trạng thái hưng phấn này ngày càng tăng lên trong quá trình chốt đơn. Khi việc mua sắm dừng lại, bạn sẽ cảm thấy khổ sở, hối tiếc, tội lỗi khi đã vung tay quá trán. Tuy nhiên, khi cơn nghiện mua sắm quay trở lại, bạn sẽ quên mất những cảm xúc tiêu cực này và tiếp tục mua sắm vô tội vạ.
- Mua sắm quá mức khiến bạn gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Bạn không ngừng vay mượn khắp nơi, hoặc làm mọi thứ để có tiền tiếp tục thú vui. Hành vi này khiến bạn nợ nần chồng chất, và có nguy cơ đối diện với sự trừng phạt của pháp luật do kiếm tiền bằng hành vi phi pháp.
- Dù người thân và bạn bè lên tiếng khuyên can và ngăn cản hành vi nghiện mua sắm của bạn, nhưng bạn không thể dừng lại. Bạn sẽ nói dối, che giấu việc mua sắm của mình và tiếp tục hành vi trong thầm lặng.
- Tình trạng mua sắm mất kiểm soát ngày càng trầm trọng. Bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để mua sắm, và giá trị của những món đồ cũng tăng dần lên.
- Càng căng thẳng, càng buồn bã và càng gặp áp lực trong cuộc sống thì bạn càng mua sắm nhiều hơn. Việc mua sắm mang đến cảm giác thỏa mãn, vui vẻ, giảm căng thẳng và khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
- Những người nghiện mua sắm chi hưởng thụ niềm vui lúc mua hàng, họ có thể cảm thấy hụt hẫng, chán nản vả hết hứng thú khi cầm món hàng đã mua trên tay.
Với những người gặp chuyện buồn phiền, hay vừa trải qua những cú sốc trong trong tình cảm, công việc hay cuộc sống, thì việc nghiện mua sắm có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong một khoảnh khắc. Cảm giác hưng phấn tạo ra khi mua được món đồ mình thích, hay cảm giác được làm chủ một thứ gì đó khiến bạn thoải mái hơn.
Tuy nhiên mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn khi cơn hưng phấn mua sắm qua đi. Bạn không cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi cầm những món đồ đã mua trên tay, vì bạn chả nghiện cảm giác mua sắm mà thôi. Cảm giác hối hận, chán nản và tự trách vì đã mua những món đồ không cần thiết sẽ ập đến.
Cảm xúc tiêu cực này khiến bạn cảm thấy căng thẳng và giảm động lực , do đó bạn cần một điều gì đó kích thích tinh thần, thế là bạn tiếp tục mua sắm nhiều hơn, mua những món đồ đắt đỏ hơn. Đây là một vòng tuần hoàn không bao giờ chấm dứt, và khiến tình trạng nghiện mua sắm ngày càng trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng nghiện mua sắm
Nghiện mua sắm không được xem là một chứng rối loạn hành vi như nghiện bài bạc, nên chưa có nhiều nghiên cứu về tình trạng này. Chưa có bất cứ nghiên cứu hay công bố đáng tin cậy nào về nguyên nhân gây ra chứng nghiện mua sắm. Tuy nhiên, có một số giả thuyết về các yếu tố góp phần hình thành tình trạng mua sắm vô tội vạ này.
- Nhu cầu cải thiện tâm trạng: Mua sắm khiến bản thân vui vẻ hơn, loại bỏ cảm giác khó chịu, và quên đi cảm xúc tiêu cực khi vừa trải qua những sự kiện tồi tệ. Trong quá trình mua sắm, não tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh và đưa con người vào trạng thái hưng phấn, “phê” như một cách đối phó với căng thẳng, loại bỏ những cảm giác tiêu cực. Cảm giác hưng phấn này ảnh hưởng rất lớn đến cả thể chất và tinh thần, khiến chúng ta phụ thuộc vào hành vi mua sắm để tạo ra cảm giác thỏa mãn. Lâu dần, con người sẽ rơi vào tình trạng nghiện mua sắm.
- Cơ chế đối phó với căng thẳng: Stress, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống là những yếu tố thúc đẩy hành vi mua sắm quá trớn và dẫn đến chứng nghiện mua sắm. Với những người chịu nhiều cảm xúc tiêu cực, hay có những thay đổi lớn trong cuộc sống như chuyển nhà, thất tình, ly hôn, mất việc,… thì mua sắm là cách cân bằng cảm xúc, và là một cơ chế chống căng thẳng rất hiệu quả. Mua sắm giúp họ thoát khỏi cảm giác cô đơn, bất lực hoặc tội lỗi.
- Ảnh hưởng của đại dịch: Tình trạng nghiện mua sắm được xem là tăng vọt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, khi còn người nhốt mình trong nhà và không có tương tác xã hội. Việc bị cô lập, không có công việc và không thể ra ngoài khiến con người căng thẳng và stress nhiều hơn, và mua sắm trực tuyến là cứu cánh duy nhất của họ. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi, và không có những số liệu cho thấy đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng rõ ràng đến hành vi tiêu dùng bất thường này.
- Rối loạn tâm thần: Tình trạng nghiện mua sắm có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn cảm xúc, trầm cảm,… Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến bạn không ngừng mua sắm để giải tỏa cảm giác căng thẳng và khó chịu. Rối loạn ăn uống khiến bạn mua nhiều thực phẩm hơn để thỏa mãn cơn thèm ăn. Rối loạn cảm xúc hay trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân thúc đầy hành vi mua sắm không ngừng, từ đó dẫn đến nghiện mua sắm.
- Đặc điểm nhân cách: Những người nhạy cảm, có lòng tự trọng thấp, những người thích những thứ xa hoa, phù phiếm cũng rất dễ rơi vào tình trạng nghiện mua sắm. Mua sắm giúp họ thỏa mãn nhu cầu chưng diện, tạo ấn tượng với những người xung quanh rằng bản thân rất giàu có, kinh tế dư dả và không lo lắng về tiền bạc. Mua sắm liên tục giống như một cách giúp họ nâng cao vị thế trong xã hội, tuy nhiên thói quen này lâu dần có thể biến thành chứng nghiện mua sắm.
Ngoài ra, những người có điều kiện kinh tế dư dả, những người trẻ có bố mẹ chu cấp đầy đủ, không lo về vấn đề tiền bạc cũng có tỷ lệ mắc hội chứng nghiện mua sắm cao hơn. Một số bạn không quá lo lắng, hay không cần cân nhắc về vấn đề chi tiêu nên tình trạng mua sắm quá đà rất dễ xảy ra.
Ảnh hưởng của mua sắm quá đà đến cuộc sống
Hiện nay không có thông số chính xác được ghi nhận về số lượng người nghiện mua sắm. Tuy nhiên tình trạng chi tiêu quá đà và vỡ nợ do không có khả năng chi trả không phải là việc hiếm. Ảnh hưởng rõ ràng nhất của chứng nghiệm mua sắm đến con người là tình trạng tài chính bất ổn.
Người nghiện mua sắm không thể khống chế việc tiêu xài của bản thân, vì thế họ thường rơi vào tình trạng “cháy ví” và nợ nần ngập đầu. Họ không có tiền chi trả cho những hàng hóa phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, mà thay vào đó lại chi tiền cho những món đồ vô dụng, không phù hợp với cuộc sống.
Với những người nghiện mua sắm nặng, để có tiền mua hàng họ buộc phải vay mượn từ bạn bè, người thân, vay nặng lãi, bán đồ đạc trong nhà, hoặc thế chấp bất động sản. Nợ nần chồng chất khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, căng thẳng, stress và có nguy cơ mắc trầm cảm.
Lén lút mua sắm vô tội vạ, lừa đối những người xung quanh để có tiền, và không nghe lời khuyên từ người thân, bạn bè để từ bỏ thói quen mua sắm khiến mối quan hệ tình cảm rạn nứt. Bạn có thể phải đối mặt với việc bị cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè,… quay lưng vì khoảng nợ chồng chất không thể trả được.
Công việc và những mối quan hệ xã hội của bạn cũng chịu chung số phận. Không ai muốn làm việc hay giao du với người nghiện mua sắm và mắc nợ, vì họ có thể bị bám theo mượn tiền, hoặc vướng vào những rắc rối không đáng có. Người nghiện mua sắm rất dễ bị cô lập, xa lánh bởi đồng nghiệp. Ngoài ra họ còn dễ mất tập trung trong giờ làm, giảm năng suất công việc, và đối mặt với tình trạng bị đuổi việc
Chẩn đoán chứng nghiện mua sắm
Việc chẩn đoán chứng nghiện mua sắm cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, hoặc các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm và bằng cấp rõ ràng. Người nghiện mua sắm cần được đưa đến bệnh viện hoặc các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín, chất lượng để được hỗ trợ một cách tốt nhất. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ chẩn đoán dựa trên một số xét nghiệm lâm sàng và tiêu chí chẩn đoán như:
- Hành động nghiện mua sắm không thể kiểm soát và lặp đi lặp lại
- Nghiện mua sắm bất chấp hậu quả tiêu cực xảy ra
- Có thôi thúc mạnh mẽ để thực hiện hành vi
- Nghiệm mua sắm gây đau khổ, căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần, học tập và công việc của người nghiện
Dựa trên những tiêu chí trên và một số thử nghiệm cần thiết, các chuyên gia sẽ giúp xác định tình trạng nghiện mua sắm. Ngoài ra, có một công cụ dùng để chẩn đoán được gọi là “Thang đo mức độ nghiện mua sắm của Bergen” giúp đo lường 7 tiêu chí xác định người nghiện mua sắm bao gồm:
- Bạn bị ám ảnh về việc mua sắm và không ngừng nghĩ về nó.
- Việc mua sắm giúp bạn cảm thấy vui vẻ và hưng phấn hơn.
- Thời gian dành cho việc mua sắm chiếm phần lớn thời gian trong ngày, khiến bạn không thể tập trung vào những việc khác như công việc hay học tập.
- Trạng thái hưng phấn khi mua sắm ngày càng tăng, do đó bạn mua hàng ngày càng nhiều để cảm nhận được sự vui vẻ và thỏa mãn.
- Bạn không thể kiểm soát được tình trạng nghiện mua sắm của bản thân, dù đã hứa với bản thân sẽ không tiếp tục.
- Tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ, dể cáu gắt và phản ứng mạnh với những ai ngăn cản việc mua sắm của bản thân.
- Việc mua sắm dường như trở thành thước đo hạnh phúc của bạn. Khi buồn bã và căng thẳng, bạn luôn mua sắm liên tục để tìm kiếm niềm vui
Dựa trên những tiêu chí này, bác sĩ có thể xác định tình trạng nghiệm mua sắm nghiêm trọng ra sao để có liệu trình cải thiện và điều trị phù hợp. Người nghiện mua sắm cần có ý chí và nổ lực để vượt qua cơn nghiện , thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực hơn.
Làm thế nào để đối phó với chứng nghiện mua sắm?
Để cải thiện chứng nghiện mua sắm, người nghiện cần nhận thức được sự thôi thúc mãnh liệt, và hành vi mua sắm không ngừng nghỉ của bản thân không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và tình hình tài chính của họ. Nhận thức này giúp người bệnh có động lực vượt qua khó khăn hơn.
Có rất nhiều cách giúp người nghiện mua sắm vượt qua ảnh hưởng, nhưng tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn. Việc điều trị tâm lý có thể giúp ích trong việc thay đổi nhận thức và hành vi, thông qua liệu pháp phổ biến là liệu pháp nhận thức-hành vi, kết hợp với dùng thuốc trong trường hợp cần thiết.
Liệu pháp hành vi-nhận thức là phương pháp hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Nhà trị liệu sẽ thay đổi nhận thức của người nghiện mua sắm thông qua những cuộc trò chuyện, hướng họ đến những cách giảm căng thẳng tốt hơn, loại bỏ cảm xúc tiêu cực và sự ám ảnh về việc mua sắm. Từ đó, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp người nghiện thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn.
Mục đích của việc điều trị tâm lý là tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện mua sắm, nhận thức những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến sức khỏe, từ đó tìm cách khắc phục và vượt qua cảm giác ám ảnh mà mua sắm mang đến. Liệu pháp nhận thức-hành vi sẽ giúp bạn hiểu thêm về cách hạn chế hành vi mua sắm quá mức, và cải thiện các mối quan hệ bị ảnh hưởng do việc nghiện mua sắm.
Việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị không phải lúc nào cũng mang đến kết quả tốt. Các loại thuốc được dùng có tác dụng giảm thiểu triệu chứng nghiệm mua sắm, hạn chế tình trạng kích động, hay những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần cùa người nghiện. Thuốc không có tác dụng chấm dứt tình trạng nghiện mua sắm.
Thuốc có thể có hiệu quả với người này, nhưng không hiệu quả với người khác. Thuốc cũng mang đến những tác dụng phụ không mong muốn vì tác động trực tiếp đến cơ thể con người. Vì thế việc sử dụng thuốc sẽ được cân nhắc trong tình trạng thật sự cần thiết, và người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, chúng ta còn một số cách khác để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng này bao gồm:
- Thay thế hành vi mua sắm bằng hành vi lành mạnh hơn: Thay vì vùi đầu vào mua sắm để vượt qua căng thẳng hay tìm kiếm niềm vui, chúng ta nên tìm những hoạt động khác giúp đánh lạc hướng bản thân khỏi thói quen mua sắm. Ví dụ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời, hay thử tìm kiếm niềm vui qua những lớp nghệ thuật như vẽ, làm đồ gốm, cắm hoa, làm đồ handmade,… Có rất nhiều hoạt động bạn có thể thử đã giữ cho bản thân không bị ảnh hưởng bởi thói quen mua sắm.
- Không sử dụng app mua sắm vả thẻ tín dụng: Gỡ bỏ những app mua sắm, và không liên kết thẻ tín dụng với các app này để tránh việc bạn tiếp tục mua sắm trong lén lút. Những người đang trong quá trình cải thiện chứng nghiện mua sắm chỉ nên có một khoản tiền mặt vừa đủ trong túi, không n6n mang nhiều tiền thừa để tránh việc mua sắm vô tội vạ. Dần dần người nghiện sẽ quen với việc không dùng thẻ tín dụng, app thanh toán hay app mua sắm khi mua đồ.
- Tư vấn tài chính: Một số người nghiện mua sắm nghiêm trọng phải nhờ đến tư vấn tài chính để hạn chế chi tiêu. Tùy vào tình trạng nghiện nặng hay nhẹ, và nếu những khoản nợ tín dụng vượt quá thu nhập hàng tháng và số tiền bạn có thể chi trả, bạn nên liên hệ với chuyên gia tư vấn tài chính. Họ sẽ giúp bạn vạch ra những khoảng phó cần thiết trong chi tiêu hàng tháng, những khoản nào nên cắt giảm, làm sao để thanh toán các khoản nợ, và tư vấn cách tiết kiện tiền thông minh hơn là tiêu xài phung phí.
- Xin sự giúp đỡ từ gia đình: Bạn nên nhờ người thân hỗ trợ quản lý chi tiêu, giúp bạn phân chia chi phí sinh hoạt hàng ngày để ngăn cản tình trạng chi tiêu quá đà. Bạn nên đưa nhiệm vụ chi tiêu trong nhà cho người khác để ngăn bản thân tiếp xúc với tiền trong một thời gian nhất định. Cách này cũng có thể giúp người nghiện giảm bớt nhu cầu mua sắm, và ngăn chặc hành vi lén lút mua đồ khi có tiền dư.
Chứng nghiện mua sắm đã không còn là tình trạng hiếm có ngày nay. Nhất là khi việc mua sắm đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn, nhờ việc thanh toán trực tuyến và các sàn thương mại điện tử. Chỉ cần vài cú nhấp chuột là bạn đã có thể dễ dàng mua hàng, và điều này đã khiến tình trạng mua sắm vô tội vạ khó kiểm soát hơn. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã có cái nhìn rõ hơn về chứng nghiện mua sắm, và biết cách đối phó với tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng lan tỏa: Hiểu để ứng dụng thành công trong Marketing
- Hiệu ứng IKEA: Bí kíp để đi đến thành công trong kinh doanh
- Hiệu ứng khan hiếm: Tâm lý luôn đề cao những thứ hiếm có
- Tâm lý học màu sắc: Ảnh hưởng của sắc màu đến tâm trí con người
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!