Tâm lý học màu sắc: Ảnh hưởng của sắc màu đến tâm trí con người
Tâm trí của con người bị ảnh hưởng rất lớn do yếu tố màu sắc. Khi nhìn màu nóng như đỏ, vàng, cam, chúng ta sẽ thấy hứng khởi và tràn đầy năng lượng. Trong khi đó những màu như đen, tím, xanh lam lại tạo cảm giác cao nhã, quý phái và sang trọng. Tâm lý học màu sắc chính là nghiên cứu ảnh hưởng của màu sắc đến suy nghĩ và cảm nhận của con người, từ đó áp dụng vào nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Những điều cần biết về tâm lý học màu sắc
Tâm lý học màu sắc là một nhánh nhỏ của tâm lý học hành vi, chuyên nghiên cứu về những tác động của màu sắc đến tâm lý và hành vi của con người. Thông thường, mỗi màu sắc sẽ đem đến những cảm giác nhất định. Ví dụ màu đỏ hay màu cam mang đến cảm giác phấn khích và sôi sục. Màu xanh dương hay xanh da trời mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn. Những cảm giác này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của chúng ta.
Tuy nhiên, ý nghĩa và ảnh hưởng của màu sắc đến tâm trí của con người sẽ khác nhau tùy vào sở thích và các nền văn hóa. Ví dụ quần áo thuần trắng trong văn hóa phương Đông báo hiệu đám tang, nhưng trong văn hóa phương Tây quần áo đen sẽ thể hiện sự tiếc thương với người đã khuất. Màu vàng ở phương Đông tượng trưng cho quyền lực, tài phú và màu của vua chúa. Trong khi đó, màu tím ở phương Tây thường được xem màu sắc của hoàng gia.
Bên cạnh khác biệt về văn hóa, tâm lý học màu sắc còn cho thấy, ảnh hưởng của màu sắc đến cảm nhận của con người còn tùy thuộc sở thích cá nhân của mỗi người. Ví dụ những người thích màu xanh thì sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và thích thú khi nhìn thấy những vật màu xanh, hay ở trong không gian xanh mát. Những người không thích màu đỏ sẽ không cảm thấy tràn trề năng lượng hay hứng khởi, mà thay vào đó là cảm giác bực bội, nóng bức và khó chịu.
Màu sắc còn được sử dụng để báo hiệu hành động. Ví dụ những biển báo giao thông trên đường sẽ có ba màu sắc nổi bật là vàng, đỏ và xanh với những ý nghĩa rất rõ ràng: màu đỏ là cấm, màu vàng là thông báo cẩn thận, còn màu xanh là hướng dẫn. Khi nhìn thấy màu sắc của những biển báo này trên đường, chúng ta sẽ tự động thay đổi hành vi trong vô thức nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của biển báo.
Một số màu sắc có liên quan đến những thay đổi sinh lý của cơ thể như cảm giác thèm ăn hay cảm giác khó chịu. Đó là lý do rất nhiều nhãn hiệu đồ uống và thức ăn nhanh như KFC, McDonald, Jolibee, CocaCola, Pepsi, Pizza Hut, Domino Pizza, Nescafe,… chọn màu đỏ là một trong những màu nhận diện thương hiệu để thu hút khách hàng. Màu đỏ kích thích cảm giác thèm ăn, minh chứng rõ nhất cho điều này là trái cây màu đỏ rất đa dạng và được nhiều người yêu thích.
Những ví dụ trên có thể chứng minh rằng: màu sắc ảnh hưởng đến nhận thức và quyết định của chúng ta nhiều hơn ta vẫn nghĩ. Hầu như ấn tượng đầu tiên và những quyết định nhanh chóng của con người đều chịu ảnh hưởng nhất định của màu sắc. Do đó nếu hiểu được ý nghĩa của màu sắc trong các nền văn hóa, cách màu sắc ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người, và sở thích của từng đối tượng, ta có thể lợi dụng yếu tố này để đạt được mục đích nhất định.
Tâm lý học màu sắc được ứng dụng rất nhiều trong đời sống và mọi ngành nghề, đặc biệt là trong kiến trúc và quảng cáo. Thiết kế màu sắc tổng thể trong nhà phù hợp với sở thích của chủ nhân, nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa về màu sắc để mang đến cảm giác thoải mái nhất có thể là điều không hề dễ dàng với kiến trúc sư. Thiết kế logo thương hiệu để tối ưu hóa khả năng nhận diện thương hiệu trong mắt khách hàng cũng là mộ thử thách.
Lưu ý khi ứng dụng của tâm lý học màu sắc
Ý nghĩa của màu sắc không phải là bất biến, mà thay đổi tùy theo thời đại, sở thích cá nhân và đặc trưng văn hóa. Do đó việc sử dụng màu sắc không thể tùy tiện vì có thể sinh ra phản ứng ngược làm ảnh hưởng đến mục đích ban đầu, hoặc làm xấu đi ấn tượng của nhãn hàng trong lòng người tiêu dùng. Để ứng dụng thành công tâm lý học màu sắc vào cuộc sống, chúng ta cần nằm được một số yếu tố quan trọng.
Đầu tiên, màu sắc được chia thành 3 nhóm là màu nóng, màu lạnh và màu trung tính. Nhóm màu nóng bao gồm 3 màu chính là đỏ, cam, vàng. Nhóm màu nóng thường gợi lên những cảm xúc tích cực như trẻ trung, năng động, ấm áp, nhiệt huyết, hấp dẫn, tươi sáng và tràn đầy năng lượng, nhưng cũng có khi là màu của máu và bạo lực. Gam màu nóng thường xuất hiện trên logo của những hãng thực phẩm, nước uống, chăm sóc sức khỏe,…
Nhóm màu lạnh thì bao gồm xanh dương, xanh lá cây và màu tím. Những màu sắc này gợi lên cảm giác bình yên, thoải mái, thư giãn, ngăn chặn cảm giác kích động, làm dịu cảm xúc, mang đến cảm giác tin cậy, vững chắc, tự nhiên và uy tín. Trong một số trường hợp, gam màu này cũng tạo cảm giác buồn bã và thơ ơ. Gam màu lạnh sẽ xuất hiện trên logo các thương hiệu liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, tài chính, sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe,…
Những màu trung tính như đen, trắng, nâu, ghi, be, xám, màu kem,… là những màu có tác dụng làm nền, hoăc sử dụng trong logo của các thương hiệu liên quan đến xe cộ, công nghệ, tài chính, thời trang, hàng xa xỉ,… Lý do là vì những màu sắc này, đặc biệt là màu đen, sẽ gợi lên cảm giác thần bí, nghiêm trang, sang trọng, đẳng cấp nên rất được giới thượng lưu và những người ở tầng lớp cao yêu thích.
Vào năm 2020, một cuộc khảo soát về ảnh hưởng của màu sắc đến con người đã được thực hiện trên 4.598 người đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, ý nghĩa của màu sắc có tính phổ quát nhất định. Tuy khác nhau về văn hóa, và tiếp thu những ý nghĩa khác nhau về màu sắc, con người vẫn có những ấn tượng nhất định về ý nghĩa màu sắc trong tự nhiên.
- Màu đen: 51% cho rằng màu đen gắn với sự sang trọng, tinh tế hoặc nỗi buồn
- Màu trắng: 43% cho rằng màu trắng đại diện cho sự thuần khiết và cảm giác bình yên, nhẹ nhõm
- Màu đỏ: 68% liên tưởng màu đỏ đến tình yêu, may mắn và sự nhiệt huyết
- Màu xanh lam: 35% cảm thấy nhẹ nhõm, bình yên, thoải mái, tạo cảm giác chuyên nghiệp và vững chắc
- Màu xanh lá cây: 39% cho biết màu xanh lá cây khiến họ cảm thấy tin tưởng, an tâm và có cảm giác thiên nhiên
- Màu vàng: 52% gắn màu vàng với cảm xúc năng động, vui vẻ, tràn trề năng lượng
- Màu cam: 44% cảm thấy màu cam biểu hiện cho sức khỏe, tinh thần hăng hái và năng lượng
- Màu hồng: 50% đều nhất trí rằng đây là màu sắc của sự lãng mạn và tình yêu
- Màu tím: 25% cho biết màu tím mang đến cảm giác sang trọng, quý phái và quyền lực
Từ khảo sát này ta có thể thấy, việc sử dụng màu sắc trong quảng cáo và tiếp thị hướng đến đại chúng cần sự chọn lựa cẩn thận. Khi nhìn vào logo của những thương hiệu từ lớn đến nhỏ trên toàn thế giới, ta có thể dễ dàng nhận thấy tất cả đều có dụng ý nhất định trong việc chọn và phối màu. Mỗi thương hiệu đều có những chủ ý hết sức cụ thể, và họ sẵn sàng thay đổi tùy theo sự phát triển của xã hội và định hướng sản phẩm
Tâm lý học màu sắc trong tiếp thị và quảng cáo
Tâm lý học màu sắc được ứng dụng rất nhiều trong tiếp thị và quảng cáo nhằm tạo ấn tượng và thu hút khách hàng. Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao nhãn hàng chọn màu này, chứ không phải màu kia làm logo? Vì sao trong cùng một lĩnh vực, logo của các nhãn hàng thường có sự tương đồng nhất định về màu sắc? Thực tế, các doanh nghiệp sử dụng những màu sắc nhất định trong tiếp thị và quảng cáo vì một số lý do dưới đây.
- Bản sắc thương hiệu: Những nhãn hàng thức ăn nhanh thường dùng màu đỏ, trắng và vàng. Những công ty công nghệ, ứng dụng mạng, phần mềm thường chọn màu xanh lam và trắng. Những nhãn hàng chuyên về sức khỏe, sản phẩm từ thiên nhiên sẽ chuộng màu cam và xanh lá. Đây chính là những bản sắc thương hiệu mà các công ty muốn hướng đến. Những màu sắc này đã được lựa chọn một cách cẩn thận nhằm làm nổi bật hơn đặc trưng ngành nghề và quan điểm của thương hiệu trong kinh doanh.
- Đặc trưng sản phẩm: Màu xanh lá cây luôn khiến chúng ta liên tưởng đến thiên nhiên và sự tươi mát, thoải mái. Chính vì thể những nhãn hàng chuyên về mỹ phẩm từ thiên nhiên, thực phẩm sạch, hay nông lâm nghiệp sẽ chọn màu xanh lá làm logo để nổi bật tính chất và đặc trưng sản phẩm. Màu xanh lam thì mang đến cảm giác vững chãi, tự tin, mình bạch và ổn định nên màu sắc này thường được dùng trong các ngành công nghiệp, điện tử, tài chính, công nghệ, hàng không,… Màu sắc của nhãn hiệu mang đúng tinh thần của của sản phẩm
- Cảm nhận của khách hàng: Mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường đều nhắm đến những đối tượng khach hàng nhất định. Do đó trước khi quyết định màu sắc cho nhãn hiệu, việc nghiên cứu thị trường và tìm ra những màu sắc được đối tượng nhắm đến ưa chuộng là điều cần thiết. Thông qua khảo sát, nhãn hàng có thể lựa chọn màu sắc tối ưu nhất, vừa phù hợp với đặc trưng sản phẩm, vừa tạo ấn tượng và thu hút những khách hàng tiềm năng. Khách hàng sẽ đặt nhiều sự quan tâm hơn đến sản phẩm có màu sắc họ yêu thích.
Ngoài ra, trong quá trình chọn màu sắc cho thương hiệu, bao bì sản phẩm, và thiết kế website bán hàng, chúng ta còn nhiều vấn đề cần lưu ý bao gồm giới tính, độ tuổi, đặc trưng văn hóa, và thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại cũa chiến lược quảng cáo và tiếp thị sản phẩm. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng ta sẽ phân tích một số khía cạnh quan trọng.
1. Giới tính
Theo một nghiên cứu của Kissmetric, xanh dương, xanh lá cây, đỏ, đen và trắng là những màu sắc nhận được sự yêu thích và tin cậy từ phía khách hàng. Hơn 1/3 số khách nữ, và hầu hết số khách nam tham gia khảo sát cho biết họ sẽ ưu tiên lựa chọn những thương hiệu và sản phẩm có màu sắc kể trên. Vì thế xanh dương, xanh lá cây và đỏ sẽ là những màu sắc phù hợp với sản phẩm trung tính, hướng đến mọi đói tượng khách hàng chứ không phân biệt nam hay nữ.
Ngoài ra, tím, cam và hồng cũng là những màu sắc được lòng nhiều chị em phụ nữ. Phụ nữ thường ưu ái những gam màu đơn giản với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau. Họ có thể thích màu đen, be và xám, nhưng không hứng thú nhiều với những tông màu nâu đất hoặc thiên nâu. Ta có thể thấy những hàng hóa, hay trang web hướng đến phụ nữ thường có màu tím, hồng, xanh lá và xanh dương.
Hấu hết nam giới không thích màu tím, dù là ở bất cứ sắc độ nào. Đây là một trong những điểm khác biệt lớn nhất so với nữ giới. Đàn ông sẽ thích những màu lạnh và mang đến cảm giác nam tính, trưởng thành, đáng tin cậy và sang trọng như xanh dương, xanh lá cây và đen. Vì thế khi sản phâm hướng đến đối tượng là nam giới, nhãn hàng nên tham khảo những màu sắc thiên về xanh và đen để thu hút người dùng
Muốn ứng dụng tâm lý học màu sắc trong quảng cáo và tiếp thị hiệu quả, ta buộc phải sử dụng màu đúng cách, đúng người, đúng thời điểm và đúng mục đích. Nếu sai sót ở bất cứ yếu tố nào, kế hoạch quảng bá sản phẩm và sự quan tâm của khách hàng sẽ bị sụt giảm mạnh. Đây là sai sót không nên mắc phải trong chiến lược quảng cáo, và ta hoàn toàn có thể tránh được nếu áp dụng đúng cách.
2. Độ tuổi và tính cách
Bên cạnh giới tính thì độ tuổi cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sở thích về màu sắc và thói quen mua hàng. Những độ tuổi khác nhau sẽ bị thu hút bởi những màu sắc khác nhau. Trẻ con và thanh thiếu niên thường thích những màu sắc sặc sỡ, có độ tương phản cao và tông màu rõ rệt. Ví dụ như vàng, cam, đỏ, xanh lá, hồng, hay độc đáo hơn là những màu dạ quang.
Thanh niên và người trưởng thành vẫn thích những gam màu tươi sáng, nhưng họ cũng ưa chuộng những màu có sắc độ trầm và trưởng thành hơn. Người trung niên và lớn tuổi thì thiên về những màu sắc nhẹ nhàng, pastel, hay những màu như nâu, xám. Càng lớn tuổi, chúng ta càng ít thích thú với những thứ bắt mắt hay quá năng động, thay vào đó là những màu sắc nhẹ nhàng và trung tính.
Tính cách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua hàng của chúng ta. Những người năng động, nóng nảy, thích sự nhanh chóng sẽ ưu tiên những món đồ có gam màu nóng như đỏ, vàng, cam,… Những người ít nói, trầm tính, hay trưởng thành sẽ ưu tiên những màu như trắng, đen, xanh dương, xám,… Việc một người bị thu hút bới màu sắc nào có thể nói lên một phần tính cách của họ.
3. Văn hoá
Tại các quốc gia và nền văn hóa khác nhau, màu sắc sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Vì thế nhãn hàng cũng cần thận trọng tìm hiểu trước những khác biệt văn hóa, và hiểu được những cấm kỵ khi thâm nhập thị trường xa lạ để tránh những hiểu lầm không đáng có. Có hai lĩnh vực mà bất cứ ai làm quảng cáo cũng cần quan tâm để tránh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của khách hàng, đó chính là văn hóa và tôn giáo.
Ví dụ trong một số nền văn hóa, màu đen đại diện cho bóng tối, cái chết, sự xui xẻo, sự độc ác, tang lễ, phù thủy và là một dấu hiệu không may mắn. Tuy nhiên ở một nơi khác, màu đen tượng trưng cho sự may mắn, quyền lực, huyền bí và sự giàu sang. Trong việc quảng cáo hay tiếp thị sản phẩm tại hai nền văn hóa khác nhau này, nếu không chú ý về ý nghĩa màu sắc thì bạn có thể thất bại thảm hại trong chiến dịch marketing.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp mọi người hiểu hơn về tâm lý học màu sắc, cũng như những ứng dụng của chúng trong nhận diện thương hiệu và quảng cáo sản phẩm. Màu sắc của thương hiệu có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của một sản phẩm, vì thế đây luôn là yếu tố nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhãn hàng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng có thê dựa vào hiệu ứng này để quyết định có mua hàng hay không.
Có thể bạn quan tâm
- Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý
- Hiệu ứng IKEA: Bí kíp để đi đến thành công trong kinh doanh
- Ảo giác khuôn mặt (Pareidolia): Hội chứng làm nên nghệ thuật
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Làm sao để trở nên tự tin hơn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!