Nhận diện các rối loạn ám ảnh thường gặp
Các dạng rối loạn ám ảnh khác nhau sẽ có biểu hiện và mức độ khác nhau nên cần phải xác định chính xác mới giúp ích cho điều trị. Nhận diện các rối loạn ám ảnh thường gặp sớm thông qua các biểu hiện đặc trưng và nhanh chóng tiến hành can thiệp kịp thời theo đúng phác đồ từ bác sĩ sẽ giúp hạn chế tối đa những hệ lụy xấu khác có thể xuất hiện.
Nhận diện các rối loạn ám ảnh thường gặp
Rối loạn ám ảnh hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) khiến người bệnh thường có những suy nghĩ, hành vi mang tính cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện để làm giảm cảm giác lo lắng căng thẳng quá mức của bản thân. Đây là một dạng rối loạn tâm lý ảnh hưởng xấu đến chất lượng đời sống và tinh thần của bệnh nhân trầm trọng nên cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Tùy theo từng triệu chứng mà bệnh được phân biệt thành nhiều dạng khác nhau với mức độ nguy hiểm khác nhau. Cần sớm phân biệt các rối loạn ám ảnh thường gặp để hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất. Cụ thể các dạng OCD thường gặp bao gồm:
1. Rối loạn ám ảnh bị lây bệnh
Rối loạn ám ảnh bị lây bệnh (Obsession of contamination)là dạng rối loạn ám ảnh thường gặp nhất trong các nhóm OCD. Theo đó bệnh nhân thường bị ám ảnh bởi cảm giác không sạch sẽ hoặc các yếu tố có liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Chẳng hạn nếu bệnh nhân vô tình chạm tay vào nắm cửa họ sẽ vô cùng lo lắng sợ hãi rằng trên đó có các vi khuẩn lây bệnh và không ngừng rửa tay. Có những người rửa tay đến hàng giờ đồng hồ thậm chí để cho tay bị trầy xước, tróc da nhưng vẫn không thể nào ngừng được các hành vi này.
Kèm theo đó bạn cũng có thể gặp những ám ảnh liên quan đến sự sạch sẽ và cực kỳ dị ứng với ô nhiễm. Do đó mà bệnh nhân không ngừng tiến hành dọn dẹp và họ dành phần lớn thời gian để lau chùi nhà cửa, đồ đạc hay những thứ mà bản thân họ cho rằng có thể lây bệnh. Đây cũng là đặc trưng rất dễ nhận biết nhất của dạng OCD này. Họ cứ không ngừng dọn dẹp mặc dù xung quanh vốn chẳng còn gì để dọn.
2. Rối loạn ám ảnh suy nghĩ ép buộc
Với dạng rối loạn ám ảnh này người bệnh có thể chỉ xuất hiện những ý nghĩ ám ảnh hơn là các hành vi mang tính cưỡng chế. Các nội dung ám ảnh thường có thể liên quan đến tình dục, tôn giáo hay các xung đột. Chẳng hạn họ có một ham muốn quan hệ tình dục với trẻ em, với bạn bè hay với bất cứ một người nào đó mà chính họ cũng không quen biết. Họ có thể hình thành những suy nghĩ về bản thân bị hiếp dâm hoặc chính là kẻ hiếp dâm.
Có những bệnh nhân xuất hiện cả những suy nghĩ về việc tự tử hay giết người. Tuy nhiên ở một mức độ nào đó những nỗi ám ảnh này tạm thời chỉ giới hạn trong suy nghĩ và họ nhận thức được các tâm tưởng của mình là sai trái và điều này khiến họ vô cùng đau khổ. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó khi bệnh đã diễn ra quá trầm trọng họ không thể can thiệp vào kìm hãm suy nghĩ của bản thân thì đôi khi họ có thể trở thành kẻ tấn công thực sự.
3. Rối loạn ám ảnh nghi ngờ
Người bệnh luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng tột độ về một vấn đề nào đó không yên, chẳng hạn nghi ngờ chưa tắt bếp, chưa khóa cửa nhà.. và cứ không ngừng quay trở lại để kiểm tra. Rối loạn ám ảnh nghi ngờ (Obsession of doubt) thường kèm theo sự cưỡng chế về kiểm tra khiến suốt cả ngày họ chỉ xoay quanh một vài vấn đề không thể hoàn thành được. Thậm chí họ còn tự nghi ngờ về chính bản thân mình, không điều gì có thể đủ để làm họ tin tưởng hoàn toàn.
Người mắc hội chứng Obsession of doubt thường xuyên cảm thấy lo lắng về một mối tai họa mơ hồ nào đó, vì thế mới sinh ra sự nghi ngờ và cưỡng chế về kiểm tra. Chẳng hạn họ tưởng tượng việc ngôi nhà có thể bị bốc cháy do mình quên không tắt bếp, vì thế không kìm được mà quay lại kiểm tra. Mặc dù đã kiểm tra và đóng cửa ra ngoài nhưng họ vẫn không thể nào tin tưởng bản thân đã chắc chắn tắt bếp, vì thế vẫn tiếp tục phải quay lại để kiểm tra.
Bệnh nhân luôn có những nỗi nghi ngờ rằng tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào và các hành vi kiểm tra nhằm đảm bảo cho bản thân và gia đình an toàn. Tất nhiên về mục đích thì không có gì là sai nhưng bản thân người bệnh không thể khống chế được sự nghi ngờ lại không tin tưởng vào chính bản thân mình, kết quả là họ có thể phải mất cả ngày mới có thể thực sự giảm bớt sự nghi ngờ để an tâm ra ngoài.
4. Ám ảnh với sự sắp xếp
Rối loạn ám ảnh với sự sắp xếp cũng là dạng rối loạn ám ảnh thường gặp nhất. Theo một cách gọi thông thường thì những người mắc chứng bệnh này có thể là những người cầu toàn, những người có sự ám ảnh về sự hoàn hảo. Cụ thể họ luôn phải sắp xếp các đồ vật, dụng cụ theo một thứ tự nhất định, có thể theo màu sắc hay kích thước. Nói chung các đồ vật, hình ảnh phải bắt buộc được sắp xếp theo một trật tự logic nhất định.
Biểu hiện rõ nhất của chứng bệnh này chính là họ không ngừng sắp xếp các đồ đạc theo 1 quy luật nhất định, một chút xê dịch họ cũng có thể phát hiện ra và cực kỳ cảm thấy khó chịu. Không chỉ trong giới hạn các đồ dùng cá nhân mà khi vô tình nhìn thấy một sự thiếu logic ở bất cứ đâu cũng khiến họ có cảm giác căng thẳng khó chịu tột độ và rất muốn nhanh chóng điều chỉnh lại nó.
5. Rối loạn chậm chạp ám ảnh
Rối loạn chậm chạp ám ảnh (Obsession slowness) cũng là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Cụ thể bệnh nhân thường có xu hướng làm bất cứ việc gì như mặc quần áo, đi giày dép hay ăn cơm cũng rất chậm chạp. Họ có thể mất hàng giờ để cạo râu, mất cả vài tiếng để rửa tay vì họ cho rằng như vậy mới thực sự an toàn.
6. Rối loạn ám ảnh tích trữ
Với dạng này, bệnh nhân thường có xu hướng tích trữ rất nhiều đồ đạc, có thể là quần áo, sách báo, nước hoa, đồ ăn… vì họ luôn cho rằng một lúc nào đó có thể sẽ cần đến những thứ này. Họ không ngừng thu gom và chất đống trong nhà, khiến không gian sống ngày càng trở nên chật hẹp và điều này có thể thể làm họ cảm thấy an toàn hơn.
Rất khó khăn để có thể vứt bỏ đồ của những bệnh nhân này vị chính họ cũng luôn bị ám ảnh, căng thẳng bởi việc thiếu mất đồ. Chẳng hạn họ lo lắng có thể có thiên tai ập đến vì vậy không ngừng tích trữ đồ ăn, cho dù chúng đã bị hết hạn. Thống kê còn cho thấy những bệnh nhân gặp rối loạn ám ảnh này thường có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm khá cao.
7. Một số dạng rối loạn ám ảnh thường gặp khác
Bên cạnh các dạng rối loạn ám ảnh phổ biến trên, một số dạng OCD khác cũng được nghiên cứu như
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế chích da: Bệnh nhân có xu hướng cào cấu, chích vào da để cho da chảy máu hay tổn thương sẽ thấy dễ chịu hơn. Thống kê cho thấy khoảng 1- 2% dân số gặp phải tình trạng này.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế giật tóc: bệnh nhân thường giật tóc, giật lông mày hay lông tay chân
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế về ngoại hình: người bệnh thường phải dành một thời gian rất dài để chải chuốt, chăm chút về ngoại hình, đầu tóc trước khi ra ngoài để che đậy đi những khiếm khuyết của cơ thể. Các khiếm khuyết này có thể có thực nhưng cũng có thể chỉ do bản thân họ tự tưởng tượng ra. Họ cũng thường xuyên đem mình đi so sánh với những người khác và thường tự hạ thấp bản thân.
Nhìn chung rối loạn ám ảnh là một bệnh lý tuy không gây ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng không làm tác động đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần và chất lượng đời sống của bệnh nhân. Từ rối loạn ám ảnh có thể nhanh chóng dẫn tới rối loạn lo âu hay trầm cảm cùng rất nhiều các vấn đề tâm lý, tâm thần khác nên cần sớm can thiệp và loại bỏ.
Có rất nhiều dạng rối loạn ám ảnh thường gặp với các biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau nên cần phân tích chính xác. Bản thân chính người bệnh phải thực sự quyết tâm trong điều trị các rối loạn tâm thần này. Việc điều trị có thể phải kéo dài đến suốt đời dù không thể loại bỏ được hoàn toàn nhưng nếu có hướng kiểm soát tốt vẫn có thể giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường như bao người khác. Do đó cần sớm phát hiện và điều trị bệnh theo đúng phác đồ được bác sĩ đưa ra.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
- Chứng sợ khoảng rộng là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không? Chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!