Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) và cách điều trị
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Vấn đề sức khỏe này có thể được cải thiện dễ dàng bằng cách trị liệu tâm lý, điều trị nội khoa và thay đổi lối sống.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là bệnh gì?
Là dạng nặng nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder – PMDD) là tình trạng rối loạn cảm xúc mang tính chu kỳ ở phái đẹp, do hormon gây ra. Các tiêu chí chẩn đoán của bệnh lý này đã được giới thiệu lần đầu tiên trong tài liệu Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ về Rối loạn Tâm thần (DSM) vào năm 1994 (phiên bản thứ tư).
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ (American Journal of Psychiatry) cho biết, khoảng 85% phụ nữ từng trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt, trong đó chỉ 5% trường hợp được chẩn đoán mắc phải rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Chứng bệnh này có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm trong độ tuổi sinh đẻ của chị em. Thời gian khởi phát trung bình là vào năm 26 tuổi.
Tương tự hội chứng tiền kinh nguyệt, các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường xuất hiện ở cuối giai đoạn hoàng thể (sau khi rụng trứng) của chu kỳ kinh nguyệt và chấm dứt khi bạn bắt đầu có kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt không dẫn đến hiện tượng kiệt sức lâm sàng một cách đáng kể, không tác động tới chức năng của cơ thể và không ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của chị em. Trong khi đó, các triệu chứng về tâm thần của chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt thường ở mức độ nghiêm trọng hơn hẳn, khiến phụ nữ không thể sinh hoạt bình thường.
Những biểu hiện bất thường về mặt tâm thần như: lo lắng, căng thẳng, cáu kỉnh, trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử hình thành liên tục trong phần lớn chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân. Chúng có thể trở nên vô cùng tồi tệ trong vài tháng nhất định và không nhất thiết phải xảy ra trong mọi chu kỳ.
Các chuyên gia cho biết, các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường kéo dài đến lúc mãn kinh. Trong suốt thai kỳ và sau khi mãn kinh, chúng sẽ không còn quấy nhiễu bạn nữa. Tuy nhiên, những người từng mắc phải dạng rối loạn này rất dễ bị trầm cảm sau sinh.
Nhìn chung, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là tình trạng bệnh lý mạn tính cần được tích cực điều trị bằng cách sử dụng thuốc Tây, trị liệu tâm lý và điều chỉnh thói quen sinh hoạt.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo thống kê, khoảng 20 – 40% phụ nữ trải qua nhiều triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt từ mức độ trung bình đến nặng. Trong đó, 3 – 8% chị em không thể sinh hoạt bình thường. Đây chính là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Hiện nay, nguyên nhân chính xác của cả hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt vẫn đang được nghiên cứu, tìm hiểu.
Nhiều ý kiến cho rằng, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt xuất phát từ những phản ứng bất thường của bộ não trước sự thay đổi nồng độ hormon (estrogen và progesteron) trong cơ thể nữ giới vào chu kỳ kinh nguyệt.
Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Rủi ro phụ nữ bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt mắc thêm chứng rối loạn tâm trạng, trầm cảm và trầm cảm sau sinh khá cao.
Một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý này bao gồm:
- Môi trường: Thời tiết giao mùa, tâm trạng căng thẳng, tiền sử bị tổn thương liên quan đến người khác… là những tác nhân đến từ môi trường bên ngoài có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ở chị em phụ nữ.
- Di truyền: Tuy vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhìn chung, tỷ lệ di truyền của chứng bệnh này có thể lên đến 50%.
- Những tác nhân gây thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: Theo Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ về Rối loạn Tâm thần (DSM) phiên bản thứ 5, nữ giới sử dụng thuốc tránh thai ít mắc bệnh hơn so với những người không dùng thuốc.
Dấu hiệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán bệnh lý chính xác, các triệu chứng cần xuất hiện trong phần lớn chu kỳ kinh nguyệt của năm trước đó. Đồng thời, chúng đã tác động tiêu cực đến toàn bộ công việc, cuộc sống và giao tiếp xã hội thường ngày của bệnh nhân.
Các biểu hiện của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt tương tự các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn hẳn. Bên cạnh nhiều triệu chứng chủ yếu liên quan đến tình trạng lo âu và sự thay đổi cảm xúc, chứng bệnh này còn đi kèm nhiều biểu hiện bất thường về hành vi và thể chất.
Lưu ý, chúng ta sẽ không có đầy đủ cơ sở khoa học để chẩn đoán bệnh lý nếu chỉ tìm thấy những triệu chứng về mặt hành vi và thể chất trong khi không phát hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào về trạng thái cảm xúc và mức độ lo âu.
Các biểu hiện của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường xuất hiện vào tuần trước khi hành kinh và biến mất trước khi chu kỳ “đèn đỏ” bắt đầu khoảng vài ngày. Những triệu chứng tiêu biểu của chứng bệnh này bao gồm:
- Căng thẳng, lo lắng, hồi hộp
- Tâm trạng bất ổn
- Tức giận, cáu kỉnh, dễ mâu thuẫn với người khác
- Cảm giác tự ti, suy sụp, chán nản, tuyệt vọng, bất lực, không thể kiểm soát bản thân
- Giảm hứng thú khi tham gia vào các hoạt động thường nhật
- Thiếu năng lượng một cách rõ rệt
- Khó tập trung, hay quên
- Thiếu ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Sưng đau bầu ngực, đau lưng, đau cơ, đau khớp, tăng cân, đầy hơi…
- Bốc hỏa, chóng mặt, dễ bị bầm tím
- Uể oải, mệt mỏi
- Thị lực suy giảm
- Giảm ham muốn tình dục
- Nhạy cảm và dễ rơi nước mắt
- Hoang tưởng và gặp một số vấn đề với hình ảnh bản thân
- Tê ngứa và co thắt cơ ở tứ chi
- Rối loạn tiêu hóa
- Khó phối hợp nhiều hành động cùng lúc
- Sưng tay, chân, mắt cá, tiểu ít
- Nổi mụn và viêm ngứa da
Tìm hiểu thêm: Bất lực tập nhiễm: Nguyên nhân và cách giúp bạn sống tích cực
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ chuyên khoa cần xác định rõ những triệu chứng mà người bệnh gặp phải không chỉ đơn thuần là dấu hiệu trầm trọng của một dạng rối loạn tâm thần khác (chẳng hạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ hoặc thói quen lạm dụng thuốc kích thích). Chúng cần được theo dõi sát sao thông qua việc đánh giá cẩn thận hàng ngày trong vòng tối thiểu 2 chu kỳ kinh nguyệt bị bệnh.
Những biểu hiện của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt tương tự một số bệnh lý khác. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, tìm hiểu tiền sử bệnh lý cũng như yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm nhất định. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ phác thảo một biểu đồ riêng để ghi nhận mối quan hệ tương quan của từng triệu chứng với chu kỳ kinh nguyệt.
Ngay cả khi bệnh nhân không yêu cầu chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt vì họ chỉ có một vài triệu chứng nghiêm trọng của một dạng rối loạn tâm thần khác diễn ra gần với thời điểm hành kinh thì bác sĩ vẫn có thể cân nhắc chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt bên cạnh việc chẩn đoán các triệu chứng rối loạn tâm thần đó, nếu các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ở người bệnh khác biệt rõ nét so với các triệu chứng rối loạn tâm thần đang hiện hữu.
Phương pháp điều trị
Chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhờ vào phương pháp điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý và phẫu thuật can thiệp.
1. Điều trị nội khoa
Bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI (fluoxetin, paroxetine hydrochlorid, sertralin…) cho các bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, những loại thuốc không kê đơn chứa thành phần aspirin, ibuprofen, naproxen giúp giảm nhức đầu, chuột rút, đau ngực và nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác.
Năm 2010, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng các loại thuốc tránh thai chứa ethinyl estradiol và drospirenon trong quá trình điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Lưu ý, người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc nhằm tìm ra loại thuốc tránh thai an toàn, phù hợp với cơ thể.
2. Trị liệu tâm lý
Là phương pháp điều trị tâm thần đã được cấu trúc hóa, liệu pháp trị liệu nhận thức – hành vi (CBT) có thể định hướng hành động của bệnh nhân và giúp đỡ họ tập trung kết nối với cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của bản thân. Liệu pháp này có thể đạt được kết quả cao trong quá trình chữa khỏi trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm sau sinh cũng như cải thiện nhiều triệu chứng thể chất.
3. Phẫu thuật can thiệp
Khi phương pháp điều trị nội khoa không thể mang đến hiệu quả như ý, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Tuy có thể đẩy lùi triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nhưng kỹ thuật này cũng đồng thời khiến phụ nữ ngừng rụng trứng, bước vào giai đoạn mãn kinh sớm và xuất hiện nhiều vấn đề sức khỏe liên quan.
Đây là cuộc phẫu thuật quan trọng, phức tạp và có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, bệnh nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định can thiệp ngoại khoa.
4. Một số phương pháp điều trị thay thế
Nếu điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa đều không phải là phương án chữa bệnh khả thi thì người bệnh có thể áp dụng các liệu pháp thay thế phù hợp.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, thiền tĩnh tâm có tác dụng hạn chế căng thẳng, lo âu và giảm thiểu cơn đau của chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Tắm bằng nước ấm và sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ trong chu kỳ “đèn đỏ” cũng mang đến hiệu quả điều trị chuột rút tích cực. Lưu ý, băng vệ sinh dạng ống có thể làm chị em dễ bị đau cơ hơn. Do đó, độc giả hãy ưu tiên sử dụng băng vệ sinh thông thường nhé!
Ngoài ra, bạn có thể:
- Tập yoga
- Châm cứu, bấm huyệt
- Kiêng cữ cà phê, rượu bia
- Giảm lượng muối, đường trong bữa ăn hàng ngày
- Tăng cường dung nạp thực phẩm giàu đạm và tinh bột phức
- Vận động nhẹ nhàng vào chu kỳ kinh nguyệt
- Dành nhiều thời gian thư giãn, nghỉ ngơi (xem phim, đọc sách, đi dạo, tâm sự với người thân, chăm sóc thú cưng…)
- Bổ sung dầu hoa anh thảo hoặc các loại thực phẩm chức năng chứa thành phần magie oxit, canxi, vitamin B6, vitamin E, chiết xuất cây trinh nữ Châu Âu (chasteberry)…
Khi mắc phải chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Dù bạn cảm thấy cô đơn, buồn bã, mệt mỏi và suy nhược nhưng bên cạnh bạn vẫn luôn có gia đình, bạn bè và những nhóm hỗ trợ sẵn sàng lắng nghe, nâng đỡ cũng như đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn lo âu khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (hội chứng ái kỷ) là gì?
- Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu
- 12 cách trị rối loạn lo âu tại nhà đơn giản, hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!