Rối loạn cư xử (CD): Cách nhận biết và xử lý
Rối loạn cư xử được đặc trưng bởi thái độ hung hăng, bốc đồng, khinh thường, bắt nạt người khác ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính, khoảng 2 – 16% trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ mắc phải chứng bệnh này. Rối loạn cư xử phổ biến ở bé trai hơn bé gái, thường xuất hiện ở cuối thời thơ ấu hoặc những năm đầu của độ tuổi thiếu niên.
Rối loạn cư xử là bệnh gì?
Rối loạn cư xử (Conduct Disorder – CD) là một trong những dạng rối loạn hành vi gây rối (bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD và rối loạn thách thức chống đối – ODD).
Dạng rối loạn ứng xử này được đặc trưng bởi mô hình hành vi chống đối xã hội lặp đi lặp lại dai dẳng, liên quan đến việc vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội và xâm phạm quyền lợi cơ bản của người khác. Rối loạn cư xử xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nhiều bệnh nhân biểu hiện bệnh lý dưới dạng hành động hung hăng, thù địch công khai đối với những người xung quanh (ví dụ đánh nhau, bắt nạt, trêu chọc, đốt phá, phá hoại, ngược đãi động vật), trong khi đó, nhiều thanh niên thực hiện các kiểu hành vi lừa dối, che giấu (chẳng hạn trốn học, cúp tiết, nói dối, trộm cắp…). Một số trường hợp lại thể hiện kết hợp cả hai kiểu hành vi chống đối xã hội vừa nêu.
Được hình thành từ cuối thời thơ ấu và đầu giai đoạn thiếu niên, rối loạn cư xử thường phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) ở người lớn.
Việc can thiệp từ sớm và tích cực điều trị có vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của người bệnh bởi nếu không được đẩy lùi kịp thời, rối loạn cư xử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường về sau như: trầm cảm, nghiện rượu bia, lạm dụng thuốc, rối loạn nhân cách, mắc bệnh tâm thần, vi phạm pháp luật…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn cư xử
Rối loạn cư xử có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nặng – nhẹ và từng độ tuổi cụ thể như:
- Không vâng lời cha mẹ, thầy cô, người lớn
- Trốn học
- Nói dối
- Lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm
- Hành động hung hăng, cay nghiệt, đầy thù hận
- Ngược đãi động vật
- Gây hấn với những người xung quanh (bắt nạt, đánh nhau, tổn thương thể chất…)
- Hoạt động theo băng nhóm
- Sử dụng vũ khí
- Lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ma túy từ sớm
- Lòng tự trọng thấp
- Có xu hướng trốn chạy
- Gặp nhiều khó khăn trong việc học
- Vi phạm pháp luật (trộm cắp, phá hoại của công, đốt nhà, đột nhập, lạm dụng tình dục…)
- Nảy sinh ý định tự sát
Nhìn chung, những triệu chứng điển hình của dạng rối loạn này được phân thành 4 nhóm:
- Nhóm hành vi hung hăng đe dọa hoặc làm tổn hại người khác về mặt thể chất (đánh nhau, bắt nạt, sử dụng vũ khí, lạm dụng tình dục, đánh đập người khác hoặc động vật…).
- Nhóm hành vi hủy hoại liên quan đến việc cố ý phá hoại tài sản của cộng đồng hoặc người khác (vẽ bậy, phóng hỏa, đập phá đồ đạc…)
- Nhóm hành vi lừa dối bao gồm: ăn cắp, nói dối, đột nhập ăn trộm…
- Nhóm hành vi vi phạm quy tắc đi ngược những quy tắc, chuẩn mực, luật lệ của xã hội hoặc có nhiều hành động không đúng đắn, không phù hợp như: trốn học, bỏ nhà ra đi, chơi khăm người khác, quan hệ tình dục quá sớm…
Ngoài ra, những người bị rối loạn cư xử thường tự ti, cáu kỉnh, dễ nổi cơn thịnh nộ. Họ không thể nhận thức được hành vi của bản thân sẽ khiến người khác tổn thương ra sao. Nhìn chung, họ thiếu mất sự đồng cảm và hiếm khi cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, hối hận về những hành động sai trái của bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cư xử
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng bệnh này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rối loạn cư xử có thể bắt nguồn từ sự kết hợp của yếu tố di truyền, sinh học, tâm lý, môi trường và xã hội, cụ thể:
Yếu tố di truyền
Nhiều bệnh nhân có người thân trong gia đình từng hoặc đang mắc các căn bệnh tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách…
Yếu tố sinh học
Theo một nghiên cứu, những chấn thương hoặc khiếm khuyết tại một số khu vực não bộ có thể gây ra rối loạn cư xử. Trên thực tế, bệnh lý này liên quan mật thiết đến vùng não kiểm soát cảm xúc và điều khiển hành vi. Nếu các tế bào thần kinh dọc vùng não này hoạt động bất thường, những triệu chứng sẽ được kích hoạt.
Hơn nữa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đang bị rối loạn cư xử cũng đồng mắc một số bệnh lý tâm thần khác (chẳng hạn trầm cảm, rối loạn học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn lạm dụng chất kích thích…).
Yếu tố tâm lý
Nhiều chuyên gia tin rằng, rối loạn cư xử có thể phản ánh những vấn đề về nhận thức đạo đức (nhất là sự thiếu cảm giác hối hận, tội lỗi) cùng các khiếm khuyết khác trong quá trình nhận thức và xử lý thông tin.
Yếu tố xã hội
Yếu thế, nghèo túng, bị cô lập, không có bạn thân… chính là những tác nhân xã hội thúc đẩy chứng rối loạn cư xử hình thành và phát triển.
Yếu tố môi trường
Các yếu tố khác như: gia đình bất hòa, trải nghiệm đau thương, cha mẹ không quan tâm, dạy dỗ, từng bị lạm dụng thời thơ ấu… có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trí của trẻ em, thanh thiếu niên và gây ra chứng bệnh này.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn cư xử
Để phát hiện triệu chứng rối loạn cư xử, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám sức khỏe, đánh giá đầy đủ bệnh sử và yêu cầu bé thực hiện một số xét nghiệm thích hợp nhằm loại trừ một số bệnh lý thực tổn. Bác sĩ cũng có thể tìm kiếm triệu chứng của một số dạng rối loạn tâm thần khác như: trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý…
Theo các chuyên gia, rối loạn cư xử có nhiều điểm tương đồng với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn thách thức chống đối (ODD). Do đó, công tác chẩn đoán vướng phải rất nhiều khó khăn. Chứng bệnh này nên được chẩn đoán chuyên nghiệp bởi bác sĩ nhi khoa chuyên về lĩnh vực rối loạn hành vi, bác sĩ tâm thần trẻ em hay nhà tâm lý học trẻ em/trẻ vị thành niên.
Dựa trên kết quả quan sát và phỏng vấn phụ huynh, chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của từng trường hợp. Những biểu hiện bất thường của bé sẽ được so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ ban hành.
Phương pháp điều trị rối loạn cư xử
Bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như: độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, khả năng đáp ứng của bé với từng liệu pháp… Thông thường, phác đồ điều trị sẽ kết hợp sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý.
- Sử dụng thuốc Tây: Hiện nay, tuy chưa có loại thuốc nào được chấp thuận để chữa bệnh rối loạn cư xử nhưng đã có nhiều loại thuốc có thể cải thiện triệu chứng bốc đồng, hung hăng, rối loạn tâm trạng.
- Trị liệu tâm lý: Với phương pháp này, bé có thể học cách điều hòa cảm xúc và kiểm soát cơn giận một cách hiệu quả. Liệu pháp nhận thức – hành vi giúp trẻ định hình nhận thức, điều chỉnh tư duy, quản lý căng thẳng và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Liệu pháp gia đình góp phần tăng cường mối tương tác mật thiết giữa bé với các thành viên trong gia đình.
Ngay khi phát hiện con em có những biểu hiện bất thường, độc giả cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu không được can thiệp đúng cách và điều trị kịp thời, chứng bệnh này sẽ phát triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn cảm xúc, rối loạn sử dụng chất kích thích.
Thêm vào đó, trẻ cũng có thể bỏ học, bắt nạt, nói dối, trộm cắp, vi phạm pháp luật, gây tổn thương người khác, quan hệ tình dục bừa bãi, thậm chí tự tử.
Vì vậy, ngay từ trong phạm vi gia đình, cha mẹ hãy luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc, giáo dục và định hướng con yêu thật tốt. Đừng để tuổi thơ của bé thiếu vắng tình thương hay chìm sâu trong nỗi buồn tủi, bất hạnh.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn hành vi là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Bệnh rối loạn hành vi ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và chữa trị
- Rối loạn ăn uống là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Hội chứng tự ngược đãi bản thân: Nguyên nhân và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!