Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn là một chứng rối loạn bao gồm sự kết hợp giữa các hành vi bốc đồng và những vấn đề khó chú ý, hiếu động một cách quá mức. Căn bệnh này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến công việc, học tập, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD) là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder – ADHD) là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm sự kết hợp của những hành vi bốc đồng và các vấn đề khó chú ý, hiếu động quá mức. Căn bệnh này có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, suy giảm hiệu suất học tập, công việc, hạ thấp lòng tự trọng và những vấn đề liên quan khác.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn còn được gọi tắt là ADHD – Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder

Thông thường, các triệu chứng của bệnh lý này sẽ khởi phát từ thời thơ ấu và duy trì phát triển cho đến tuổi trưởng thành. Trong một vài trường hợp, ADHD không được chẩn đoán cho đến khi người bệnh bước vào tuổi trưởng thành. Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn có thể biểu hiện không rõ ràng như ở trẻ em. Đối với người trưởng thành, tình trạng hiếu động có thể bị suy giảm nhưng người bệnh vẫn sẽ xuất hiện các hành vi bốc đồng, cảm thấy khó chịu, bồn chồn, khó chú ý.

Nguyên nhân gây ADHD ở người lớn

Hiện nay, nguyên nhân chính xác có thể gây nên tình trạng tăng động giảm chú ý ở người lớn vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra một số yếu tố tác động như sau:

  • Môi trường sống: Môi trường sinh hoạt hàng ngày cũng là một trong những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là việc phải tiếp xúc với chì quá nhiều khi còn nhỏ.
  • Di truyền: Các chuyên gia cho biết ADHD có tính chất di truyền nên khi trong gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ cao con cái sinh ra cũng có thể mắc phải căn bệnh này.
  • Các vấn đề trong quá trình phát triển: Nếu hệ thống thần kinh trung ương gặp phải những vấn đề trong giai đoạn phát triển sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Hội chứng ADHD ở người lớn
Hút thuốc trong quá trình mang thai cũng là yếu tố khiến trẻ gia tăng nguy cơ mắc bệnh ADHD

Một số đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng ADHD ở người lớn cao như:

  • Những người được sinh ra trong gia đình có cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột từng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
  • Trong quá trình mang thai mẹ đã sử dụng nhiều thuốc điều trị, bia rượu, thuốc lá.
  • Lúc nhỏ đã được sinh sống trong môi trường không lành mạnh, nhiều chất độc hại ví dụ như tiếp xúc thường xuyên với chì có trong đường ống hoặc sơn.
  • Các đối tượng từng bị sinh non.

Dấu hiệu nhận biết ADHD ở người lớn

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn sẽ không biểu hiện rõ ràng, gây cản trở trong quá trình nhận biết và phát hiện bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh thường có xu hướng phát triển ngay từ khi còn nhỏ nhưng hầu hết người bệnh chỉ được chẩn đoán hoặc nhận biết về các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sau khi trưởng thành. Do đó, không ít trường hợp những người trưởng thành thường xuyên đấu tranh với các triệu chứng bệnh nhưng không hề hay biết bản thân đang mắc phải chứng bệnh này.

Để có thể sớm phát hiện được căn bệnh ADHD, bạn cần nắm rõ một số dấu hiệu đặc trưng như sau:

1. Thiếu tập trung

Hầu hết những người bị chứng ADHD đều rơi vào tình trạng thiếu tập trung, suy giảm sự chú ý. Thiếu tập trung ở trong rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn không đơn thuần là tình trạng khó khăn khi phải tập trung vào công việc, học tập mà nó còn là sự xao nhãng, cảm thấy khó khăn khi trong vấn đề lắng nghe hoặc quá coi trọng tiểu tiết, không thể hoàn thành được các công việc được giao.

Dấu hiệu ADHD ở người lớn
Người bệnh ADHD thường dễ mất tập trung, giảm sự chú ý

2. Tập trung quá mức

Bên cạnh đó, một số trường hợp người bệnh còn có biểu hiện bởi sự tập trung quá mức. Họ thường sẽ chú tâm thái quá vào một vấn đề, sự việc nào đó, thậm chí có thể quên đi những thứ đang diễn ra xung quanh hoặc những công việc vừa mới được giao. Loại tập trung này sẽ làm cho người bệnh quên đi khái niệm về thời gian, họ thờ ơ với những người xung quanh gây nên những hiểu lầm không đáng có.

3. Suy giảm trí nhớ

Người bệnh sẽ bị suy giảm trí nhớ trầm trọng, họ dường như không thể ghi nhớ các công việc, sự kiện xảy ra xung quanh, từ những việc đơn giản như cất giữ món đồ ở đâu cho đến các sự kiện quan trọng đối với bản thân. Tình trạng hay quên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đảo lộn sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

4. Không có tổ chức

Khi người lớn mắc phải chứng bệnh ADHD sẽ thường xuyên cảm thấy cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp, thực hiện mọi thứ. Người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Khó khăn trong việc quản lý thời gian, lên kế hoạch.
  • Gặp cản trở trong việc theo dõi nhiệm vụ
  • Không thể phân chia hoặc sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

5. Hạ thấp giá trị của bản thân

Khi người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý thì họ sẽ rất khắt khe đối với bản thân. Triệu chứng này sẽ làm cho người bệnh dần hạ thấp giá trị của bản thân. Họ sẽ khó tập trung vào công việc, học tập và các triệu chứng khác sẽ gây nên những vấn đề ảnh hưởng đến cơ quan, trường học, các mối quan hệ xã hội. Thông thường họ sẽ cho rằng những vấn đề khó khăn mà bản thân đang gặp phải là một sự thất bại của cá nhân, lâu dần họ sẽ có cái nhìn tiêu cực về chính mình.

6. Gặp phải các vấn đề về cảm xúc

Cảm xúc của người bệnh có thể thay đổi một cách bất thường và khó kiểm soát được. Người bị ADHD sẽ rất dễ cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng và muốn bỏ hết tất cả để đi đâu đó một cách đột ngột. Một sự việc nhỏ hoặc sự thất vọng nào đó cũng có thể khiến họ không chấp nhận được hoặc họ có thể nghĩ bản thân đang mắc phải các chứng bệnh tâm thần như trầm cảm. Những vấn đề liên quan đến cảm xúc nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh.

Dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Cảm xúc của người bệnh sẽ thay đổi một cách bất thường và khó kiểm soát được

7. Thường xuyên lo âu, bồn chồn

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD) có thể khiến cho người bệnh cảm thấy lo lắng, bồn chồn không yên. Người bệnh có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn nếu không thể thực hiện được việc gì đó ngay lập tức. Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân đó chính là đứng ngồi không yên, tay chân run rẩy, đổ nhiều mồ hôi,…Biểu hiện này có xu hướng lặp đi lặp lại nhiều lần khi người bệnh chứng kiến hoặc trải qua các sự việc gây lo lắng.

8. Thiếu động lực

Đôi khi bạn cảm thấy rất sẵn sàng để làm việc gì đó nhưng cũng có lúc mất động lực và không muốn làm gì cả. Triệu chứng này sẽ rất hay gặp ở những trẻ bị ADHD và thường gây cản trở trong việc học tập của trẻ. Biểu hiện này cũng có thể xuất hiện ở những người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Bệnh nhân sẽ thường xuyên chần chừ không thể bắt đầu công việc, kỹ năng sắp xếp cũng bị suy giảm, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi phải thực hiện một nhiệm vụ nào đó.

9. Gặp phải những vấn đề về sức khỏe

Các triệu chứng nêu trên nếu xuất hiện trong thời gian dài sẽ khiến cho người bị chứng ADHD không còn chú ý và quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Người bệnh thường chán ăn, ăn không đủ bữa, ăn uống qua loa, lười vận động, hay quên uống thuốc điều trị các loại bệnh hiện đang có. Ngoài ra, tình trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài cũng sẽ tác động tiêu cực đến thể chất của người bệnh, nhiều nguy cơ gây ra các bệnh lý khác.

10. Sự hấp tấp

Biểu hiện hấp tập của người bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ được thể hiện qua các tình huống như:

  • Hành động vội vã mà không suy nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra
  • Thường xuyên chen ngang, ngắt lời người khác trong những buổi trò chuyện, thảo luận.
  • Thực hiện mọi việc một cách hấp tấp, cẩu thả.
  • Mua sắm một cách không suy nghĩ, kể cả những món đồ ngoài khả năng.

11. Một số triệu chứng khác

Ngoài những dấu hiệu nhận biết nêu trên thì tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn còn bao gồm một số triệu chứng sau:

  • Lạm dụng nhiều bia rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.
  • Thường xuyên thay đổi nghề nghiệp, công việc
  • Có rất ít các thành tích cá nhân.
  • Thường xuyên lặp lại những vấn đề liên quan đến mối quan hệ, đặc biệt là ly hôn.

Biến chứng của ADHD ở người lớn

Nếu các triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Biến chứng của ADHD ở người lớn (rối loạn tăng động giảm chú ý)
Chứng bệnh ADHD sẽ làm giảm hiệu suất công việc của người bệnh
  • Giảm hiệu suất công việc, học tập, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở người lớn.
  • Thu nhập bị giảm đáng kể
  • Gặp phải một số vấn đề liên quan đến tài chính
  • Lạm dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích hoặc chất gây nghiện
  • Gặp phải những phiền phức có liên quan đến pháp luật
  • Thường xuyên gặp phải tai nạn xe hoặc các sự cố nguy hiểm
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội
  • Suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất
  • Nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm.
  • Hình ảnh bản thân bị suy giảm trong mắt mọi người.
  • Có ý định muốn tự sát

Các vấn đề sức khỏe do ADHD ở người lớn gây ra

Trong thực tế, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn không trực tiếp gây nên các vấn đề về tâm lý nhưng những rối loạn này thường sẽ xuất hiện cùng lúc khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, quá trình điều trị cũng gặp nhiều trở ngại. Một số vấn đề sức khỏe mà người bệnh ADHD thường gặp như:

  • Rối loạn tâm thần: Rất nhiều trường hợp người bệnh ADHD có kèm theo các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác. Mặc dù các vấn đề tâm thần này không trực tiếp do ADHD gây ra nhưng những triệu chứng như thất vọng, cảm giác thất bại cứ thường xuyên xuất hiện sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Rối loạn lo âu: Các triệu chứng lo lắng, hoang mang, hoảng sợ sẽ thường xuyên xuất hiện ở những đối tượng bị rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là ở người lớn. Người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng quá mức hoặc kèm theo các triệu chứng khác.
  • Các rối loạn tâm thần khác: Người bệnh cũng có thể mắc đồng thời các rối loạn tâm thần như rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn bùng phát gián đoạn, rối loạn nhân cách,…
  • Mất khả năng học tập, làm việc: Những người bị mắc bệnh ADHD sẽ có kết quả kiểm tra học thuật thấp hơn so với trí thông minh, tuổi tác và trình độ học vấn hiện tại của bản thân.

Chẩn đoán ADHD ở người lớn

Thông thường, các triệu chứng và biểu hiện của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn sẽ khó phát hiện hơn so với trẻ em. Những triệu chứng ban đầu sẽ khởi phát từ trước năm 12 tuổi và phát triển cho đến khi trưởng thành. Hiện nay, không có bất kì xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chính xác về căn bệnh này.

Các chuyên gia sẽ tiến hành chẩn đoán thông qua các kỹ thuật sau:

  • Khám thực thể: Quá trình khám thực thể nhằm mục đích loại bỏ các nguyên nhân khác có thể gây nên các triệu chứng tương tự.
  • Thu thập thông tin: Các bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về những vấn đề sức khỏe hiện tai của người bệnh, tiền sử bệnh lý của cá nhân, gia đình và tiền sử khởi phát các triệu chứng bệnh.
  • Thực hiện các bài kiểm tra tâm lý hoặc thang đánh giá ADHD: Công việc này sẽ giúp thu thập và đánh giá cụ thể về các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải.

Một số phương pháp điều trị hoặc các điều kiện y tế cũng có thể gây nên những triệu chứng giống với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn. Cụ thể như:

  • Các vấn đề về y tế có thể tác động đến hành vi và suy nghĩ: Một số vấn đề thường gặp như rối loạn co giật, rối loạn phát triển, rối loạn giấc ngủ, những vấn đề liên quan đến tuyến giáp, chấn thương não, hạ đường huyết.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Những rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn ngôn ngữ,…
  • Thuốc gây nghiện hoặc các loại thuốc chữa bệnh.

Biện pháp điều trị ADHD ở người lớn

Nếu có thể sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp phù hợp thì các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn cũng sẽ được cải thiện tốt hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ áp dụng những biện pháp như sử dụng thuốc, đào tạo – giáo dục kỹ năng và tư vấn tâm lý cho người bệnh. Các phương pháp này sẽ được kết hợp với nhau để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt hơn.

1. Sử dụng thuốc điều trị

Dựa vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể trạng, mức độ biểu hiện bệnh, thời gian khởi phát bệnh,…mà các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp. Một số loại thuốc thường dùng như:

Cách điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng bệnh ADHD ở người lớn
  • Các loại thuốc kích thích: Đây là nhóm thuốc kê toa thường được áp dụng cho người bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý bởi nó có thể kiểm soát được mức độ của các chất hóa học trong não bộ. Methylphenidate hoặc amphetamine là những loại thuốc kích thích phổ biến.
  • Các loại thuốc khác: Một số loại thuốc chống trầm cảm và chống oxy hóa không kích thích cũng sẽ được sử dụng trong trường hợp này. Tuy những loại thuốc này sẽ có tác dụng chậm hơn so với thuốc kích thích nhưng nó cũng mang lại hiệu quả tốt và là lựa chọn tối ưu cho các trường hợp không được dùng thuốc kích thích.

Một số điều lưu ý khi sử dụng thuốc chữa ADHD ở người lớn:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
  • Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của chuyên gia, uống đúng liều, đúng thời gian,…
  • Không được tự ý ngưng sử dụng hoặc tăng giảm liều dùng nếu chưa có sự động ý của bác sĩ.
  • Nếu đã sử dụng thuốc trong một thời gian những các triệu chứng bệnh vẫn chưa thuyên giảm, người bệnh cần thông báo với chuyên gia để cân nhắc lựa chọn loại thuốc phù hợp hơn.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc không được uống bia rượu, hút thuốc, sử dụng các chất gây nghiện.
  • Nếu quá trình dùng có xuất hiện các triệu chứng khác lạ thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được khắc phục kịp thời.

2. Tư vấn tâm lý

Tư vấn cho những trường hợp bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ bao gồm việc giáo dục về rối loạn và kỹ năng học tập, làm việc cùng với tâm lý trị liệu.

Lợi ích của tâm lý trị liệu đối với ADHD ở người lớn:

  • Phát triển các kỹ năng xử lý và giải quyết vấn đề
  • Cải thiện được kỹ năng quản lý và sắp xếp thời gian hợp lý
  • Học cách đưa ra giải pháp để khắc phục các hành vi bốc đồng.
  • Cải thiện được lòng tự trọng của người bệnh.
  • Biết cách đối phó và chấp nhận những thất bại trong công việc, học tập và cuộc sống.
  • Biết được cách cải thiện các mối quan hệ trong gia đình, đồng nghiệp hoặc bạn bè xung quanh.
  • Phát triển và đưa ra các chiến lược về việc kiểm soát, ngăn chặn các cơn nóng giận.
Tâm lý trị liệu ADHD ở người lớn
Tư vấn hôn nhân, trị liệu gia đình cũng là phương pháp cải thiện bệnh ADHD hiệu quả

Liệu pháp trị liệu tâm lý thường dùng cho bệnh nhân ADHD như:

  • Trị liệu nhận thức hành vi: Đây là liệu pháp thường được sử dụng trong các bệnh tâm thần, nó sẽ giúp người bệnh học được các kỹ năng quản lý hành vi của bản thân và thay đổi dần những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho người bệnh đối phó được với những khó khăn, thách thức xảy ra trong cuộc sống.
  • Tư vấn hôn nhân và trị liệu gia đình: Với phương pháp này sẽ giúp ích cho những người đang sinh sống cùng với bệnh nhân bị ADHD và giúp họ hiểu hơn về căn bệnh này để hỗ trợ tốt cho người bệnh. Ngoài ra, cách này còn giúp cải thiện được mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân.

3. Thay đổi lối sống tích cực

Môi trường cũng là các yếu tố quan trọng góp phần làm cho những triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn gia tăng nhiều hơn. Vì thế, việc thay đổi lối sống tích cực hơn sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

  • Vận động và tập luyện thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Thói quen vận động mỗi ngày 30 phút sẽ giúp bạn giảm bớt các suy nghĩ tiêu cực, tăng cường sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây hại. Người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn những bộ môn đơn giản như yoga, thiền định, chạy bộ, đạp xe đạp,…để phù hợp với sức khỏe của bản thân.
  • Giấc ngủ cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi con người. Đối với người trưởng thành cần đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Việc ngủ đủ giấc và giấc ngủ được chất lượng sẽ giúp não bộ hoạt động tốt hơn, các triệu chứng AHDH cũng sẽ dần thuyên giảm.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là não bộ. Người bệnh nên chú ý lựa chọn những thực phẩm giàu kẽm, sắt, magie để bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình.

Đối với chứng ADHD ở người lớn (rối loạn tăng động giảm chú ý) sẽ khó phát hiện hơn so với trẻ em vì các triệu chứng biểu hiện không được rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi nhận biết và chẩn đoán được tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ kết hợp những phương pháp điều trị thích hợp để giúp kiểm soát bệnh tình tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *