Rối loạn ăn uống là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Rối loạn ăn uống là hiện tượng bị thay đổi thói quen, hành vi ăn uống theo hướng không lành mạnh. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Rối loạn ăn uống là gì?
Rối loạn ăn uống là một trong những chứng bệnh về tâm lý có liên quan đến thói quen, hành vi ăn uống không lành mạnh của một số đối tượng.
Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất cứ ai, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, cũng như thể chất người bệnh. Thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu không được kiểm soát tốt.
Theo nghiên cứu thì các chuyên gia đã chia rối loạn ăn uống thành 3 loại thường gặp như sau:
- Chứng nhịn ăn (Anorexia Nervosa): Đây là chứng bệnh thường gặp ở những người sợ béo. Họ thường ép bản thân nhịn ăn cho dù cơ thể rất gầy gò.
- Chứng ăn nhiều (Binge Eating Disorder): Biểu hiện dễ thấy của chứng bệnh này là cảm giác luôn muốn ăn, và ăn thật nhiều mặc dù vừa mới ăn xong.
- Chứng ăn nôn (Bulimia Nervosa): Bệnh nhân luôn cố tìm cách nôn ra sau khi ăn để đảm bảo cân nặng mà mình mong muốn.
Xem thêm: Hội Chứng Ám Ảnh Cân Nặng (Sợ Tăng Cân): Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, tương tự một số rối loạn tâm thần khác, bệnh có thể xuất phát từ một số lý do như:
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc phải chứng bệnh này, hoặc các bệnh có liên quan, con cái sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Tuổi tác: Rối loạn ăn uống có thể xuất hiện ở bất kì lứa tuổi nào. Tuy nhiên, thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
- Nữ giới: Tỉ lệ nữ giới bị bệnh luôn cao hơn nam giới do chế độ ăn uống không hợp lý, tâm lý sợ béo.
- Xã hội: Đa phần mọi người có cái nhìn chủ quan cho rằng, những người có vóc dáng mảnh khảnh sẽ xinh đẹp, giàu có, và thành công hơn.
- Ăn kiêng: Đây cũng được xem là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Những lời khen sau khi thay đổi ngoại hình khiến người bệnh không ngừng ăn kiêng. Dần dần, họ không kiểm soát được chế độ ăn của bản thân.
- Rối loạn sức khỏe tâm thần: Những đối tượng bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm sẽ có khả năng cao mắc bệnh rối loạn ăn uống.
- Căng thẳng, áp lực: Học tập, công việc, gia đình, xã hội tạo nhiều áp lực, căng thẳng cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
- Nghề nghiệp: Những người có công việc thiêng về nghệ thuật, thể thao như vận động viên, ca sĩ, diễn viên, vũ công sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì học luôn được khuyến khích giảm cân.
Triệu chứng khi bị rối loạn ăn uống
Tùy vào từng loại rối loạn ăn uống mà các biểu hiện bệnh cũng có phần khác nhau. Những triệu chứng thường gặp của bệnh lý này như sau:
1. Chứng ăn nhiều (Binge Eating Disorder)
Triệu chứng chung của những đối tượng bị rối loạn ăn uống chứng ăn nhiều là thường xuyên dung nạp một lượng thức ăn lớn vào cơ thể.
Họ ăn uống vô độ, không thể kiểm soát được những hành vi của bản thân. Người bệnh cũng không thực hiện bất kì hoạt động nào để tiêu hóa thức ăn.
Một số dấu hiệu phổ biến của bệnh:
- Luôn có cảm giác đói, kể cả vừa mới ăn xong
- Tăng cân nhanh chóng và không thể kiểm soát
- Khẩu phần ăn mỗi bữa rất nhiều
- Không thể kiểm soát các cơn thèm ăn
- Khó tập trung vào công việc, học tập
- Luôn cảm thấy xấu hổ, tự ti, mặc cảm đối với những người xung quanh.
- Cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, xương khớp đau nhức.
- Cholesterol tăng cao
- Cao huyết áp
- Mắc phải căn bệnh túi mật
2. Chứng nhịn ăn (Anorexia nervosa)
Đây được xem là chứng rối loạn ăn uống có hậu quả nghiêm trọng nhất. Chứng nhịn ăn có thể khiến người bệnh tử vong do cơ thể thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.
Người bệnh luôn cảm thấy bản thân quá béo, thừa cân mặc dù đang trong tình trạng thiếu cân trầm trọng.
Họ luôn luôn kiểm tra cân nặng của bản thân, và tự đặt ra một chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Họ cũng tập luyện thể dục thể thao một cách thái quá, và ép bản thân dùng thuốc, nôn ói để giảm cân.
Những biểu hiện bạn nên chú ý bao gồm:
- Xây dựng chế độ ăn uống nghiêm khắc.
- Cơ thể yếu ớt, gầy gò, da bọc xương
- Luôn có cảm giác hoảng sợ, lo lắng về vấn đề tăng cân.
- Luôn theo đuổi việc có được một thân hình thon gọn, gầy ốm.
- Không hài lòng với việc duy trì và ổn định cân nặng ở mức bình thường.
- Cảm thấy bị xúc phạm, khó chịu khi bị nhận xét về cân nặng, vóc dáng
- Không thể nhận thức hoặc tự chối bỏ việc thiếu cân của mình.
3. Chứng ăn nôn (Bulimia Nervosa)
Những bệnh nhân bị chứng ăn nôn thường xuyên dung nạp một lượng thức ăn lớn vào cơ thể.
Việc ăn uống quá nhiều và mất kiểm soát có thể kèm theo những hành vi tiêu cực như bắt ép bản thân nôn ói, sử dụng thuốc, tập thể dục một cách vô tội vạ.
Biểu hiện của chứng ăn nôn bao gồm:
- Tuyến nước bọt trong vùng hàm và cổ sưng lên
- Lạm dụng nhiều thuốc nhuận tràng sẽ gây khó chịu và viên ruột
- Việc thải chất lỏng quá nhiều sẽ làm cơ thể mất nước
- Mòn men răng, răng và lợi bị hỏng do tiếp xúc nhiều với acid dạ dày.
- Gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, trào ngược dạ dày.
- Mất cân bằng điện giải như nồng độ canxi, natri, kali, các khoáng chất bị giảm sút.
- Nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao.
Rối loạn ăn uống có thể gây nên rất nhiều các ảnh tiêu cực về sức khỏe tinh thần và thể chất. Thậm chí nó có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Rối loạn ăn uống có nguy hiểm không?
Tình trạng rối loạn ăn uống nếu kéo dài và phát triển nghiêm trọng thì nguy cơ gặp phải các biến chứng càng cao. Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh lý này có thể gây ra như:
- Mắc các bệnh về rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,,..
- Gặp phải một số vấn đề y tế trầm trọng.
- Ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tăng trưởng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ
- Suy giảm các mối quan hệ xã hội
- Ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc.
- Nguy cơ lạm dụng các chất gây nghiện cao.
- Tăng tỉ lệ tử vong
Chẩn đoán rối loạn ăn uống
Người bệnh cần nhanh chóng tìm đến những cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nếu có triệu chứng bệnh.
Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe để loại bỏ những nguyên nhân khác gây ảnh hưởng thói quen ăn uống. Sức khỏe thể chất của bệnh nhân sẽ được đánh giá chính xác hơn.
Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi về những cảm giác, suy nghĩ của người bệnh về thói quen ăn uống. Bệnh nhân có thể thực hiện một bài test để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm lý.
Ngoài ra, các chuyên gia có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa. Sau quá trình chẩn đoán, dựa vào tình trạng thực tế, bác sĩ sẽ cân nhắc việc điều trị.
Cách điều trị rối loạn ăn uống hiệu quả
Hiện nay, đã có rất nhiều các phương pháp có thể hỗ trợ điều trị được chứng rối loạn ăn uống. Nếu có thể phát hiện bệnh càng sớm sẽ giúp cho quá trình chữa bệnh được thuận lợi và dễ dàng hơn.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc không thể chữa trị được căn bệnh rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, thuốc nó có thể giúp người bệnh kiểm soát thói quen không lành mạnh
Đặc biệt, một số loạn thuốc chống trầm cảm còn giúp người bệnh giảm bớt những triệu chứng lo lắng, căng thẳng, buồn bã để ổn định tinh thần tốt hơn.
Trong một số trường hợp, người bệnh rối loạn ăn uống ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng khiến cơ thể bị suy nhược quá mức. Lúc này, bệnh nhân cần nhập viện để tiến hành theo dõi và điều trị.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu được đánh giá là phương pháp an toàn, hiệu quả cho người bị rối loạn ăn uống.
Các chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện và trao đổi trực tiếp với người bệnh. Mục đích là giúp họ nhìn nhận sự bất thường về chế độ ăn uống của bản thân.
Từ đó, người bệnh cũng sẽ dần hiểu được và tìm ra các cách kiểm soát tốt suy nghĩ và nhận thức của mình.
Đối với những trường hợp bệnh rối loạn ăn uống, chuyên gia sẽ áp dụng tâm lý liệu pháp nhận thức hành vi, hoặc các liệu pháp nhóm.
Sau điều trị, người bệnh sẽ được phục hồi một cách tự nhiên và an toàn nhất. Đồng thời sau quá trình điều trị họ cũng có thể thiết lập cho mình một chế độ ăn uống phù hợp hơn để tránh tình trạng tái phát.
3. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Ngoài biện pháp điều trị chuyên khoa, người bệnh cũng cần kết hợp với việc xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn có được tinh thần thoải mái. Hệ tiêu hóa cũng làm việc ổn định, hiệu quả hơn.
- Tập yoga: Chưa có nghiên cứu nào công nhận tập yoga có thể điều trị rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, việc tập yoga thường xuyên sẽ giúp bạn thư giãn, tránh áp lực. Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện
- Xây dựng chế độ ăn uống: Bạn nên thiết lập cho mình một thực đơn ăn uống và giờ ăn hợp lý. Hãy thực hiện đúng theo những điều đã đặt ra.
- Ghi nhật kí: Việc ghi lại những cảm xúc, hành vi, thói quen ăn uống mỗi ngày giúp bạn ý thức được những thay đổi của bạn thân. Từ đó có thể tìm ra được giải pháp khắc phục chúng.
- Tránh bị ảnh hưởng: Bạn không nên chú tâm quá nhiều vào những hình ảnh của siêu mẫu, người gầy yếu. Hãy hạn chế để tâm đến những lời nói ám ảnh về cân nặng của người khác đối với mình.
- Chia sẻ với người thân: Hãy chia sẻ thoải mái với người thân xung quanh để nhận được lời khuyên hữu ích. Hoặc nếu muốn giảm cân, bạn cũng nên tham khảo những nguồn tin, phương pháp đáng tin cậy.
Rối loạn ăn uống có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào. Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tính mạng của bệnh nhân.
Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh bạn cần nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn hành vi là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Hội chứng tự ngược đãi bản thân: Nguyên nhân và cách chữa trị
- Mặc Cảm Về Ngoại Hình (Hội Chứng Sợ Xấu) Và Cách Vượt Qua
- Tìm hiểu chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể – Mặc cảm ngoại hình
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!