Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (DSPD) là gì? Chữa trị thế nào?
Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn là một dạng rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ tương đối phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đồng thời ảnh hưởng chủ yếu đến đối tượng thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn là bệnh gì?
Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (Delayed Sleep Phase Disorder – DSPD) là tình trạng ngủ trễ tối thiểu 1 – 2 tiếng mỗi đêm, bắt nguồn từ sự rối loạn nhịp sinh học của giấc ngủ.
Dù rất mệt mỏi, bệnh nhân vẫn không thể đi ngủ sớm hơn. Kết quả là sáng hôm sau, bạn phải vật lộn “đấu tranh” với chính mình để thức dậy đúng giờ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến thành tích học tập và năng suất lao động.
Rối loạn nhịp sinh học là hiện tượng nhịp sinh học của một người bị gián đoạn. Lúc này, “đồng hồ bên trong cơ thể” không tự điều chỉnh chu kỳ 24 giờ cho những quá trình sinh học một cách hợp lý. Thuật ngữ “sinh học” xuất phát từ một từ có nghĩa đen là “trong ngày” trong tiếng La tinh.
Nhịp sinh học bao gồm nhiều mô hình sản xuất hormone, hoạt động sóng não, quá trình tái tạo tế bào cùng những hoạt động sinh học khác liên quan chặt chẽ đến chu kỳ 24 giờ hàng ngày.
Nhìn chung, nhịp sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định kiểu ngủ. Đồng hồ sinh học thường được thiết lập dựa trên chu kỳ sáng – tối trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Trên thực tế, những người bị rối loạn giấc ngủ trì hoãn hoàn toàn khác với “cú đêm”. Nếu “cú đêm” chủ động lựa chọn “ngủ trễ” để thực hiện những điều họ muốn xuyên màn đêm thì những người mắc rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn chỉ đơn giản là buộc phải ngủ trễ (ngay cả khi cơ thể đã quá mệt mỏi) vì sự xáo trộn của đồng hồ sinh học.
Hơn nữa, khi cần điều chỉnh thói quen ngủ bình thường trở lại, “cú đêm” hoàn toàn có thể linh hoạt thích ứng. Trong khi đó, các bệnh nhân thường chật vật để ngủ sớm hơn và thức dậy đúng giờ.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn
Các chuyên gia về giấc ngủ cho biết, khó chìm vào giấc ngủ, khó thức dậy đúng giờ, buồn ngủ ba ngày, rối loạn hành vi cùng một số vấn đề về giấc ngủ đi kèm là những triệu chứng điển hình của chứng bệnh này.
1. Khó chìm vào giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn khiến bệnh nhân khó chìm vào giấc ngủ theo khung giờ phù hợp mỗi tối. Thói quen ngủ trễ này xuất phát từ việc đồng hồ sinh học luôn nhắc nhở rằng bạn chưa được ngủ ngay, bạn cần thức thêm chút nữa. Thông thường, người bệnh hầu như không thể ngủ được trước 12 giờ đêm, thậm chí, họ chỉ có thể chợp mắt vào 2 – 6 giờ sáng.
2. Khó thức dậy đúng giờ
Vì thường xuyên ngủ muộn nên bệnh nhân vướng phải nhiều khó khăn nếu phải thức dậy sớm hoặc thức dậy đúng giờ. Đồng hồ sinh học không còn đánh thức bạn như bình thường. Do đó, bạn vẫn có thể ngủ say sưa, ngon lành vào buổi sáng hay buổi trưa.
3. Buồn ngủ, ngủ ngày nhiều
Người bệnh luôn cảm thấy vô cùng buồn ngủ vào ban ngày, khi bản thân cần tỉnh táo, tập trung học tập, làm việc. Thế nên, bạn hay lơ đãng, không chú ý, kém tập trung, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập và năng suất lao động.
Ngay cả khi cố gắng ngủ sớm, chứng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn cũng khiến bạn không thể ngủ ngon và sâu giấc như bình thường. Hậu quả là vào sáng hôm sau, bạn vẫn tiếp tục mệt mỏi, căng thẳng.
4. Một số vấn đề về giấc ngủ khác
Rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn thường đi kèm nhiều vấn đề về giấc ngủ khác (nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ).
Lưu ý, trên thực tế, nếu bạn có thể thức dậy trễ vào buổi sáng hôm sau, chứng bệnh này vẫn đảm bảo chất lượng giấc ngủ và không tác động tiêu cực đến công việc cùng các hoạt động thường nhật (trừ việc thời điểm đi ngủ và thức dậy của bạn trở nên bất thường).
5. Rối loạn hành vi, trầm cảm
Nếu không thể duy trì giấc ngủ khoa học như bình thường, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm vì lo lắng, căng thẳng khi khó thức dậy đúng giờ. Bởi hàng ngày, chúng ta đều cần thức dậy đúng giờ để đi học, đi làm.
Việc cố gắng thức dậy đúng giờ trong nhiều ngày liên tục khiến bệnh nhân luôn trong trạng thái thiếu ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, mất tập trung… Những người trẻ bị rối loạn giấc ngủ trì hoãn thường có kết quả học tập kém.
Tệ hơn nữa, để ngủ sớm và thức dậy đúng giờ, nhiều bệnh nhân đã tìm đến thuốc ngủ, thuốc an thần và rượu bia. Trong khi đó, nhằm trở nên tỉnh táo và tươi tỉnh vào ban ngày, họ thường thích uống cà phê.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn
Hiện nay, nguyên nhân cụ thể của hội chứng này vẫn chưa được tìm hiểu cặn kẽ. Thế nhưng, các nhà khoa học nhận thấy, rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn có thể liên quan đến những yếu tố sau đây:
- Di truyền: Những người có người thân trong gia đình mắc phải chứng bệnh này cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn bình thường. Theo thống kê, gần 40% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc phải vấn đề này.
- Rối loạn tâm lý – thần kinh (ví dụ căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tăng động giảm chú ý, mất ngủ mạn tính…)
- Thói quen ngủ không khoa học: Phòng ngủ quá tối vào ban ngày và quá sáng vào ban đêm là một trong những lý do phổ biến khiến giấc ngủ của bạn bị trì hoãn thường xuyên.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn
Dạng rối loạn giấc ngủ này thường được chẩn đoán nhầm. Vì bệnh nhân thường thức khuya, dậy muộn và cảm thấy chán nản, mệt mỏi kéo dài nên họ thường được chẩn đoán bị mất ngủ hoặc trầm cảm.
Nếu đang gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, độc giả và những người thân yêu hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp và tiến hành một số xét nghiệm cần thiết.
- Thu thập bệnh sử
- Tìm hiểu nhật ký giấc ngủ (Bạn thường đi ngủ lúc mấy giờ? Bạn nằm trên giường bao lâu thì chìm vào giấc ngủ? Bạn ngủ có ngon giấc không, có giật mình giữa đêm không? Khi nào bạn thức dậy? Bạn có cảm thấy thoải mái và khỏe khoắn lúc thức dậy không?)
- Đa ký giấc ngủ được thực hiện khi bác sĩ cho rằng bệnh nhân đang bị thêm một số dạng rối loạn giấc ngủ khác. Khi bạn ngủ, nhịp tim và sóng não sẽ được theo dõi cẩn thận để biết được rằng cơ thể bạn đã làm gì khi ngủ
Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ nói chung khác nhau. Mục tiêu chính của những cách làm này là điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho mỗi người bệnh. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn kỹ thuật chữa bệnh an toàn, hiệu quả và phù hợp nhất với lối sống, triệu chứng của bạn.
Ngoài việc tích cực tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần:
- Tối ưu hóa đồng hồ sinh học của bản thân: Cố gắng đi ngủ sớm hơn 15 phút để dậy sớm hơn một chút mỗi ngày
- Ứng dụng liệu pháp ánh sáng: Lúc vừa thức giấc, người đọc nên ngồi ở nơi có nhiều ánh sáng trong vòng 30 phút. Ánh sáng tự nhiên buổi sáng sẽ giúp nhịp sinh học của bạn từ từ trở lại bình thường.
- Vệ sinh giấc ngủ: Những thói quen lành mạnh như: vận động nhẹ nhàng, ngâm mình trong nước ấm, massage thư giãn, không sử dụng thiết bị điện tử, tránh xa cà phê, thuốc lá, rượu bia… có thể hỗ trợ điều chỉnh đồng hồ sinh học của chúng ta.
Nhìn chung, tuy thường gặp nhưng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn hay bị bỏ sót. Chứng bệnh này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của mỗi bệnh nhân. Do đó, ngay khi phát hiện các vấn đề về giấc ngủ, bạn cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và chữa trị dứt điểm.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì? Điều trị thế nào?
- Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến chứng đột quỵ
- Bị rối loạn giấc ngủ nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
- 8 cách chữa rối loạn giấc ngủ tại nhà không cần dùng thuốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!