Hiểu hơn về rối loạn giải thể nhân cách / Tri giác sai thực tại
Rối loạn giải thể nhân cách (hay tri giác sai thực tại) là một trong những dạng rối loạn phân ly. Bệnh lý này khởi phát sớm ở giai đoạn vị thành niên và thường có liên quan đến stress nặng.
Rối loạn giải thể nhân cách (Tri giác sai thực tại) là gì?
Rối loạn giải thể nhân cách còn được biết đến với tên gọi tri giác sai thực tại. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng của rối loạn phân ly, đặc trưng bởi cảm giác phân ly khỏi cơ thể.
Người bệnh có thể cảm thấy:
- bị tách rời khỏi mọi thứ xung quanh (tri giác sai thực tại)
- cảm thấy bản thân đang ở bên ngoài cơ thể, và chứng kiến của cuộc sống của mình (giải thể nhân cách).
Tình trạng này có thể tái diễn thường xuyên, hoặc kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống vủa người bệnh. Triệu chứng bệnh thường khởi phát sau một đợt stress nặng.
Tri giác sai thực tại có thể gặp ở cả nam và nữ. Bệnh thường khởi phát sớm vào khoảng năm 16 – 17 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khởi phát từ thời thơ ấu
Thống kê cho thấy, 5% người bệnh xuất hiện triệu chứng sau năm 25 tuổi. Có rất hiếm có trường hợp khởi phát muộn sau 40 tuổi.
Xem thêm: Rối loạn phân ly có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Nguyên nhân gây rối loạn giải thể nhân cách
Tương tự như các rối loạn phân ly, nguyên nhân chính xác của rối loạn giải thể nhân cách chưa được xác định. Tuy nhiên, bệnh lý này thường khởi phát sau khi bị stress nặng, và chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như:
- Sang chấn tâm lý thời thơ ấu: Hầu hết người bệnh đều từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng tình cảm từ thời thơ ấu. Đây cũng là lý do vì sao bệnh lý này khởi phát khá sớm (16 – 17 tuổi).
- Chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình: Trẻ sống trong gia đình bạo lực sẽ có nguy cơ bị rối loạn giải thể nhân cách cao. Trẻ tự tạo nên bức tường, ngăn cản bản thân với thực tại.
- Tiền sử gia đình: Người bệnh thường có bố mẹ bị rối loạn tâm thần nặng, hoặc bị suy giảm chức năng thần kinh. Tính di truyền được cho là có mối liên hệ với các rối loạn phân ly.
- Sự kiện sang chấn bất ngờ: Các sự kiện sang chấn bất ngờ như mất người thân, bản thân bị tai nạn nghiêm trọng,… đều có thể gây stress nặng và dẫn đến tri giác sai thực tại.
- Đặc điểm tính cách: Người có tính cách nhút nhát, tự ti, thích trốn tránh có nguy cơ bệnh cao. Người bệnh muốn thoát khỏi thực tại nên xuất hiện cảm giác phân ly, tách rời với thực tại.
Ngoài ra, việc lạm dụng chất gây nghiện, hoặc mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cũng góp phần khiến các triệu chứng tri giác sai thực tại bùng phát.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn giải thể nhân cách
Rối loạn giải thể nhân cách có triệu chứng khá đa dạng, và thường có tính giai đoạn. Sự khác biệt về cường độ và thời gian kéo dài cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Nhìn chung, triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách được chia thành 2 nhóm chính:
1. Triệu chứng giải thể nhân cách
Giải thể nhân cách là cảm giác bản thân tách rời ra khỏi cơ thể. Người bệnh dường như đang chứng kiến cảm xúc, tâm trí của mình từ bên ngoài. Người bệnh có cảm giác bản thân không có thực.
- Cảm thấy mình đang lơ lửng trên không, vô định
- Có cảm giác bản thân như một con robot, không thể kiểm soát được hành vi, lời nói.
- Cảm nhận mọi thứ một cách méo mó, ví dụ: đầu được bao bọc bởi lớp bông mềm, tay chân hoặc cơ thể móp mép, nhỏ lại hoặc lớn hơn bình thường.
- Cảm nhận sự tách rời giữa thể chất và cảm xúc.
- Bệnh nhân thường có ít cảm xúc và bị ngắt kết nối với ký ức.
- Người bệnh gần như không thể nhớ rõ ràng nhưng sự kiện đã xảy ra.
- Một số người có thể nhớ được ký ức, nhưng không rõ liệu ký ức này có phải của bản thân hay không.
2. Triệu chứng sai thực tại
Sai thực tại là nhóm triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác tách rời với mọi thứ xung quanh bao gồm con người, con vật, đồ dùng và nhiều thứ khác. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Có cảm giác bản thân tách rời với mọi thứ xung quanh
- Có cảm giác xa lạ với không gian quen thuộc như phòng ngủ, nhà ở, nơi làm việc, con đường,…
- Cảm nhận thế giới không có màu sắc, vô hồn và không có bất cứ tương tác nào để đáp trả.
- Cảm nhận sai về thời gian, ví dụ như cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm hoặc quá nhanh
Triệu chứng sai thực tại có sự khác biệt ở từng đối tượng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân nhận thấy bản thân khó có thể nhìn rõ ràng vật thể ở trong giai đoạn này.
Các vật thể có thể bị mờ, trở nên nhỏ hơn, lớn hơn hoặc bằng phẳng hơn bình thường. Tương tự, âm thanh cũng trở nên lớn hoặc nhỏ hơn.
Các triệu chứng do rối loạn giải thể nhân cách đều gây ra sự khó chịu nhất định. Một số trường hợp nặng có thể trở nên điên loạn, nghi ngờ liệu bản thân có đang tồn tại.
Rối loạn giải thể nhân cách có nguy hiểm không?
Giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Sự méo mó trong cách cảm nhận khiến người bệnh trở nên lạnh lùng, xa lánh với mọi người.
Ngoài ra, một số bệnh nhân mất hẳn các chức năng xã hội. Điều này khiến họ rất khó để duy trì quá trình học tập, làm việc như bình thường.
Cảm giác xa rời thực tại khiến người mắc chứng bệnh này khó kết bạn. Họ gần như không thể kết hôn, và gặp rất nhiều phiền toái khi tìm kiếm công việc.
Để giải thoát bản thân, một số bệnh nhân lựa chọn dùng chất kích thích, chìm trong bia rượu. Mọt số khác có hành vi tự hại, tự sát do trầm cảm.
Chẩn đoán rối loạn giải thể nhân cách
Tương tự như các rối loạn phân ly khác, rối loạn giải thể nhân cách được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng bằng tiêu chí DSM-5.
Trước tiên, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát, sau đó đánh giá tâm thần. Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm và khai thác các yếu tố nguy cơ như stress nặng, sang chấn thời thơ ấu, tiền sử gia đình,…
Rối loạn giải thể nhân cách được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí của tiêu chuẩn DSM-5:
- Người bệnh có các giai đoạn tái phát hoặc kéo dài của tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách, hoặc cả hai.
- Người bệnh nhận thức được những trải nghiệm này hoàn toàn là có thật. Điều này cho thấy bệnh nhân vẫn có cảm giác nguyên vẹn, khác hẳn với bệnh nhân bị rối loạn loạn thần.
- Các triệu chứng bệnh gây ra cảm giác đau khổ, và làm suy giảm chất lượng cuộc sống
- Triệu chứng bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng, và không thuyên giảm
Ngoài ra, các triệu chứng này không được gây ra bởi một số vấn đề sức khỏe khác như: rối loạn phân ly khác, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn tâm thần do dùng chất gây nghiện,…
Để loại trừ, bác sĩ sẽ chỉ định điện não đồ – EEG, MRI, xét nghiệm nước tiểu, và test tâm lý. Chẩn đoán phân biệt được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng không điển hình, hoặc tuổi khởi phát không phổ biến.
Cách điều trị rối loạn giải thể nhân cách/ tri giác sai thực tại
Phương pháp chính đối với điều trị rối loạn giải thể nhân cách là tâm lý trị liệu. Ngoài ra, một số trường hợp có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu sẽ được sử dụng thêm một số loại thuốc.
1. Sử dụng thuốc
Hiện tại, chưa có loại thuốc nào mang lại lợi ích đối với rối loạn giải thể nhân cách. Tuy nhiên, bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm và lo âu có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc như:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc đối kháng opioid
- Lamotrigine
- Thuốc giải lo âu
Các loại thuốc này giúp giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm và giúp ngăn ngừa được những hành vi tự hại, tự sát. Dù vậy, trị liệu tâm lý vẫn là phương pháp chính đối với rối loạn giải thể nhân cách.
2. Tâm lý trị liệu
Rối loạn giải thể nhân cách thường có liên quan đến các sự kiện gây sang chấn nặng. Do đó, tâm lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị chính.
Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp các phương pháp trị liệu tâm lý như:
- Liệu pháp nhận thức: Liệu pháp này giúp bệnh nhân giảm các suy nghĩ ám ảnh về việc bản thân không có thực.
- Trị liệu giác quan: Bệnh nhân được chơi nhạc cụ, sờ, chạm vào những vật có nhiệt độ khác nhau để kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Về lâu dài, các cảm giác của bản thân sẽ trở nên chân thực hơn.
- Kỹ thuật hành vi: Kỹ thuật hành vi giúp bệnh nhân kiểm soát hành vi trong các giai đoạn tri giác sai thực tại hoặc giải thể nhân cách. Bệnh nhân có thể duy trì hiệu suất lao động, học tập và giảm bớt sự nặng nề, khó chịu.
- Liệu pháp tâm động: Liệu pháp tâm động khuyến khích người bệnh nói hết những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Qua đó, người bệnh có thể nâng cao sự lạc quan, tự tin trong cuộc sống.
Thông qua trị liệu tâm lý, bệnh nhân có thể hiểu được vì sao bản thân lại có các triệu chứng sai thực tại. Đồng thời tăng sự kết nối giữa người bệnh với cảm xúc của mình và thế giới xung quanh.
Bác sĩ cũng hướng dẫn cách đối phó với căng thẳng để giảm thiểu tình trạng tái phát. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng giúp kiểm soát trầm cảm và rối loạn lo âu ở bệnh nhân.
Lời khuyên dành cho bệnh nhân bị rối loạn giải thể nhân cách
Người rối loạn giải thể nhân cách cảm thấy sợ hãi, và cho rằng bản thân bị tổn thương não nghiêm trọng. Họ cũng nghi hoặc bản thân liệu có đang tồn tại hay không.
Những ý nghĩ này gây ra sự sợ hãi tột độ, hoảng loạn và đôi khi là điên loạn. Do đó để cải thiện và vượt qua chứng bệnh này, người bệnh cần:
- Chấp nhận bản thân đang gặp phải vấn đề và tiếp nhận điều trị. Ban đầu, việc điều trị có thể gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, người bệnh cần phải nỗ lực để vượt qua.
- Có thể tham gia các hội nhómđể có thêm kinh nghiệm. Lời khuyên từ người từng trải giúp bệnh nhân biết cách kiểm soát triệu chứng. Quá trình điều trị cũng thuận lợi hơn.
- Kết nối bản thân với mọi thứ xung quanh.
- Thể chất tốt sẽ giúp nâng đỡ tinh thần. Vì vậy trong thời gian điều trị, cần duy trì lối sống khoa học.
- Người bệnh cần ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên để tinh thần thoải mái.
Rối loạn giải thể nhân cách là một trong những dạng rối loạn phân ly. Phần lớn trường hợp mắc bệnh có thể tự thuyên giảm, hoặc thuyên giảm nhanh sau khi can thiệp trị liệu.
Vì vậy, bệnh nhân nên điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh chuyển biến mãn tính và dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn điều chỉnh là gì? Chẩn đoán và điều trị thế nào?
- Bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid và những điều cần biết
- Tư Duy Sai Lệch Là Gì? Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Khắc Phục
- Tìm Hiểu Về Chứng Rối Loạn Phân Ly Ở Trẻ Em
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!