Tìm Hiểu Về Chứng Rối Loạn Phân Ly Ở Trẻ Em
Rối loạn phân ly ở trẻ em có biểu hiện đa dạng, đặc trưng bởi tình trạng tăng cảm xúc, rối loạn vận động và tăng khả năng ám thị. Chứng bệnh này thường xảy ra ở một cá nhân, sau đó lan truyền và bùng phát trong tập thể nên có thể gây ra nhiều hệ quả khó lường.
Rối loạn phân ly ở trẻ em là bệnh gì?
Rối loạn phân ly (trước đây được gọi là Hysteria) là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến với tỷ lệ dao động từ 0.3 – 0.5% dân số thế giới. Thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng mất hoàn toàn hoặc một phần sự hợp nhất giữa ý thức, trí nhớ quá khứ, đặc tính cá nhân với sự kiểm soát vận động và cảm giác trực tiếp.
Bệnh có biểu hiện rất đa dạng nhưng thường điển hình bởi các cơn cảm xúc cường độ cao như thất vọng nặng nề, kích động, cuồng loạn hoặc lo sợ tột độ. Trong các cơn phát bệnh, người bệnh tăng khả năng bị ám thị và tự ám thị.
Rối loạn phân ly có thể gặp ở mọi đối tượng với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Trong đó, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ cao hơn so với người trưởng thành. Trong những năm gần đây, đã có nhiều trường hợp rối loạn phân ly xảy ra trong tập thể. Trước thực trạng này, gia đình và nhà trường cần phải có sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe tinh thần để trẻ có thể phát triển một cách lành mạnh.
Các triệu chứng của rối loạn phân ly thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thể chất. Tuy nhiên, khi thăm khám và xét nghiệm lại không tìm thấy tổn thương thực thể hay nguyên nhân cụ thể. Nếu không được điều trị sớm, trẻ mắc chứng bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, tinh thần sa sút và ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách.
Nhận biết rối loạn phân ly ở trẻ em
Rối loạn phân ly ở trẻ em có biểu hiện rất đa dạng và có đặc điểm là xuất hiện – kết thúc đột ngột. Biểu hiện và mức độ triệu chứng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn phân ly ở trẻ em:
- Rối loạn cảm giác: Tăng nhạy cảm với cơn đau dẫn đến cảm giác đau nhức, khó chịu ở nhiều cơ quan khác nhau như đau mỏi vai gáy, đau đầu, đau bụng, đau nhức xương khớp,… Tuy nhiên, khi thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng đều không tìm được nguyên nhân cụ thể.
- Rối loạn vận động: Rối loạn phân ly ở trẻ em có thể gây ra các rối loạn vận động với biểu hiện điển hình là vận động chân tay không mục đích, tê liệt, người run, múa vờn, co giật, lắc đầu, gật đầu một cách bất thường. Một số trẻ gặp phải tình trạng rối loạn phát âm (nói linh tinh, lời nói không phù hợp, nói lắp, không nói hoặc khó khăn khi phát âm).
- Kích động cảm xúc: Rối loạn phân ly nói chung và rối loạn phân ly ở trẻ em nói riêng đều xuất hiện các cơn kích động cảm xúc. Trẻ thường bộc lộ cảm xúc với cường độ mạnh như hoảng loạn, sợ hãi tột độ, gào thét, khóc, cười vô cớ, một số trẻ có cảm xúc hỗn độn đi kèm với nói năng lộn xộn, không rõ nghĩa.
- Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Một số trẻ có biểu hiện như “lên đồng” hoặc cư xử, giao tiếp như một người khác hoàn toàn. Các triệu chứng này không xảy ra trong hoàn cảnh có tính chất tôn giáo và xảy ra không theo mong muốn, mục đích của người bệnh. Điều này khác hẳn với hiện tượng “lên đồng” trong một số tôn giáo và tín ngưỡng.
- Sững sờ phân ly: Trẻ ngồi hoặc nằm bất động trong một thời gian dài, thường không cử động và không nói năng. Bệnh nhân có thể nhắm nghiền hai mắt hoặc mở mắt nhưng đều không đáp ứng với những tác động bên ngoài như tiếng ồn, tiếng trò chuyện, va chạm,… Trong cơn sững sờ phân ly, trẻ không mất ý thức hoàn toàn. Đây cũng là lý do bệnh rối loạn phân ly trước đây được gọi là bệnh giả vờ, vì người ta tin rằng bệnh nhân cố ý định nằm hoặc ngồi bất động.
- Co giật phân ly: Một số trẻ bị rối loạn phân ly xuất hiện các cơn co giật nhưng không xảy ra hiện tượng mất ý thức, tiểu ra quần và cắn vào lưỡi như cơ giật do động kinh. Mỗi cơn co giật có thể kéo dài từ vài chục phút cho đến vài giờ đồng hồ.
Ngoài ra, trẻ bị rối loạn phân ly cũng gặp phải một số triệu chứng khác. Tuy nhiên, đa số trẻ mắc chứng bệnh này đều xuất hiện triệu chứng sững sờ phân ly, rối loạn vận động và các cơn kích động cảm xúc.
Một đặc điểm nổi bật của rối loạn phân ly là người bệnh rất dễ bị “ám thị”. Do đó, triệu chứng của bệnh có thể giảm đi nếu có tác động khiến bệnh nhân có niềm tin là bản thân đã khỏe lại. Chẳng hạn như bác sĩ tiêm nước cất hoặc truyền nước biển nhưng bệnh nhân nghĩ rằng đó là thuốc và ngừng các cơn giật cùng với một số triệu chứng đi kèm.
Rối loạn phân ly tập thể có thể xảy ra ở một nhóm học sinh do xu hướng bị lan truyền. Tình trạng này thường xảy ra khi cả nhóm học sinh đều phải trải qua căng thẳng và cùng một sự kiện sang chấn tâm lý. Biểu hiện của rối loạn phân ly ở tập thể chủ yếu là các cơn cảm xúc kích động, sững sờ phân ly và rối loạn vận động.
Các triệu chứng rối loạn phân ly có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, tình trạng có thể tái phát nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc. Trong đó, có một số ít trường hợp phát triển mãn tính.
Nguyên nhân gây rối loạn phân ly ở trẻ
Rối loạn phân ly đã được ghi nhận từ rất sớm. Do bệnh chỉ xảy ra ở nữ giới và biểu hiện khá giống với việc “giả vờ” mắc bệnh nên đã có không ít nhận định sai lệch về bệnh lý này. Đến nay, khoa học đã nghiên cứu và hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như tiên lượng và cách điều trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây rối loạn phân ly. Các nghiên cứu đều không tìm thấy tổn thương ở não bộ nên bệnh lý này được xếp vào nhóm rối loạn thần kinh chức năng. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng qua thời gian nghiên cứu, các chuyên gia đã tìm thấy một số yếu tố có liên quan đến chứng bệnh này.
Các yếu tố có liên quan đến chứng rối loạn phân ly ở trẻ em:
- Sang chấn tâm lý: Đa phần trẻ bị rối loạn phân ly đều phải đối mặt với sang chấn tâm lý trước đó. Khả năng chịu đựng của trẻ kém hơn so với người trưởng thành. Do đó, những sang chấn nhỏ như áp lực học tập, bị thầy cô trách phạt, gia đình nghiêm khắc, mâu thuẫn với bạn bè,… cũng đều có thể khiến rối loạn phân ly bùng phát.
- Môi trường không lành mạnh: Trẻ phải thay đổi môi trường liên tục, gia đình giáo dục quá khắt khe hoặc quá bảo bọc, nhà trường có phương pháp giáo dục không phù hợp,… đều là những yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn phân ly ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp này, rối loạn phân ly bùng phát như cơ chế tự phòng vệ. Đây cũng là lý do trong cơn phát bệnh, trẻ thường bộc lộc cảm xúc ở cường độ cao.
- Đặc điểm tính cách: Nhân cách là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn phân ly. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ mắc chứng bệnh này thường có tính cách nhạy cảm, dễ xúc động, nhân cách “nghệ sỹ”, yêu thích được chú ý, quan tâm, thiếu tính tự chủ và kiềm chế. Dạng nhân cách này khiến trẻ dễ bị tổn thương trước áp lực và sang chấn, kết quả là làm xuất hiện rối loạn phân ly.
- Rối loạn chức năng não bộ: Mặc dù không tìm thấy tổn thương thực thể ở não bộ nhưng các chuyên gia nhận thấy các cơ quan bên trong não bộ ở bệnh nhân rối loạn phân ly bị rối loạn về chức năng. Cụ thể là mất cân bằng giữa hệ thống tín hiệu thứ I và thứ II, hoạt động của vỏ não suy yếu,…
- Các bệnh lý thể chất: Thể chất khỏe mạnh là nền tảng của một tinh thần ổn định. Do đó, rối loạn phân ly có thể bùng phát khi cơ thể đối mặt với một số vấn đề như nhiễm trùng, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn dậy thì cũng làm gia tăng nguy cơ rối loạn phân ly ở trẻ em.
Chẩn đoán rối loạn phân ly ở trẻ em
Rối loạn phân ly ở trẻ em có biểu hiện rất đa dạng và các triệu chứng thường gợi ý việc trẻ có các vấn đề sức khỏe thể chất (bệnh nội khoa hoặc bệnh thần kinh). Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán.
Chẩn đoán rối loạn phân ly ở trẻ em sẽ mất khá nhiều thời gian và thường trải qua các bước sau:
- Khám lâm sàng
- Kiểm tra các cơ quan, bộ phận để tìm ra nguyên nhân gây ra các cơn đau dai dẳng
- Xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm chất gây nghiện
- Trắc nghiệm tâm lý
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm khác loại trừ khả năng mắc các bệnh nội khoa và thần kinh. Rối loạn phân ly ở trẻ em chỉ được chẩn đoán khi:
- Các triệu chứng trẻ gặp phải gợi ý đến bệnh nội khoa hoặc các bệnh thần kinh.
- Loại trừ khả năng trẻ bị rối loạn giả bệnh, cố ý khai báo các triệu chứng giả để mọi người tin rằng bản thân đang mắc bệnh thực sự.
- Loại trừ các khả năng như bệnh nội khoa, hậu quả của chất kích thích,…
- Các triệu chứng mà trẻ gặp phải gây suy giảm đáng kể chức năng học tập và xã hội.
- Các triệu chứng không chỉ bị giới hạn bởi cảm giác đau mãn tính và không xuất hiện độc lập trong cơn phát bệnh. Đồng thời các triệu chứng này không thể giải thích cho bất cứ rối loạn tâm thần nào khác.
Trước đây, rối loạn phân ly được xem là bệnh giả vờ do bản thân người bệnh không bị mất ý thức trong cơn phát bệnh. Hơn nữa, do khả năng bị ám thị cao nên người bệnh có thể khỏe mạnh rất nhanh nhưng đôi khi bệnh cũng có thể chuyển biến nặng trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, một số trẻ có thể gặp phải triệu chứng như “lên đồng” và hành động như bị một thế lực nào xâm nhập. Với những hiểu biết hạn chế như hiện tại, không ít người cho rằng trẻ bị “ma nhập”. Đây cũng là lý do những bệnh nhân bị rối loạn phân ly ở nước ta ít khi được chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Các phương pháp điều trị rối loạn phân ly ở trẻ em
Rối loạn phân ly ở trẻ em ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và làm suy giảm chức năng xã hội. Bệnh lý này cần được điều trị sớm để giúp trẻ phục hồi và quay trở lại cuộc sống.
Thống kê cho thấy, khoảng 25 – 50% bệnh nhân phát triển bệnh thần kinh hoặc nội khoa sau khi rối loạn phân ly xuất hiện. Do đó, gia đình cần cho trẻ thăm khám sớm để được điều trị và chăm sóc đúng cách. Quá trình điều trị sẽ mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì từ gia đình, thầy cô và nhân viên y tế.
1. Đối với cá nhân
Các triệu chứng của rối loạn phân ly ở trẻ em có thể nặng hơn hoặc thuyên giảm nhanh do khả năng bị ám thị và tự ám thị cao. Do đó, bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật này để làm giảm triệu chứng thay vì phải dùng đến thuốc.
Trong quá trình điều trị, gia đình cần có thái độ quan tâm đúng mực. Bởi sự quan tâm thái quá khiến trẻ bị “ám thị” cho rằng bản thân đang mắc bệnh nặng, từ đó khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và dễ tái phát. Vì vậy, trước khi điều trị cho trẻ, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình về đặc điểm của bệnh lý và cách ứng xử phù hợp.
Đối với cá nhân, điều trị rối loạn phân ly bao gồm các phương pháp sau:
- Đầu tiên, gia đình không được cho là trẻ đang giả vờ mắc bệnh hoặc liên tục tìm kiếm dấu vết trên cơ thể để xác định nguồn gốc của cơn đau mà trẻ gặp phải. Thái độ này khiến cho trẻ bị tổn thương và đôi khi trở nên kích động.
- Ngoài ra, khi chăm sóc gia đình cũng cần hạn chế tình trạng quan tâm và lo lắng thái quá. Chỉ nên quan tâm đúng mực và khuyến khích trẻ chủ động làm một số việc nhỏ để tạo niềm tin rằng sức khỏe của trẻ đang dần tốt lên.
- Bác sĩ sẽ áp dụng liệu pháp ám thị để làm giảm các triệu chứng như rối loạn cảm giác phân ly, rối loạn vận động phân ly, cơn co giật phân ly,… Thông thường, các bác sĩ sẽ tiêm nước cất hoặc nước muối sinh lý cho trẻ. Trẻ sẽ nghĩ rằng đó là thuốc và cho rằng bản thân đang phục hồi tốt. Từ đó, các triệu chứng do rối loạn phân ly sẽ được cải thiện dần theo thời gian.
- Trẻ có thể được dùng thuốc và thực phẩm chức năng để nâng cao thể trạng. Trong trường hợp có biểu hiện lo âu, kích động và trầm cảm, trẻ sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm.
- Hướng dẫn trẻ các bài tập thư giãn để cải thiện cơn đau và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ trang bị kỹ năng xã hội để có thể giải quyết vấn đề trong cuộc sống và học cách kiểm soát stress. Đồng thời gia đình cũng cần thay đổi cách giáo dục để nâng đỡ nhân cách cho trẻ, hướng trẻ đến tính cách độc lập, quyết đoán và chủ động.
- Châm cứu, bấm huyệt cũng có thể được thực hiện để làm giảm các triệu chứng rối loạn chức năng.
- Trẻ cũng có thể được thực hiện các liệu pháp hỗ trợ, bổ sung như lao động trị liệu, âm nhạc, nghệ thuật,…
Quá trình phục hồi cho trẻ bị rối loạn phân ly sẽ mất khá nhiều thời gian. Do đó, gia đình nên trao đổi với nhà trường, thầy cô giáo để tạo môi trường học tập lành mạnh cho con trẻ. Trong thời gian này, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ để sức khỏe của trẻ được phục hồi toàn diện.
2. Đối với tập thể
Rối loạn phân ly ở trẻ rất dễ xảy ra trong tập thể. Để tránh sự lan truyền, nhà trường cần tách riêng các trẻ bị bệnh. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Đối với các em còn lại, cần có biện pháp trấn an và nâng đỡ tinh thần để tránh rối loạn phân ly bùng phát. Bên cạnh đó, nên tạo môi trường học tập lành mạnh, cho các em có thời gian vui chơi, thư giãn để giải tỏa áp lực. Các hoạt động vui chơi tập thể nên được thực hiện thường xuyên để giúp các em sôi nổi, tích cực và có thêm những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần thực hiện tham vấn tâm lý học đường để kịp thời nâng đỡ, trị liệu tâm lý cho những trẻ bị stress do áp lực học tập hoặc tổn thương tâm lý do gia đình tan vỡ, bạo lực,… Sự quan tâm kịp thời của nhà trường sẽ giúp các em phát triển lành mạnh và tránh gặp phải các vấn đề tâm lý trong quá trình trưởng thành.
Phòng ngừa rối loạn phân ly ở trẻ em
Rối loạn phân ly có khả năng tái phát và tiến triển mãn tính. Hiện tại, vì nguyên nhân chưa được xác định nên việc phòng ngừa bệnh hoàn toàn là không thể. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát rối loạn phân ly có thể giảm đáng kể nếu gia đình có các biện pháp chăm sóc, nâng đỡ sau:
- Nhân cách yếu, phụ thuộc, nhạy cảm là yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn phân ly. Do đó, gia đình và nhà trường nên có các biện pháp giáo dục phù hợp nhằm giúp trẻ bồi dưỡng nhân cách. Hướng trẻ đến những phẩm chất tốt đẹp như quyết đoán, chia sẻ, cảm thông, chủ động và mạnh mẽ. Trẻ có những tính cách này có thể đương đầu với khó khăn và rèn được khả năng chịu đựng stress tốt.
- Gia đình nên tránh cách giáo dục quá hà khắc, áp đặt hoặc chiều chuộng trẻ quá mức. Nên giữ thái độ nghiêm khắc nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm và yêu thương đối với con trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng lên linh động cách giáo dục tùy theo hoàn cảnh và độ tuổi của con.
- Bố mẹ cần đồng hành cùng con trong quá trình phát triển. Học cách chia sẻ để trở thành điểm tựa tinh thần cho con. Có như vậy, con trẻ mới có thể thoải mái chia sẻ với gia đình những khó khăn và áp lực trong cuộc sống. Vai trò của gia đình là hướng dẫn trẻ cách đối phó và vượt qua những tình huống không thuận lợi.
- Nhà trường nên tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý để quan tâm đến những em bị tổn thương tinh thần. Ngoài ra, nên thực hiện các hoạt động vui chơi để nâng cao tinh thần đoàn kết, gia tăng tính tập thể, đồng thời giúp các em dạn dĩ và chủ động hơn trong cuộc sống.
- Trong tập thể, nên bố trí hài hòa nam – nữ để tránh sự lan truyền của rối loạn phân ly tập thể.
- Tránh tạo áp lực quá mức về điểm số và thành tích. Khuyến khích trẻ học chăm chỉ để có kiến thức, đồng thời cho con trẻ học các lớp kỹ năng và năng khiếu.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, gia đình cũng nên khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể trạng và rèn luyện tinh thần.
Rối loạn phân ly ở trẻ em là chứng bệnh tâm thần khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng. Nâng cao hiểu biết về bệnh lý này sẽ giúp gia đình, nhà trường kịp thời phát hiện những bất thường ở trẻ nhỏ. Đồng thời có biện pháp giáo dục, chăm sóc phù hợp để giúp trẻ bồi dưỡng nhân cách và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
- Cách Phòng Ngừa Và Chăm Sóc Bệnh Nhân Hysteria
- Rối Loạn Giải Thể Nhân Cách / Tri Giác Sai Thực Tại Là Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!