Rối loạn lo âu toàn thể là gì? Dấu hiệu và Cách chữa
Rối loạn lo âu toàn thể (GAD) đặc trưng bởi tình trạng lo lắng không thể kiểm soát về các sự việc, tình huống xảy ra bình thường mỗi ngày. Người bệnh sẽ thường xuyên cáu gắt, mệt mỏi khiến cho cơ thể bị suy yếu, chất lượng cuộc sống bị tác động mạnh.
Rối loạn lo âu toàn thể là gì?
Rối loạn lo âu toàn thể hay còn được gọi với tên khác là rối loạn lo âu tổng quát (GAD), đây là một tình trạng bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu. Đặc trưng của những người bệnh đó chính là sự lo lắng, bồn chồn kéo dài dai dẳng và biểu hiện một cách thái quá về những sự việc, hoạt động bình thường, thường xuyên xảy ra hàng ngày.
Những đối tượng bị rối loạn lo âu toàn thể thường sẽ liên tưởng đến những thảm họa có thể xảy ra và luôn có nỗi lo lắng về các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, gia đình, công việc, học tập,…Thông thường người bệnh sẽ khó có thể kiểm soát được những cảm xúc lo lắng của bản thân. Những cơn lo âu, sợ hãi, bồn chồn càng tăng dần, mức độ biểu hiện càng phóng đại, đặc biệt họ luôn suy nghĩ về những hậu quả tồi tệ một cách vô lý.
Thông thường những đối tượng được chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể thường sẽ có những biểu hiện lo lắng quá mức một cách thất thường về nhiều chủ đề khác nhau, kéo dài ít nhất 6 tháng và có kèm theo một số triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này. Điều này có thể giúp bạn phân biệt được chứng rối loạn lo âu toàn thể với trầm cảm và ám ảnh sợ hãi.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu toàn thể
Hiện nay vẫn chưa có bất kì nhận định cụ thể nào về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Tuy nhiên theo các thống kê cho biết rằng những yếu tố sinh học, trải nghiệm cuộc sống, ảnh hưởng gia đình, căng thẳng, áp lực,…cũng góp phần tạo nên căn bệnh này.
Một số nguyên nhân và các yếu tố có thể hình thành nên căn bệnh này như:
- Có người thân từng mắc bệnh về lo âu.
- Lúc nhỏ từng bị lạm dụng về thể xác, tinh thần.
- Thường xuyên đối mặt với những tình huống căng thẳng, áp lực.
- Lạm dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện,…
Theo nghiên cứu thì tình trạng rối loạn lo âu toàn thể có nguy cơ cao mắc phải ở phụ nữ, tỉ lệ gấp đôi so với nam giới.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu toàn thể
Hiện không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được căn bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Hầu hết các chuyên gia sẽ thăm khám và nhận định dựa vào những biểu hiện của từng đối tượng, thông qua các triệu chứng đặc trưng mà phân biệt với các bệnh lý liên quan khác.
- Người bệnh thường bận tâm hoặc có cảm giác lo lắng quá mức về một vấn đề nào đó, hầu hết thời gian trong ngày đều có suy nghĩ về sự việc đó, tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng.
- Bệnh nhân khó có thể tự kiểm soát được các cơn lo lắng, không thể khống chế nổi bận tâm của bản thân.
- Tình trạng lo âu thái quá kéo dài sẽ làm cho người bệnh bị giảm năng suất làm việc, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
- Những biểu hiện lo âu không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể.
- Người bệnh sẽ có kèm theo ít nhất 3 triệu chứng như cảm thấy cơ thể mệt mỏi, dễ kích động, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, giấc ngủ bị rối loạn, thường xuyên mất ngủ, ngủ không ngon giấc, dễ gặp ác mộng, hay giật mình, dễ bị kích thích, căng cơ, đổ nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay, ngứa ran hoặc tê các bộ phận khác, tim đập nhanh, run rẩy.
Rối loạn lo âu toàn thể có nguy hiểm không?
Rối loạn lo âu toàn thể là một chứng bệnh liên quan đến tâm thần, nếu không thể kịp thời nhận biết và tiến hành điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh. Khi các triệu chứng của bệnh kéo dài và không được kiểm soát sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp phải các căn bệnh như tim mạch, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa,…
Bên cạnh đó, khi mức độ bệnh tăng cao, hầu như bệnh nhân không thể kiểm soát được suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành vi của mình, làm tăng nguy cơ gây hại đến bản thân và cả những người xung quanh. Do đó, các chuyên gia nhận định rằng bệnh rối loạn lo âu toàn thể rất nguy hiểm và cần được sự quan tâm, hỗ trợ để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh, hạn chế các nguy cơ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Cách điều trị rối loạn lo âu toàn thể
Hiện nay y học phát triển nên đã có rất nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu toàn thể hiệu quả, giúp cho người bệnh giảm được các triệu chứng lo lắng, sợ hãi, bất an.
1. Sử dụng thuốc kê toa
Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh, nếu đối tượng cần dùng thuốc thì các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc ngắn hạn hoặc dài hạn.
Các loại thuốc ngắn hạn sẽ giúp làm thuyên giảm các triệu chứng lo lắng, hỗ trợ cải thiện tình trạng co thắt dạ dày, căng cơ. Thông thường trong trường hợp này các chuyên gia sẽ sử dụng thuốc chống lo âu. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như Alprazolam (Xanax), Lorazepam (Ativan), Clonazepam (Klonopin). Do các thuốc này thường sẽ có tác dụng phụ khi dùng, vì thế bác sĩ chỉ kê đơn thuốc ngắn hạn và tránh để bệnh nhân lạm dụng thuốc.
Ngoài ra, trong một số trường hợp người bệnh rối loạn lo âu toàn thể còn được chỉ định sử dụng các loại thuốc dài hạn như Sertraline (Zoloft), Buspirone (Buspar), Citalopram (Celexa), Duloxetine (Cymbalta), Escitalopram (Lexapro), Desvenlafaxine (Pristiq), Venlafaxine (Ef fexor XR), Fluvoxamine (Luvox, Luvox CR), Paroxetine (Paxil, Paxil CR, Pexeva), Fluoxetine (Prozac, Prozac Weekly, Sarafem). Tuy nhiên các loại thuốc này lại có tác dụng khá chậm, khoảng sau một vài tuần sử dụng mới phát huy được công dụng. Ngoài ra, những loại thuốc điều trị rối loạn lo âu dài hạn cũng có khả năng gây nên tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, khô miệng.
2. Trị liệu hành vi nhận thức
Trị liệu hành vi nhận thức là một trong các phương pháp điều trị rối loạn lo âu toàn thể được đánh giá cao về độ an toàn và hiệu quả. Bằng phương pháp trò chuyện, giao tiếp với người bệnh mà các chuyên gia sẽ khai thác được nguyên nhân, các vấn đề mà người bệnh đang gặp phải. Từ đó sẽ dần thay đổi hành vi và suy nghĩ của bệnh nhân. Sau các buổi trị liệu, người bệnh sẽ dần cải thiện được sức khỏe, học được cách kiểm soát và ngăn chặn các cơn lo lắng, sợ hãi.
3. Thay đổi lối sống
Ngoài các biện pháp nêu trên thì người bệnh cũng cần nhanh chóng thay đổi lối sống hàng ngày để giúp kiểm soát và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Bệnh nhân cần xây dựng cho mình những thói quen tích cực sau đây.
- Ngủ đủ giờ, hình thành thói quen ngủ trước 23 giờ mỗi ngày.
- Ăn uống lành mạnh, xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ,….
- Thường xuyên rèn luyện thân thể bằng các bài tập thể dục thể thao. Mỗi ngày dành ra 30 phút để vận động các môn thể thao nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
- Học thiền hoặc yoga cũng là một trong các phương pháp hỗ trợ điều trị tâm lý, cân bằng cảm xúc an toàn và hiệu quả.
- Tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như cà phê, rượu bia, thuốc lá, ma túy,…
Rối loạn lo âu toàn thể là một căn bệnh liên quan đến tâm thần, khiến cho người bệnh thường xuyên cảm thấy lo lắng và sợ hãi một cách vô lý. Hy vọng qua những thông tin của bài viết trên đây bạn đọc sẽ hiểu thêm về căn bệnh này và có các điều trị, phòng chóng hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu cần lưu ý
- Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng và chữa trị
- Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng phương pháp diện chẩn
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!