Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng phương pháp diện chẩn
Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng phương pháp diện chẩn là một trong các cách được áp dụng khá phổ biến. Người bệnh sẽ được cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, chán ăn, buồn bã, suy nhược,…mà không cần sự can thiệp của thuốc đặc trị.
Rối loạn lo âu, trầm cảm là gì?
Rối loạn lo âu được đặc trưng bởi triệu chứng lo âu thái quá mà không rõ nguyên nhân hoặc đối với những vấn đề bình thường nào đó. Lo âu được xem là một trạng thái bình thường của con người. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài và được biểu hiện ở mức độ cao sẽ khiến cho người bệnh rơi vào căn bệnh rối loạn lo âu. Những cảm xúc lo lắng, căng thẳng, bồn chồn sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Một số biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn lo âu như: lo lắng thái quá, sợ hãi vô lý, hồi tưởng về những sự việc đã xảy ra, xuất hiện các hành vi cưỡng bách, nhịp tim tăng nhanh, đổ nhiều mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, khó tập trung, khó ngủ,…
Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm thần khiến cho người bệnh luôn cảm thấy buồn chán, u sầu, mất năng lượng, không còn niềm vui, sở thích đối với các hoạt động diễn ra xung quanh,…Người bệnh sẽ thường xuyên xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, nghiêm trọng hơn là nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát. Khi các triệu chứng bệnh kéo dài sẽ làm cho cơ thể dần bị suy nhược, tinh thần mất kiểm soát, chất lượng cuộc sống bị suy giảm đáng kể.
Rối loạn lo âu và trầm cảm tuy là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng chúng lại có một mối quan hệ mật thiết. Có rất nhiều trường hợp người bệnh mắc phải đồng thời cả hai chứng bệnh này, khiến cho cơ thể bị suy giảm chức năng, tinh thần rối loạn, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Căn bệnh này nếu không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là cướp đi cả tính mạng của người bệnh.
Thế nào là diện chẩn?
Diện chẩn là tên gọi ngắn của phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển Liệu Pháp (Face diagnosis – Cybernetic Therapy – FACY), đây cũng là một trong các biện pháp phòng và điều trị nhiều bệnh phổ biến tại Việt Nam. Phương pháp này được nghiên cứu và cho ra đời vào năm 1980, do GS TSKH Bùi Quốc Châu sáng tạo ra.
Không giống với phương pháp châm cứu là cần được bắt mạch để có thể chẩn đoán bệnh. Diện chẩn sẽ tiến hành chẩn đoán và điều trị thông qua da trên mặt và da toàn thân của bệnh nhân. Các thầy thuốc sẽ tiến hành tác động vào những điểm nhạy cảm và các vùng tương ứng với những bộ phận đang bị tổn thương, đây được gọi là Đồ Hình Phản Chiếu.
Nói một cách dễ hiểu, diện chẩn chính là phương pháp chẩn đoán sức khỏe thông qua bề mặt da trên khuôn mặt và toàn thân. Từ đó sẽ phát hiện và tác động lên da để giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Khuôn mặt được xem như một tấm gương phản chiếu về sức khỏe của con người, mỗi điểm phản xạ trên khuôn mặt cho biết rõ về những cơ quan tương ứng.
Hiện nay, phương pháp diện chẩn không chỉ áp dụng trên khuôn mặt mà còn được mở rộng cho toàn thân, chủ yếu là trên cánh tay, bàn tay, bàn chân, cổ tay. Các chuyên gia sẽ sử dụng những kỹ thuật ấn, bấm, day, xoa để tác động vào các sinh huyệt, giúp cho các cơ quan tương ứng được cải thiện và phục hồi. Hiện nay phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho nhiều chứng bệnh, trong đó có căn bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm.
Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng diện chẩn có hiệu quả không?
Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng phương pháp diện chẩn đã được nghiên cứu và áp dụng từ rất lâu. Một ưu điểm vượt trội của phương pháp này đó chính là sự an toàn khi điều trị không cần sự can thiệp của thuốc. Ngoài ra, khi áp dụng diện chẩn để chữa bệnh sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí điều trị. Cũng bởi phương pháp này không cần sử dụng đến thuốc, các thiết bị, máy móc hiện đại, cầu kì.
Mặt khác, phương pháp diện chẩn chỉ có thể mang lại hiệu quả cho những đối tượng bị rối loạn lo âu, trầm cảm nhẹ hoặc vừa. Còn đối với những bệnh nhân có những triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn thì cần tiến hành điều trị theo phác đồ của các chuyên gia, kết hợp nhiều phương pháp điều trị mới có thể giúp thuyên giảm bệnh.
Ngoài ra, quá trình điều trị đòi hỏi người bệnh phải kiên trì áp dụng trong một thời gian dài, thực hiện đúng theo yêu cầu và hướng dẫn của chuyên gia để các biện pháp mang lại tốt nhất. Đối với phương pháp diện chẩn, bệnh nhân cũng cần tìm đến những thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm lâu năm để có thể hỗ trợ cải thiện rối loạn lo âu, trầm cảm an toàn, hiệu quả.
Các thao tác diện chẩn chữa rối loạn lo âu, trầm cảm
Rối loạn lo âu, trầm cảm là một hiện tượng suy giảm về hệ thống thần kinh khiến cho người bệnh suy giảm về tinh thần, cảm xúc, hành vi. Trong Đông y, đây chính là sự suy nhược về thần kinh, khiến cho não bộ không thể hoạt động được tốt nhất, dẫn đến các triệu chứng buồn bã, chán nản, tiêu cực, mệt mỏi,…Vì thế, để chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng diện chẩn cần phải áp dụng bộ huyệt suy nhược thần kinh.
Bộ huyệt Diện chẩn Bùi Quốc Châu hỗ trợ chữa rối loạn lo âu, trầm cảm có thứ tự như sau: 22, 127, 19, 50, 1, 188, 106, 124, 34, 103, 0.
Lưu ý:
- Một số trường hợp người bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm có kèm theo hiện tượng huyết áp cao thì không nên tiến hành áp dụng phương pháp điều trị bằng diện chẩn.
- Còn đối với những bệnh nhân bị huyết áp thấp thì sẽ được kết hợp cùng các miếng dán cao để gia tăng hiệu quả của quá trình điều trị.
- Đặc biệt, các thao tác thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả của phương pháp này.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng một số động tác để có thể cải thiện nhanh các triệu chứng lo âu, bồn chồn, mệt mỏi, chán nản, stress của bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm như sau:
- Cách 1: Gõ liên tục từ 30 đến 50 cái vào chính giữa trán.
- Cách 2: Gõ vào vị trí điểm ngang cùng với chính giữa của đuôi mắt và trán khoảng 30 lần.
- Cách 3: Xác định điểm giữ nơi hai đầu của chân mày và gõ vào đó.
- Cách 4: Ấn và giữ điểm lõm nhất ở phần trước của tai trong khoảng 60s.
Khi thực hiện các động tác gõ, ấn đối với da mặt và các vùng da khác, bạn nên chú ý sử dụng lực vừa phải, đảm bảo cơ thể có thể chịu đựng được, tránh tác động lực quá mạnh sẽ gây tổn thương lên da và khiến cho động tác không còn mang lại hiệu quả tối ưu.
Chữa rối loạn lo âu, trầm cảm bằng phương pháp diện chẩn là một trong những cách được đánh giá cao về độ an toàn, giúp cải thiện các triệu chứng mà không cần đến sự can thiệp của thuốc. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể hiệu quả đối với những trường hợp bệnh nhẹ. Bệnh nhân cần tiến hành thăm khám và nhận sự tư vấn của các chuyên gia để có thể áp dụng phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn lo âu có chữa khỏi được không? Điều trị trong bao lâu?
- Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu cần lưu ý
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và những điều cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!