Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định và hướng điều trị
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định được biểu hiện bằng những thay đổi thất thường về trạng thái tinh thần, tâm trạng không thể kiểm soát được. Rối loạn này khiến người bệnh nhìn nhận về bản thân họ, về các mối quan hệ hay người khác cũng trở nên lệch lạc dẫn tới các hoạt động tương tác xã hội cũng trở nên bất thường.
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định là gì?
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định ( Emotionally Unstable Personality Disorder – EUPD) là một tên gọi khác của Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD). Đây là một thuật ngữ mô tả về một bệnh tâm lý có đặc trưng là rối loạn, thay đổi về cảm xúc, tâm trạng nhanh chóng mà người bệnh không kiểm soát được. Đây cũng là một tình trạng rối loạn tâm thần khá phổ phổ biến.
Theo các chuyên gia, người mắc rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định thường thay đổi tâm trạng nhanh chóng và đột ngột khiến chính bản thân họ cũng không biết nên làm gì tiếp theo. Điều này dẫn đến sự bối rối, khó chịu, tiêu cực, dễ cáu kỉnh và có các cảm xúc hành vi bốc đồng khác. Người bệnh gặp khó khăn khi định hình về bản thân cũng như duy trì các mối quan hệ xung quanh và dẫn tới rất nhiều các vấn đề khác.
Một số thống kê cho thấy tỷ lệ số bệnh nhân mắc EUPD tại Mỹ hiện nay khoảng 1,6% , tuy nhiên cũng có giai đoạn lên tới 5,9%. Trong đó có đến 75% bệnh nhân được chẩn đoán tình trạng này có giới tính nữ, dù vậy một thống kê khác trong dân số Hoa Kỳ chung thì tỷ lệ nam và nữ là bằng nhau. Khoảng 20% người mắc rối loạn tâm thần này phải điều trị nội trú để kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng.
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định cũng thường đi kèm nhiều vấn đề tâm lý khác khiến người bệnh dễ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia cho rằng EUPD có liên quan trực tiếp đến các tác nhân tâm lý từ môi trường sống xung quanh khiến cảm xúc, hành vi của người bệnh khó định hình. Những suy nghĩ lệch lạc, bị bóp méo cũng được hình thành gây ra những rối loạn nghiêm trọng trong cuộc sống của chính họ.
Biểu hiện của rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
Ngay từ trong tên gọi đã có thể thấy đặc trưng rõ nhất của EUPD chính là sự thay đổi bất thường về tâm trạng, tinh thần kèm theo sự nhạy cảm quá mức. Cảm xúc người bệnh thường được biểu hiện một cách quá mức so với các phản ứng thông thường và khiến những người xung quanh cũng cảm thấy sợ hãi. Đây cũng là lý do khiến các mối quan hệ của người bệnh dễ gặp vấn đề.
Cụ thể, một số đặc điểm đặc trưng của rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định bao gồm
- Tâm trạng lâng lâng, khó ổn định, luôn suy nghĩ mông lung và luôn trong trạng thái căng thẳng cho dù không có bất cứ nguyên nhân nào cụ thể
- Cảm xúc, tâm trạng thay đổi nhanh chóng, dễ dàng cáu kỉnh, bốc đồng, kích động cho dù tình huống đó không nghiêm trọng như vậy
- Cảm giác lo âu, sợ bị bỏ rơi luôn thường trực. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến người bệnh dễ rơi vào kích động. Ví dụ nếu họ có hẹn với ai đó và đối phương đến muộn ( dù chỉ vài phút) thì họ sẽ rơi vào căng thẳng, lo âu nghiêm trọng vì tưởng rằng mình đã bị bỏ rơi
- Nỗi sợ cô đơn và bị bỏ rơi khiến người bệnh có xu hướng không ngừng tìm kiếm các mối quan hệ mới, luôn tạo ra cảm giác gắn bó chặt chẽ, mang xu hướng muốn kiểm soát người đó. Chẳng hạn nếu yêu một người họ sẽ luôn tìm cách tối ưu hóa thời gian để đối phương ở bên mình càng lâu càng tốt, luôn muốn theo dõi, kiểm soát mọi hoạt động, hành vi của người yêu
- Mối quan hệ bất ổn bởi chính sự thay đổi đột ngột của người bệnh. Chẳng hạn khi họ và đối phương đang có mối liên hệ chặt chẽ nhưng bỗng nhiên họ cảm thấy người kia đối xử với họ không đủ mong đợi và trở nên hụt hẫng, thay đổi cảm xúc và thái độ hoàn toàn. Từ sự gắn bó, thân thiết họ trở nên kích động, cáu giận và không tiếp tục. Đây cũng là lý do các mối quan hệ của người rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định thường rất khó gắn bó lâu dài.
- Thường xuyên thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về chính bản thân mình. Chẳng hạn có lúc họ cảm thấy cực kỳ vui vẻ, tự tin nhưng chỉ ngay sau đó đột nhiên họ cảm thấy tiêu cực, hạ thấp bản thân, cho rằng mình vô dụng, kém cỏi dù không có bất cứ nguyên nhân nào. Những mục tiêu, giá trị của họ cũng dần bị thay đổi, thậm chí có những lúc họ cho rằng bản thân mình không tồn tại
- Cảm xúc trống rỗng, tách rời với thực tại, không định mình được bản thân cần và muốn gì, nhạy cảm và cực đoan một cách quá mức
- Tự hủy hoại bản thân trên nhiều khía cạnh, chẳng hạn như bỏ học dù đã sắp tốt nghiệp, thậm chí có xu hướng tự làm đau bản thân ( rạch tay, ăn uống vô độ, tình dục thiếu an toàn) hay tự sát. Mặt khác ở các hành vi tự sát hay đe dọa tự sát của họ cũng nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người khác để nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ những người xung quanh, điều này sẽ khỏa lấp được sự cô đơn và trống rỗng trong họ
- Dễ có các hành vi, lời nói mang tính chất miệt thị, làm tổn thương những người bên cạnh và thường chính là những người thân yêu, người quan tâm và chăm sóc họ nếu đối phương bỏ bê họ. Tuy nhiên ngay sau khi thực hiện điều này họ lại cũng nhanh chóng thể hiện sự hối lỗi, xấu hổ.
- Có các giai đoạn phân ly của rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định có các biểu hiện khá giống như loạn thần chẳng hạn như hoảng tưởng hay ảo giác, ý tưởng liên hệ có thể được hình thành tự sự căng thẳng quá mức. Bản thân họ có thể cảm thấy rằng mình đang gặp nguy hiểm do có người khác đang theo dõi, hãm hại. Tuy nhiên các đặc điểm này thường không đủ tiêu chuẩn để cấu thành dạng rối loạn tâm thần nào cụ thể
- Sự thay đổi cảm xúc mỗi giai đoạn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thay đổi một cách đột ngột mà không có bất cứ dấu hiệu nào cụ thể
- Các hành động bốc đồng mất kiểm soát như sử dụng chất gây nghiện, đua xe, ăn chơi mua sắm quá tay, thậm chí có thể thực hiện các hành vi ăn cắp vặt
- Có sự đồng cảm với người khác cũng có thể chăm sóc người khác nhưng trong điều kiện đối phương phải đối xử tốt với họ
- Trạng thái kích thích, bốc đồng của những người này rất khó kiểm soát, xoa dịu tâm lý của họ
- Có xu hướng thay đổi tính cách, sở thích liên tục, thường là do họ bắt chước một ai đó
Chuyên gia tâm lý học Shannon Curry mô tả ràng, những người mới chứng rối loạn cảm xúc không ổn định ban đầu thường có những cảm xúc rất tích cực, vô cùng thu hút đối phương để nhận được sự quan tâm, sau đó họ dần trở nên cực đoan một cách không thể hiểu được. Đây cũng là lý do khiến những người xung quanh thường cảm giác không quá muốn gắn bó với những người này.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM) xếp EUPD vào là một trong những dạng rối loạn nhân cách phổ biến. Tuy nhiên cần xem xét đầy đủ các biểu hiện của rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định với các tình trạng sử dụng chất gây nghiện hay một số bệnh lý tâm thần nguy hiểm khác.
Một vào nghiên cứu cũng cho rằng rối loạn cảm xúc không ổn định có các đặc điểm khá tương đồng với rối loạn lưỡng cực ( do đều có sự thay đổi nhanh chóng về mặt cảm xúc và hành vi). Dù vậy các nghiên cứu này cũng cho rằng EUPD có ảnh hưởng nhiều hơn đến tính cách của người đó cũng như cách người đó nhìn nhận về bản thân và các mối hệ xung quanh. Trong khi đó với rối loạn lưỡng cực hầu như chỉ tác động đến tâm trạng của người đó, có liên quan đến mức năng lượng cao và tụt giảm bất thường.
Nguyên nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
Giống như các bệnh tâm lý khác, rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định đa phần được hình hành do có nhiều yếu tố kết hợp đồng thời trong thời gian dài và không được giải quyết sớm. Dù vậy thực tế, các nguyên nhân chủ yếu gây EUPD vẫn chưa thể xác định mà chỉ có các yếu tố rủi ro được cho là có liên quan.
Cụ thể, một số tác nhân làm tăng nguy cơ rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định bao gồm
- Yếu tố di truyền: Một nghiên cứu tỷ lệ những người cùng trong gia đình mắc bệnh khá cao, gấp 5 lần so với một đối tượng bình thường. Điều này không chỉ liên quan đến các yếu tố di truyền học mà còn ảnh hưởng từ tình trạng sức khỏe tinh thần của các đối tượng này cũng như vấn đề bệnh học.
- Các vấn đề từ thời thơ ấu: Những người từng bị bỏ rơi trong thời thơ âu, từng bị lạm dụng thể chất hay tình dục cùng một số ám ảnh tâm lý khác có thể chính là tiền đề cho những rối loạn về mặt cảm xúc. Mặt khác một số nghiên cứu được thực hiện trên chính những bệnh nhân EUPD, trong đó chính họ cũng chấp rằng bản thân có một tuổi thơ không hạnh phúc. Hay nhà tâm thần học Otto Kernberg cũng đưa ra ý kiến cho rằng những không thể phân biệt chính mình với người khác,tranh luận rằng những trẻ em không có khả năng phân biệt mình (bản ngã) với người khác cũng tăng cao nguy cơ mắc rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định.
- Các vấn đề ở não bộ: các vấn đề bất thường trên hệ thống thần kinh trung ương hay hệ thống neuropeptide cũng được cho là có liên quan đến sự rối loạn về mặt cảm xúc. Chẳng hạn các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những bệnh nhân EUPD thường có hồi hải mã và hạch hạnh nhân nhỏ hơn so với người bình thường; vùng đai vỏ não trước trán (anterior cingulate cortex) hoạt động kém hơn bình thường hay lượng cortisol được sản xuất mạnh mẽ hơn so với mức bình thường.
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định có xu hướng dễ gặp ở những đối tượng như thanh thiếu niên hay người trưởng thành, người có tính cách hướng nội, ít chia sẻ, người thường bị suy giảm về lòng tự trọng. Những cảm xúc tổn thương, tiêu cực được tích trữ bên trong chính là một phần yếu tố dễ dễ đến những cảm xúc bộc phát., kích động, những cách nhìn nhận vấn đề lệch lạc, méo mó.
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định có ảnh hưởng gì không?
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định gây ra rất nhiều ảnh hưởng trên nhiều khía cạnh của người bệnh, không chỉ là tâm lý mà còn là vấn đề thể chất và toàn bộ cuộc sống. Đặc điểm của bệnh nhân EUPD chính là luôn hoài nghi, không chỉ với những người, những mối quan hệ xung quanh mà với chính bản thân họ. Việc không định hình được suy nghĩ, cảm xúc, bản ngã của bản thân chính là điều khiến người bệnh dễ rơi vào khủng hoảng.
Trong một mối quan hệ, người mắc chứng EUPD thường hay làm quá các vấn đề khiến đối phương cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, thậm chí ám ảnh bởi những lời nói, hành vi mang xu hướng cực đoan của người bệnh. Chẳng hạn như diễn viên Amber Heard – vợ cũ của nam tài tử hàng đầu HollyWood được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định sau khi lên hầu tòa cho vụ ly hôn thế kỷ.
Mặt khác những bệnh nhân này thường có xu hướng tìm đến các chất kích thích, chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc và những chất này càng làm tâm trí, tinh thần họ nhiêu loạn, căng thẳng hơn. Các hành vi bốc đồng của họ không chỉ gây hại đến cho bản thân mà còn là những người xung quanh đôi lúc nghiêm trọng tới mức đối phương cảm thấy không thể tha thứ.
Khi trạng thái cảm xúc luôn bất ổn, luôn có mối nghi ngờ lớn với xung quanh nên họ cũng rất khó tìm kiếm được công việc ổn định. Hoặc ngay trong công việc, khi gần hoàn thành xong các dự án, họ đột nhiên lạ đổi và muốn hủy bỏ không tiếp tục. Sau đó họ lại bắt đầu có những cảm xúc tội lỗi và muốn tự dằn vặt bản thân, tự hạ thấp giá trị chính mình.
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định rất dễ mắc đồng thời các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu, khiến cho tâm trí người bệnh càng thêm nhiễu loạn. Các hành vi tự làm đau bản thân hay tự sát sẽ càng dễ xảy ra. Thống kê cho thấy có đến 10% bệnh nhân EUPD tử vong do các hành vi tự sát.
Một vấn đề khác chính là các EUPD thường bị đánh giá xấu trên truyền thông bởi những hành vi, suy nghĩ, lời nói của họ đều mang tính chất cực đoan, không phù hợp với tiêu chuẩn bị thường. Mặc dù chính nội tâm người bệnh cũng phải đấu tranh với những khó khăn về ám ảnh của chính mình nhưng nếu có những hành vi sai trái, họ vẫn sẽ bị lên án.
Hướng điều trị rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định
Cần phải thực hiện đầy đủ các chẩn đoán để tránh nhầm lẫn rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định với một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn EUPD dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ái kỷ hay một số rối loạn do sử dụng chất. Việc chẩn đoán sai lệch có thể dẫn đến hướng can thiệp sai lầm cùng rất nhiều vấn đề khác nên cần thực sự thận trọng.
Người bệnh cần phải làm một số bài test chẩn đoán chuyên môn để xác định chính xác thuộc tình trạng nào, loại từ các vấn đề liên quan. Do đó nên đến các bệnh có chuyên khoa tâm thần, trung tâm tâm lý trị liệu để được thăm khám chi tiết nhất.
1. Điều trị bằng thuốc
Hầu hết những loại thuốc được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định đều nhằm mục tiêu kiểm soát và xoa dịu cảm xúc mỗi người, hạn chế các hành vi tiêu cực hay kích động quá mức. Hiện tại vẫn chưa có bất cứ loại thuốc nào được Hiệp hội Thực phẩm và Dược của Hoa Kỳ (FDA) công nhận là đặc trị cho bệnh nhân EUPD.
Những nhóm thuốc được chỉ định phổ biến bao gồm
- Thuốc chỉnh khí sắc: có tác dụng điều chỉnh, hạn chế cảm xúc lo âu, căng thẳng,tâm lý bất ổn cũng như các hành vi bốc đồng khác có thể xuất hiện
- Thuốc an thần kinh (thế hệ 2): kiểm soát suy nghĩ, tư duy, hạn chế mức độ tức giận, lo âu, hoang tưởng hay hoảng loạn bất thường,
- Benzodiazepin và chất kích thích: giúp giảm những kích thích thần kinh, giúp bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định ngủ sâu và ngon hơn, tuy nhiên có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài.
Hầu hết các nhóm thuốc này đều cần phải chỉ định để xoa dịu cảm xúc, giữ người bệnh tình tĩnh hơn. Gia đình nên theo dõi và kiểm tra việc dùng thuốc của người bệnh, hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc, ngưng thuốc đột ngột đều gây ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị. Các nhóm thuốc này đa phần cũng thường kèm theo nhiều tác dụng phụ nên cần phải thận trọng khi sử dụng.
2. Trị liệu tâm lý
Chăm sóc tâm lý là phương pháp được hướng đến chủ yếu cho các bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định để bản thân họ tự biết cách kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân chứ không phải thông qua người khác hay thuốc. Đây là các phương pháp hướng tới lợi ích lâu dài để điều trị bệnh hoàn toàn chứ không phải là các biện pháp tạm thời như thuốc.
Một số phương pháp chăm sóc trị liệu tâm lý được hướng tới hiện nay như
- Trị liệu dựa trên tinh thần hóa (MBT)
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT)
- Liệu pháp Schema ( bao gồm liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức, thực hành thiền chánh niệm hay chăm sóc tâm lý)
- Huấn luyện về phương pháp dự đoán cảm xúc và giải quyết vấn đề (STEPPS) thông qua các buổi trị liệu nhóm
Hầu hết mục tiêu của các phương pháp này đều thông qua việc trò chuyện với bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định để đi sâu vào tâm trí, tìm hiểu rõ căn nguyên gây bệnh để xây dựng hướng can thiệp chăm sóc tâm lý phù hợp. Giải quyết được căn nguyên gây bệnh là tiền đề quan trọng để tâm lý người bệnh thoải mái, tích cực, tiếp nhận chăm sóc có ích từ các chuyên gia tâm lý.
Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân học được cách kiểm soát cảm xúc, hiểu hơn về chính mình, cách để đối mặt với những căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó các liệu pháp này cũng hướng người bệnh đến cách cân bằng, nhìn nhận về các mối quan hệ của bản thân, tăng khả năng thấu hiểu và chia sẻ, hạn chế các hành vi bốc đồng bằng hành động có thể gây nguy hiểm đồng thời thay thế những suy nghĩ tiêu cực sai lệch bằng cách suy nghĩ tích cực hơn.
Điều quan trọng trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định chính là người bệnh cần phải trung thực chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, ám ảnh với nhà trị liệu. Các liệu pháp trị liệu nhóm, trị liệu gia đình cũng được thực hiện để người bệnh có cơ hội được sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn. Các bệnh nhân đáp ứng tốt với tâm lý trị liệu thường mang lại những biểu hiện rất tích cực.
3. Chăm sóc tại nhà
Với các vấn đề tâm lý như rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định, không thể phụ thuộc vào thuốc hay chăm sóc tâm lý cả đời mà cần do chính bản thân người bệnh. Bất cứ biện pháp nào cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ, bản thân người bệnh cần ý thức được vấn đề của mình và tìm cách vượt qua, học cách nhìn nhận những khía cạnh khác của vấn đề. Một lối sinh hoạt khoa học, lành mạnh hơn cũng được đánh giá mang đến nhiều lợi ích trong quá trình này.
Trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau
- Hợp tác với bác sĩ, nhà trị liệu về hướng chăm sóc, điều trị để đảm bảo mang lại thay đổi tích cực nhất
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh để tâm lý rơi vào trạng thái căng thẳng, tiêu cực, tránh các cuộc tranh cãi
- Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày, tốt nhất là đủ 7- 8 tiếng, không nên thức khuya hay để cơ thể rơi vào trạng thái thiếu ngủ
- Thực hành thiền chính niệm, giữ tâm trí ở trạng thái cân bằng, ổn định có thể mang đến tác dụng tuyệt vời cho những người rơi vào trạng thái tiêu cực, không thể kiểm soát cảm xúc
- Người mắc chứng rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định nên học cách hít thở sâu để bình ổn tâm trạng mỗi khi rơi vào cảm xúc kích động, lo âu, căng thẳng
- Hướng bản thân đến các hoạt động tích cực, chẳng hạn như tập luyện thể dục thể thao, đi du lịch, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách hay làm bất cứ công việc nào yêu thích, đặc biệt khi trạng thái cảm xúc không ổn định
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi cần thiết. Người bệnh cũng nên chia sẻ với những người thân về những khó khăn của bản thân để mọi người có thể đồng cảm, thông cảm và tìm cách giúp đỡ nếu người bệnh có những hoang tưởng, rối loạn về cảm xúc bất ngờ
- Bắt đầu học cách nhìn nhận các khía cạnh trong một vấn đề để tâm lý bình ổn, nhẹ nhàng, tích cực hơn trong mọi tình huống
Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tinh thần, công việc cũng như mọi khía cạnh trong đời sống mỗi người nên cần tìm hướng kiểm soát càng sớm càng tốt. Với những trường hợp này người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám tại bệnh viện tâm thần hay các trung tâm trị liệu tâm lý để tìm hướng can thiệp hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn phân ly là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Rối loạn tâm thần do nghiện game: Nhận biết và điều trị
- Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!