Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): Nguyên nhân và điều trị
Rối loạn nhân cách ranh giới là một dạng rối loạn cảm xúc phổ biến. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến cách thức bệnh nhân nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh.
Rối loạn nhân cách ranh giới là bệnh gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là dạng rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng, hành vi căng thẳng, bất ổn. Những người mắc phải tình trạng này có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, bốc đồng, giận dữ và thường xuyên thay đổi tâm trạng.
Bốn đặc điểm cơ bản nhất của chứng bệnh bao gồm: hành vi bốc đồng, sự bất ổn về mặt cảm xúc, sự biến đổi hình ảnh bản thân cùng những mối quan hệ bất ổn.
Các chuyên gia cho biết, vì cảm xúc thay đổi quá nhanh chóng nên bệnh nhân thường không biết bản thân cần làm gì tiếp theo. Điều này khiến họ trở nên vô cùng nhạy cảm và dễ phản ứng dữ dội, thái quá trong nhiều tình huống.
Khi cảm xúc dâng trào mãnh liệt, họ khó giữ được bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Kết quả là người bệnh có thể thực hiện những việc nguy hiểm, tự tổn thương bản thân hoặc tấn công người khác.
Trên nền rối loạn nhân cách ranh giới, bệnh nhân có thể đồng thời mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm. Tỷ lệ tự tử vì bệnh lý này tương đương tỷ lệ tự tử vì rối loạn cảm xúc hoặc tâm thần phân liệt. Đa số người mắc bệnh này được chỉ định sử dụng thuốc tâm thần theo chế độ đa trị liệu.
Tình trạng này hoàn toàn có thể được kiểm soát và đẩy lùi. Sau quá trình điều trị tích cực, nhiều bệnh nhân đã cảm thấy khỏe khoắn hơn và tìm lại cuộc sống cân bằng, hạnh phúc.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới thường được hình thành từ lứa tuổi thiếu niên hoặc xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành (hai thời điểm mà chúng ta thường xuyên tương tác xã hội và trải nghiệm nhiều chuyển biến lớn trong cuộc sống cá nhân).
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân hình thành của chứng bệnh này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rối loạn nhân cách ranh giới bắt nguồn từ sự cộng hưởng của yếu tố sinh học bên trong cơ thể và các tác nhân đến từ môi trường bên ngoài, cụ thể:
1. Di truyền
Theo một số nghiên cứu, rối loạn nhân cách ranh giới có mối liên hệ mật thiết với yếu tố gia đình. Bệnh lý này có thể di truyền hoặc liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe tâm thần của những thành viên trong gia đình.
2. Sự bất thường của não bộ
Nếu bị rối loạn nhân cách ranh giới, bộ não của người bệnh luôn ở trong trạng thái đề cao cảnh giác. Họ thường căng thẳng, hoài nghi và đề phòng mọi thứ. Đứng trước một vấn đề nào đó, bản năng chiến đấu tự nhiên sẽ trỗi dậy mãnh liệt và khó có thể điều chỉnh, kiểm soát.
Thêm vào đó, hiện tượng bất thường trong quá trình sản xuất serotonin (chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ổn định tâm trạng) bên trong bộ não cũng khiến chúng ta dễ mắc rối loạn nhân cách ranh giới hơn hẳn.
3. Tuổi thơ biến động dữ dội
Môi trường sống từ thuở ấu thơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành rối loạn nhân cách ranh giới. Đa số người bệnh đều từng bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục hoặc bị bỏ rơi lúc nhỏ. Trong khi đó, một số trường hợp phải sống xa cha mẹ, thiếu mất tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc của người thân.
Ngoài ra, các bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới cũng có thể từng sống cùng những người lạm dụng chất gây nghiện, mắc bệnh tâm thần hoặc chứng kiến hàng loạt mâu thuẫn, xung đột từ gia đình bất ổn và không hạnh phúc của mình.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới
Biểu hiện của chứng bệnh này tương tự triệu chứng của nhiều dạng rối loạn tâm thần khác. Do đó, rối loạn nhân cách ranh giới khó được nhận biết chính xác. 9 dấu hiệu nhận biết điển hình nhất của rối loạn nhân cách ranh giới bao gồm:
1. Sợ bị bỏ rơi
Sợ bị bỏ rơi là một trong những vấn đề bất ổn lớn nhất của bệnh lý. Nỗi sợ hãi sâu sắc này luôn tồn tại kể cả khi các mối quan hệ đang khắng khít và tốt đẹp.
Nhiều người bệnh lo sợ một cách thái quá rằng những người xung quanh sẽ đột ngột bỏ rơi mình. Việc người thân đi đâu đó cuối tuần hoặc đi làm về muộn cũng có thể khiến họ lo lắng, hoảng loạn.
Vì vậy, họ luôn điên cuồng tìm cách kiểm soát, níu giữ những người thân thương ở bên cạnh mình. Điều này thường phản tác dụng, khiến đối phương càng thêm mệt mỏi, né tránh.
2. Các mối quan hệ không ổn định
Bệnh nhân rối loạn nhân cách thường xây dựng những mối quan hệ chớp nhoáng và mãnh liệt. Họ có thể say đắm ai đó ngay từ cái nhìn đầu tiên để rồi nhanh chóng trở nên buồn bã, thất vọng và cố gắng rời xa. Các mối quan hệ của họ thường dễ dàng đi từ trạng thái lý tưởng, hoàn hảo sang khủng khiếp, tồi tệ.
Do đó, gia đình, bạn bè và người yêu của bệnh nhân thường xuyên cảm thấy sốc, hụt hẫng, ngơ ngác vì không hiểu chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra. Sự biến chuyển cảm xúc nhanh chóng và kỳ lạ của họ khiến những người xung quanh khó lòng nắm bắt và thấu hiểu.
3. Thay đổi ý thức về bản thân liên tục
Cách thức nhìn nhận bản thân của những người bị rối loạn nhân cách ranh giới sẽ thường xuyên thay đổi theo thời gian. Một phút trước đó, họ có thể cảm thấy tội lỗi, vô dụng, thất bại, tệ hại.
Tuy nhiên, ngay lúc này, họ có thể đang vô cùng phấn khích, hào hứng và tự tin. Đôi khi, bệnh nhân rất yêu thương, tin tưởng và trân trọng chính mình. Ngược lại, ở một vài thời điểm khác, họ lại nghĩ rằng mình quá xấu xa, ngu ngốc và đáng ghét.
Nhìn chung, những người bị rối loạn nhân cách ranh giới không có khái niệm rõ ràng về bản thân, đồng thời, không thể xác định cụ thể điều họ thực sự mong cầu trong cuộc sống. Đây chính là lý do vì sao họ thường xuyên chuyển nhà, nhảy việc, thay đổi người yêu, bạn bè, thậm chí bản sắc tính dục (xu hướng tình dục, bản dạng giới, biểu hiện giới…).
4. Hành động bốc đồng
Song hành với những cảm xúc thất thường, bệnh nhân hay hành động bốc đồng và thiếu chín chắn. Họ có thể dễ dàng cắt đứt một mối quan hệ vẫn đang tốt đẹp hoặc bỏ việc bất cứ lúc nào nổi hứng. Khi tâm trạng bất ổn, nhiều người có xu hướng lái xe nhanh hơn, lạng lách, lấn làn…
Trong khi đó, một số người khác lại ăn uống vô độ, mua sắm quá tay, quan hệ tình dục bừa bãi, hút thuốc lá, uống rượu bia, lạm dụng ma túy cùng nhiều chất kích thích khác.
Các hành vi nguy hiểm và xốc nổi này có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn nếu đang lâm vào trạng thái chông chênh, vô định. Thế nhưng, chúng đồng thời cũng tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần chính họ và những người xung quanh.
5. Tổn hại bản thân
Những người bị rối loạn nhân cách ranh giới có thể tự làm đau bản thân (châm bỏng, rạch tay), nảy sinh ý định tự tử, đe dọa tự tử hoặc cố gắng tự tử.
6. Dao động cảm xúc cực độ
Hàng loạt cảm xúc bất ổn của bệnh nhân thường sẽ chuyển biến liên tục, trở nên cực đoan và đạt đến mức cực điểm. Người bệnh có thể cảm thấy vô cùng vui vẻ, hạnh phúc, lạc quan, yêu đời nhưng ngay sau đó lại bắt đầu bất mãn, tiêu cực, chán chường, tuyệt vọng.
Thỉnh thoảng, những điều nhỏ nhặt thường ngày cũng khiến họ khó chịu đến mức không thể chịu đựng nổi. Sự biến đổi tâm trạng này tuy thường bùng phát dữ dội, mãnh liệt nhưng cũng thoáng qua một cách nhanh chóng.
Thông thường, tình trạng trên chỉ diễn ra trong vòng vài phút đến vài giờ. Những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ và khó đoán khiến bệnh nhân tự tổn thương bản thân và gây rạn nứt các mối quan hệ của họ.
7. Cảm thấy trống rỗng kéo dài
Cảm giác trống rỗng và những khoảng trống không thể lấp đầy là hai điều mà những người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường xuyên cảm thấy và đề cập. Khi những cảm xúc lên đến cực điểm, họ thường khắc khoải về cái tôi cô độc, lẻ loi, nhỏ bé và không thể chia sẻ với bất kỳ ai.
Để lấp đầy trạng thái thiếu thốn, khó chịu này, họ tìm đến đồ ăn, thức uống, tình dục, thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Tuy nhiên, sau cùng, họ vẫn không thể tìm được sự đủ đầy và trọn vẹn như mong muốn.
8. Giận dữ vô cớ
Thỉnh thoảng, những người bị bệnh này cũng khó chịu với bản tính nóng nảy và sự giận dữ của chính mình. Họ gặp khó khăn trong việc xoa dịu cảm xúc và kiểm soát bản thân khi bất kỳ xích mích nào đó nổ ra.
Một bất hòa, mâu thuẫn nho nhỏ cũng có thể khiến họ nổi cơn thịnh nộ, la hét ầm ĩ, ném vứt đồ đạc lung tung. Điều đặc biệt là không phải lúc nào họ cũng trút giận ra ngoài. Đôi khi, những cảm xúc tiêu cực, giận dữ lại được kìm nén hoàn hảo vào trong để tự “tra tấn” bản thân.
9. Luôn hoài nghi và sống xa rời thực tế
Các bệnh nhân thường xuyên bất an, nghi ngờ (thậm chí hoang tưởng) về động cơ của những người bên cạnh.
Với nỗi sợ hãi thường trực, họ sẽ cảm thấy tách biệt và xa rời với cuộc sống thực tại. Nhiều người cố tình dựng nên bức tường vững chãi ngăn cách họ với thế giới xung quanh. Một số người còn trải nghiệm cảm giác phân thân và tồn tại bên ngoài cơ thể của mình.
Tóm lại, cuộc sống của những người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới được ví von như một cơn lốc hung hăng. Mọi thứ diễn tiến quá mạnh mẽ, nhanh chóng và bất ngờ. Chúng ta không bao giờ biết được họ đang suy nghĩ điều gì và sẽ làm gì tiếp theo.
Rối loạn nhân cách ranh giới có nguy hiểm không?
Dạng rối loạn tâm thần này có thể dẫn đến hệ lụy khó lường trong nhiều lĩnh vực đời sống. Công việc, sự nghiệp, kết quả học tập, hoạt động xã hội, chất lượng mối quan hệ, hình ảnh cá nhân của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chứng bệnh này cũng thường đi kèm một số rối loạn sức khỏe tâm thần như: rối loạn ăn uống, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…
Nhiều bệnh nhân thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài, tái hôn liên tục, nhập viện vì tự làm hại bản thân, thậm chí cố gắng tự tử. Bên cạnh đó, những hành động bốc đồng có thể làm họ bị lây bệnh qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, gây ra tai nạn giao thông hoặc tham gia vào những mối quan hệ nguy hiểm, khiến bản thân bị lạm dụng, ngược đãi.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới sở hữu nhiều triệu chứng tương đồng với nhiều dạng rối loạn tâm thần khác. Vì vậy, các bác sĩ gặp khá nhiều khó khăn trong công tác xác định bệnh lý. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
Nếu nhận thấy những người thân thương xuất hiện các biểu hiện này, bạn cần thuyết phục họ đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi trạng thái cảm xúc tiêu cực tột độ có thể khiến bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực, hành động bốc đồng và hủy hoại bản thân.
Ban đầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ thu thập thông tin triệu chứng cũng như tiền sử y khoa của bệnh nhân và gia đình của họ.
Khả năng chẩn đoán chính xác bệnh rối loạn nhân cách ranh giới khá thấp vì căn bệnh này thường xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm khớp, đau lưng mạn tính, đau cơ xơ hóa, tăng huyết áp. Do đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chủ yếu bằng cách thảo luận cặn kẽ về triệu chứng, tiền sử và phỏng vấn người bệnh.
Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các dạng Rối loạn Tâm thần (DSM-5), một người được xác định mắc rối loạn nhân cách ranh giới khi biểu hiện tối thiểu 5 trong các tiêu chí sau:
- Điên cuồng thực hiện một điều gì đó để chắc chắn bản thân không bị bỏ rơi
- Các mối quan hệ cá nhân kém bền vững
- Tự cảm thấy bản thân đang bất ổn
- Hành động bốc đồng (chi tiêu phung phí, quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng chất kích thích…)
- Từng tự làm đau bản thân hoặc nảy sinh ý định tự sát
- Thay đổi tâm trạng thất thường đến mức cực điểm (quá trình này có thể diễn ra trong vòng vài giờ, vài ngày hoặc lâu hơn)
- Cảm thấy tồi tệ, trống rỗng trong một khoảng thời gian dài
- Hay tức giận vô cớ, khó kiểm soát cơn giận và thường xuyên thể hiện cơn giận một cách mãnh liệt
- Căng thẳng, nghi ngờ, cảm thấy xa rời thực tế, hoang tưởng (phân ly tâm trí khỏi cơ thể)
Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới
Hiện nay, hai phương pháp chữa bệnh rối loạn nhân cách ranh giới phổ biến nhất là điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý. Mục đích của công tác chữa bệnh là thay đổi hành vi, khắc phục triệu chứng và giúp người bệnh cải thiện các mối quan hệ.
Vào năm 2009, tổ chức National Institute for Health and Care Excellence (NICE) khuyến cáo:
- Phương pháp hóa trị liệu không nên được áp dụng cho chứng rối loạn nhân cách ranh giới, những triệu chứng đơn lẻ hay các hành vi khác có liên quan đến dạng rối loạn này (chẳng hạn biểu hiện cảm xúc không ổn định, lặp lại hành vi cố tự sát, các triệu chứng tâm thần thoáng qua…).
- Hóa trị liệu có thể được cân nhắc trong quá trình điều trị các bệnh lý đồng mắc.
- Các loại thuốc an thần có thể được xem xét sử dụng ngắn hạn (không quá 1 tuần) như một phần của phác đồ điều trị khi người bệnh lâm vào trạng thái khủng hoảng.
1. Điều trị nội khoa
Một khảo sát gần đây cho thấy, hơn 90% bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới ở nước Anh được chỉ định dùng thuốc tâm thần (phổ biến nhất là thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm).
Nhóm thuốc chống loạn thần
Một số nghiên cứu mở đã phát hiện lợi ích của các loại thuốc chống loạn thần thế hệ một và thuốc chống loạn thần thế hệ hai đối với nhiều triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Trái lại, một số thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược chứng minh rằng các thuốc hoạt động có lợi ích khiêm tốn hơn so với giả dược. Nhóm thuốc chống loạn thần có công dụng điều hòa khí sắc, cải thiện rối loạn nhận thức và hạn chế hành động bốc đồng.
- Olanzapine tuy có thể tác động mạnh mẽ nhưng lại mang đến hiệu quả không cao.
- Thuốc clozapine giúp giảm thiểu hành động gây hấn và tự tổn hại bản thân ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, đồng thời ngăn ngừa rủi ro nhập viện vì rối loạn nhân cách ranh giới.
Nhóm thuốc chống trầm cảm
Theo một nghiên cứu, nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) có khả năng hạn chế triệu chứng gây hấn và bốc đồng.
Thế nhưng, hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa tìm thấy thêm những bằng chứng khoa học đủ mạnh mẽ để ủng hộ việc sử dụng nhóm thuốc này trong công tác điều trị khí sắc trầm buồn hoặc biểu hiện bốc đồng do rối loạn nhân cách ranh giới.
Nhóm thuốc ổn định khí sắc
Gần 50% bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới mắc thêm chứng rối loạn lưỡng cực. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định nhóm thuốc ổn định khí sắc cho những trường hợp này.
Một số bằng chứng cho thấy, nhóm thuốc có thể giải tỏa cảm xúc và giảm thiểu triệu chứng giận dữ, bốc đồng của chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Hiện nay, thuốc lithium đã được cấp phép lưu hành vì có thể đẩy lùi hành vi tự làm đau bản thân và cố tình gây hấn.
Nhìn chung, những loại thuốc này thường dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn. Vì vậy, độc giả nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Để đạt được kết quả điều trị tối ưu, bệnh nhân cần kết hợp sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý trong một khoảng thời gian dài.
2. Trị liệu tâm lý
Là phương pháp điều trị chủ yếu của bệnh rối loạn nhân cách ranh giới, phương pháp trị liệu tâm lý tập trung vào bệnh nhân, giảm nhẹ triệu chứng, điều chỉnh nhận thức và hướng dẫn họ cách thức quản lý cảm xúc cá nhân. Những liệu pháp an toàn, hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi khám phá những suy nghĩ khiến người bệnh bị rối loạn nhân cách ranh giới. Kỹ thuật này có thể phá vỡ mọi liên kết giữa phản ứng tâm thần và các tác nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng.
- Liệu pháp hành vi biện chứng nhấn mạnh tình huống hiện tại, từ đó giúp bệnh nhân chịu đựng đau khổ, điều tiết cảm xúc, thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành vi và duy trì trạng thái cân bằng trong các mối quan hệ. Kỹ thuật này thường được thực hiện dưới hình thức trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm hoặc tư vấn qua điện thoại.
- Liệu pháp tập trung giản đồ chú trọng cách thức người bệnh nhìn nhận chính mình. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến thái độ và hành vi khi họ đối mặt với áp lực, thách thức.
- Liệu pháp Schemas hỗ trợ bệnh nhân xác định những nhu cầu thầm kín chưa được đáp ứng (nguồn cơn của các phản ứng tiêu cực), đồng thời thúc đẩy họ đạt được mong muốn của bản thân một cách chân chính và lành mạnh. Sau khi điều trị thành công, họ có thể nhìn nhận chính mình và thế giới theo hướng lạc quan, tích cực hơn.
- Liệu pháp chuyển giao tập trung vào tâm lý chú trọng tìm hiểu cảm xúc, bản chất và khúc mắc đang tồn tại trong các mối quan hệ, từ đó từ từ tháo gỡ vấn đề.
Nhìn chung, rối loạn nhân cách ranh giới thường tồi tệ và nặng nề trong thời trẻ nhưng lại trở nên ổn định và dễ kiểm soát hơn khi bệnh nhân bước vào độ tuổi 30 – 40.
Để chủ động hỗ trợ quá trình chữa bệnh, độc giả cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tham gia đầy đủ các buổi trị liệu tâm lý, học cách kiểm soát cảm xúc, cố gắng ổn định tâm trạng, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, đồng thời thường xuyên luyện tập thể dục – thể thao.
Có thể bạn quan tâm
- Rối loạn đa nhân cách là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và chữa trị
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (hội chứng ái kỷ) là gì?
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì?
- Rối loạn hoang tưởng: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!