Những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì của con trai cha mẹ nên biết
Những thay đổi tâm lý của con trai ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến sự khác biệt trong hành vi, lời nói, suy nghĩ và tính cách. Bố mẹ cần hiểu rõ tâm lý để có thể điều chỉnh được phương pháp giáo dục và chăm sóc, quan tâm con đúng mực hơn.
Những thay đổi tâm lý của con trai ở tuổi dậy thì
Tương tự như bé gái, bé trai cũng có sự thay đổi đáng kể cả về thể chất và tâm lý trong giai đoạn dậy thì. Nếu như con gái trở nên nhẹ nhàng, nữ tính và mơ mộng thì đa phần con trai sẽ dần hình thành sự độc lập và luôn muốn khẳng định cái “tôi”. Về cơ bản, sự thay đổi tâm lý ở con trai trong độ tuổi dậy thì khó nhận biết và dễ nảy sinh các hành vi nổi loạn, chống đối hơn so với con gái.
Việc nắm bắt sự thay đổi tâm lý của con trai sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn đời sống tinh thần của con, từ đó điều chỉnh cách giáo dục và quan tâm phù hợp. Bởi ở giai đoạn này, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và ngột ngạt nếu bố mẹ vẫn giữ cách giáo dục như khi trẻ còn nhỏ.
Những thay đổi tâm lý của con trai ở tuổi dậy thì bố mẹ cần biết:
1. Bắt đầu có những suy nghĩ riêng
Ngoài việc thay đổi về hình thể và sự biệt hóa rõ rệt của cơ quan sinh dục, con trai ở tuổi dậy thì cũng bắt đầu có những suy nghĩ riêng. Nếu như trước đây, trẻ tiếp nhận hoàn toàn ý kiến từ bố mẹ, thầy cô thì giờ đây, trẻ bắt đầu có những suy nghĩ riêng và khác biệt.
Ở giai đoạn này, tư duy của trẻ phát triển nhanh và tích lũy được một lượng lớn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống,… nên việc có những suy nghĩ và quan niệm riêng là hoàn toàn dễ hiểu. Những suy nghĩ này có thể không đúng và lệch chuẩn với xã hội. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên tôn trọng suy nghĩ của trẻ và đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng để trẻ tự điều chỉnh suy nghĩ thay vì áp đặt.
Về cơ bản, đây mới chỉ là giai đoạn đầu trong quá trình hình thành quan điểm sống và suy nghĩ riêng. Do đó, hãy chấp nhận việc trẻ có những quan niệm không phù hợp với xã hội. Vai trò của gia đình là giúp trẻ hiểu đúng hơn, khách quan hơn về những khía cạnh của cuộc sống. Việc để trẻ tự điều chỉnh sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và thoải mái trong tư duy. Ngược lại, áp đặt suy nghĩ có thể khiến trẻ trở nên chống đối và dần tách biệt, sống xa cách với gia đình.
2. Đề cao cái tôi và luôn muốn khẳng định bản thân
So với con gái, con trai thường có cái tôi lớn hơn. Ở giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu ý thức được cái tôi và luôn muốn khẳng định bản thân. Trẻ có thể khẳng định mình thông qua nhiều hình thức khác nhau như muốn tự đến trường, khẳng định qua thành tích học tập xuất sắc, sự hiểu biết sâu rộng,…
Tuy nhiên, cũng có một số trẻ khẳng định mình qua các hành vi tiêu cực như đánh nhau hoặc cá cược. Nếu nhận thấy trẻ có những hành vi này, bố mẹ nên đưa ra lời khuyên để trẻ hiểu rằng đâu là hành vi nên làm và không nên làm. Nên giúp trẻ hiểu được những hậu quả có thể phải đối mặt, từ đó tự điều chỉnh thay vì đánh đập và mắng nhiếc nặng nề.
Bố mẹ cũng có thể hướng con cái đến một số cách khẳng định bản thân lành mạnh như chơi thể thao giỏi, tự học một số tài lẻ (vẽ tranh, đàn, hát,…), tự tìm tòi, mở rộng kiến thức thực tế, tham gia các khóa học phát triển năng khiếu,… Đây đều là những cách giúp trẻ năng cao kỹ năng, năng lực và khẳng định được bản thân theo chiều hướng tích cực.
3. Nhạy cảm với những lời phê bình
Tương tự như con gái, con trai ở tuổi dậy thì cũng trở nên nhạy cảm hơn với những lời phê bình cả trong môi trường học tập và gia đình. Nếu như trước đây, trẻ chấp nhận lời phê bình và cố gắng để thay đổi thì giờ đây, trẻ có thể trở nên cố chấp và cho rằng bản thân mình không hề sai.
Để tránh tâm lý này, gia đình, thầy cô nên tránh phê bình trẻ trước tập thể. Thay vào đó, nên nói chuyện riêng và nghiêm khắc chỉ ra những lỗi sai mà trẻ cần phải cải thiện. Tuy nhiên, cần tránh những lời trách móc nặng nề. Gia đình có thể phạt trẻ bằng cách cắt giảm tiền chi tiêu, làm việc nhà, giảm thời gian sử dụng máy tính, máy trò chơi,…
Thầy cô có thể phạt trẻ bằng cách chép phạt và vệ sinh phòng học, sân trường. Những hình thức trách phạt này vừa có ý nghĩa vừa giúp trẻ rèn tính trách nhiệm và có ý thức hơn.
4. Độc lập và muốn được đối xử như người lớn
Trước đây, trẻ phụ thuộc nhiều vào bố mẹ và luôn làm theo những gì người lớn dạy bảo. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ sẽ hình thành cái tôi và luôn muốn độc lập. Trẻ muốn tự đi đến trường, tự đưa ra quyết định liên quan đến bản thân và muốn được bố mẹ đối xử như người lớn.
Lúc này, trẻ dễ bực bội, tức giận và khó chịu nếu bố mẹ liên tục nhắc nhở đến giờ học, giờ ngủ,… Để phù hợp hơn với tâm lý của con trai ở tuổi dậy thì, bố mẹ nên yêu cầu trẻ lập thời gian biểu và tuân thủ tuyệt đối. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn vì có thể chủ động sắp xếp việc học, thời gian vui chơi, ăn uống,…
Nếu trẻ không thực hiện đúng theo quy định, gia đình cần trách phạt trẻ bằng các hình thức như giảm tiền tiêu vặt, không được chơi trò chơi điện tử, phải phụ giúp mẹ việc nhà hoặc ghi bản kiểm điểm. Khi đưa ra các hình phạt, nên nhấn mạnh việc người lớn luôn phải chịu trách nhiệm với lời hứa và hành vi của mình. Từ đó khơi gợi trong trẻ tính trách nhiệm và ý thức hơn về lời nói của mình.
5. Quan tâm hơn đến ngoại hình
Sự gia tăng của các hormone khiến con trai ở tuổi dậy thì có sự thay đổi đáng kể về hình thể. Trẻ sẽ phát triển chiều cao nhanh chóng, thân hình săn chắc và mạnh mẽ hơn. Tương tự như con gái, con trai cũng sẽ quan tâm hơn đến ngoại hình trong giai đoạn này. Trẻ có thể tự ti khi nhận thấy bản thân có nhiều khuyết điểm hoặc vô tình nghe thấy những lời chê bai, so sánh mình với người khác.
Việc quan tâm đến ngoại hình ở giai đoạn này là vô cùng bình thường. Đây hoàn toàn không phải là biểu hiện của trẻ đua đòi và hư hỏng. Đối với con trai, gia đình nên có chế độ ăn phù hợp và bổ sung thêm thực phẩm giàu kẽm để ngăn ngừa mụn trứng cá. Khuyến khích trẻ chơi thể thao để phát triển chiều cao và tăng cơ bắp. Ngoại hình ưa nhìn sẽ giúp trẻ tự tin và thoải mái hơn khi đến trường.
Ngoài ra khi bước vào tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh và dẫn đến mùi cơ thể. Do đó, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách chăm sóc cơ thể và chủ động chuẩn bị cho trẻ những vật dụng cần thiết như sản phẩm khử mùi, dao cạo râu,… Bên cạnh đó, nên dặn dò trẻ ăn mặc tươm tất và luôn giữ tác phong gọn gàng.
6. Nảy sinh tình cảm yêu đương
Khoảng từ 14 – 15 tuổi trở lên, con trai sẽ bắt đầu có tình cảm yêu đương. Tình cảm là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển , do đó bố mẹ không nên cấm đoán. Thay vào đó, nên khuyên trẻ biết chừng mực và giữ được sự trong sáng của tình cảm học trò.
Nếu cần thiết, có thể liên hệ với thầy cô giáo để nắm bắt được tâm lý và tiến triển tình cảm của các con. Thực tế, rất nhiều trẻ trở nên lơ đễnh khi học tập do yêu đương. Tuy nhiên, việc cấm đoán có thể khiến trẻ nảy sinh các hành vi chống đối.
Vì vậy, hãy khuyên trẻ giữ mối quan hệ này trên mức tình bạn nhưng phải có chừng mực và giáo dục trẻ những hậu quả có thể gặp phải nếu yêu đương quá sớm. Khuyến khích trẻ duy trì mối quan hệ tình cảm để cùng nhau học tập, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
7. Đề cao sự riêng tư và yêu cầu sự tôn trọng từ bố mẹ
Đề cao sự riêng tư là một trong những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì của con trai. Thông thường, con gái dễ thân thiết và chia sẻ với mẹ. Trong khi đó, con trai thường độc lập và đề cao sự riêng tư. Trẻ có thể yêu cầu bố mẹ tôn trọng mình và không xâm phạm đến những vấn đề riêng tư như sổ nhật ký, máy tính, điện thoại,…
Bố mẹ cũng nên chấp nhận yêu cầu này của con trẻ và đối xử với con như một người trưởng thành. Tuy nhiên, nên cho trẻ biết rằng để có được sự riêng tư, trẻ cần tạo sự tin tưởng để bố mẹ thấy được trẻ đã trưởng thành và có thể quản lý được cuộc sống của chính mình. Vì vậy, nên hướng dẫn trẻ bắt đầu học tập, làm việc có kế hoạch, chủ động dọn dẹp phòng ốc và quan trọng nhất là đảm bảo được việc học.
Khi trẻ tuân thủ tốt, bố mẹ cần tôn trọng sự riêng tư để trẻ cảm thấy bản thân được công nhận. Thay vì xâm phạm vào đời tư, gia đình nên thường xuyên trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó trẻ sẽ chủ động chia sẻ cho bố mẹ những băn khoăn, vấn đề gặp phải. Ngược lại, thái độ quá nghiêm khắc và áp đặt khiến trẻ không dám chia sẻ vì sợ bị la mắng và trách phạt.
8. Hình thành đặc điểm tính cách rõ ràng hơn
Giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian con trai có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Lúc này, trẻ hình thành những đặc điểm tính cách rõ ràng hơn. Quá trình hình thành tính cách phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng không thể phủ nhận được vai trò của gia đình. Do đó, bố mẹ và người lớn cần có cách hành xử thấu đáo để trẻ học hỏi.
Nếu nhận thấy trẻ có xu hướng hình thành những đặc điểm tính cách cực đoan, nên trò chuyện để tìm hiểu nguồn gốc (qua bạn bè, những sự kiện trẻ chứng kiến trong cuộc sống, phim ảnh, sách báo,…). Sau đó, giải thích cho trẻ hiểu tính chất của vấn đề và biết được rằng những tính cách này có thể khiến trẻ gặp rắc rối trong tương lai.
Để trẻ phát triển tính cách một cách lành mạnh nhất, gia đình cần đảm bảo trẻ kết bạn với những người có tính cách tốt, ham học hỏi. Nếu cần thiết, có thể khéo léo cho trẻ chuyển trường để tránh xa bạn bè xấu. Ngoài ra, có thể hướng trẻ đến những điều tích cực bằng cách thường xuyên tham gia các hoạt động tiện nguyện, giúp ích cho cộng đồng,… Các hoạt động này giúp trẻ ý thức được sự may mắn của bản thân và hình thành lòng nhân ái, sự bao dung.
9. Cảm xúc bất ổn, khó kiểm soát
So với con gái, con trai có cảm xúc ổn định hơn. Tuy nhiên dưới tác động mạnh mẽ của hormone, con trai trong độ tuổi dậy thì cũng gặp phải những bất ổn về cảm xúc và khó lòng kiểm soát được tâm trạng. Do đó, trẻ có thể nổi nóng, cáu kỉnh chỉ vì một số vấn đề rất nhỏ.
Lúc này, gia đình không nên trách phạt mà để cho trẻ có thời gian suy ngẫm. Khi trẻ lấy lại bình tĩnh, nên đưa ra lời khuyên để trẻ hiểu được bản thân sai ở đâu và cần phải nỗ lực để cải thiện. Ngoài ra, có thể cho trẻ học các kỹ năng mềm để biết tiết chế bản thân và kiềm chế cảm xúc nóng nảy.
Có thể nói, con trai ở độ tuổi dậy thì có những thay đổi đáng kể về mặt tâm lý và sinh lý. Do đó, bố mẹ cần hiểu rõ để có thể trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Nếu nhận thấy trẻ khó kiểm soát cảm xúc và giữ những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài, nên xem xét việc tư vấn tâm lý.
Có thể bạn quan tâm
- Cha mẹ cần làm gì khi con bước vào giai đoạn tuổi dậy thì
- Những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!