Những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành và cách vượt qua
Những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thế chất, tinh thần, trí tuệ cũng như quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Trẻ sẽ mang những ám ảnh bởi những lần bị đánh đập đến suốt đời, thậm chí có những trẻ trở thành những người xấu xa cũng bởi những di chứng từ những trận bạo hành gây ra.
Hệ lụy từ những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành
Người xưa thường có câu “hổ dữ không ăn thịt con” ý chỉ cha mẹ dù là người thế nào thì cũng luôn yêu thương con mình, không nỡ làm con mình đau. Tuy nhiên thực tế không phải là vậy. Tình trạng trẻ nhỏ bị chính cha mẹ ruột bị bạo hành, đánh đập hằng ngày vẫn rất phổ biến đâu đó quanh đây khiến cho chính những người ngoài cuộc chỉ nghe qua cũng cảm thấy đau lòng. Thế nhưng những kẻ được gọi là “cha mẹ” ấy lại cảm thấy thỏa mãn bởi họ coi việc đánh đập con như cách để giải tỏa sự tức giận trong lòng.
Bạo hành trẻ nhỏ thường xảy ra ở những gia đình có cha hoặc mẹ sa vào tệ nạn chẳng hạn như nghiện rượu, ma túy, cờ bạc, lô đề. Việc kiếm sống thường ngày đã khó khăn lại ở tầng lớp thấp khiến trong họ luôn có rất nhiều uất ức không biết giải tỏa vào đâu. Một số có thể cho rằng con cái là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đời họ trở nên ngày càng khổ sở hơn vì vậy chọn việc đánh con để giải thoát các bức bối trong lòng.
Bạo hành không chỉ bao gồm việc đánh dập về thể chất mà còn bao gồm cả lạm dụng tình dục. Đây là một vấn đề cực kỳ phi đạo đức, thế không vẫn có không ít trường hợp cha hay ông cưỡng hiếp con cháu trong một thời gian dài mà đứa trẻ không hề dám nói ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần của bất cứ đứa trẻ nào.
Giai đoạn tuổi thơ rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của con người. Những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành không chỉ gây ra những nỗi ám ảnh khiến con luôn sống trong sự sợ hãi và còn khiến trẻ nhỏ nhận thức sai lệch về rất nhiều vấn đề và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ. Nếu không được giúp đỡ kịp thời, con rất dễ trở nên lầm đường lạc lối, thậm chí trở thành một “phiên bản khác” của chính cha mẹ.Gia đình là nơi chúng ta tìm về khi gặp những khó khăn, để được cha mẹ ôm ấp, vỗ về và bảo vệ, đó chính là ý nghĩa của hai từ “gia đình”. Thế nhưng với không ít đứa trẻ, ngôi nhà ấm áp lại trở thành địa ngục, khiến chúng sợ hãi mỗi khi nghĩ đến, thậm chí còn không muốn trở về nhà bởi luôn có đòn roi đang “chờ đợi”.
Mặt khác, việc bạo hành còn có thể diễn ra bởi ông bà, cô chú hay những người sống chung cùng con. Một số trẻ phải đi làm sớm có thể bị bạo hành bởi ông chủ, bà chủ. Báo chí cũng đã đưa ra rất nhiều các tin tức về việc những đứa trẻ bị bạo hành khi đang tự đi làm nuôi sống chính bản thân mình. Hay thậm chí, trẻ có thể bị bạo hành tại trường lớp bởi chính thầy cô và bạn bè xung quanh.
Những hệ lụy do tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành có thể kể đến như
- Trẻ không được học hành đầy đủ bởi việc bạo hành hầu hết xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ có thể bị ép nghỉ học hoặc thường xuyên phải nghỉ học để đi kiếm tiền hoặc do cha mẹ đánh đập. Trẻ bị bạo hành ở trường lớp sẽ có xu hướng sợ đi học, luôn muốn nghỉ học
- Suy giảm về mặt sức khỏe, không được phát triển đầy đủ về thể chất do thường xuyên bị đòn roi từ cha/ mẹ; thường xuyên không ngủ được cho những cuộc cãi vã, bị cha mẹ đánh đập hoặc bị ác mộng bởi đòn roi và bạo lực nên không ngủ được
- Gia tăng nguy cơ rất nhiều các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu., Nếu vượt qua được giai đoạn bạo hành thời thơ ấu, khi lớn lên trẻ có thể bị rối loạn sau sang chấn hay ám ảnh sợ quá khứ
- Suy giảm về nhận thức, trẻ có thể cho rằng mọi người đều dùng bạo lực để giải quyết vấn đề và trở thành một người dùng bạo lực, hành động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội
- Dần trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, sống thu mình, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh hay mắc chứng sợ xã hội
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành và phát triển về nhân cách, trẻ không được giúp đỡ kịp thời rất dễ lầm đường lạc lối, rơi vào vòng xoáy của pháp luật
Trẻ bị bạo hành nếu không được giúp đỡ kịp thời có thể khó thoát khỏi cuộc sống tù túng, khó khăn của hiện tại. Bởi việc hằng ngày bị cha mẹ đánh, không được học tập đầy đủ, không ai giúp đỡ khiến trẻ nhìn cuộc đời bằng một màu u tối. Những vòng lặp về sự khó khăn, thiếu thốn, đau khổ cứ lặp đi lặp lại làm con như lạc vào trong một mê cung không thể nào thoát ra khỏi.
Sống trong một môi trường tiêu cực, độc hại, luôn chỉ toàn những lời chửi mắng có thể tác động nghiêm trọng đến suy nghĩ của con. Bé có thể trở thành một người nhút nhát hoặc trở nên cục cằn, lỗ mãng, độc ác, không biết tôn trọng người khác và cũng chẳng tôn trọng chính mình. Con có thể phải làm những công việc vi phạm pháp luật bởi bản thân cũng đã trở thành một người bạo lực, chỉ biết dùng nắm đấm.
Không ít trẻ lớn lên từ đòn roi, trên người với vô số vết sẹo đã hình thành tâm lý thù hằn với những người đã đánh đập chúng. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, rất nhiều tội phạm bạo lực hiện nay đều có quá khứ từng bị bạo hành, bắt nạt ở tuổi thơ. Chính những điều này đã làm suy nghĩ trở nên lệch lạc và tác động xấu đến cả quá trình trưởng thành.
Thực tế tình trạng bạo hành gia đình hiện nay vẫn còn rất nhiều tuy nhiên không hề dễ phát hiện. Người mẹ dù bênh con nhưng vẫn muốn che dấu cho chồng, không muốn chồng phải đi tù, người con sợ hãi không dám nói ra. Thậm chí có những trường hợp mà cả cha và mẹ đều tham gia bạo hành khiến đứa trẻ phải mang những di chứng ở cả thể chất và tinh thần vĩnh viễn.
Những vết thương trên thể xác còn có thể chữa lành nhưng những tổn thương trong tâm hồn thì chỉ có một mình trẻ nhìn thấy và gánh chịu. Tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành sẽ để lại rất nhiều di chứng về mọi mặt ở cả hiện tại lẫn tương lai nên cần nhanh chóng tìm hướng giúp đỡ con có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cách giúp trẻ vượt qua chướng ngại tâm lý khi bị bạo hành
Như đã nói, không hề dễ dàng phát hiện ra các trường hợp trẻ bị bạo hành nếu bản thân trẻ hay những người trong gia đình, người xung quanh không dám lên tiếng. Có những trường hợp chỉ khi hàng xóm phát hiện, quay lại và có bằng chứng thì đứa trẻ mới có thể được “cứu”. Bởi một số cha mẹ có thể cho rằng việc đánh đập con chỉ là một “hình phạt” không có gì nghiêm trọng.
Bản thân đứa trẻ lại mang nỗi ám ảnh nhiều hơn nếu phải rời xa cha mẹ vì con sợ rằng đến nơi khác con cũng không được yêu thương và bị đánh đập như vậy. Để giúp đỡ những đứa trẻ bị bạo hành và vượt qua chướng ngại tâm lý, cần phải có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan bảo trợ trẻ em để sớm đưa con về với cuộc sống hồn nhiên đúng tuổi, trả lại tuổi thơ con con.
Tách trẻ ra khỏi môi trường gây tổn thương tâm lý
Việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm chính là tách con ra khỏi môi trường tiêu cực, nơi chúng bị hành hạ và đánh đập mỗi ngày. Tất nhiên đây là việc cần có sự tham gia hỗ trợ của công an và các cấp chính quyền bởi thường với những người bạo hành, việc răn đe, nhắc nhở sẽ không mang lại kết quả. Thường với các gia đình bạo hành trẻ em, người bạo hành sẽ phải ngồi tù để thực thi pháp lập, trả giá cho những sai phạm mà họ đã làm.
Nếu chỉ có cha hoặc mẹ bạo hành bé vẫn có quyền được sống với người còn lại. Nếu cha và mẹ không còn được xem xét đưa về sống chung với những người thân khác hoặc đưa đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, tùy trường hợp được nhà nước và các cấp có thẩm quyền xem xét và hỗ trợ. Trẻ bị bạo hành ở trường lớp cần chuyển đổi môi trường học tập của con nhanh chóng.
Trẻ không thể thoát khỏi những ám ảnh, tâm lý bị bạo hành nếu không được thay đổi một môi trường sống tốt hơn, giàu tình yêu thương và ấm áp. Giai đoạn đầu sau khi thoát khỏi bạo hành rất quan trọng bởi một số trẻ có thể không vượt qua được chướng ngại tâm lý và xuất hiện những hành vi tự làm đau chính mình. Môi trường sống cho con lúc này cần được xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo con mau chóng hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần nhất.
Thực hiện trị liệu tâm lý cho trẻ
Trẻ cần có một thời gian để hồi phục tâm lý nên luôn cần có người chăm sóc trong gian đầu. Những trẻ bị trầm cảm hay rối loạn lo âu có thể gặp khó khăn khi giao tiếp bởi những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành đã hằn quá sâu trong tâm trí, không phải ngày một ngày hai là có thể loại bỏ ngay được. Bởi vậy, trị liệu tâm lý luôn là một trong những biện pháp cực kỳ cần thiết để sớm vượt qua những nỗi ám ảnh từ quá khứ.
Thông qua các cuộc nói chuyện, bác sĩ tâm lý sẽ nói cho con biết rằng, việc con bị đánh đập không phải là lỗi của con và con thực sự kiên cường khi đã vượt qua giai đoạn này. Các chuyên gia tâm lý cũng hỗ trợ đưa con thoát ra khỏi những bóng đen u tối đang bủa vây lấy tâm trí để tiến gần hơn với ánh sáng của sự hạnh phúc trong tương lai. Các biện pháp thư giãn, trị liệu sẽ được tiến hành để con sớm lấy lại tinh thần.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ giúp con định hướng lại những suy nghĩ, tư tưởng sai lệch do bị ảnh hưởng bởi những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành. Chẳng hạn một số trẻ có thể có những suy nghĩ bạo lực có thể giải quyết được mọi thứ thì các chuyên gia tâm lý cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để tránh con bị lầm đường lạc lối, hỗ trợ con phát triển toàn diện về mặt nhận thức lẫn nhân cách.
Quá trình trị liệu tâm lý cho những trẻ bị bạo hành cũng không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian để sức khỏe tinh thần của con hồi phục hoàn toàn.
Đưa trẻ đi học lại và hòa nhập với bạn bè
Học tập là con đường duy nhất để con thay đổi tương lai của mình tốt hơn, không bị những bóng đen từ quá khứ níu lại. Mặt khác quá trình học tập và được chơi đùa cùng bạn bè sẽ giúp con nhanh chóng hòa nhập được với môi trường đúng lứa tuổi và sớm hồi phục về mặt tinh thần. Trẻ có thể tìm thấy những niềm vui, những đam mê mới giúp con quên đi nỗi sợ hãi về đòn roi trước đó.
Một lưu ý nho nhỏ chính là cần có sự hỗ trợ của nhà trường và bạn bè nếu tâm lý con chưa hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn muốn đến trường. Thầy cô giáo cần khéo léo, tránh nhắc đến các vấn đề mang tính bạo lực hay các hành động giống như sắp đánh bé sẽ khiến bé nhớ lại quá khứ và trở nên hoảng loạn hơn. Bởi thế gia đình có thể xem xét đợi tinh thần con ổn định hơn mới tiến hành đưa con đi học lại, tránh quá vội vàng có thể làm tình trạng trầm trọng hơn.
Giúp con sống đúng với tuổi thơ để tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành
Trẻ nhỏ đáng lẽ phải sống với đúng tuổi của mình chính là luôn cười nói vui vẻ, vô lo vô nghĩ, luôn hăng hái tìm hiểu mọi thứ. Tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành thường khiến trẻ bị “già” trước tuổi, suy nghĩ có phần trường thành hoặc mang chút tiêu cực hơn. Đôi khi con có thể không cảm nhận được những niềm vui đúng lứa tuổi bởi đã trở nên vô cảm hơn, cằn cỗi hơn. Bởi thế rất cần các biện pháp giúp trẻ có thể sống đúng với lứa tuổi của mình.
Cùng con đi chơi công viên, chơi các trò chơi thiếu nhi, đọc truyện tranh để con chơi cùng các bạn bè đồng tuổi có thể giúp ích trong quá trình này. Hãy cố gắng kiên nhẫn giúp con từ từ để bé có thể hòa nhập lại với cuộc sống. Những nụ cười ngây thơ và hồn nhiên rất quan trọng để trẻ có thể phát triển toàn diện về nhận thức và nhân cách của bản thân.
Dạy con cách bảo vệ bản thân
Ở Việt Nam, các chương trình học tập hầu hết vẫn còn mang nặng về lý thuyết, chưa có các chương trình giúp trẻ có biện pháp bảo vệ bản thân. Không chỉ những trẻ bị bạo hành mà bất cứ trẻ nào cũng cần được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và tự bảo vệ bản thân mình. Không phải lúc nào gia đình hay thầy cô cũng ở bên cạnh và bảo vệ con, bởi vậy việc cho trẻ học các kỹ năng mềm hay các kỹ năng bảo vệ bảo thân là cực kỳ quan trọng.
Gia đình có thể cho bé các lớp kỹ năng mềm hay học võ thuật để vừa tăng cường sức khỏe, vừa bảo vệ bản thân và có thể linh hoạt hơn trong các trường hợp gặp nguy hiểm. Trẻ sau khi bị sang chấn do quá khứ có thể trở nên e dè, nhút nhát nên việc rèn luyện các kỹ năng mềm cũng giúp con thêm tự tin và sớm hòa nhập với xã hội hơn.
Gia đình cũng có thể trang bị cho con một vài thiết bị hoặc cài đặt điện thoại số khẩn cấp ở đầu để con có thể liên hệ ngay khi cần thiết. Tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành có thể khiến trẻ thường sống trong lo lắng và sợ hãi nên việc có những trang bị đầy đủ thế này sẽ giúp con cảm thấy an toàn hơn.
Những tổn thương tâm lý ở trẻ bị bạo hành sẽ trầm trọng hơn nếu liên quan đến gia đình. Để một đứa trẻ vượt qua khỏi giai đoạn này cũng không hề dễ dàng, rất cần có vòng tay yêu thương chân thành từ cha mẹ hay những người nuôi dưỡng. Nhà trường nên xem xét bổ sung thêm các chương trình rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ để con có thể biết cách bảo vệ chính bản thân mình.
Có thể bạn quan tâm
- Tổn thương tâm lý vì bị bỏ rơi và cách giúp bạn vượt qua
- Tự trách bản thân ảnh hưởng như thế nào? Và cách vượt qua
- Tự dằn vặt bản thân có phải bệnh? Nguyên nhân và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!