Uống thuốc trị rối loạn lo âu khi mang thai và lưu ý
Uống thuốc trị rối loạn lo âu khi mang thai có thể kiểm soát các triệu chứng lo âu thái quá, mất ngủ, mệt mỏi, chán nản,… Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, thần kinh của thai nhi. Chính vì vậy, mẹ bầu cần phải trang bị những thông tin hữu ích trước khi dùng thuốc.
Các loại thuốc trị rối loạn lo âu được dùng khi mang thai
Rối loạn lo âu khi mang thai là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến. Thai phụ mắc chứng bệnh này thường trực sự lo lắng thái quá, vô lý và đôi khi không cần thiết về một hoặc nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi của nội tiết tố ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng và hành vi. Chính vì vậy đối với những người có sẵn các yếu tố mắc bệnh, mang thai chính là thời điểm để các triệu chứng rối loạn lo âu khởi phát.
Tương tự như trầm cảm khi mang thai, rối loạn lo âu gây ra nhiều vấn đề đối với chất lượng cuộc sống, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đầu tiên, chứng bệnh này gây ra sự lo lắng quá mức khiến cơ thể không được thư giãn, thường xuyên căng cơ, đau nhức cơ thể, đau nửa đầu, mệt mỏi, uể oải, căng thẳng. Nếu không có biện pháp can thiệp, mức độ lo âu tăng dần khiến mẹ bầu có nguy cơ trầm cảm, lạm dụng chất, nảy sinh ý nghĩ, hành vi tự hại và tự sát.
Hiện nay, điều trị rối loạn lo âu gồm 2 phương pháp chính là sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu. Ở phụ nữ mang thai, tâm lý trị liệu được xem là phương pháp chính nhờ có độ an toàn tuyệt đối, không gây ra tác dụng phụ đối với mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn chỉ định sử dụng thuốc để nâng đỡ cảm xúc trong quá trình trị liệu và kiểm soát các triệu chứng tâm thần lẫn thể chất.
Dùng thuốc mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị rối loạn lo âu và nhiều rối loạn tâm thần khác. Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc mang lại lợi ích cao hơn rủi ro tiềm ẩn. Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng khi điều trị rối loạn lo âu cho bà bầu:
1. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị rối loạn lo âu. Đây cũng là loại thuốc khá an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin, gia tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh này bên trong não bộ. Qua đó giảm lo âu, mất ngủ, mệt mỏi, chán nản, buồn bã,…
Tuy nhiên, thuốc cũng kích thích thụ thể 5-HT 3 thường gây nhức đầu, buồn nôn và thụ thể 5-HT 2 gây mất ngủ, lo âu. Chính vì vậy trong thời gian đầu sử dụng thuốc, SSRIs có thể gia tăng mức độ lo âu, chán nản và kích động trong khoảng 1 tuần đầu sử dụng hoặc xuất hiện các triệu chứng này khi tăng liều lượng. Thậm chí, việc sử dụng SSRIs cũng có thể gia tăng nguy cơ tự sát – đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, người thân cần phải được chú ý đến người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc.
Mặc dù vậy, SSRIs vẫn là nhóm thuốc an toàn và ít tác dụng phụ nhất. Đây là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm ở phụ nữ mang thai. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Sertraline, Fluoxetin, Escitalopram, Citalopram,…
Một số nguy cơ khi sử dụng chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc khi mang thai:
- Nguy cơ sinh non và phải mổ bắt lấy con
- Xuất huyết sau sinh
- Trẻ sinh ra nhẹ cân
- Có thể gia tăng nguy cơ sinh ra trẻ bị tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ và mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh (nhất là khi sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ)
Mặc dù tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng ngoại ý nhưng SSRIs vẫn được sử dụng cho phụ nữ mang thai bị rối loạn lo âu. Bởi so với nguy cơ khi dùng thuốc, các biến chứng có thể xảy ra khi không điều trị thường nghiêm trọng hơn rất nhiều.
2. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) có cơ chế tác động kép thay vì chỉ ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như SSRIs. Các nghiên cứu cho thấy, loại thuốc này có tác dụng và độc tính tương tự như SSRIs. Đối với phụ nữ mang thai, SNRIs gây ra một số rủi ro tiềm tàng như sảy thai, thai chết lưu, dị tật thai nhi,… với tỷ lệ khá thấp.
Mặc dù được đánh giá cho cải thiện tương tự như SSRIs nhưng SNRIs ít được sử dụng hơn do kinh nghiệm sử dụng trên lâm sàng còn khá hạn chế. Các loại thuốc SNRIs có thể được dùng cho phụ nữ mang thai là Duloxetine, Levomilnacipran, Desvenlafaxine và Venlafaxine.
Tương tự như SSRIs, SNRIs có thể khiến mẹ bầu gặp phải một số tác dụng phụ như lo lắng, buồn nôn và dễ bị kích động trong 2 tuần đầu sử dụng. Do thuốc có khả năng phụ thuộc cao nên khi dừng đột ngột có thể gây lo lắng và kích thích.
3. Thuốc chống trầm cảm đa vòng
Thuốc chống trầm cảm đa vòng (3 vòng, 4 vòng) có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Nhóm thuốc này có cơ chế phức tạp và rủi ro cao hơn so với SSRIs, SNRIs,… Chính vì vậy, thuốc chống trầm cảm đa vòng chỉ được cân nhắc sử dụng khi SSRIs và SNRIs không mang lại hiệu quả.
Thuốc chống trầm cảm đa vòng ức chế tái hấp thu nhiều chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, serotonin, histamine, acetylcholin, muscarin, dopamin,… Vì cơ chế khá phức tạp nên nhóm thuốc này có nguy cơ cao hơn so với SSRIs và SNRIs. Do đó, thuốc chống trầm cảm đa vòng thường không được sử dụng cho người bị táo bón mãn tính, tăng nhãn áp, người có tiền sử liệt ruột,…
Các loại thuốc chống trầm cảm đa vòng có thể dùng cho phụ nữ mang thai:
- Imipramin
- Amitriptylin
- Clomipramine
Một số rủi ro khi sử dụng thuốc chống trầm cảm đa vòng trong thời gian mang thai bao gồm hội chứng cai ở trẻ sơ sinh, dị tật bẩm sinh (thường là giảm chi), trẻ sinh ra có nguy cơ bị động kinh, giảm trương lực cơ, tím tái, run, suy hô hấp,…
4. Thuốc an thần, giải lo âu
Thuốc an thần, giải lo âu không phải là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn lo âu khi mang thai. Tuy nhiên, nhóm thuốc này sẽ được cân nhắc sử dụng nếu các triệu chứng lo âu đi kèm với biểu hiện loạn thần (hoang tưởng, kích động, hành vi bất thường, lời nói thiếu mạch lạc,…).
Hầu hết các loại thuốc an thần nhóm benzodiazepin và non-benzodiazepin đều được xếp nhóm D theo mức độ an toàn đối với phụ nữ mang thai nên đa số đều không được sử dụng. Trong đó, một số ít loại thuốc nhóm D như Clonazepam, Clorazepate,… có thể được sử dụng nếu lợi ích cao hơn nguy cơ (thường là các thai phụ đã có hành vi tự sát).
Hiện nay, Buspirone là loại thuốc giải lo âu duy nhất được xác định an toàn với phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu được thực hiện đều không nhận thấy bất cứ ảnh hưởng nào đối với thai nhi và thai phụ. Mặc dù vậy, chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy loại thuốc này an toàn tuyệt đối. Vì vậy khi phải dùng thuốc giải lo âu, Buspirone là lựa chọn ưu tiên.
Buspirone không có tác dụng an thần mà chỉ mang lại hiệu quả giải lo âu thông qua ái lực cao với các thụ thể serotonin 5-HT1A và 5-HT2. Ngoài ra, loại thuốc này cũng có ái lực vừa phải với các thụ thể dopamin D2. Tuy nhiên, Buspirone có thể không được sử dụng với mẹ bầu bị suy thận, suy gan nặng và động kinh.
Một số loại thuốc an thần khác cũng có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai bao gồm:
- Zolpidem
- Zaleplon
- Eszopiclone
Nhìn chung, thuốc an thần, giải lo âu chỉ được sử dụng cho phụ nữ mang thai trong những trường hợp cần thiết. Trước khi chỉ định, bác sĩ sẽ đánh giá rủi ro và lợi ích để đảm bảo an toàn cho bào thai trong thời gian mẹ sử dụng thuốc.
5. Các viên uống, TPCN hỗ trợ
Ngoài thuốc điều trị, phụ nữ mang thai bị rối loạn lo âu cũng có thể được chỉ định dùng một số viên uống và TPCN hỗ trợ có tác dụng giải lo âu, an thần, làm dịu thần kinh và bổ não. Các sản phẩm này có thể giảm nhẹ triệu chứng của rối loạn lo âu và nâng đỡ thể chất, tinh thần của thai phụ.
Một số loại vitamin, khoáng chất như vitamin C, E, kẽm, magie, vitamin nhóm B,… đã được chứng minh có thể giảm mức độ lo âu và căng thẳng. Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất này còn cần thiết cho quá trình phát triển của thai nhi. Vì vậy bên cạnh các loại thuốc điều trị, thai phụ sẽ được chỉ định dùng kèm với một số loại viên uống và sản phẩm hỗ trợ.
Lưu ý khi uống thuốc trị rối loạn lo âu trong thời gian mang thai
Uống thuốc điều trị rối loạn lo âu khi mang thai tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với bình thường. Chính vì vậy khi dùng thuốc, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề để đạt hiệu quả cao và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc trị rối loạn lo âu trong thai kỳ:
- Thông báo với bác sĩ tình trạng đang mang thai, tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe của bản thân để được cân nhắc và chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Chất ức chế tái hấp thu có chọn lọc (SSRIs) sẽ là lựa chọn ưu tiên cho phụ nữ mang thai bị rối loạn lo âu. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đáp ứng để hiệu chỉnh liều hoặc thay thế bằng một loại nhóm thuốc khác.
- Nếu thường xuyên bị buồn ngủ vào ban ngày, nên thông báo với bác sĩ để được giảm liều và dùng duy nhất 1 liều vào buổi tối. Điều này có thể hạn chế tác dụng an thần quá mức và giúp mẹ bầu duy trì sự tỉnh táo, minh mẫn khi làm việc.
- Đa phần các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu (đặc biệt là thuốc chống trầm cảm) cho tác dụng khá chậm, khoảng từ 3 – 8 tuần. Vì vậy, cần phải kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất. Hạn chế tình trạng ngưng thuốc đột ngột khiến quá trình điều trị bị gián đoạn và gia tăng nguy cơ gặp phải các triệu chứng cai thuốc.
- Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác. Do đó, mẹ bầu không nên tự ý phối hợp thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Trong thời gian sử dụng thuốc, thai phụ có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xử trí kịp thời. Ngoài ra, người thân cũng cần chú ý đến thói quen dùng thuốc và biểu hiện bất thường ở thai phụ bởi một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng thiếu minh mẫn, gia tăng nguy cơ tự sát, tự hại.
- Ngoài sử dụng thuốc, phụ nữ mang thai bị rối loạn lo âu nên can thiệp tâm lý trị liệu để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng giúp cho mẹ bầu có tâm thế vững vàng hơn cho quá trình sinh nở và chăm sóc con cái.
- Song song với các phương pháp điều trị, mẹ bầu nên thực hiện một số biện pháp hỗ trợ giảm lo âu, căng thẳng như tập yoga, ăn uống điều độ, liệu pháp mùi hương, ngủ đủ giấc, trò chuyện với người thân, dành thời gian chăm sóc bản thân,…
Uống thuốc trị rối loạn lo âu khi mang thai tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Chính vì vậy, thai phụ chỉ sử dụng thuốc khi được bác sĩ chỉ định và cần kết hợp thêm với các biện pháp hỗ trợ để tránh tình trạng phụ thuộc, lạm dụng thuốc quá mức. Nếu gặp phải những dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy báo ngay cho bác sĩ để có cách xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- 7 TPCN hỗ trợ chữa rối loạn lo âu bạn nên biết
- Phương pháp bấm huyệt chữa rối loạn lo âu, căng thẳng
- Hồi hộp lo âu kéo dài cảnh báo bệnh gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!