Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là gì? 7 cách vượt qua

Trong xã hội hiện đại, áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với giới trẻ. Mục tiêu về sự nghiệp, hình thể đến lối sống đều bị chi phối bởi áp lực từ những người cùng trang lứa. Do đó việc hiểu được nguyên nhân và cách vượt qua nó sẽ giúp mỗi người trở nên tự tin hơn.

Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là gì?

Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là quá trình mà các thành viên trong cùng một nhóm xã hội tác động lẫn nhau, khuyến khích người khác trong nhóm làm những việc mà họ có thể không muốn hoặc không lựa chọn làm nếu không bị tác động. Điều này thường diễn ra do nhu cầu hoà nhập hoặc được chấp nhận trong nhóm.

Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở nhiều độ tuổi và bị chi phối bởi những người xung quanh

Áp lực đồng trang lứa không chỉ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà còn xuất hiện ở mọi độ tuổi. Khi còn là học sinh, áp lực có thể đến từ việc so sánh điểm số. Trong khi ở nơi làm việc thì mức lương, vị trí công việc trở thành tiêu chí đánh giá thành công. Đặc biệt, giai đoạn thanh thiếu niên là thời điểm nhạy cảm do tâm sinh lý đang phát triển và dễ bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn của nhóm bạn.

Những ví dụ cụ thể về áp lực đồng trang lứa bao gồm:

  • Bị ép uống thêm một ly rượu trong khi không muốn.
  • Cảm thấy bị thúc đẩy để sử dụng thuốc lá, ma túy,… dù không có ý định ban đầu.
  • Tham gia các hành vi không được xã hội chấp nhận như phá hoại tài sản, uống rượu, hoặc thậm chí là bạo lực thể chất.

Ví dụ điển hình: Một thiếu niên tại một bữa tiệc bị bạn bè thuyết phục thử hút thuốc lá dù dự ban đầu họ không muốn. Họ có thể cảm thấy sợ bị bỏ rơi hoặc bị chế giễu nếu từ chối và cuối cùng làm theo dù bản thân không muốn.

Áp lực đồng trang lứa không chỉ mang tính tiêu cực, mà đôi khi còn có thể mang lại những tác động tích cực, như thúc đẩy việc rèn luyện thể thao hoặc học hành chăm chỉ. Tuy nhiên, nếu áp lực này dẫn đến việc lạm dụng hoặc làm tổn thương bản thân, nó có thể trở nên nguy hiểm.

Thực trạng áp lực đồng trang lứa hiện nay

Áp lực đồng trang lứa hiện đang là một vấn đề nổi bật trong đời sống, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 14 – 30. Áp lực này xuất hiện ở mọi nơi kể cả gia đình, trường học đến công sở. Trong khi nhiều người cho rằng nó thúc đẩy con người nỗ lực hơn thì nhiều người khác lại cảm thấy ngột ngạt và mất tự tin. Họ thường sợ hãi phải đối mặt với thử thách mới, nhất là khi thấy bạn bè xung quanh thành công hơn mình.

Thực trạng áp lực đồng trang lứa
Áp lực đồng trang lứa xuất hiện ngay trong gia đình bởi kỳ vọng của cha mẹ

Tại Việt Nam, áp lực đồng trang lứa được thể hiện qua cụm từ “con nhà người ta” mà mọi người hay dùng để so sánh thành tích của nhau. Từ khi còn là học sinh, nhiều bạn trẻ đã phải chịu áp lực từ điểm số so với bạn bè. Khi trưởng thành, áp lực này tiếp tục xoay quanh yếu tố như thu nhập, nhà cửa, chăm sóc cha mẹ. Thậm chí, khi về già nó vẫn còn tồn tại với việc mong muốn có một cuộc sống an nhàn và sự hiếu kính từ con cháu.

Mặc dù Peer Pressure dễ tác động tiêu cực như nghiên cứu của UNICEF đã chỉ ra về việc thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi nhóm bạn thực hiện hành vi nguy hiểm, nhưng nó cũng có thể được biến thành động lực tích cực. Việc tiếp xúc với những nhóm bạn có ảnh hưởng tích cực có thể giúp thanh niên phát triển bản thân. Chính vì vậy, việc chọn lựa bạn bè và nhóm bạn xung quanh là rất quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa

Trong thời đại mà mọi người thường xuyên so sánh bản thân với người xung quanh, áp lực đồng trang lứa có thể tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực, khiến giới trẻ cảm thấy mất phương hướng và có dấu hiệu thường gặp sau đây khi phải đối mặt với nó:

Biểu hiện áp lực đồng trang lứa
Người trẻ cảm thấy kiệt sức và áp lực không ngừng khi phải đạt được thành tựu
  • Luôn cảm thấy căng thẳng, stress về việc phải cố gắng hơn
  • Thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn
  • Mệt mỏi, kiệt sức do áp lực phải đạt được tiêu chuẩn của người khác
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng mà không rõ nguyên nhân
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm
  • Cảm thấy tự ti, xấu hổ và lo sợ rằng mọi người đang cười chê mình
  • Thay đổi phong cách ăn mặc, kiểu tóc, sở thích để giống bạn bè
  • Có xu hướng thử những điều không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu
  • Giảm hiệu suất học tập và thường xuyên vắng mặt ở trường
  • Tâm trạng buồn chán, dễ bị cáu gắt hoặc tức giận với những người xung quanh
  • Thường tránh xa những hoạt động xã hội vì sợ bị so sánh hoặc chê bai

Nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa

Nhiều yếu tố như tâm lý, môi trường xã hội và nhận thức cá nhân có thể tạo ra sức ép so sánh đồng trang lứa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi và quyết định.

1. Tư tưởng, nhận thức chưa phù hợp

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến áp lực đồng trang lứa là tư tưởng và nhận thức chưa trưởng thành của giới trẻ. Họ thường so sánh bản thân với mọi người xung quanh và nếu thấy mình thua kém sẽ dễ rơi vào cảm giác tự ti cũng như ghen tị.

Nguyên nhân áp lực đồng trang lứa
Nhiều người tự so sánh bản thân với người khác dẫn đến trở nên tự ti

Điều này càng rõ nét ở lứa tuổi học sinh, khi mà các em còn non nớt trong cách nhìn nhận vấn đề. Thay vì tập trung vào giá trị và thành tựu của bản thân, nhiều em lại chỉ nhìn vào thành công bề nổi của người khác mà bỏ qua những khó khăn mà người kia phải trải qua.

2. Mạng xã hội

Thời gian mà nhiều người dành để lướt qua các trang mạng xã hội có thể mang lại thông tin bổ ích, nhưng đồng thời cũng không thể tránh khỏi so sánh “độc hại.” Khi mở Facebook, Instagram sẽ thấy bạn bè khoe thành tích công việc mới, chuyến du lịch xa hoa. Chúng khiến nhiều người cảm thấy áp lực, đặc biệt là khi mình vẫn còn loay hoay tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là mạng xã hội không chỉ là nơi để khoe khoang thành tích. Nó còn là công cụ kết nối và chia sẻ thông tin. Dù giúp con người cập nhật nhanh chóng những gì đang diễn ra trên toàn cầu, nhưng khi quá sa đà vào việc so sánh có thể dễ dàng đánh mất giá trị của bản thân. Những hình ảnh lung linh của bạn bè khiến bản thân cảm thấy mình không đủ tốt, không thành công bằng.

3. Sự so sánh của xã hội, kỳ vọng của gia đình

Trong nền văn hóa Á Đông, nhiều bậc phụ huynh thường xuyên đưa ra câu nói quen thuộc “nhìn con nhà người ta mà xem,” nhằm thúc đẩy con cái phấn đấu để đạt được thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra áp lực lớn cho nhiều bạn trẻ, khiến họ cảm thấy mình không đủ giỏi khi nhìn vào thành tựu của người khác.

Những câu như “phải làm giám đốc mới là thành công”, “bán hàng online chỉ dành cho người không học hành đàng hoàng” thường khiến mọi người thấy rằng mình phải đạt được tiêu chuẩn rất cao để được công nhận. Hơn nữa, khi gia đình đặt ra kỳ vọng quá lớn thì việc đáp ứng trở thành áp lực làm không ít người trẻ phải nỗ lực quá sức để không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ và xã hội.

peer pressure là gì
Nhiều cha mẹ áp đặt kỳ vọng quá mức khiến con cái bị áp lực phải thật thành công

4. Khao khát hòa nhập

Mỗi khi bước vào một môi trường mới, con người đều phải đối mặt với thách thức của việc hòa nhập. Chẳng hạn khi thấy bạn bè đã có chứng chỉ TOEIC cao, đang làm việc cho tập đoàn lớn thì áp lực vô hình dường như đè nặng lên vai. Mỗi người đều muốn hòa nhập, nhưng sự so sánh này có thể khiến bản thân cảm thấy lạc lõng.

Con người luôn khát khao được yêu thương và kết nối với cộng đồng. Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy rằng giá trị của tập thể rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều bạn trẻ quá chú trọng đến suy nghĩ của người khác về mình, quên mất việc lắng nghe mong muốn của bản thân. Chẳng hạn, khi học cùng nhóm bạn xuất sắc, áp lực để không bị tụt lại có thể trở thành động lực nhưng lo lắng về điểm số lại gây kiệt sức, đánh mất niềm vui trong học tập.

Lợi ích và tác tại của áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ hiện đại. Nó vừa là động lực thúc đẩy vừa có thể là nguyên do hình thành nên nhiều vấn đề tâm lý.

1. Lợi ích

Áp lực đồng trang lứa có thể là một nguồn động lực mạnh mẽ cho giới trẻ. Khi thấy bạn bè cùng trang lứa phấn đấu và đạt được thành công, nhiều người sẽ cảm thấy khát khao vươn lên. Điều này thúc đẩy họ nỗ lực hơn trong học tập, phát triển kỹ năng và khám phá tiềm năng của bản thân.

tác động của áp lực đồng trang lứa
Peer Pressure trở thành động lực thúc đẩy giới trẻ nỗ lực đạt được thành công

Nó cũng khiến người trẻ nhận thức rõ về việc hòa nhập với nhóm để chủ động hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh và cải thiện kỹ năng giao tiếp. Sự hòa nhập không chỉ mang lại niềm vui, mà còn giúp phát triển tâm lý tích cực trong cuộc sống.

Khi phải đối mặt với áp lực từ bạn bè, giới trẻ thường trở nên ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Họ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu, quản lý thời gian và có kế hoạch cho tương lai. Chúng không chỉ giúp phát triển bản thân mà còn góp phần xây dựng những giá trị tích cực cho xã hội.

2. Tác hại

Nếu áp lực đồng trang lứa không được quản lý đúng cách sẽ tạo ra lo lắng, áp lực vô hình. Nhiều người vô tình hành động vội vàng, dẫn đến những quyết định sai lầm. Cảm giác này có thể trở thành gánh nặng, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe.

Peer Pressure có thể khiến nhiều người mất niềm tin vào bản thân, trở nên mặc cảm khi thường xuyên so sánh mình với người khác. Điều này không chỉ gây tổn thương tâm lý mà còn khiến họ không dám thể hiện bản thân, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

ảnh hưởng áp lực đồng trang lứa
Sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi áp lực đồng trang lứa

Một số người trẻ còn rơi vào trường hợp thực hiện hành vi tiêu cực như sử dụng rượu bia, ma túy, tham gia trộm cắp, đua xe,… Những hành vi này không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn ảnh hưởng xấu đến cuộc sống gia đình và mối quan hệ xã hội.

Áp lực đồng trang lứa và ảnh hưởng của cha mẹ

Mặc dù cha mẹ thường lo lắng về sự ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa, nhưng thực tế, họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con cái không bị cuốn vào những áp lực tiêu cực từ bạn bè.

Thay vì lo lắng quá nhiều về các mối quan hệ bạn bè của con, cha mẹ nên tập trung vào việc tạo ra một môi trường gia đình tích cực, hỗ trợ. Nhờ đó, ngay cả khi con bị áp lực phải làm điều gì đó mà chúng không muốn, chúng sẽ cảm thấy thoải mái khi đến và nói chuyện với cha mẹ trước sau đó mới quyết định làm hay không.

Cha mẹ cũng có thể làm gương trong việc tự điều chỉnh cảm xúc, điều này có thể giúp con cái giữ vững giá trị cá nhân khi đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Tự điều chỉnh cảm xúc là khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi để quản lý hành vi hiện tại và đạt được mục tiêu dài hạn.

Việc này sẽ dạy cho con cách giải quyết vấn đề và đối phó với những cảm xúc khó chịu một cách tích cực, thay vì tìm cách né tránh bằng cách làm những điều không muốn để hòa nhập với nhóm. Cha mẹ có thể cân bằng tác động từ áp lực đồng trang lứa bằng cách đặt ra những ranh giới phù hợp, cung cấp sự hỗ trợ và giúp con tránh xa những rủi ro. Một vài ví dụ:

  • Đón con từ những sự kiện, liên hoan… mà có thể có rượu hoặc chất kích thích được sử dụng.
  • Dạy con tác hại và ảnh hưởng về các vấn đề như sử dụng rượu và ma túy.
  • Luôn giữ sự kết nối với cuộc sống của con. Dù có thể không tin, nhưng cha mẹ chính là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến con cái và chúng sẽ lắng nghe khi cha mẹ nói.
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ trước khi hành động. Hãy dạy cho con tự đặt ra những câu hỏi như: Điều này có gây hại cho mình hoặc người khác không? Nó có đe dọa đến sức khỏe hay sự an toàn của mình không? Nó có hợp pháp không? Những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe, gia đình, học tập và tương lai của mình là gì?…

7 cách vượt qua áp lực đồng trang lứa

Việc cho rằng mình phải hành động, suy nghĩ, sống theo tiêu chuẩn của bạn bè khiến nhiều người dễ mất phương hướng và tự tin. Tuy nhiên, vượt qua áp lực này không phải là điều không thể. Sau đây là một số cách hiệu quả để thoát khỏi áp lực đồng trang lứa:

1. Khuyến khích xây dựng mối quan hệ lành mạnh

Xây dựng mối quan hệ lành mạnh bằng mọi điều kiện chính là cách để bản thân không cảm thấy bị ép buộc phải làm điều mình không muốn. Khi có người bạn tốt, mỗi người sẽ cảm nhận được sự tôn trọng, công nhận thay vì phải cố gắng để “hợp chuẩn” với người khác. Mối quan hệ lành mạnh cũng giúp cá nhân có chỗ dựa khi cần mà không còn bị cô lập.

Để xây dựng mối quan hệ lành mạnh, mọi người nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhóm học tập, câu lạc bộ theo sở thích. Chúng giúp kết nối với những người có cùng đam mê, giá trị và mục tiêu sống. Đồng thời, hãy luôn sẵn lòng lắng nghe, giúp đỡ ngược lại bởi mối quan hệ tốt còn là sự cho đi.

Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa
Mối quan hệ lành mạnh giúp cá nhân thay đổi bản thân tích cực hơn

2. Học cách nói “không”

Việc học cách nói “không” giúp cá nhân giữ vững lập trường và tránh làm theo hành vi không phù hợp dưới áp lực của người khác. Việc biết rõ giới hạn của mình và từ chối điều không thoải mái sẽ khiến mỗi người tự bảo vệ bản thân khỏi những ép buộc. Điều này đặc biệt quan trọng khi bất kỳ ai đó đối diện với các tình huống như thử rượu, thuốc lá,….

Học cách nói “không” cũng giúp tất cả vượt qua Peer Pressure để tạo dựng lại sự tự tin và lòng tự trọng. Bạn có quyền từ chối trong những trường hợp khiến bản thân cảm thấy không an toàn, không thoải mái hoặc đơn giản là không phù hợp với giá trị cá nhân của mình.

3. Quản lý thời gian sử dụng Internet

Việc quản lý thời gian sử dụng Internet thực sự có ích trong việc giảm bớt áp lực đồng trang lứa. Mạng xã hội thường là nơi phát tán những hình mẫu lý tưởng về ngoại hình, lối sống, thành công khiến ai cũng tự so sánh bản thân và cảm thấy mình không đủ tốt. Chỉ cần giới hạn thời gian lướt mạng, bạn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực này để bảo vệ sức khỏe tâm lý và tập trung vào giá trị thực tế hơn.

Để sử dụng Internet đúng cách, hãy xác định rõ mục đích trước khi truy cập mạng và giới hạn thời gian sử dụng mỗi ngày. Cùng với đó, nên dành thời gian tham gia học tập, vận động, kết nối trực tiếp với người thân và bạn bè ngoài đời. Điều này sẽ giúp mỗi người duy trì cân bằng giữa thế giới thực – ảo, giảm bớt nguy cơ bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa trên mạng.

4. Chia sẻ với người thân

Người thân có thể giúp bạn thoát khỏi áp lực đồng trang lứa bằng cách lắng nghe và đưa ra lời khuyên hữu ích. Những chia sẻ cảm xúc với gia đình sẽ giúp ích rất nhiều, khiến bạn không còn một mình đối diện khó khăn. Những lời khuyên chân thành từ người thân xuất phát từ tình yêu thương, giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo cách tích cực khác.

cách xử lý áp lực đồng trang lứa
Việc chia sẻ với người thân giúp cá nhân không còn phải đối diện với áp lực một mình

Những lời động viên đơn giản như “con luôn có giá trị riêng của mình”, “mình không cần phải giống người khác để được công nhận” có thể tạo động lực lớn cho cá nhân. Hãy thường xuyên chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với gia đình để nhận được sự ủng hộ và góp ý kịp thời.

5. Lập kế hoạch tỉ mỉ

Việc lập kế hoạch tỉ mỉ giúp mọi người vượt qua Peer Pressure bằng cách sắp xếp và kiểm soát cuộc sống của mình, tập trung vào mục tiêu cá nhân thay vì bị cuốn theo mong đợi của người khác. Khi có kế hoạch rõ ràng, bản thân sẽ biết mình cần làm gì phù hợp và không bị dao động bởi áp lực bên ngoài.

Những kế hoạch nên được lập cẩn thận bao gồm học tập, công việc, hoạt động cá nhân và thời gian nghỉ ngơi. Đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi ngày, mỗi tuần sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung và tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết. Qua đó áp lực từ người khác sẽ ít ảnh hưởng đến mình hơn.

6. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu chuyên tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ vấn đề và đưa ra phương pháp đối phó lành mạnh. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp cá nhân nhìn nhận và đánh giá lại giá trị bản thân, phát triển kỹ năng giao tiếp và đưa ra chiến lược tự bảo vệ mình khỏi áp lực từ bên ngoài. Với sự hỗ trợ đúng đắn, bạn có thể đạt được sự bình yên và trở nên tự tin khi đối diện với các tình huống xã hội.

chăm sóc người bị peer pressure
Tâm lý trị liệu giúp nhiều người chấp nhận bản thân để trở nên thành công hơn

Chuyên gia tâm lý thường giúp khách hàng thiết lập ranh giới cá nhân, phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc và xây dựng thói quen tư duy tích cực. Qua các buổi trị liệu, mỗi người sẽ dần học cách chấp nhận bản thân, không còn bị áp lực bởi mong đợi của người khác để tự tin bước trên con đường riêng của mình. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy tự do hơn, thành công một cách tự nhiên mà không còn thấy áp lực bởi bất kỳ ai.

7. Đặt ra giới hạn

Đặt ra giới hạn đảm bảo con người bảo vệ bản thân trước ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực đồng trang lứa. Điều này có nghĩa là bạn cần xác định rõ điều mình sẵn lòng chấp nhận và điều không phù hợp với nhu cầu cá nhân. Khi có giới hạn, con người dễ dàng từ chối yêu cầu gây hại và người khác cũng sẽ tôn trọng không gian cá nhân của mình.

Giới hạn nên được đặt ra về thời gian, hành vi và mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn bạn có thể giới hạn thời gian tham gia các hoạt động không cần thiết, từ chối tham gia cuộc thảo luận không lành mạnh. Chúng giúp bảo vệ tinh thần và tránh căng thẳng không đáng có để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng áp lực đồng trang lứa không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mà còn tác động đến sức khỏe tâm thần. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, cần xem xét những nghiên cứu đã được tiến hành trong lĩnh vực này.

1. Nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa và vấn đề sức khỏe tâm thần

Chất lượng mối quan hệ bạn bè cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của học sinh THPT. Nghiên cứu của Phan Thị Mai Hương và Nguyễn Minh Trang (2021) cho thấy trẻ có chất lượng bạn bè thấp sẽ cảm thấy ít hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa
Nghiên cứu chỉ ra nhóm bạn là yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ em

Tại Hà Nội, 86% trong số 288 học sinh lớp 10, 11, 12 đã trải qua các vấn đề về bạn bè mà phổ biến nhất là bị từ chối và xúc phạm. UNICEF (2022) cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến bạn bè là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh tại Việt Nam.

Trẻ vị thành niên thường phải đối mặt với áp lực hòa nhập hoặc bị bạn bè bắt nạt. Chính những trải nghiệm này có thể dẫn đến nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiều em phải lựa chọn giữa việc bắt nạt để hòa nhập hoặc trở thành nạn nhân của nhóm bạn.

2. Nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa và vấn đề hành vi mạo hiểm của thanh thiếu niên

Nghiên cứu của Steinberg và cộng sự (2018) chỉ ra rằng chất lượng mối quan hệ bạn bè có tác động lớn đến việc thực hiện hành vi mạo hiểm và vi phạm pháp luật. Theo lý thuyết liên kết khác biệt của Sutherland (1947), việc học hỏi theo nhóm bạn thân thiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi phạm tội.

Peer pressure là gì?
Mối quan hệ bạn bè không lành mạnh có tác động lớn đến tâm lý ở học sinh

Thêm vào đó, Hội đồng Anh (2020) cho biết 64% người trẻ Việt Nam coi bạn bè là yếu tố quan trọng thứ hai trong việc định hình cái tôi, chỉ sau gia đình.

Theo thuyết học tập xã hội của Bandura (1977), học sinh thường quan sát và bắt chước hành vi của bạn bè. Nếu tiếp xúc với nhóm có hành vi tiêu cực như đua xe, hút thuốc thì khả năng các em bắt chước để hòa nhập là rất cao. Ngược lại, từ chối những hành vi này có thể dẫn đến việc bị nhóm bạn tẩy chay, bỏ rơi.

Dù áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc nhận diện và hiểu rõ nó sẽ giúp con người kiểm soát mọi thứ tốt hơn. Thay vì lo lắng về những gì người khác đang làm, hãy tập trung vào con đường riêng của mình và không ngừng hoàn thiện bản thân.

Có thể bạn quan tâm:


Các nguồn tham khảo:

  • https://www.parents.com/how-peer-pressure-affects-children-8619289
  • https://www.verywellmind.com/what-is-peer-pressure-22246
  • https://www.choosingtherapy.com/peer-pressure/
  • https://tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn/index.php/tapchi/article/view/1134/673

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *