Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu Và Cách Xử Lý
Bạo hành tâm lý trong tình yêu gây ra tổn thương sâu sắc không kém bạo hành về thể xác. Tuy nhiên, dạng bạo hành này rất khó nhận biết do phương thức bạo hành là những lời nói và hành vi tưởng chừng như rất bình thường.
Bạo hành tâm lý trong tình yêu là như thế nào?
Bạo hành tâm lý còn được gọi là bạo hành tinh thần – một dạng bạo hành ngược lại với bạo hành thể xác. Thay vì dùng vũ lực để gây thương tích và đau đớn, người bạo hành tâm lý sẽ dùng lời nói và đôi khi là cả hành vi để nhắm vào tinh thần của nạn nhân. Bạo hành tinh thần gây ra tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý với những biểu hiện như buồn bã, bi quan, tuyệt vọng, phẫn uất, tội lỗi,…
Bạo hành tâm lý có thể xảy ra ở mọi hoàn cảnh và trong tất cả các mối quan hệ, bao gồm cả tình yêu. Một thống kê ngẫu nhiên cho thấy, 59% nữ giới xác nhận bản thân từng bị bạo hành về tinh thần mà trong đó có 24% trường hợp bị bạo hành và quấy rầy sau khi chia tay/ ly hôn.
Bạo hành tinh thần rất khó phát hiện và đôi khi nạn nhân cũng hề biết bản thân đang bị bạo hành. Những lời nói, hành vi gây tổn thương tinh thần được nói ra hằng ngày nhưng được che đậy dưới vỏ bọc hoàn hảo. Đôi khi nạn nhân có thể nhận ra sự bất thường trong mối quan hệ nhưng thể gọi tên vấn đề này và cũng rất khó để dứt khoát chia tay.
Theo thống kê, bạo hành tâm lý trong tình yêu xảy ra chủ yếu ở tầng lớp tri thức. Trong khi đó, bạo hành thể xác gặp nhiều ở nông thôn và những tầng lớp có trình độ văn hóa thấp. Mặc dù tỷ lệ bạo hành tâm lý trong tình yêu là rất cao nhưng do kiến thức về vấn đề này chưa phổ biến và nạn nhân dễ bị thao túng cảm xúc nên rất khó để nhận ra. Chính vì vậy, khi bước vào một quan hệ, mỗi cá nhân nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để kịp thời nhận ra những điểm bất thường.
Nhận biết bạo hành tinh thần trong tình yêu
Bạo hành tinh thần trong tình yêu diễn ra âm thầm và lẩn khuất trong cuộc sống. Mặc dù không có biểu hiện rõ rệt như bạo hành thể xác nhưng nếu là nạn nhân, bạn sẽ không tránh khỏi cảm xúc buồn bã, bi quan, tuyệt vọng, nặng nề và tự dằn vặt. Tuy nhiên khi đề cập vấn đề này với người yêu, đối phương thường cho rằng bạn quá nhạy cảm và ngụy biện những lời nói, hành vi chỉ với mục đích giúp bạn tốt hơn.
Bản chất của tình yêu là sự sẻ chia, đồng cảm và thấu hiểu. Tình yêu không dung dưỡng cho những hành vi bạo lực dù đối tượng bị tổn thương thưng là thể xác hay tinh thần. Để kịp thời phát triển bản thân là nạn nhân của bạo hành tâm lý trong tình yêu, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Người yêu có các hành vi kiểm soát như yêu cầu bạn nghe điện thoại hoặc trả lời tin nhắn ngay, cấm cản bạn đến một số cuộc hẹn (thường là cuộc hẹn với người khác giới), kiểm soát thời gian và nắm rõ thời gian biểu của bạn, yêu cầu kiểm tra tin nhắn, kiểm soát vấn đề ăn mặc,…
- Có những lời nói trách móc, chì chiết khi cả hai xảy ra vấn đề. Với khả năng thao túng cảm xúc tinh vi, đối phương sẽ khiến cho bạn nghĩ rằng bạn là người sai hoàn toàn, trong khi đối phương bị tổn thương sâu sắc. Dần dần, suy nghĩ này sẽ ăn sâu vào tâm trí khiến bạn hình thành tâm lý buồn bã, dằn vặt và tự trách bản thân.
- Trong các cuộc tranh cãi, đối phương thường có những cảm xúc quá khích và nói ra những lời đe dọa, đay nghiến, sỉ nhục danh dự, nhân phẩm của bạn.
- Ngược lại, một số người đay nghiến người yêu bằng cách giữ im lặng trong suốt một thời gian dài và để mọi chuyện qua đi. Tuy nhiên, đây là hình thức bạo hành tâm lý rất đáng lên án. Bởi người còn lại sẽ phải đối mặt với áp bức tinh thần, dằn vặt và hàng loạt các suy nghĩ ngổn ngang.
- Có xu hướng đổ lỗi tất cả những thất bại và vấn đề mà đối phương gặp phải đều là do bạn. Chẳng hạn đối phương có thể trách móc vì bạn nên cuộc sống mới thảm hại như bây giờ hoặc vì hy sinh cho bạn nên sự nghiệp/ ước mơ phải dang dở,…
- Người bạo hành tâm lý trong tình yêu thường không chịu trách nhiệm cho lời nói và hành vi của mình. Nếu không đổ lỗi cho bạn, đối phương sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh và cảm xúc.
- Bạo hành tinh thần không chỉ là lời nói có tính sát thương cao. Đôi khi, đối phương còn uy hiếp bạn bằng một số hành vi như rạch tay, tự sát,… Sau khi chia tay, đối tượng có thể đe dọa tung clip, hình ảnh riêng tư nếu bạn không chấp nhận hàn gắn.
Bạo hành tinh thần trong tình yêu là biểu hiện của một mối quan hệ độc hại. Những kẻ bạo hành tinh thần không cho bản thân là người xấu mà luôn biến mình thành nạn nhân. Ngoài ra, bạo hành tâm lý cũng có thể diễn ra song song với bạo hành thể xác và lạm dụng tình dục.
Hậu quả của bạo hành tâm lý trong tình yêu
Bạo hành tinh thần người yêu là một trong những hành vi đáng lên án. Bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều gây ra sự tổn thương và đau đớn nhất định. Trong khi kẻ bạo hành thoải mái tận hưởng cuộc sống, nạn nhân sẽ mơ hồ giữa những suy nghĩ ngổn ngang cùng với cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
Khi có mối quan hệ với một kẻ bạo hành tinh thần, bạn sẽ phải đối mặt với cảm giác xấu hổ, buồn tủi, bi quan, tuyệt vọng, tự ti, tự trách bản thân,… Thậm chí, đối phương còn gieo vào đầu bạn những suy nghĩ như bạn là người vô dụng, yếu kém và xấu xí. Những kẻ bạo hành tinh thần thao túng cảm xúc vô cùng tinh vi khiến cho nạn nhân luôn cảm thấy bản thân là người sai trong mọi hoàn cảnh.
Bạo hành tinh thần trong tình yêu gây ra những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Ảnh hưởng ban đầu của tình trạng này là thiếu tự tin và giảm lòng tự trọng. Về lâu dài, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Điều này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động, học tập và phần nào làm giảm chất lượng cuộc sống.
Cách xử lý bạo hành tâm lý trong tình yêu
Bạo hành tâm lý trong tình yêu là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Sự hiểu biết hạn chế về vấn đề này chính là điều kiện để kẻ bạo hành thoải mái có những lời nói và hành vi gây tổn thương người yêu. Khi xác định bản thân là nạn nhân của bạo hành tinh thần, bạn có thể áp dụng các biện pháp xử lý như:
1. Hiểu rằng bạn không phải là người có lỗi
Như đã đề cập, kẻ bạo hành tinh thần luôn có khả năng thao túng cảm xúc tinh vi. Vì vậy, bạn có thể tin hoàn toàn vào những lời nói vô lý và cực đoan của đối phương. Khi xảy ra tranh cãi hay sự cố, đối phương sẽ luôn đổ lỗi cho bạn với những lý lẽ tưởng chừng rất thuyết phục. Do đó, không ít người khi phát hiện mình là nạn nhân của bạo hành tâm lý tự đổ lỗi và trách móc bản thân.
Thực tế, không có ai là hoàn hảo và bạn cũng có mắc phải một số sai lầm trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, lỗi lầm chưa bao giờ là lý do chính đáng cho các hành vi bạo hành thể xác và tinh thần. Nếu thực sự là một người tử tế, đối phương sẽ trao đổi thẳng thắn và đề nghị bạn thay đổi. Khi cả hai không thể dung hòa, đối phương sẽ chủ động chia tay một cách văn minh để cả hai tìm cho mình mảnh ghép lý tưởng hơn.
Không có bất cứ lý do gì có thể giải thích cho những hành vi bạo lực tinh thần, thể chất hay lạm dụng tình dục. Chính vì vậy, bạn không nên tự đổ lỗi cho bản thân và hãy suy nghĩ sáng suốt hơn về mối quan hệ này.
2. Chia sẻ với người thân, bạn bè
Khi ở trong một mối quan hệ, bạn có thể mơ hồ về bản thân cũng như đối phương. Vì vậy, nên chia sẻ với bạn bè và người thân về những gì bạn đang phải đối mặt, đồng thời giãi bày cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Việc này sẽ giúp giảm áp lực về mặt tinh thần và lấy lại sự cân bằng nhanh chóng.
Hơn nữa, những người ngoài cuộc sẽ có cái nhìn khách quan hơn về mối quan hệ giữa bạn và người yêu. Họ ít nhiều sẽ biết được rằng, đối phương đang có những lời nói và hành vi cực đoan. Tuy nhiên, số người hiểu biết về bạo hành tinh thần là không nhiều. Do đó, họ có thể không nhận được bạn đang là nạn nhân của bạo hành nhưng dù sao, việc chia sẻ với những người đáng tin cậy cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
3. Chấm dứt mối quan hệ
Sau khi giải tỏa cảm xúc và lấy lại bình tĩnh, bạn nên xem xét việc chấm dứt mối quan hệ. Những kẻ bạo hành tinh thần không bao giờ nhận lỗi và thường đổ lỗi cho bạn trong mọi hoàn cảnh. Việc sống chung với một kẻ luôn có lời nói, hành vi cực đoan gây tổn thương tâm lý cho người khác thực sự là một điều tồi tệ.
Cho dù có tình cảm sâu đậm với đối phương, bạn cũng nên mạnh mẽ vượt qua và đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ này. Tình yêu thực sự không bao giờ là lý do cho bất cứ lời nói và hành vi tiêu cực nào. Vì vậy, bạn không nên tin vào bất cứ những gì đối phương ngụy biện cho hành vi của mình.
Một số người sẽ dễ dàng chấp nhận chia tay nhưng cũng có kẻ đe dọa, uy hiếp yêu cầu bạn phải hàn gắn. Khi đề nghị quay lại, đối phương thường tỏ ra biết lỗi và quan tâm bạn trong thời gian đầu. Tuy nhiên nếu bạn tiếp tục từ chối, đối phương sẽ có các hành vi mạnh hơn như đe dọa bằng tin nhắn, lời nói, uy hiếp tung các hình ảnh và clip lên mạng.
Khi đối phương có những hành vi đe dọa, bạn nên thông báo với gia đình và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ. Ngoài ra, có thể lưu lại tin nhắn, ghi âm các cuộc nói chuyện để trình báo cơ quan chức năng về việc bị đe dọa, uy hiếp và nhục mạ. Cách này không chỉ giúp bạn thoát khỏi kẻ bạo hành mà còn góp phần chấm dứt nạn bạo hành tinh thần trong xã hội.
4. Tìm lại sự tự tin
Khi chấm dứt một mối quan hệ, ai cũng cần một khoảng thời gian bình tâm để ổn định tinh thần và chữa lành tổn thương lòng. Tuy nhiên, nếu đã từng có mối quan hệ với kẻ bạo hành tinh thần, bạn sẽ bị ám ảnh bởi những suy nghĩ như bản thân xấu xí, vô dụng, yếu kém và những quan điểm sai lệch khác. Đặc biệt, nữ giới còn dễ bị mặc cảm ngoại hình và cho rằng mình xấu xí nên sẽ không thể tìm kiếm người yêu.
Sau khi đã “dọn dẹp” mối quan hệ cũ, bạn nên tìm lại sự tự tin cho bản thân. Bắt đầu bằng việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian chăm sóc da. Ngoài ra, nên gặp gỡ bạn bè hoặc đi du lịch để gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Bên cạnh việc cải thiện ngoại hình, bạn cũng nên nỗ lực học tập và làm việc để đạt được thành tựu trong cuộc sống. Những yếu tố này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự tự tin, lạc quan và vui vẻ vốn có. Khi tự tin, bạn sẽ có sức hấp dẫn riêng và dễ dàng tìm kiếm cho mình đối tượng phù hợp.
5. Trị liệu tâm lý
Bạo hành tinh thần trong tình yêu gây ra những tổn thương nhất định về tâm lý. Thực tế, không phải ai cũng mạnh mẽ vượt qua được nỗi đau tinh thần. Nếu không thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, bạn nên xem xét trị liệu tâm lý để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
Trị liệu tâm lý là phương pháp chữa lành thương tổn về mặt tinh thần thông qua lời nói. Thông qua liệu pháp này, bạn sẽ được giải tỏa cảm xúc dồn nén, nhận thức đúng hơn về bản thân và những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Qua đó có thể điều chỉnh những quan niệm sai lệch và thay đổi lời nói, hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng sẽ hỗ trợ bạn tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và trang bị thêm một số kỹ năng để có thể kiểm soát căng thẳng. Nhìn chung, phương pháp này mang lại hiệu quả cao cho những trường hợp bị tổn thương tinh thần. Tuy nhiên, nên can thiệp trị liệu sớm để tránh sang chấn tâm lý chuyển biến thành rối loạn lo âu, stress nặng và trầm cảm.
Bạo hành tâm lý trong tình yêu được ngụy tạo qua những lời nói và hành vi tưởng chừng như bình thường. Dù không tạo ra thương tích nhưng dạng bạo hành này cũng gây ra nỗi đau và tổn thương sâu sắc không kém. Nếu đang là nạn nhân của bạo hành tinh thần, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn để vượt qua và đón nhận cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Dấu hiệu bạo hành tinh thần nơi công sở và cách vượt qua
- Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái và cách vượt qua
- Các giai đoạn tâm lý sau khi chia tay và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!