Bệnh Alzheimer là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh Alzheimer là một bệnh thần kinh thường gặp ở người già với triệu chứng điển hình là mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, thay đổi tính cách cảm xúc. Tuy nhiên hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa hơn khiến nhiều người còn trẻ cũng đã mắc phải căn bệnh này. Cần tìm hiểu rõ và nguyên nhân, cơ chế gây bệnh để mỗi người có biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt.
Bệnh Alzheimer là gì?
Nếu từng là fan của các bộ phim tình cảm Hàn Quốc như Điều Ba Mẹ Không Kể (로망) do diễn viên Lee Soon Jae và Jung Young Sook đóng chính hay Một Thời Để Nhớ (내 머리 속의 지우개) do Son Ye Jin và Jung Woo Sung đóng chính chắc chắn bạn sẽ không còn xa lạ gì với căn bệnh bệnh Alzheimer. Cả hai bộ phim đều đã tái hiện hoàn hảo về những bệnh nhân mắc căn bệnh này và đã đem đến rất nhiều cảm xúc cho người xem khiến mỗi người không ngừng day dứt về căn bệnh Alzheimer.
Alzheimer là một bệnh thần kinh được điển hình bằng các triệu chứng suy giảm trí nhớ, rồi dần mất trí nhớ, không nhớ được bản thân mình và những người xung quanh. Bệnh thường gặp chủ yếu ở người già, tuy nhiên hiện nay cũng có xu hướng trẻ hóa dần, rất nhiều người trẻ cũng mắc bệnh này.
Nhiều người thường nhầm lẫn Alzheimer với chứng suy giảm trí nhớ ở người già tuy nhiên mức độ của Alzheimer thường cao hơn rất nhiều. Không chỉ mất trí nhớ, khả năng nhận thức, tư duy của người bệnh cũng suy giảm, xu hướng tính cách cũng dần thay đổi gây rất nhiều khó khăn cho người thân khi chăm sóc.
Alzheimer chính thức được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1906 do vị tiến sĩ Alois Alzheimer tìm ra khi ông nhận thấy có sự thay đổi bất thường mô não của một phụ nữ đã tử vong do bệnh thần kinh bất thường. Ở giai đoạn sớm bệnh tiến triển khá chậm, thường chỉ là hay quên nhưng càng về sau tốc độ tiến triển càng nhanh mà các biện pháp y khoa cũng không can thiệp được. Ở giai đoạn cuối người bệnh hầu như chỉ có thể nằm trên giường cho tới khi tất cả các cơ quan đều ngưng hoạt động.
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp để điều trị Alzheimer nên những người mắc bệnh phải sống cùng nó đến suốt đời. Tuy nhiên nếu được can thiệp sớm bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp để làm chậm tiến triển bệnh và giúp bệnh nhân có ngày tháng còn lại vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Còn rất nhiều bí ẩn lớn xoay quanh Alzheimer mà các nhà khoa học vẫn đang không ngừng tìm kiếm lời giải. Trong đó việc đâu là nguyên nhân gây bệnh hay vì sao bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở người già vẫn là một câu hỏi lớn còn đang bỏ ngỏ.
Các nghiên cứu về hình ảnh bộ não có thể cho thấy những bất thường tại đây ở những người mắc Alzheimer, cụ thể là những khối bất thường chính là các đám rối sợi thần kinh ( đám rối “tau”) cùng những mảng vón amyloid. Thông qua các nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng cơ chế gây bệnh có thể do các vấn đề sau
- “Tau” là một protein là một thành phần trong các ống truyền dưỡng chất đi nuôi các neuron thần kinh. Tuy nhiên sự rối loạn tại đây khiến chúng bị ứ đọng và tích tụ lại làm cản trở còn đường vận chuyển dưỡng chất đi đến các bộ phận khác trong não bộ và gây thoái hóa các sợi dây thần kinh
- Beta-amyloid cũng là một loại protein quan trọng trong não bộ. Bình thường các amyloid β này sẽ nằm trong bao mỡ màng của tế bào não, tuy nhiên vì một lý nào nào đó nó lại bị bong ra, vón lại và tạo thành những mảng keo trên não. Điều này cũng làm ngăn cản đường truyền dẫn của chất trung gian dẫn truyền thần kinh acetylcholin và làm trí nhớ, khả năng nhận thức của người bệnh dần suy giảm.
- Theo thời gian, quá trình lão hóa của cơ thể dẫn diễn ra ở khắp các cơ quan, bao gồm cả hệ thần kinh. Điều này có thể làm phá hủy các bao myelin ở các sợi thần kinh và cản trở quá trình dẫn truyền thần kinh, làm chết các tế bào thần kinh nên tình trạng suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ là điều không thể tránh khỏi
- Sự rối loạn trong quá trình oxy hóa cơ thể cũng sẽ khiến các protein beta-amyloid gây tổn thương cho não và gây bệnh.
Hệ thần kinh đóng vai trò chi phối các hoạt động khác của cơ thể, bao gồm cả lời nói hay hành động do đó sự tổn thương tại đây sẽ gây ra những hệ lụy tới các cơ quan khác. Ngoài ra bệnh Alzheimer thường có xu hướng gặp nhiều ở những đối tượng sau
- Người già trên 65 tuổi
- Người có tiền sử bệnh nền tiểu đường, huyết áp hay tăng cholesterol máu.
- Những người trong gia đình có tiền sử mắc Alzheimer, tuy chưa khẳng định hoàn toàn rằng bệnh có di truyền hay không nhưng thống kê cho thấy khi trong gia đình có người mắc bệnh thì đời con cháu cũng dễ mắc bệnh
- Người từng có tiền sử chấn thương não hoặc suy giảm nhận thức nhẹ
- Những người mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt người trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ rất cao
- Những người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, stress kéo dài
- Người ít vận động hoặc ít thực hiện các hoạt động liên quan đến kích thích trí não như đọc sách, chơi trò chơi giải đáp
- Người có chế độ ăn không lành mạnh, ít chất xơ
- Ngoài ra ở những người ít giao tiếp xã hội hay có mức độ giáo dục thấp thường cũng được đánh giá là có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Thống kê cũng cho thấy nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hẳn nam giới
Hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế gây bệnh sẽ giúp việc phòng tránh hay làm chậm nguy cơ tiến triển của bệnh đạt kết quả tốt nhất.
Triệu chứng bệnh Alzheimer
Ban đầu triệu chứng của bệnh Alzheimer chỉ là hay quên, chẳng hạn đột nhiên quên mất đường về nhà, đột nhiên không biết mình là ai. Tuy nhiên người bệnh hay chính những người trong gia đình thường chủ quan cho rằng đây là triệu chứng giảm trí nhớ thường gặp ở người già nên chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Alzheimer được chia làm 4 giai đoạn chính với các triệu chứng như sau
Giai đoạn trước khi khởi phát bệnh
- Bắt đầu cảm thấy quên quên nhớ nhớ, khó khăn trong việc nhớ lại quá khứ hay ghi nhận các sự việc hiện tại
- Khả năng suy nghĩ hay lập kế hoạch giảm
- Khó tập trung chú ý, thường có xu hướng thờ ơ, mơ hồ với những thứ xung quanh
- Khó khăn khi tư duy theo logic hay trừu tượng.
- Suy giảm nhận thức nhưng ở mức độ nhẹ
Giai đoạn nhẹ
- Tình trạng suy giảm, mất trí nhớ ngày càng tăng. Đôi khi người bệnh có thể đi chợ nhưng khi đến chợ lại không biết vì sao mình lại ở đây và trở nên hoảng loạn
- Khó hiểu được các sự việc tức thời, vì sao lại diễn ra như vậy
- Khả năng học hỏi và ghi nhớ rất kém
- Bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy giảm chức năng về ngôn ngữ. Chẳng hạn như thiếu vốn từ, không còn lưu loát khi nói, đang nói phải ngưng giữa chừng để suy nghĩ, sử dụng những từ ngữ hay cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh, khiến người khác không thể hiểu họ đang muốn nói gì, có thể phải viết ra để thể hiện ý kiến của bản thân nhưng cũng khó để bộc lộ chính xác ý muốn của mình
- Thay đổi thói quen, sở thích, tính cách. Một người có thể trở nên khó tính, dễ la hét hoặc trở nên hiền dịu hơn
- Bắt đầu quên những sự kiện trong quá khứ hay quên cách sử dụng một đồ dùng nào đó nhưng không thể dùng khả năng tư duy để tìm ra
- Có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác khi cử động, tuy nhiên thường triệu chứng này thường ít được những người xung quanh để ý
- Trở nên ngại giao tiếp với xã hội bởi lúc này người bệnh có thể mơ hồ nhận ra sự bất thường của mình
Giai đoạn khá nặng
- Người bệnh sẽ giảm dần khả năng vận động, khó có thể sinh hoạt một mình mà cần có người thân bên cạnh hỗ trợ
- Vấn đề suy giảm ngôn ngữ trầm trọng hơn, người bệnh nói năng lung tung, quên cả ý nghĩa của những từ vựng cơ bản nhất, khả năng đọc và viết cũng dần mất đi, người bệnh phải suy nghĩ rất lâu mới có thể tìm ra cụm từ muốn nói
- Dễ bị ngã do giảm dần khả năng phối hợp vận động
- Có thể đi vệ sinh, tắm rửa nơi đông người, ở giữa nhà do không còn nhận thức được điều này
- Không còn nhận ra được gia đình, những người xung quanh, không nhớ được địa chỉ nhà, đôi khi còn không nhớ được bản thân mình là ai
- Thường xuyên đi lang thang khắp nơi, tính khí trở nên hung hăng, khó tính hơn, không chịu sự chăm sóc của người thân vì cho rằng họ là người lạ. Giai đoạn này gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thích nghi và biết cách chăm sóc người bệnh.
- Người bệnh dần quên mất những gì mình vừa làm, chẳng hạn không nhớ vừa để điện thoại ở đâu và có thể cho rằng những người xung quanh lấy của mình, có thể trở nên kích động và đánh những người xung quanh
- Tình trạng thay đổi cảm xúc, tính khí thường xuất hiện lúc hoàng hôn
- Một số bệnh nhân có thể xuất hiện cả ảo giác
Giai đoạn cuối
- Lúc này người bệnh hầu như mất hoàn toàn chức năng vận động, có thể không đi lại được, mọi việc chăm sóc cơ thể đều phụ thuộc vào những người thân trong gia đình
- Chỉ nói được những từ đơn giản, rời rạc và cuối cùng mất đi cả khả năng nói
- Luôn nằm trên giường, cảm thấy kiệt sức, không còn quan tâm đến xung quanh
- Thoái hóa các tổ chức cơ khiến bệnh nhân không thể ăn uống, nói chuyện hay đi lại
- Có thể xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như loét do nằm lâu, viêm phổi, không hấp thụ được dinh dưỡng và tử vong
Bên cạnh đó một số triệu chứng điển hình khác của bệnh như mất định hướng, người bệnh khó khăn trong định hướng không gian, thời gian, thậm chí là bị lạc trong chính ngôi nhà của mình. Họ cũng không thể thực hiện các công việc quen thuộc hằng ngày như dọn dẹp nhà cửa, mất khả năng chăm sóc chính mình. Ngoài ra người bệnh cũng khó khăn trong việc đưa ra quyết định, luôn hoài nghi với những điều xung quanh.
Theo các bác sĩ, các giai đoạn sớm của bệnh diễn biến khá chậm nhưng khi tiến đến giai đoạn nặng có thể tiến triển nhanh hơn. Tuy nhiên nếu sớm có biện pháp can thiệp thời, bệnh nên có thể làm chậm quá trình phát bệnh và kéo dài cuộc sống trung bình từ 6- 10 năm.
Phương pháp chẩn đoán Alzheimer
Để xác định chính xác bệnh nhân có bị Alzheimer hay không, phòng tránh nguy cơ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, người bệnh sẽ được chỉ định kiểm tra tổng quát, xem xét tiền sử bệnh nền, tiền sử gia đình. Bởi các triệu chứng sa sút trí tuệ, giảm nhận thức hoàn toàn có thể do tuổi già hay các bệnh lý khác như trầm cảm, tim mạch, chảy máu não gây ra nên cần đảm bảo kiểm tra toàn diện để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.
Chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp tốt nhất để xác định những bất thường trong bộ não. Tuy nhiên chỉ khi bệnh diễn ra trên 6 tháng mới có thể đưa ra kết luận chuẩn xác nhất. Do đó nếu nghi ngờ bản thân hay gia đình mắc bệnh người bệnh nên tiến hành thăm khám định kỳ trở lại để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Tầm soát bệnh Alzheimer cũng được thực hiện tầm soát qua thang điểm MMSE (theo NICE 2011) như sau
- Bệnh Alzheimer nhẹ: MMSE 21 – 26
- Bệnh Alzheimer trung bình: MMSE 10 – 20
- Bệnh Alzheimer trung bình nặng: MMSE 10 – 14
- Bệnh Alzheimer nặng: MMSE dưới 10
Một số bài test tầm soát khác như (ADL- Activity of Daily Living), (IADL- Instrumental Activity of Daily Living), Mini-Cog và MoCA, đánh giá hành vi tâm thần cũng được yêu cần thực hiện nhằm đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác tuyệt đối.
Hướng điều trị bệnh Alzheimer
Như đã nói, Alzheimer hiện là bệnh chưa có thể điều trị được. Các biện pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát bệnh tạm thời, giúp bệnh tiến triển chậm hơn để người bệnh có đời sống ổn định hơn. Nếu các can thiệp có hiệu quả, người bệnh hoàn toàn có thể kéo dài cuộc sống từ 6- 10 năm nhưng không thể sống 1 mình và rất cần sự hỗ trợ từ những người thân.
Việc điều trị cho bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do người bệnh có thể mắc bệnh nền hay các biến chứng khác. Mặt khác một số người bệnh có thể từ chối điều trị vfa gia đình rất khó khăn trong việc giúp người bệnh uống thuốc nên cũng có thể làm bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu nhanh chóng.
1. Điều trị y khoa
Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc phù hợp để làm chậm tiến triển của bệnh. Những loại thuốc được chỉ định phổ biến như
- Nhóm thuốc giúp làm tiến triển bệnh: bác sĩ có thể chỉ định các thuốc ức chế cholinesterase và ức chế memantine để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thông qua tăng dẫn truyền synap thần kinh
- Các thuốc điều trị triệu chứng : các nhóm thuốc này sẽ giải quyết các triệu chứng kèm theo để người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Một số loại thuốc thường dùng như thuốc an thần, thuốc trầm cảm, chống thuốc loạn thần, thuốc ngủ với liều mạnh
- Các thực phẩm chức năng, viên uống hỗ trợ: nhằm giúp tăng cường trí não cho người dùng như hoạt huyết dưỡng não, Ginkgo biloba, Thiểu năng tuần hoàn máu não
- Nhóm thuốc điều trị bệnh nền và dự phòng biến chứng: nếu người bệnh có tiền sử tim mạch huyết áp cũng sẽ được chỉ định các loại thuốc cần thiết. Ngoài ra cũng dần điều trị dự phòng cho những bệnh nhân Alzheimer giai đoạn nặng để phòng tránh các biến chứng khi nằm liệt giường như viêm phổi, loét ..
Ngoài ra hiện nay các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều phương pháp mới trong điều trị bệnh Alzheimer để hỗ trợ cuộc sống của người bệnh ổn định hơn. Người bệnh nên tìm đến những bệnh viện lớn, có chuyên khoa về thần kinh, có nhiều bác sĩ giỏi đã từng điều trị Alzheimer để mang đến kết quả tốt nhất.
2. Điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer tại nhà
Quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer tại nhà cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Gia đình cần phải thực sự kiên trì trong quá trình chăm sóc bởi quá trình này sẽ vô cùng khó khăn. Cần luôn có một người coi sóc người bệnh ở nhà để tránh nguy cơ bệnh nhân đi lang thang, té ngã hay có các hành vi làm hại bản thân nhận thức suy giảm.
Để chăm sóc và điều trị cho bệnh Alzheimer tại nhà, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau
- Luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn với người bệnh, tránh la mắng, tức giận hay thể hiện thái độ khó chịu với bệnh nhân
- Tạo môi trường sống an toàn, nên để các vật dụng như dao, kéo hay những đồ có thể gây hại cho người bệnh ở xa tầm nhìn
- Nên chuẩn bị những từ note hoặc thêu thông tin của người bệnh nên quần áo, để trong ví để trong trường hợp người bệnh bị lạc gia đình có thể dễ dàng tìm kiếm
- Chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân một số hoạt động cơ bản thường ngày nếu người bệnh vẫn còn sinh hoạt được
- Trò chuyện, gợi nhớ người bệnh với thái độ vui vẻ, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh
- Có thể đưa người bệnh tham gia các hoạt động xã hội nơi đông người để giúp người bệnh vui vẻ và thoải mái hơn
- Cùng người bệnh luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe và cũng rất tốt trí não, người người già có thể tham gia thiền và dưỡng sinh
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh, đặc biệt là các chất xơ trong rau củ và các loại trái cây, các thực phẩm vitamin E, vitamin C, axit folic, rất tốt cho trí não
- Tránh xa các chất kích thích, bia rượu, thuốc lá và các chất độc hại khác
- Đọc sách hay kể chuyện cho người bệnh hằng ngày, thực hiện trò chơi kích thích trí não cũng giúp ích rất nhiều cho người bệnh
- Với những người bệnh ở những giai đoạn cuối không thể di chuyển hay hoạt động, gia đình vẫn cần vệ sinh cơ thể, thay đổi dáng nằm hay ngồi để tránh nguy cơ bị loét da. Ngoài ra nếu có điều kiện có thể dùng xe lăn để đưa người bệnh ra ngoài và hít thở không khí nhiều hơn
Gia đình nên trao đổi với bác sĩ nhiều hơn để biết cách chăm sóc bệnh nhân hiệu quả nhất. Ngoài ra hiện nay cũng có một số dịch vụ, cơ sở chăm sóc người bệnh Alzheimer cuối đời, gia đình có thể tham khảo tìm kiếm để bệnh nhân có những ngày tháng cuối đời an yên, hạnh phúc nhất.
Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Do chưa thể khẳng định hoàn toàn về tác nhân gây bệnh nên việc phòng tránh bệnh hiện nay cũng gặp một số những khó khăn. Tuy nhiên nếu có các biện pháp chăm sóc phù hợp, giúp nâng cao tinh thần, trí não từ sớm thì hoàn toàn có thể hạn chế được tối đa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau
- Tăng cường chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung rau xanh và các loại trái cây ngay từ sớm. Nên sớm loại bỏ chế độ ăn uống kém lành mạnh như lạm dụng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích càng sớm càng tốt
- Thực hiện các biện pháp kích thích trí não từ sớm như đọc sách, cập nhật tin tức thường xuyên, chơi những trò chơi giúp giải độc giúp kích thích trí não
- Tạo thói quen ghi chép lại những thông tin quan trọng để phòng khi quên có thể đọc lại
- luôn không ngừng tìm kiếm những điều mới lạ để cho trí não luôn không ngừng được học tập
- Giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, thoải mái, tránh tình trạng stress căng thẳng kéo dài
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt các bộ môn như đi bộ, bơi lội hay leo núi đều rất tốt cho trí não
- Nên gặp gỡ và nói chuyện nhiều hơn với mọi người
- Tham gia các chương trình tình nguyện cũng rất tốt cho tình thần và giảm được nguy cơ mắc bệnh
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là các vitamin E, omega3, vitamin B12 và axit folic có trong rau củ và các loại trái cây..
- Giảm lượng đường, các đồ ăn mặn, đồ ăn cay nóng, đồ ăn công nghiệp, tránh xa rượu bia và các chất kích khác
- Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày, tránh tình tình trạng mất ngủ kéo dài rất có hại cho não bộ
Trên đây là những chia sẻ về chứng bệnh Alzheimer, hy vọng đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Tỷ lệ mắc bệnh này đang ngày càng tăng cao nên mỗi người cần sớm thay đổi lối sống lành mạnh hơn cho bản thân và những người trong gia đình để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng sợ bị người khác nhìn: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng ám ảnh tình yêu: Nguyên nhân, biểu hiện và hướng điều trị
- Hội chứng sợ đám đông là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!