Bệnh hoang tưởng có chữa được không? Có tự khỏi không?
Hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần thường gặp ở các đối tượng trung niên hoặc người cao tuổi. Nó có thể gây ra rất nhiều các ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và đời sống của người bệnh. Vì thế, nhiều người cũng luôn tự đặt ra câu hỏi rằng “Liệu bệnh hoang tưởng có chữa được không? Có tự khỏi không?”.
Tìm hiểu sơ lược về bệnh hoang tưởng
Bệnh hoang tưởng hay còn được nhiều người gọi là bệnh thần kinh hoang tưởng hoặc bệnh tâm thần hoang tưởng, tên tiếng anh là Paranoid Personality Disorder. Hoang tưởng được hiểu là một niềm tin mãnh liệt, bền vững về một vấn đề, sự việc sai lầm nào đó mà người bệnh cho rằng nó hoàn toàn đúng.
Sự sai lệch này sẽ biểu hiện một cách nặng nề đến mức mà bạn không thể sử dụng lý lẻ hoặc bất kì bằng chứng nào để giải thích về điều đó. Trong thực tế, người bệnh không thể tự kiểm soát được cảm xúc, nhận thức của mình, họ hoàn toàn mất khả năng suy luận, phán đoán về các hành vi của bản thân.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, quá trình hình thành chứng hoang tưởng rất phức tạp, nó có mối liên hệ mật thiết đối với các chứng rối loạn tâm thần. Hoang tưởng thường sẽ duy trì và kéo dài dai dẳng, thậm chí nó có thể làm biến đổi nhân cách của bệnh nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động tâm thần khác.
Một số dạng hoang tưởng thường gặp như:
- Hoang tưởng ghen tuông
- Hoang tưởng bị hại
- Hoang tưởng tự cao
- Hoang tưởng do rượu
- Hoang tưởng dạng cơ thể
- Hoang tưởng được yêu
Bệnh hoang tưởng có nguy hiểm không?
So với các chứng bệnh loạn thần khác, thì bệnh hoang tưởng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các chức năng xã hội của người bệnh. Các triệu chứng bệnh có thể khởi phát kéo dài nhưng cũng có trường hợp chỉ tồn tại trong một thời điểm nhất định. Sau các cơn hoang tưởng người bệnh vẫn sẽ duy trì công việc, các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu các suy nghĩ sai lệch, bất thường về cuộc sống vẫn tiếp tục kéo dài và không có biện pháp khắc phục phù hợp sẽ làm chất lượng cuộc sống dần bị suy giảm. Lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức, tính cách của người bệnh.
Một số tác động tiêu cực mà chứng bệnh hoang tưởng có thể gây ra như:
- Bị hạn chế về cơ hội tìm kiếm việc làm, rất khó phát triển bản thân cũng như tham gia vào các hoạt động nhóm, tập thể.
- Nguy cơ gia tăng các xung đột, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp dễ bị rạn nứt do người bệnh luôn có những suy nghĩ, nhận xét khác thường đối với những người xung quanh.
- Nếu những niềm tin sai lệch không được điều chỉnh hoặc có ai đó phản bác và không đồng tình với ý kiến của người bệnh thì họ sẽ dễ tức giận, thậm chí là thực hiện các hành vi gây hại, phạm tội. Thông thường, những người bệnh hoang tưởng có nhiều khả năng phạm phải các tội như bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, hành hung, xâm phạm đời sống cá nhân, giết người,…
- Người bệnh dễ mất kiểm soát, hình thành các ý nghĩ tiêu cực, thực hiện những hành vi sát hại người khác.
Những hậu quả mà bệnh hoang tưởng gây ra đôi khi nằm ngoài dự đoán của bạn. Do đó, cần phải tìm hiểu và nắm rõ một số kiến thức cơ bản về căn bệnh này để có thể kịp thời phát hiện và tiến hành can thiệp đúng cách.
Bệnh hoang tưởng có tự khỏi không? Có chữa được không?
Bệnh hoang tưởng có chữa được không? Có tự khỏi không? là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Theo nhận định của các chuyên gia thì khả năng chữa khỏi của bệnh còn phải tùy thuộc nhiều vào từng đối tượng, dạng hoang tưởng mà người đó mắc phải cũng như hoàn cảnh sống của mỗi người. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ người thân, xã hội và sự kiên trì, ý chí nỗ lực của người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh.
Thực tế thì bệnh hoang tưởng được xếp vào các dạng bệnh mãn tính, tuy nhiên khi được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp thì các triệu chứng của bệnh vẫn có khả năng thuyên giảm đáng kể. Một vài người có thể phục hồi hoàn toàn sức khỏe, một số trường hợp khác chỉ thuyên giảm, các cơn ảo giác vẫn xuất hiện nhưng biểu thị ở mức độ nhẹ nhàng hơn.
Theo các tài liệu thống kê nhận thấy rằng, bắt đầu từ những năm 1970 các loại thuốc loạn thần đã được áp dụng điều trị. Từ năm 1965 đến năm 1985, đã có hơn 1000 ca mắc bệnh hoang tưởng được điều trị thành công. Trong một bài phân tích chuyên khoa có khoảng 257 ca được mô tả chi tiết và cụ thể cho thấy chứng bệnh hoang tưởng có tiên lượng rất tốt khi chúng được áp dụng liệu pháp điều trị đúng đắn.
Trong kết quả của một cuộc báo cáo dựa trên dữ liệu của 224 ca bệnh, trong đó có 134 ca bệnh được mô tả. Nhận thấy có hơn 52% các bệnh nhân hoang tưởng đã phục hồi sức khỏe hoàn toàn, hơn 28% người bệnh phục hồi được một phần và có khoảng 19% bệnh nhân không thể cải thiện tốt tình trạng sức khỏe tâm thần.
Theo đó, trong một vài cuộc báo cáo chuyên khoa nhận thấy chứng hoang tưởng có khả năng đáp ứng trung bình với các phác đồ điều trị. Có khoảng hơn một nửa trong tổng số người bệnh phục hồi sức khỏe, hoàn toàn không để lại các triệu chứng và có gần 90% các trường hợp người bệnh có sự cải thiện tốt trong thời gian điều trị.
Tuy nhiên, một điều khó khăn đó chính là hầu hết người bệnh hoang tưởng đều không chấp nhận tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm thần. Họ luôn cho rằng bản thân không có bất kì vấn đề gì và đôi lúc kích động, giận dữ, cáu gắt khi bị người khác phán xét. Do đó, rất nhiều các trường hợp người bệnh không chịu tuân thủ đúng phác đồ điều trị, khiến cho quá trình chữa bệnh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Làm sao để chẩn đoán bệnh hoang tưởng?
Cũng giống như các bệnh rối loạn tâm thần khác, bệnh hoang tưởng chủ yếu sẽ được chẩn đoán thông qua việc thăm khám và khai thác thông tin từ người bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ trực tiếp trao đổi và hỏi bệnh nhân, đồng thời sẽ tìm hiểu thêm thông tin từ người thân của họ.
Các thông tin cần khai thác gồm:
- Những nội dung mà người bệnh thường suy nghĩ đến, các niềm tin bất thường của họ mà người khác không thể nào tác động hoặc thay đổi được.
- So sánh các niềm tin của họ đối với tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa.
- Khai thác cụ thể về tiền sử bệnh lý, sử dụng các chất, chấn thương.
- Đánh giá về các triệu chứng đi kèm như cảm xúc, ảo giác, khí sắc, hành vi khác thường.
Sau khi tiến hành thăm khám và khai thác đầy đủ thông tin, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ tốt cho quá trình chẩn đoán như:
- MRI sọ não.
- CT Scan sọ não.
- Điện não đồ.
- Điện tim, siêu âm tim.
- Đường máu, công thức máu.
- Test chất ma túy trong máu.
Thông qua các bước thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm hỗ trợ thì bác sĩ sẽ chẩn đoán về triệu chứng hoang tưởng. Bên cạnh đó cũng sẽ xác định cụ thể về bệnh lý gây ra những triệu chứng của bệnh.
Điều trị bệnh hoang tưởng thế nào?
Trong thực tế các triệu chứng của bệnh hoang tưởng rất thường gặp, ai cũng có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này. Bệnh có thể chữa khỏi, người bệnh hoàn toàn có thể quay lại nhịp sống bình thường nếu có thể điều trị tích cực, toàn diện và kiên trì trong thời gian nhất định.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, dạng bệnh hoang tưởng và mức độ nghiêm trọng của mỗi người mà các bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Thông thường các trường hợp bệnh hoang tưởng sẽ được ưu tiên áp dụng các biện pháp sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị là phương pháp được ưu tiên áp dụng nhiều đối với các bệnh nhân bị bệnh hoang tưởng. Các loại thuốc chống loạn thần sẽ mang lại kết quả tốt, giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng bất thường của bệnh, đồng thời giúp họ có thể đối phó tốt với các căng thẳng có liên quan đến ảo giác.
Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng có hơn 50% các trường hợp người bệnh hoang tưởng điều trị với thuốc chống loạn thần mang lại kết quả tích cực cho tình trạng bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hoặc những ai có hành vi tự sát, làm hại những người xung quanh sẽ cần được nhập viện theo dõi cho đến khi tâm trạng ổn định trở lại.
Một số loại thuốc thường được chỉ định sử dụng cho người bệnh hoang tưởng như:
- Thuốc chống loạn thần điển hình: Các loại thuốc này đã được áp dụng để điều trị cho những trường hợp rối loạn thần kinh và đạt được kết quả rất tốt. Chúng hoạt động theo cách khóa những thụ thể dopamine trên não bộ. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng có sự liên quan mật thiết đối với quá trình hình thành các ảo giác.
- Thuốc chống loạn thần không điển hình: Các loại thuốc thế hệ mới mang đến hiệu quả vượt trội trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh hoang tưởng. Nó sẽ có ít tác dụng phụ hơn so với những loại thuốc chống loạn thần điển hình. Nhóm thuốc này cũng có khả năng khóa thụ thể dopamine cùng serotonin ở não bộ. Hai loại chất dẫn truyền này có liên quan đến bệnh hoang tưởng.
- Một số loại thuốc khác: Các loại thuốc chống trầm cảm và Tranquilizers cũng có thể được cân nhắc sử dụng trong các trường hợp điều trị bệnh hoang tưởng. Giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng, kiểm soát tốt các dấu hiệu bất ổn về tâm lý, những vấn đề về chất lượng giấc ngủ.
Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ dựa vào từng trường hợp để kê đơn thuốc phù hợp cho người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo các chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian để quá trình cải thiện được diễn ra thuận lợi.
2. Cải thiện bệnh bằng phương pháp tâm lý
Hầu hết các loại bệnh rối loạn tâm thần đều rất cần đến sự can thiệp tâm lý, nhất là những trường hợp mắc bệnh hoang tưởng. Các bệnh lý xuất phát từ căn nguyên tâm lý thì cần phải được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý mới có thể đẩy lùi bệnh hoàn toàn.
Tại hầu hết các bệnh viện tâm thần, liệu pháp tâm lý luôn được coi trọng và ưu tiên áp dụng để cải thiện sức khỏe cho từng bệnh nhân. Một số tác động tâm lý trực tiếp sẽ được thực hiện dựa vào các liệu pháp như ám thị, giải thích hợp lý,…
Còn các tác động tâm lý gián tiếp đó là những mô hình tiến bộ của bệnh viện ở các buồng phục hồi chức năng, buồng bệnh để người bệnh có thể cảm nhận sự thoải mái, không tạo cảm giác gò bó, giam giữ hoặc xa cách với xã hội.
Sau khi được trị liệu tâm lý, người bệnh hoang tưởng sẽ phần nào nhận thức được những niềm tin, suy nghĩ sai lệch của bản thân. Nhờ đó họ cũng biết cách điều chỉnh và khắc phục chúng hiệu quả hơn. Đồng thời các chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh nâng cao các kỹ năng cần thiết để hòa nhập tốt với nhịp sống bình thường.
3. Phương pháp lao động
Lao động cũng là một trong các phương pháp điều trị có tác dụng tốt đối với người bệnh hoang tưởng. Nếu bệnh nhân không được hướng dẫn lao động đúng cách sẽ có nhiều nguy cơ bị cô lập ở thế giới riêng, trở nên tự kỷ và mau chóng rơi vào trạng thái trầm cảm, sa sút tâm thần.
Đây cũng được xem là một trong các liệu pháp cơ bản và cần thiết để người bệnh có thể tái thích ứng tốt đối với xã hội. Chỉ khi họ lao động có tổ chức thì mới có khả năng kết nối và gắn kết tốt với xã hội.
Các chuyên gia cho biết rằng, khi lao động sẽ vận động hết mọi khả năng hoạt động thần kinh của bệnh nhân, đòi hỏi họ phải tập trung và tăng cường ý chí, đồng thời phát huy sáng kiến để có thể tạo ra một sản phẩm giá trị. Bên cạnh đó, trong quá trình lao động người bệnh cũng sẽ loại bỏ tốt các triệu chứng, suy nghĩ, niềm tin sai lệch, giảm bớt căng thẳng, áp lực.
Như vậy, bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Người bệnh hoang tưởng có chữa khỏi không? Có tự hết không?”. Người bệnh cần phải được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Nếu có thể áp dụng tích cực các biện pháp điều trị đúng đắn thì tình trạng bệnh có thể được phục hồi hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
- Rối Loạn Hoang Tưởng Tự Cao (Bệnh Vĩ Cuồng): Biểu Hiện Và Khắc Phục
- Bệnh Ghen Tuông Hoang Tưởng: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Khắc Phục
- Rối Loạn Nhân Cách Dạng Đa Nghi Và Những Điều Cần Biết
Bài viết rất hay. Tôi có người thân bị hoang tưởng, nhưng chưa thể thuyết phục cháu đi khám chữa trị.
Không biết phải làm sao?
Rất mong được tư vấn hỗ trợ
Chào bạn, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Trung tâm đã gửi thông tin phản hồi về email cho bạn. Nếu bạn cần gấp, bạn có thể gọi cho chúng tôi theo hotline: 096 589 8008 hoặc để lại tin nhắn tại đây: https://tamlytrilieunhc.vn/dat-lich-hen Chúc bạn cuối tuần tốt lành!