Sạch sẽ quá mức là bệnh gì? Có tốt không?
Ám ảnh quá mức về việc phải giữ cơ thể, không gian sống sạch sẽ có thể là dấu hiệu của hội chứng sạch sẽ quá mức. Đây là một dạng nhỏ của rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD.
Bệnh sạch sẽ quá mức là gì?
Sạch sẽ là thói quen tốt giúp bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, sạch sẽ quá mức đi kèm với cảm giác khó chịu, bứt rứt là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
OCD là một dạng rối loạn lo âu thường gặp. Đặc trưng của hội chứng này là sự lo lắng thái quá gây ra bởi những ý nghĩ cưỡng chế. Bệnh sạch sẽ quá mức là một dạng OCD điển hình.
Bệnh nhân bị ám ảnh bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ. Họ vệ sinh nhà cửa thường xuyên, hay sát trùng, rửa tay. Thậm chí, da tay có thể bị khô và bong tróc do tiếp xúc thường xuyên với cồn và xà phòng.
Người bệnh cảm thấy đau khổ, khó chịu, khi nhìn thấy bụi bẩn trên đồ vật hay nhà cửa. Họ cũng lo sợ về việc bản thân bị nhiễm vi trùng, nấm men,…
Sự ám ảnh này gây ra cảm giác lo âu, sợ hãi và căng thẳng tột độ. Bệnh nhân bị thôi thúc thực hiện các hành vi tẩy sạch mọi thứ để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Biểu hiện của hội chứng sạch sẽ quá mức
Một số biểu hiện của hội chứng cuồng sạch sẽ bao gồm:
- Vệ sinh nhà cửa quá mức
- Thường xuyên lau chùi mặt bàn, sàn nhà và các vật dụng
- Ăn mặc đơn giản nhưng quần áo tươm tất, sạch sẽ
- Bị ám ảnh quá mức về việc bản thân bị nhiễm vi khuẩn từ các vật dụng công cộng
- Luôn lau chùi những vật dụng công cộng trước khi chạm vào
- Rửa tay nhiều lần khiến da bị bong tróc
- Có cảm giác bức bối, khó chịu khi không gian sống bị bám bụi
- Cảm thấy khó chịu, thậm chí nổi nóng khi người khác làm bẩn đồ dùng
Vì tính cách khá “dị thường” nên những người mắc hội chứng sạch sẽ quá mức khó có các mối quan hệ thân thiết với bạn bè, đồng nghiệp và ngại yêu đương.
Thậm chí một số người còn bị ám ảnh sẽ bị lây bệnh khi có những hành vi thân mật với người khác.
Nguyên nhân gây ra bệnh sạch sẽ quá mức
Đến nay nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) nói chung, và bệnh sạch sẽ quá mức vẫn chưa được xác định.
Tuy nhiên theo một số nghiên cứu, bệnh lý này thường có liên quan đến những yếu tố sau:
1. Do tế bào thần kinh interneurons
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Yale – Mỹ cho thấy, tế bào thần kinh interneurons có liên quan đến hiện tượng OCD.
Dù nghiên cứu chỉ mới dừng ở mức sơ bộ nhưng cũng cho thấy vai trò của não bộ trong cơ chế bệnh sinh của OCD, hay cụ thể hơn là hội chứng sạch sẽ quá mức.
2. Yếu tố di truyền
Di truyền là yếu tố luôn góp mặt vào cơ chế bệnh sinh của các rối loạn tâm thần, bao gồm cả rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD.
Những người có người thân mắc hội chứng sạch sẽ quá mức đều có nguy cơ cao mắc hội chứng này. Nguyên nhân có thể do di truyền đặc điểm tính cách, và cách thức hoạt động của các cơ quan bên trong não bộ.
3. Mất cân bằng các yếu tố nội sinh
Các yếu tố nội sinh chi phối hoạt động não bộ và các cơ quan trong cơ thể. Ở người bị bệnh sạch sẽ quá mức, hàm lượng và hoạt động của serotonin có biểu hiện bất thường.
Ngoài ra, mất cân bằng các yếu tố nội sinh như serotonin, dopamin,… cũng gặp ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt, trầm cảm và rối loạn lo âu.
4. Yếu tố môi trường
Những tác động từ môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sạch sẽ quá mức, ví dụ:
- Bị lạm dụng tình dục, thể chất trong thời thơ ấu
- Bị bắt cóc, nhốt ở nơi dơ bẩn, tắm tối
- Sang chấn tâm lý liên quan đến vi khuẩn, bụi bẩn
- Chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng
- Nhìn thấy người thân chết do bệnh
Xem thêm: Trẻ Bị Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế Cha Mẹ Nên Làm Gì?
Sạch sẽ quá mức có ảnh hưởng gì không?
Nếu sạch sẽ quá mức được chẩn đoán là bệnh lý, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề liên qua đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Đầu tiên, những hành vi như rửa tay nhiều lần, sắp xếp đồ đạc và nhà cửa thường xuyên, sẽ tiêu tốn thời gian vô ích. Sự ám ảnh và sợ hãi quá mức cũng làm giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc.
Thậm chí, không ít người phải đối mặt với sự đau khổ và bứt rứt khi nhận thấy bản thân có những hành vi thừa thãi, không cần thiết nhưng không có cách nào có thể kiểm soát.
Tình trạng này kéo dài làm gia tăng nguy cơ stress (căng thẳng thần kinh), rối loạn lo âu và trầm cảm.
Ngoài những ảnh hưởng trên, sạch sẽ quá mức cũng khiến cho người bệnh khó có được những mối quan hệ thân thiết, khó khăn khi tìm kiếm bạn đời.
Họ cũng khó hòa nhập và có xu hướng tự cô lập. Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, người bệnh có thể đau khổ sâu sắc, và lựa chọn hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
Cách điều trị bệnh sạch sẽ quá mức
Các triệu chứng do hội chứng này gây ra có thể giảm đi đáng kể nếu được điều trị tích cực và đúng cách. Các liệu pháp điều trị bệnh sạch sẽ quá mức thông dụng bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có thể cải thiện một số triệu chứng của bệnh sạch sẽ quá mức. Ngoài ra, thuốc cũng giúp giảm cảm giác đau khổ, lo âu và trầm cảm ở một số trường hợp.
Các loại thuốc được sử dụng khi điều trị hội chứng sạch sẽ quá mức:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs là thuốc thông dụng để điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu sợ xã hội,… Các loại thuốc SSRIs phổ biến bao gồm: Sertraline, Citalopram, Fluoxetine,…
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA): Khi SSRIs không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Những loại thuốc thường gặp là Amitriptyline và Clomipramin
- Thuốc điều chỉnh khí sắc: Thuốc điều chỉnh khí sắc (thuốc chống loạn thần) được sử dụng khi hội chứng sạch sẽ quá mức khiến người bệnh kích động, tức giận và không thể kiểm soát cảm xúc. Bác sĩ thường kê Olanzapine, Risperidone, Clonazepam và Lithium cho người bệnh
SSRIs là lựa chọn ưu tiên vì tương đối an toàn và ít tác dụng phụ nên được chỉ định sử dụng lâu dài. Những loại thuốc khác chỉ được dùng ngắn hạn để đảm bảo an toàn.
2. Trị liệu tâm lý
Ngoài sử dụng thuốc, người mắc hội chứng sạch sẽ quá mức phải can thiệp đồng thời với trị liệu tâm lý. Đây là phương pháp hiệu quả với người bị ám ảnh sạch sẽ quá mức.
Với bệnh lý này, hai phương pháp được áp dụng phổ biến là liệu pháp hành vi – nhận thức, và liệu pháp tiếp xúc. Các chuyên gia tâm lý sẽ nói chuyện, hoặc cho bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố gây ám ảnh.
Mục tiêu của trị liệu tâm lý đối với người bị ám ảnh cưỡng chế là giúp giảm các suy nghĩ tiêu cực, giúp người bệnh đánh giá khách quan mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao khi điều trị bệnh sạch sẽ quá mức
Đa phần bệnh nhân được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý đều có đáp ứng tốt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nặng phải tiến hành sốc điện và phẫu thuật cắt bỏ bó liên hợp khứu hải mã.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu về hội chứng sạch sẽ quá mức. Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh lý này, mọi người tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Có thể bạn quan tâm
- Bài Quiz Test Phát Hiện Rối Loạn Ám ảnh Cưỡng Chế Đơn Giản
- Hội chứng ám ảnh cân nặng (sợ tăng cân): Nguyên nhân và cách xử lý
- Cách chung sống với căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Trị liệu thành công rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) tại Tâm lý NHC Việt Nam
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!