Cha mẹ thường xuyên cãi nhau – Ảnh hưởng đến tâm lý trẻ
Các chuyên gia cho biết rằng, cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ nhỏ. Vì thế, cha mẹ cần phải ý thức được vai trò quan trọng của mình để tìm cách giải quyết tốt các xung quanh, tránh mâu thuẫn kéo dài khiến con cái phải chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần.
Cha mẹ cãi nhau thường xuyên làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ?
Cuộc sống hôn nhân dù bình yên, hạnh phúc đến đâu cũng sẽ có đôi lúc xảy ra những mâu thuẫn, bất hòa giữa vợ chồng. Tuy nhiên, nếu những xung đột, cãi vã không được sớm giải quyết và thường xuyên xảy ra thực sự sẽ trở thành vấn đề lớn, đặc biệt là gây ra nhiều tổn thương đến tinh thần của con cái.
Vậy tại sao cha mẹ thường xuyên cãi nhau lại gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ? Theo nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị tác động tiêu cực về cảm xúc, tâm lý, tình cảm khi phải chứng kiến những cuộc tranh cãi gay gắt của cha mẹ.
Trong một vài nghiên cứu và khảo sát khác còn cho biết rằng, không chỉ trẻ nhỏ và ngay cả những trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi dù đã có đủ nhận thức, suy nghĩ riêng nhưng cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu khi cha mẹ liên tục bất hòa. Trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề hôn nhân, gia đình.
Điều này có thể chứng tỏ rằng, bất kì lứa tuổi nào, từ những trẻ sơ sinh cho đến trẻ đã trưởng thành khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, mâu thuẫn cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều. Theo chia sẻ của các chuyên gia sức khỏe tâm lý thì các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với trẻ nhỏ bởi những lý do như:
1. Trẻ cảm bất bất an, cô đơn
Rất nhiều trẻ em từng chia sẻ rằng bản thân cảm thấy cô đơn và vô cùng bất an trong chính ngôi nhà, mái ấm của mình. Khi trẻ phải liên tục nhìn thấy cảnh cha mẹ cãi nhau, bất hòa sẽ tạo cảm giác thiếu an toàn, trẻ luôn phải đối diện với những câu hỏi như “Khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc”, “Cha mẹ có ly hôn không?”, “Mình có bị bỏ rơi không?”.
2. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị rạn nứt
Những cuộc tranh cãi, chửi bới cứ liên tục diễn ra khiến cho tâm trạng cha mẹ luôn căng thẳng, mệt mỏi. Điều này khiến họ dần trở nên xa cách và không còn dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và yêu thương con cái, từ đó mối quan hệ giữa họ dần trở nên xa cách. Trẻ sẽ dần chìm trong thế giới riêng của mình, không còn vui vẻ, năng động và muốn thổ lộ mong muốn của mình với những người xung quanh, nhất là cha mẹ.
3. Không khí gia đình ngột ngạt
Chắc hẳn nếu một gia đình thường xuyên có những cuộc tranh cãi, mâu thuẫn thì không khí sẽ trở nên tù túng, ngột ngạt và vô cùng căng thẳng. Khi trẻ sống trong môi trường này sẽ dần bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, thậm chí nó còn làm cản trở lớn đến sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ.
Những hậu quả khôn lường khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái
Tình trạng tâm lý của trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nếu sống cùng gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã đã được nghiên cứu và chứng minh qua rất nhiều các tài liệu chuyên khoa. Các chuyên gia nhận thấy rằng dù là những đứa trẻ sơ sinh, 6 tháng tuổi khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau cũng sẽ cảm thấy căng thẳng, nhịp tim tăng nhanh.
Tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà trẻ sẽ phải gánh chịu các tác động tiêu cực riêng biệt. Thông thường:
- Đối với trẻ sơ sinh sẽ gặp phải khó khăn trong giấc ngủ, gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển não trong giai đoạn đầu của trẻ.
- Đối với trẻ cấp tiểu học thì dễ bị u uất, chán nản, buồn rầu làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, kết quả học bị giảm đi đáng kể.
- Đối với những trẻ lớn hơn, tuổi dậy thì sẽ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân.
Nhiều bậc phụ huynh lo sợ rằng nếu cha mẹ ly hôn sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và tương lai của con cái nên luôn cố gắng níu kéo, gìn giữ mối quan hệ dù cho nó đã trở nên lạnh nhạt, xa cách. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu được thực hiện cho biết rằng, thực chất ly hôn không hẳn là vấn đề gây ám ảnh chủ yếu đối với trẻ nhỏ.
Thực tế cho thấy, do trước, sau hoặc trong quá trình ly hôn cha mẹ thường xuyên tranh cãi, mâu thuẫn, bất hòa khiến cho trẻ phải chịu nhiều sự tổn thương. Sau đây là một số hậu quả, ảnh hưởng tâm lý mà con cái phải gánh chịu khi cha mẹ thường xuyên tranh cãi với nhau.
1. Trẻ bị suy giảm nhận thức
Nhận thức của trẻ sẽ dần bị suy giảm khi liên tục chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, cãi vã, mâu thuẫn với nhau. Điều này cũng đã được chứng minh cụ thể trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2013. Kết quả được công bố trực tiếp trên trang Phát triển trẻ em nhận thấy rằng căng thẳng, lo lắng có liên quan đến cuộc xung đột gia đình sẽ khiến cho trẻ nhỏ dần bị giảm hiệu suất nhận thức, không đủ khả năng để nhìn nhận, đánh giá mọi thứ xung quanh.
Tùy vào độ tuổi, tính cách và kinh nghiệm sống của mỗi trẻ mà các ảnh hưởng về nhận thức sẽ được biểu hiện khác nhau. Thông thường khi sống trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên bất hòa trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh và kiểm soát sự chú ý của mình, không thể cân bằng trạng thái tâm lý ở mức ổn định. Từ đó, trẻ không còn đủ khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, gặp khó khăn khi tiếp thu các thông tin mới.
2. Trẻ trở nên hung hăng, chống đối
Trẻ sẽ gia tăng nguy cơ thù địch, chống đối, hung hăng nếu liên tục nhìn thấy cảnh cha mẹ cãi nhau, thậm chí là bạo lực. Khi cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi với nhau trước mặt con cái sẽ khiến cho trẻ mặc định rằng cãi nhau chính là cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề.
Cũng chính vì thế mà trẻ nhỏ sẽ có nhiều xu hướng muốn bắt chước cha mẹ và tự giải quyết các vấn đề cá nhân của bản thân bằng việc liên tục tranh cãi, đánh nhau. Các hành vi kích động, hung hăng, chống đối này có thể khiến cho trẻ gặp phải nhiều rắc rối trong việc kết nối bạn bè, ảnh hưởng đến việc giao tiếp, học tập tại trường lớp.
3. Nguy cơ trầm cảm cao
Những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm sẽ có tâm lý buồn chán, u sầu. Nhiều trẻ không biết tâm sự, chia sẻ với ai dẫn đến tình trạng thu mình, sống khép kín và dần xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực. Nếu không sớm được phát hiện và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp thì nhiều nguy cơ sẽ phát triển thành các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm hơn, phổ biến là trầm cảm.
Một nhóm nghiên cứu của Trường đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành tìm hiểu dựa trên 238 người ở độ tuổi từ 15 đến 18. Những người tham gia sẽ được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra nhằm đánh giá về khả năng xử lý và giải quyết các thông tin có liên quan đến cảm xúc.
Những người có kết quả kiểm tra thấp sau khi thực hiện bài kiểm tra này sẽ có nhiều nguy cơ mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm cao gấp 4 lần so với những người bình thường. Theo đó, các chuyên gia tiếp tục phỏng vấn họ và nhận thầy những người này thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ mâu thuẫn, tranh chấp, bất hòa trong một khoảng thời gian dài trước khi họ 6 tuổi, tối thiểu là 6 tháng.
4. Nhiều xu hướng lạm dụng chất kích thích
Như đã chia sẻ ở trên, việc cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ nhỏ. Trẻ sẽ bị căng thẳng, trầm cảm, u buồn và dễ hình thành các hành vi, thói quen tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống. Đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi dậy thì rất nhạy cảm, trẻ sẽ không biết cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực nên có nhiều xu hướng sẽ lạm dụng các chất kích thích độc hại.
Trong một vài nghiên cứu nhận thấy rằng, những đứa trẻ phải sống cùng một gia đình thường xuyên xung đột, cha mẹ luôn bất hòa, thậm chí là đánh nhau thì sẽ làm gia tăng tỉ lệ uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy ở trẻ. Các chuyên gia lý giải rằng khi cha mẹ xung đột liên tục sẽ không có nhiều thời gian quan tâm đến con, làm trẻ bị thiếu hụt tình thương, thiếu người đồng hành nên sẽ có nhiều khả năng sa lầy vào các tệ nạn xã hội.
5. Có những cái nhìn tiêu cực về cuộc sống
Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, những suy nghĩ tiêu cực của trẻ về cuộc sống đa phần chịu ảnh hưởng bởi môi trường nuôi dưỡng, sinh hoạt hàng ngày. Trẻ nhỏ sẽ bị tác động rất nhiều từ cha mẹ, những người thân trong gia đình. Vì thế nếu liên tục nhìn thấy cảnh cha mẹ mâu thuẫn, bất hòa sẽ khiến cho trẻ có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, đặc biệt là hôn nhân.
Hơn thế, một số trường hợp trẻ cũng có thể nhìn nhận, đánh giá bản thân một cách sai lệch. Nhiều trẻ cho rằng do mình không tốt, không hoàn hảo, không giỏi giang nên cha mẹ mới bất hòa, không còn muốn chung sống cùng nhau.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Thanh thiếu niên và vị thành niên” vào năm 2012 nhận thấy, trẻ em khi chứng kiến cha mẹ đánh nhau, cãi nhau liên tục sẽ có lòng tự trọng thấp. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về bản thân, e ngại về khả năng của mình dẫn đến việc không dám thực hiện hay thử sức với bất kì vấn đề nào trong cuộc sống, từ đó làm mất đi nhiều cơ hội thành công.
6. Con dễ bị căng thẳng
Khi trẻ có cảm giác không an toàn, luôn bất an trong chính ngôi nhà của mình thì trẻ sẽ dễ thấy căng thẳng, mệt mỏi. Tình trạng này khiến cho chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ bị mất ngủ liên tục, rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên mơ gặp ác mộng, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.
Nếu tình trạng stress do xung đột gia đình không được giải quyết và khắc phục tốt sẽ khiến cho trẻ bị mất tập trung, không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, chất lượng học tập cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Thậm chí có nhiều tình trạng trẻ bị rối loạn ăn uống, chán ăn, sụt cân nhanh chóng, tâm lý trở nên bất ổn.
7. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ
Nếu cha mẹ thường xuyên cãi nhau trước mặt con cái sẽ tạo cho trẻ tâm lý phòng thủ. Khi lớn lên trẻ sẽ có cảnh giác, đề phòng các mối quan hệ xung quanh, có nhiều xu hướng tránh né, e ngại việc tiếp xúc, trò chuyện với người khác, đặc biệt là khi được đề cập đến vấn đề xây dựng cuộc sống hôn nhân.
Trẻ sẽ có nhiều xu hướng muốn cô lập bản thân, thích ở một mình và xa cách với bạn bè, thầy cô hoặc những người thân bên cạnh. Trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, tạo dựng và duy trì các mối quan hệ lâu dài.
8. Hình thành các hành vi tiêu cực
Khi các cảm xúc, tâm lý tiêu cực bắt đầu xâm chiếm lấy cơ thể, trẻ sẽ dễ hình thành các hành vi nguy hiểm, xấu xa nhằm mục đích ngăn chặn chúng. Do đó, khi phải đối diện với những tình huống mâu thuẫn, căng thẳng trong gia đình sẽ có thể phát triển các thói quen xấu, không lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi.
Một số hành vi hoặc thói quen xấu mà trẻ có thể hình thành như ăn uống mất kiểm soát, chơi game online quá nhiều, bạo lực với thú cưng, thức khuya, sử dụng mạng xã hội quá mức,…Hoặc trẻ cũng có thể chán nản, mất dần hứng thú đối với các hoạt động xảy ra xung quanh, chống đối không muốn đến trường, tức giận, cáu kỉnh vô lý.
9. Trẻ trở nên tự ti, thu mình
Gia đình là yếu tố có thể gây ảnh hưởng và tác động nhiều nhất đối với tâm lý của trẻ nhỏ. Vì thế, những đứa trẻ sống trong gia đình không có tình yêu thương, cha mẹ thường xuyên cãi vã, bất hòa sẽ dần trở nên “nhỏ bé”, trẻ sống khép kín, thu mình và cảm thấy tự ti về bản thân.
Những đứa trẻ này sẽ không bộc lộ quá nhiều cảm xúc ra bên ngoài. Trẻ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi bày tỏ hoặc kể về gia đình của mình. Trẻ luôn tránh né xã hội, cho rằng bản thân không xứng đáng, cho rằng mình không được may mắn như các bạn cùng trang lứa.
10. Trẻ gặp nhiều vấn đề về thể chất
Trong thực tế, việc cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, cãi nhau không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi trẻ liên tục căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng sẽ làm cho hệ miễn dịch dần suy yếu, gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng.
Nhiều trẻ liên tục cảm thấy đau đầu vì stress, lâu dần dẫn đến mãn tĩnh. Hoặc cũng có một vài trường hợp bị đau dạ dày, gặp phải các vấn đề về hệ tiêu hóa, béo phì, bệnh tim mạch,…Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ làm cản trở đến quá trình phát triển của trẻ, gây nên rất nhiều hậu quả khó lường.
Một số lưu ý khi vợ chồng xảy ra xung đột
Những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong cuộc sống hôn nhân là vấn đề không thể tránh khỏi. Bởi mỗi người sẽ có những quan điểm, ý kiến riêng biệt của mình. Tuy nhiên, nếu để những cuộc tranh cãi, bất hòa liên tục kéo dài và xảy ra một cách thường xuyên sẽ gây nên rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là tâm lý của con cái.
Cách tốt nhất để giúp trẻ giảm bớt các tổn thương, xoa dịu tâm trạng hiệu quả đó chính là khắc phục tốt các mâu thuẫn không đáng có trong gia đình, cha mẹ không nên cãi nhau trước mặt con cái. Để thực hiện được điều này, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Nên tìm cách giải quyết nhanh chóng các tranh luận, bất đồng quan điểm trước khi chúng có nguy cơ phát sinh thành các cuộc cãi vã dữ dội.
- Khi xảy ra mâu thuẫn, cả hai vợ chồng nên tránh việc la hét, to tiếng hoặc sử dụng các từ ngữ khiếm nhã, đe dọa, khiêu khích đối phương. Bởi các hành động tiêu cực sẽ khiến cho tâm lý của trẻ bị tác động rất lớn, những cơn thịnh nộ vượt quá tầm kiểm soát sẽ trở thành nỗi ám ảnh khó chữa lành đối với các con.
- Hãy luôn loại bỏ con cái trong các cuộc xung đột, tranh luận của bạn với vợ/ chồng. Việc bạn liên tục lấy con cái ra làm lý do sẽ dễ khiến trẻ bị tổn thương, con sẽ có cảm giác tội lỗi và tự trách móc, đổ lỗi cho bản thân.
- Hạn chế việc cãi vã, tranh luận trước mặt con cái.
- Sau các cuộc mâu thuẫn, bất hòa thì cha mẹ nên trò chuyện, chia sẻ và nói cho con biết rằng cả hai vẫn đang rất yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Hãy cho trẻ cảm nhận được sự quan tâm của bạn, điều này cũng tránh để trẻ có những suy nghĩ tiêu cực hoặc tự liên tưởng ra những tình huống xấu làm ảnh hưởng đến tâm trạng.
- Khi tranh cãi trước mặt con cái, cha mẹ nên giữa thái độ bình tĩnh, giải quyết vấn đề bằng sự tôn trọng lẫn nhau, không nên kéo dài thời gian tranh luận.
- Cha mẹ nên tự rèn luyện cho bản thân kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh các cơn thịnh nộ của bản thân để tránh tình trạng mất bình tĩnh trước mặt con cái. Nếu lỡ có những lời nói, hành vi không tốt trước mặt con trong lúc nóng giận thì bạn cần phải nhanh chóng xin lỗi con để dạy con hiểu rằng giữ bình tĩnh là cách tốt để giải quyết các mâu thuẫn.
Cha mẹ nên hiểu rằng, không có bất kì đứa trẻ nào muốn chứng kiến cảnh bất hòa của những người mà trẻ yêu thương, nhất là cha mẹ. Đặc biệt khi những xung đột xảy ra do sự bất đồng về quan điểm nuôi dạy con càng khiến cho trẻ cảm thấy tội lỗi và luôn trách móc bản thân mình.
Do đó, cách tốt nhất để không làm tổn thương tâm lý của trẻ nhỏ đó chính là hạn chế tối đa việc to tiếng, tranh luận trước mặt con cái. Nếu vô tình xảy ra mâu thuẫn thì cha mẹ cũng cần phải kiểm soát bản thân, tránh để trẻ nhìn thấy những cảnh tượng không tốt.
Trong cuộc sống vợ chồng, chắc hẳn không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, bất hòa. Tuy nhiên, cha mẹ nên nhớ rằng nếu cãi nhau thường xuyên trước mặt con cái sẽ khiến cho tâm lý của con trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hi vọng qua thông tin bài viết này các bậc phụ huynh sẽ biết cách điều chỉnh và kiểm soát hành vi của mình khi nóng giận để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.
Có thể bạn quan tâm
- Tổn Thương Do Thiếu Hụt Cảm Xúc Thời Thơ Ấu Và Cách Chữa Lành
- Tuổi Thơ Không Hạnh Phúc Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Tâm Lý Trẻ?
- Cha Mẹ Bạo Hành Tinh Thần Con Cái Và Cách Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!