Tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ?
Tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và tâm lý của mỗi người. Những trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu sẽ khiến cho trẻ hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin và có thể phải đối mặt với những vấn đề tâm lý.
Tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
Ký ức tuổi thơ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và tính cách của mỗi người. Những năm tháng đầu đời, chúng ta được yêu thương, bảo bọc, quan tâm và chia sẻ. Hơn ai hết, gia đình là yếu tố quan trọng nhất tạo nên ký ức tuổi thơ.
Những người trải qua tuổi thơ hạnh phúc và ấm êm thường phát triển lành mạnh, gặp nhiều thuận lợi khi học tập và làm việc. Trong khi đó, những người có tuổi thơ không hạnh phúc sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong tương lai – nhất là về mặt tâm lý. Ký ức tuổi thơ không trọn vẹn ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của mỗi người. Tuy nhiên, những tổn thương này có thể được che giấu vào bên trong và không thể hiện rõ ràng.
Tuổi thơ không hạnh phúc có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như gia đình tan vỡ, bố mẹ ly thân, thường xuyên có tranh cãi, mâu thuẫn, bị giáo dục hà khắc, lạm dụng thể chất, tình dục hoặc tình cảm. Ở những năm đầu đời, bản thân chúng ta chưa có kỹ năng, nhận thức chưa đủ sâu sắc và kinh nghiệm sống còn non nớt nên không biết cách xử lý khi đối mặt với những sự việc này.
Hậu quả là những tổn thương tâm lý trở nên sâu sắc hơn theo thời gian và ảnh hưởng đáng kể tâm lý, tính cách khi trưởng thành. Hiểu rõ những ảnh hưởng của tuổi thơ không hạnh phúc đối với tâm lý của con sẽ giúp gia đình có biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả:
1. Tính cách nhút nhát, e ngại, thiếu tự tin
Tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng đáng kể đến tính cách của trẻ ở hiện tại và tương lai. Sống trong gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm và chia sẻ từ bố mẹ sẽ khiến cho con cái thiếu tự tin về bản thân, e ngại và nhút nhát.
Trong giai đoạn đầu đời, con trẻ thiếu các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống nên gặp rất nhiều vấn đề khi học tập. Nếu sống trong gia đình không trọn vẹn, trẻ sẽ ít khi chia sẻ những vấn đề này với gia đình. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ và những người thân trong gia đình không quan tâm và luôn gạt phắt những câu hỏi của trẻ. Điều này cũng khiến cho trẻ thu mình, sống khép kín và thiếu tự tin trong cuộc sống.
Ngoài ra, những trẻ phải đối mặt với lạm dụng thể chất, tình cảm ở thời thơ ấu cũng khó tránh khỏi tính cách tự ti, thụ động và rụt rè. Bởi gia đình vốn là điểm tựa vững chắc của mỗi người. Khi gia đình mất đi ý nghĩa, trẻ sẽ trở nên chơi vơi, lạc lõng và khó có thể tự tin trong cuộc sống.
2. Hình thành vỏ bọc trái ngược với con người thật
Nếu có tuổi thơ hạnh phúc, trẻ có thể thoải mái bộc lộ con người thật và sống với đúng bản chất của chính mình. Tuy nhiên, trong trường hợp có tuổi thơ không trọn vẹn, tâm lý chung của trẻ là tạo vỏ bọc trái ngược với con người thật. Có thể dễ dàng nhận thấy trẻ có tuổi thơ bất hạnh và trải qua nhiều biến cố thường có vẻ ngoài lạnh lùng, kiệm lợi, ít biểu lộ cảm xúc và không có thói quen chia sẻ với những người xung quanh.
Tuy nhiên, đằng sau vỏ bọc đó là tâm hồn mong manh, dễ tổn thương và thường trực những nỗi sợ vô hình. Vỏ bọc bên ngoài khiến cho trẻ khó có những mối quan hệ thân thiết và những người xung quanh cũng không thể hiểu được tâm lý của trẻ.
3. Che giấu tâm trạng và ít khi bộc lộ cảm xúc thật
Những người có tuổi thơ không hạnh phúc thường có thói quen che giấu cảm xúc thật và hầu như không bao giờ biểu lộ cảm xúc quá khích như buồn bã quá mức, khóc lóc, tuyệt vọng, vui vẻ hay hào hứng. Phạm vi biểu lộ cảm xúc thu hẹp khiến cho những người xung quanh cảm thấy không thoải mái và cho rằng trẻ không muốn thân thiết với mọi người.
Cảm xúc là thứ gắn kết mọi người và giúp những người xung quanh thấu hiểu được tính cách, tâm lý của nhau. Vì vậy, những người hay che giấu cảm xúc khó có thể kết bạn và duy trì được những mối quan hệ thân thiết. Bù lại, tính cách này sẽ giúp cho trẻ hạn chế được những xung đột trong các mối quan hệ và được đánh giá cao trong công việc – nhất là những công việc đòi hỏi tính kỷ luật và khả năng kiềm chế cao.
4. Bi quan và tiêu cực
Tuổi thơ không hạnh phúc và trọn vẹn sẽ khiến cho trẻ trở nên bi quan, tiêu cực. Hơn ai hết, gia đình phải là nơi đáng tin cậy để có thể che chở và bảo bọc cho trẻ nên khi bố mẹ không dành cho con cái tình yêu thương và sự quan tâm đúng mực, trẻ sẽ trở nên bi quan và luôn nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực.
Ngoài ra, những trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Điều này khiến cho trẻ khi lớn lên cũng giữ sự tiêu cực trong suy nghĩ và bi quan khi đón nhận mọi thứ. Trong khi đó, những người được sống trong gia đình hạnh phúc, được bố mẹ quan tâm và thấu hiểu sẽ có cái nhìn lạc quan và tích cực hơn. Việc nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tiêu cực sẽ khiến cho trẻ phải đối mặt với những phiền toái trong cuộc sống và đôi khi bỏ lỡ những cơ hội quý báu.
5. Thiếu sự tin tưởng trong các mối quan hệ
Tuổi thơ không hạnh phúc khiến cho trẻ mất đi sự tin tưởng trong các mối quan hệ. Trẻ hiếm khi dành sự tin tưởng tuyệt đối cho người khác bởi trẻ chưa từng đặt sự tin tưởng cho bất cứ ai – kể cả gia đình. Thiếu sự tin tưởng trong các mối quan hệ sẽ khiến cho mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải và hầu như không thể phát triển thân thiết hơn.
Trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc sẽ gặp không ít khó khăn khi kết bạn, tìm kiếm người yêu và kết hôn. Nếu tuổi thơ từng chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, bạo lực và gia đình không trọn vẹn, trẻ sẽ dần có định kiến với việc kết hôn và thường lựa chọn sống độc thân. Thậm chí, một số người còn mắc phải hội chứng sợ kết hôn do những ám ảnh sâu sắc về các trải nghiệm xảy ra trong quá khứ.
6. Thiếu hụt các kỹ năng sống
Tuổi thơ không hạnh phúc còn ảnh hưởng đáng kể đến kỹ năng sống. Kỹ năng sống ít khi được dạy ở trường mà chủ yếu được gia đình hướng dẫn và trẻ tự trau dồi bằng cách kết bạn, xử lý tình huồng. Tuy nhiên, trẻ có tuổi thơ không trọn vẹn thường có tính cách nhút nhát, thụ động nên hầu như không chủ động kết bạn và sống thu mình. Ngoài ra, gia đình cũng có xu hướng ít quan tâm và chia sẻ với con cái mà chủ yếu chỉ đáp ứng những yêu cầu về vật chất.
Thiết hụt các kỹ năng sống khiến trẻ chật vật khi làm việc nhóm, giao tiếp, xử lý tình huống,… Thay vì lựa chọn cách đối mặt, những trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc thường chọn cách né tránh và thu mình để tránh va chạm với những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
7. Nhân cách méo mó
Trong một số trường hợp, trẻ có thể phát triển nhân cách bất thường do tuổi thơ không trọn vẹn. Nhân cách là đặc điểm tính cách của mỗi người và hoàn thiện khi đủ 18 tuổi. Với những người có tuổi thơ không hạnh phúc, nhân cách sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực và hậu quả là dẫn đến các dạng nhân cách không lành mạnh.
Đặc điểm thường thấy ở những người có tuổi thơ không hạnh phúc là tính cách nhút nhát, tự ti, ít biểu lộ cảm xúc, thiếu sự gần gũi và thân thiết. Tuy nhiên, cũng có những người phụ thuộc quá mức vào người khác vì muốn có cảm giác được quan tâm và yêu thương. Ngoài ra, một số người còn phát triển các dạng rối loạn nhân cách như:
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc
- Rối loạn nhân cách né tránh
- Rối loạn nhân cách phân liệt
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
- Rối loạn nhân cách thể kịch tính
Các dạng rối loạn nhân cách đều gây ra những khó khăn trong cuộc sống và khiến cho trẻ gặp nhiều phiền toái khi học tập, làm việc, duy trì các mối quan hệ. Về lâu dài, những phiền toái do các dạng nhân cách này còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý.
8. Gia tăng các vấn đề tâm lý
Tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của mỗi người. Với những trải nghiệm tiêu cực có tính chất nghiêm trọng, tâm lý có thể bị tổn thương dai dẳng. Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng tuổi thơ không hạnh phúc được cho là có liên quan đến những vấn đề tâm lý sau:
- Trầm cảm: Trầm cảm là bệnh tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Đây là một dạng rối loạn cảm xúc có đặc điểm chính là khí sắc giảm thấp, tâm trạng buồn bã, bi quan, chán nản và mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Những người bị trầm cảm thường phải trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, bao gồm cả những trải nghiệm tiêu cực ở thời thơ ấu.
- Rối loạn lo âu: Tương tự như trầm cảm, rối loạn lo âu cũng có liên quan đến những sự kiện đau buồn xảy ra ở thời thơ ấu. Nếu phải đối mặt liên tục với những sự kiện sang chấn, tâm lý sẽ bị tổn thương dẫn đến tâm lý bất ổn, luôn thường trực sự lo lắng, sợ hãi mơ hồ về mọi thứ và nhìn nhận sự việc theo chiều hướng bi quan.
- Các vấn đề tâm lý khác: Ngoài trầm cảm và rối loạn lo âu, tuổi thơ không hạnh phúc cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như rối loạn hoang tưởng, hội chứng Self-Harm (hội chứng tự ngược đãi bản thân), rối loạn nhân cách,…
Thực tế, không phải ai có tuổi thơ không hạnh phúc cũng phải đối mặt với những vấn đề tâm lý kể trên. Nhiều người trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn từ những trải nghiệm tiêu cực. Những người này thường có tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, chủ động và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Có thể thấy, tuổi thơ không hạnh phúc ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ ở cả hiện tại và tương lai. Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ gia đình, những ảnh hưởng này sẽ sâu sắc hơn và có thể dẫn đến một loạt các hậu quả lâu dài. Hơn ai hết, bản thân mỗi người phải có ý chí vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực thay vì chìm đắm trong bi quan và buồn bã.
Tôi vừa đọc bài viết này vừa khóc, vừa đọc mà nước mắt vừa lắn dài vì tôi mắc cả 8 điều trên, không thiếu một điều nào. Tôi luôn cảm giác bản thân bị tâm thần và phải chữa trị, làm sao để thoát khỏi cuộc sống này
Chào bạn, nếu bạn gặp phải tất cả 8 điều trên thì bạn nên nhờ một chuyên gia tâm lý can thiệp và cài đặt cảm xúc và tâm lý cho bạn nhé. Nếu bạn cần hỗ trợ bạn có thể gọi điện đến số hotline của Trung tâm 096 589 8008 hoặc để lại số điện thoại sẽ có chuyên gia hỗ trợ tư vấn cho bạn.
tôi không nghĩ vậy bạn chỉ đang thu mình lại thôi trước nỗi lo sợ , ám ảnh quá thôi
tôi thỉnh thoảng cũng có những nỗi sợ nhưng rồi sẽ ổn cả thôi bạn ạ fighting!