Đặc điểm tâm lý và sự ảnh hưởng trẻ khi sống xa cha mẹ
Có rất nhiều lý do khiến cho con cái không được sống gần với cha mẹ, tuy nhiên dù nó xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào cũng sẽ để lại cho trẻ những tổn thương tâm lý và sự thiếu thốn tình cảm không ai bù đắp được. Những đứa trẻ khi sống xa cha mẹ cũng sẽ có những đặc điểm tâm lý khác biệt, đồng thời chúng cũng phải đối diện với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc này.
Đặc điểm tâm lý và ảnh hưởng khi trẻ sống xa cha mẹ
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rằng, giữa cha mẹ và con cái luôn có sự gắn kết vô cùng mật thiết. Con trẻ luôn cần sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của cha mẹ và chắc hẳn tình thương này không ai có thể thay thế được. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà các bậc phụ huynh phải gửi con cho ông bà, người thân chăm sóc.
Có những ông bố bà mẹ vì mưu sinh nên đành chấp nhận để con sống xa cha mẹ. Nhiều đứa trẻ ngay từ nhỏ đã phải thiếu thốn tình thương của cha mẹ, không có nhiều thời gian được gần gũi, chia sẻ cùng nhau. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ đang trong giai đoạn tuổi dậy thì.
Bên cạnh đó, ly hôn cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến cho nhiều đứa trẻ phải sống xa cha mẹ. Ngày nay, cùng với sự đa dạng về mặt kinh tế, chính trị, nhiều quan niệm, văn hóa khác nhau về gia đình, hôn nhân và cách giáo dục con cái. Cũng chính vì thế mà tính bền vững của gia đình cũng dần bị suy giảm, tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng .
Nhiều người cho rằng, ly hôn là sự giải thoát cho cả hai khi chúng ta không còn hòa hợp với nhau nữa. Điều này cũng đúng nhưng không đúng hoàn toàn. Cũng bởi, ly hôn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt cá nhân, xã hội và cộng đồng. Ly hôn tạo nên sự nghèo khổ về tinh thần và vật chất, khiến con cái không nơi nương tựa, ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ.
Những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ sẽ có những đặc điểm tâm lý khác biệt so với những đứa trẻ được gần gũi, chăm sóc bởi chính từ yêu thương của gia đình, cha mẹ. Cho dù trẻ nhận được sự quan tâm, chăm sóc hết mực từ người thân nhưng sự mất mát và thiếu thốn về tình cảm sẽ không thể nào bù đắp và thay thế được.
Nếu có thể hiểu được tâm lý và những tổn thương tinh thần mà trẻ phải đối mặt khi sống xa cha mẹ thì các bậc phụ huynh cũng sẽ phần nào biết cách quan tâm, chia sẻ và rút ngắn được khoảng cách, giúp con nuôi dưỡng tâm hồn tốt hơn. Sau đây là một số đặc điểm tâm lý khi trẻ sống cha mẹ mà các bậc phụ huynh nên hiểu rõ:
1. Có cảm giác thiếu thốn
Mặc dù được sống trong điều kiện đầy đủ, người thân luôn dành sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc hết mực nhưng những đứa trẻ sống xa cha mẹ vẫn cảm thấy thiếu thốn về mặt tinh thần. Cũng bởi cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế đối với con cái. Giữa họ luôn có một sợi dây kết nối vô hình cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Khi trẻ phải sống xa cha mẹ, trẻ sẽ không được cảm nhận trọn vẹn được tình yêu thương, không được thường xuyên tận hưởng những cái ôm ấm áp hay những nụ hôn yêu thương từ họ. Đặc biệt hơn, do không thường xuyên được gặp gỡ, gần gũi cha mẹ nên giữa họ dần tạo ra một khoảng cách nhất định nào đó, không thể gắn bó được như những gia đình khác.
Ngoài ra, khi bước vào độ tuổi đến trường, trẻ được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng trang lứa hơn. Điều này đôi khi lại trở thành một sự tổn thương tâm lý nặng nề bởi trẻ sẽ cảm thấy vô cùng ganh tỵ với các bạn có cha mẹ đưa đón hàng ngày. Nhiều trẻ cảm thấy tủi thân, buồn bã khi nhìn thấy các bạn có cả cha lẫn mẹ cùng nhau đưa đón đến trường.
2. Có xu hướng sống khép kín, thu mình
Như đã chia sẻ ở trên, trẻ nhỏ khi phải sống xa cha mẹ sẽ luôn cảm thấy buồn bã, mặc cảm do thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc từ chính những người đã sinh ra mình. Đồng thời, trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của “bạo lực học đường”, trẻ có thể bị bạn bè trêu chọc, cười nhạo.
Cũng chính vì thế mà nhiều đứa trẻ có tâm lý sợ sệt, nhút nhát, thu mình và không muốn giao tiếp hay kết thân với bất kì ai. Trẻ dần trở nên khép kín hơn, giấu mình vào trong và thường không có nhiều bạn bè hoặc thậm chí là bị mọi người xung quanh tẩy chay, cho rằng trẻ là đứa con “không cha, không mẹ”.
Nhiều trẻ khi bị trêu chọc có thể chống đối, phản kháng nhưng đa phần các trẻ lại chọn cách im lặng và chấp nhận nó. Lâu dần trẻ sẽ trở nên thụ động, không còn vui đùa, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Nhiều trẻ do mặc cảm nên cũng không muốn giao tiếp, thân thiết với bất kì ai, kể cả những người đang trực tiếp chăm sóc trẻ.
3. Không biết cách bày tỏ cảm xúc, tình yêu thương
Bày tỏ cảm xúc là một trong các kỹ năng cần thiết mà trẻ nhỏ cần được giáo dục và trang bị ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ thì đôi khi sẽ bị thiếu hụt kỹ năng này. Trong thực tế có rất nhiều trẻ không biết cách bày tỏ cảm xúc, tình yêu thương đối với mọi người vì trẻ không được hướng dẫn và rèn luyện từ nhỏ.
Không ai có thể yêu thương con bằng cha mẹ và chắc chắn rằng khi cha mẹ không có nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ thì trẻ sẽ rất khó học hỏi được những cách bày tỏ tình cảm, sự yêu thương, không biết sử dụng hành động hay lời nói để bộc lộ cảm xúc của chính mình. Trẻ dường như không cảm nhận được sự yêu thương của mọi người và cũng không biết cách thể hiện tình cảm của mình đối với người khác.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với các mối quan hệ xung quanh, trẻ sẽ không thể xây dựng và duy trì tốt các mối quan hệ thân thiết, thậm chí là không có bạn bè. Đồng thời, nếu tình trạng này liên tục kéo dài cho đến khi trưởng thành thì sẽ làm cản trở rất nhiều đến cuộc sống của trẻ, nhiều đứa trẻ không thể lập gia đình, không biết cách vun đắp tình cảm hay xây dựng một mối quan hệ lâu dài.
4. Hình thành tâm lý chống đối, phản kháng
Những đứa trẻ không được sống chung với cha mẹ luôn phải chịu nhiều sự thiệt thòi và tổn thương. Một số trẻ cho rằng, việc cha mẹ ly hôn hoặc để trẻ ở lại với ông bà, người thân chính là sự ghét bỏ, cho rằng cha mẹ là những người ích kỷ, không có trách nhiệm. Đồng thời có không ít những lời trêu ghẹo của người lớn như “Cha mẹ không còn thương con nữa”, “Cha mẹ bỏ con rồi”, sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng hoang mang và lo sợ.
Cũng chính vì những suy nghĩ đó mà nhiều trẻ có thể hình thành tâm lý chống đối, trở nên phá phách và ngang bướng hơn. Trẻ cho rằng cha mẹ không cần mình nữa nên bản thân cũng bắt đầu buông thả, quậy phá, không tiếp nhận sự giáo dục, dạy bảo của gia đình và nhà trường.
Đặc biệt là những đứa trẻ ở độ tuổi dậy thì vô cùng nhạy cảm. Lúc này trẻ sẽ chịu sự ảnh hưởng từ các yếu tố tác động xung quanh. Nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố tiêu cực thì sẽ dễ hình thành những hành vi xấu, thậm chí là vượt quá chuẩn mực của xã hội. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, trẻ nhỏ sẽ có nhiều nguy cơ thực hiện các hành vi chống phá, gây hại làm ảnh hưởng đến bản thân và xã hội.
5. Tâm lý xa cách với cha mẹ
Trong thực tế, giữa cha mẹ và con cái vẫn có một khoảng cách nhất định do sự khác biệt thế hệ. Điều này biểu hiện rõ nhất khi trẻ đã bắt đầu đến trường, bước vào độ tuổi dậy thì và có nhận thức, quan điểm riêng của chính mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có thể dành nhiều thời gian chia sẻ, quan tâm và đồng hành cùng con thì hoàn toàn có thể xây dựng tốt mối quan hệ thân thiết giữa con cái và bậc sinh thành.
Tuy nhiên, trong các trường hợp trẻ không được sống gần cha mẹ thì khoảng cách này sẽ càng ngày càng gia tăng. Do thường xuyên không gặp gỡ, trò chuyện với nhau, cha mẹ cũng không thể biết rõ được các mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày của con nên khó có thể nắm bắt được tâm lý cũng như đồng cảm với những suy nghĩ của con. Chính vì thế, giữa cha mẹ và con cái sẽ dần trở nên xa cách, đôi bên hình thành một bức tường vô hình khó có thể tháo gỡ.
6. Gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn nhân cách
Như đã chia sẻ ở trên, khi sống xa cha mẹ, trẻ nhỏ sẽ phải chịu nhiều sự tổn thương về mặt tinh thần. Những sự thiếu thốn này nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ trở thành yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng phát triển các rối loạn nhân cách.
Một số rối loạn nhân cách có thể xuất hiện ở những đứa trẻ sống xa cha mẹ, thiếu thốn tình thương ngay từ khi còn nhỏ như:
- Rối loạn nhân cách ranh giới: Những người mắc phải chứng rối loạn này thường sẽ có đặc trưng bởi tâm lý không thể chấp nhận và chịu đựng được sự cô đơn trong bất kì mối quan hệ nào. Trong khi đó, những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ sẽ không nhận được sự yêu thương trọn vẹn, trẻ thường xuyên cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Do đó, khi trưởng thành, nhiều trẻ sẽ có xu hướng thực hiện các hành vi tiêu cực, cực đoan như tự hành hạ bản thân, tự sát, đe dọa nhằm mục đích muốn duy trì các mối quan hệ lâu dài.
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Đây là dạng nhân cách được đặc trưng bởi sự chống đối, thao túng và lừa dối xã hội để có thể hoàn thành các mục đích của cá nhân. Thông thường chứng rối loạn này sẽ phát triển nhiều ở những trẻ dậy thì có các hành vi chống phá, lêu lổng. Khi trẻ bị thiếu vắng tình thương sẽ dễ dẫn đến việc trẻ không biết cách đồng cảm, thương xót cho những người xung quanh.
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Người mắc phải chứng bệnh này luôn có nhu cầu muốn được người khác quan tâm, chăm sóc một cách thái quá. Cũng chính bởi vì không được gần gũi cha mẹ nên nhiều đứa trẻ dù đã trưởng thành nhưng vẫn khao khát có được tình yêu thương của mọi người xung quanh.
Tuy rằng tình trạng sống xa cha mẹ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, đây được xem là yếu tố nguy cơ có thể làm méo mó suy nghĩ và nhận thức của nhiều đứa trẻ, sau khi lớn lên trẻ dễ bị rối loạn hoặc phát triển nhân cách theo hướng sai lệch.
7. Phát triển các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần
Một trong các ảnh hưởng lớn nhất đối với việc trẻ nhỏ sống xa cha mẹ đó chính là hình thành nên tư duy tiêu cực, làm gia tăng khả năng phát triển các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Cũng chính vì sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ, không nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ và thiếu vắng đi chỗ dựa vững chắc nên nhiều đứa trẻ khó có thể vượt qua được những áp lực, căng thẳng trong học tập và cuộc sống.
Cũng chính vì thế mà những đứa trẻ này sẽ có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh lý về tâm thần, dễ gặp những vấn đề tâm lý nguy hiểm như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn cảm xúc
- Rối loạn hành vi
- Rối loạn thách thức chống đối
- Hội chứng ngược đãi bản thân (Self-Harm)
- Căng thẳng, stress kéo dài
Nếu các vấn đề tâm lý này không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và cả đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ. Nếu tình trạng chuyển biến nghiêm trọng còn thể thúc đẩy trẻ nhỏ thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân và cả những người xung quanh, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Làm gì để giảm bớt các tổn thương tâm lý cho trẻ nhỏ khi sống xa cha mẹ?
Chắc rằng không có bất kì bậc phụ huynh nào muốn sống xa con cái của mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì mưu sinh hoặc do cha mẹ không thể ở cạnh nhau được nữa nên trẻ buộc phải rời xa vòng tay của cha mẹ. Có những đứa trẻ ngay từ khi vừa mới sinh ra đã phải gửi cho ông bà chăm sóc, hàng năm cha mẹ chỉ về thăm vài lần.
Việc con cái không được gần gũi cha mẹ sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý, trẻ nhỏ phải chịu nhiều sự thiệt thòi về cả tinh thần lẫn thể chất. Đối với các trường hợp bắt buộc phải sống xa con thì cha mẹ cũng nên chuẩn bị cho con tâm lý vững vàng để giúp con tránh khỏi những tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.
Sau đây là những điều cha mẹ cần làm khi phải sống xa con cái:
- Trước khi gửi con lại cho ông bà, người thân, cha mẹ cũng nên dành cho con một khoảng thời gian nhất định, chia sẻ và nói rõ với con về lý do vì sao cha mẹ không thể ở gần để chăm sóc con. Đồng thời, cha mẹ cũng cần thể hiện cho con biết rằng dù ở xa nhưng cha mẹ vẫn sẽ luôn quan tâm, yêu thương con.
- Thường xuyên liên lạc và hỏi thăm về cuộc sống của con nhỏ. Nếu có điều kiện, cha mẹ cũng nên sắp xếp và gia tăng tần suất về thăm con. Cha mẹ nên là người chủ động trong việc giao tiếp, trò chuyện và bày tỏ tình cảm với con cái. Chỉ có như vậy mới có thể bù đắp được những sự thiếu thốn tình cảm cho con, đồng thời giúp con cảm thấy an tâm hơn.
- Hãy cho con biết về nơi làm việc, các sinh hoạt hàng ngày của cha mẹ bằng cách gửi những tấm hình hoặc gọi video với con. Điều này sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, thoải mái và gia tăng sự gắn kết giữa cha mẹ cùng con cái dù không thể ở cạnh nhau.
- Nên giữ đúng lời hứa với con, tạo cho con niềm tin vững chắc. Ví dụ như khi đã hứa ngày về thăm con thì cha mẹ cần phải thực hiện đúng, tuyệt đối không được hứa suông chỉ để an ủi con. Việc cha mẹ thường xuyên thất hứa sẽ khiến con cái càng trở nên thất vọng và tổn thương hơn.
- Thỉnh thoảng bạn cũng nên đón con đến nơi ở của mình để con có thể biết rõ hơn về cuộc sống của cha mẹ hiện tại. Đồng thời, khi trẻ chứng kiến được các sinh hoạt hàng ngày và hiểu rõ về công việc của cha mẹ thì trẻ cũng sẽ phần nào hiểu được sự vất vả của họ, từ đó thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn.
Lưu ý: Những cách trên đây chỉ góp phần bù đắp vào những thiếu hụt tinh thần mà trẻ nhỏ đang phải đối mặt khi sống xa cha mẹ. Các bậc phụ huynh cũng nên nỗ lực nhiều hơn để ổn định công việc và cuộc sống, giúp trẻ có được một mái ấm gia đình trọn vẹn hơn.
Mong rằng qua thông tin của bài viết này, các bậc phụ huynh cũng hiểu được đặc điểm tâm lý và những tổn thương của trẻ khi phải sống xa cha mẹ. Dù con còn nhỏ hay đã lớn khôn thì luôn cần sự quan tâm, yêu thương của chính cha mẹ. Vì thế, phụ huynh cũng nên có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống để có thể tạo điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cái tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Cách an ủi trẻ vượt qua nỗi đau khi Cha Mẹ ly hôn
- Cha Mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến con cái?
- Tâm lý ỷ lại ở giới trẻ: Nguyên nhân và những ảnh hưởng tiêu cực
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!