Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ sơ sinh bị tự kỷ
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh thường xuất phát ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và kéo dài cho đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có thể nhận biết các dấu hiệu sớm và áp dụng các phương pháp can thiệp phù hợp cũng sẽ giúp cho trẻ cải thiện được khả năng phát triển của bản thân và hòa nhập tốt với cuộc sống.
Thế nào là tự kỷ?
Tự kỷ hay còn được gọi với tên khác là rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD), đây là tình trạng khiếm khuyết duy trì và kéo dài đến suốt cuộc đời gây nên nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ xã hội, kỹ năng sống của trẻ em. Những trẻ mắc chứng tự kỷ thường có những vấn đề về hành vi, ngôn ngữ, giao tiếp, cách ứng xử, chậm phát triển về trí tuệ, khả năng tương tác xã hội kém,…
Tình trạng này thường sẽ tiến triển vào khoảng 3 năm đầu đời của trẻ, nó gây tổn thương đến cho trẻ và nhiều khả năng làm xuất hiện các hành vi tự gây hại cho bản thân. Các nghiên cứu khoa học gần đây nhận thấy, các hành vi xuất hiện ở trẻ tự kỷ thường là kết quả của nhiều rối loạn hình thành trong quá trình phát triển từ khi trẻ mới ra đời hoặc trong những năm đầu, chủ yếu là do thể chất chứ không xuất phát từ cách nuôi dạy của cha mẹ.
Nếu cha mẹ và người thân có thể sớm phát hiện được tình trạng bệnh và áp dụng các biện pháp cải thiện phù hợp cùng với sự hỗ trợ tốt từ gia đình sẽ có khả năng cải thiện được sự phát triển tự nhiên của trẻ, đồng thời giúp trẻ dần hòa nhập hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình chỉ phát hiện các dấu hiệu của bệnh tự kỷ khi trẻ đã được hơn 2 tuổi. Mặt khác các chuyên gia cho biết các triệu chứng của trẻ tự kỷ có thể phát hiện ngay từ lúc 6 tháng tuổi.
Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ sơ sinh bị tự kỷ
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị tự kỷ ngay khi còn nhỏ là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Qua giải đáp thắc mắc, các chuyên gia cũng cho biết rằng, lúc 6 tháng tuổi là thời điểm sớm nhất để cha mẹ có thể phát hiện được các triệu chứng của bệnh. Các biểu hiện của bệnh tự kỷ có thể khác nhau, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà mỗi trẻ sẽ có những hành vi, cử chỉ riêng biệt.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Vì thế, các chuyên gia luôn khuyến khích cha mẹ nên thường xuyên theo dõi và quan sát sự phát triển của con mình. Nếu con có những biểu hiện bất thường hoặc khả năng phát triển không giống với các bạn cùng trang lứa thì các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hiểu rõ ràng, chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh sẽ được nhận biết khi trẻ bị thiếu những hành vi bình thường chứ không phải là xuất hiện các hành vi bất thường.
Một số dấu hiệu nhận biết sớm trẻ sơ sinh bị tự kỷ như:
- Ít cười: Các bậc phụ huynh nên chú ý xem trẻ có thường xuyên cười đáp trả nụ cười của mình hay không? hoặc trẻ có tự mỉm cười với chính bản thân mình hay không? Thông thường, trẻ khoảng 6 tháng có thể cười thoải mái và giòn giã, thường xuyên thể hiện cảm xúc vui vẻ. Tuy nhiên lúc này trẻ sẽ không thể diễn tả bằng lời nói, hành động, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt cụ thể.
- Ít bắt chước: Những trẻ khoảng 9 tháng tuổi nhưng ít khi bắt chước nụ cười, âm thanh, nét mặt của người khác có thể là dấu hiệu nhận biết sớm của chứng bệnh tự kỷ.
- Chậm bập bẹ tập nói: Khi trẻ tròn 1 tuổi thì đã có khả năng tự bập bè hoặc thì thầm các ngôn ngữ riêng. Do đó, nếu trẻ không có biểu hiện này, cha mẹ cũng nên chú ý và tham khảo ý kiến của chuyên gia.
- Mắt không linh hoạt: Những trẻ mắc bệnh tự kỷ sẽ ít hoặc không giao tiếp ánh mắt với người đối diện. Trẻ sẽ bị hạn chế về sự tương tác và biểu hiện qua lại. Đây cũng là một trong các biểu hiện đặc trưng cho biết trẻ có nguy cơ đang mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.
- Hiếm gây ra sự chú ý: Trẻ nhỏ thường có những biểu hiện vẫn cố tạo ra tiếng ồn để gây sự chú ý và nhận lấy sự quan tâm từ người xung quanh. Tuy nhiên, nếu trẻ không có dấu hiệu này trong những tháng đầu đời thì trẻ có thể đang gặp phải khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ và giao tiếp với người khác.
- Chậm phát triển vận động: Tùy vào độ tuổi mà trẻ sẽ có các mốc phát triển vận động như lẫy, lăn, trườn, bò, đi. Cha mẹ hãy quan sát sự phát triển của trẻ để có thể sớm nhận biết những sự bất thường.
- Thiếu điệu bộ cử chỉ: Khi trẻ khoảng 9 đến 10 tháng tuổi, trẻ đã có thể vẫy tay, mỉm cười, tiếp cận mọi thứ xung quanh. Nếu trẻ thiếu những biểu hiện này có thể trẻ đang mắc phải chứng tự kỷ.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ có một số hành vi sau đây:
- Cứng nhắc, khó thích nghi: Trẻ khó có thể thích ứng nhanh với môi trường mới, thường xuyên sắp xếp đồ vật theo đúng thứ tự nhất định và rất ngăn nắp.
- Lặp đi lặp lại một số động tác: Trẻ tự kỷ thường xuyên xoay người theo vòng hoặc liên tục vẫy tay.
- Không biết vui đùa, thiếu thích thú hoặc chỉ yêu thích một số đồ vật, hoạt động nhất định nào đó.
- Nhạy cảm với mùi vị, thức ăn, âm thanh hoặc hình ảnh. Thích liếc mắt hoặc nhìn nghiêm khi ngắm đồ vật nào đó.
Nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh
Cho đến thời điểm hiện tại nguyên nhân gây ra tự kỷ vẫn chưa được xác định cụ thể, nó vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn đối với nền y học hiện đại. Tuy nhiên, trong một số giả thuyết cho rằng, các yếu tố sinh học hoặc môi trường có thể là nguyên nhân hình thành nên căn bệnh này. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen hay các yếu tố nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình mang thai của phụ nữ.
Tuy nhiên, chứng tử kỷ cũng có thể gia tăng nguy cơ do những nhân tố tác động sau đây:
- Các triệu chứng và nguy cơ mắc bệnh tự kỷ sẽ tăng cao nếu mẹ mang thai ở độ tuổi cao, thường là trên 40 tuổi.
- Phụ nữ trong quá trình mang thai thường xuyên tiếp xúc và hít phải các hóa chất, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hoặc sử dụng các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc trầm cảm,…
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai có mắc phải một số bệnh về chuyển hóa như tiểu đường, béo phì,…
Cách khắc phục chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh
Tự kỷ không phải là bệnh mà đây là một hội chứng và không lây lan từ người này sang người khác. Hiện nay, trong y học vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào được chứng minh với công dụng điều trị được chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh có thể sớm phát hiện các các dấu hiệu thì việc trị liệu sẽ có kết quả khả quan hơn, trẻ cũng sẽ phát triển được các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, nhận thức để hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Thông thường, sau khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, các chuyên gia sẽ khuyến khích cha mẹ nên đưa ra đến giáo dục tại các trung tâm giáo dục đặc biệt. Tại đây trẻ sẽ được luyện tập về các kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ngoài ra, cha mẹ và các người thân xung quanh cũng sẽ được tư vấn và học một số thông tin về chứng tự kỷ để có cách chăm sóc và hỗ trợ trẻ tốt hơn.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình can thiệp cải thiện bệnh. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm đến sự phát triển của trẻ. Ngay khi nhận thấy những vấn đề về hành vi, ngôn ngữ, nhận thức, cách giao tiếp ở trẻ thì cần nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ và đưa bé đến thăm khám để chẩn đoán chính xác.
Có thể bạn quan tâm
- Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không?
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ và cách khắc phục
- Cách chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ cha mẹ nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!