Giải phóng cảm xúc (Catharsis) giúp con người thay đổi tích cực
Trong cuộc sống, con người không ngừng phải đối mặt với những tình huống khác nhau. Trong số đó, những trải nghiệm gây đau khổ và mệt mỏi sẽ tạo ra cảm xúc tiêu cực, không ngừng tích tụ và khiến con người rơi vào trạng thái quá tải. Lúc này, chúng ta rất cần giải phóng cảm xúc để đưa bản thân về tình trạng cân bằng.
Giải phóng cảm xúc (Catharsis) là gì?
Giải phóng cảm xúc, hay Catharsis, là một thuật ngữ thường được sử dụng trong phân tâm học nhằm chỉ việc những cảm xúc tiêu cực bị loại bỏ, giúp con người có thể thoát khỏi tình trạng căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, tức giận, tổn thương,… từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực hơn.
Thuật ngữ Catharsis có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là κάθαρσις (katharsis) có nghĩa là “thanh lọc” hoặc “làm sạch”. Các nhà phân tâm học tin rằng, khi bản thân đang chìm trong những cảm xúc tiêu cực như muốn “nổ tung”, chúng ta cần tìm cách giải phóng cảm xúc mãnh liệt bị dồn nén này để bản thân bình tĩnh trở lại.
Những trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực nếu bị dồn nén lâu ngày sẽ không có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây cũng là một trong những yếu tố kích thích tình trạng mệt mỏi, chán nản, stress, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, hay những chứng rối loạn tâm thần khác ở con người
Có rất nhiều vấn đề và khúc mắc trong cuộc sống không thể giải quyết nếu những cảm xúc tiêu cực liên quan đến chúng không được giải tỏa. Chính vì thế, việc thay đổi nhận thức và suy nghĩ một cách sáng suốt, tích cực sẽ có lợi cho việc giải quyết vấn đề, hạn chế những quyết định sai lầm trong lúc không tỉnh táo.
Theo lý thuyết phân tâm học, trong vô thức con người luôn muốn giải phóng những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Chúng ta có thể nhận được sự bình yên, nhẹ nhõm và thanh tẩy tâm hồn thông qua việc giải phóng những cảm xúc tồn đọng, liên quan đến những sự kiện tiêu cực gây đau khổ, ám ảnh trong quá khứ.
Giải phóng cảm xúc trong tâm lý trị liệu
Giải phóng cảm xúc là một trong những giá trị cốt lõi của các phương pháp trị liệu tâm lý hiện đại. Bác sĩ tâm lý thường khuyến khích người đang trong trạng thái căng thẳng tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thể thao, yoga, thiền, hoặc tham gia các bộ môn nghệ thuật như viết lách, vẽ tranh, chơi nhạc,… nhằm giải tỏa áp lực.
Người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “giải phóng cảm xúc” nhằm mô tả một liệu pháp trị liệu tâm lý là Josef Breuer, đồng nghiệp của nhà tâm lý học người Áo nổi tiếng Sigmund Freud. Dựa trên lý thuyết thanh tẩy tâm hồn, Josef Breuer đã thử nghiệm một phương pháp giúp người bệnh cải thiện hội chứng cuồng loạn Hysteria.
Breuer áp dụng kỹ thuật thôi miên để người bệnh nhớ lại những trải nghiệm ám ảnh, kinh hoàng trong quá khứ. Đây là những chấn thương tâm lý không được thừa nhận, những điều người bệnh muốn quên đi nhưng vẫn tồn tại trong tiềm thức, và có ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tinh thần.
Trong quá trình bị thôi miên, bệnh nhân sẽ phản ứng với những tác nhân gây căng thẳng, có hành vi giải phóng cảm xúc mãnh liệt, từ đó giúp giảm bớt cảm xúc bị kìm nén, giúp cơ thể thả lỏng và cảm thấy thoải mái hơn. Breuer sau nhiều lần thử nghiệm nhận ra rằng tình trạng cuồng loạn ở bệnh nhân có xu hướng giảm dần.
Về sau, những nghiên cứu về giải phóng cảm xúc của Breuer cũng được Sigmund Freud nghiên cứu sâu hơn. Theo Freud, con người có thể giải phóng những cảm xúc tiêu cực, hay thanh tẩy bản thân, bằng cách đối diện và phản ứng với chúng để giải tỏa những khúc mắc và khó khăn đang phải gánh chịu.
Tâm lý trị liệu hiện đại có nhiều cách giúp những người gặp vấn đề về tâm lý giải tỏa những nguồn năng lượng tiêu cực. Ví dụ trong liệu pháp tâm động học, bệnh nhân có thể được khuyến khích vẽ tranh, chơi đàn, hoặc bất cứ hình thức nghệ thuật nào nhằm thể hiện những đau khổ, ấm ức, và những suy nghĩ tiêu cực mà họ đang phải chịu đựng.
Liệu pháp hành vi nhận thức CBT áp dụng việc giải phóng cảm xúc nhằm giúp con người đối diện với những suy nghĩ tiêu cực, nhận thức hành vi không phù hợp của bản thân, và học cách điều chỉnh hành vi một cách phù hợp, theo hướng tích cực hơn. Liệu pháp hành vi nhận thức hiện là liệu pháp phổ biến và có hiệu quả tốt trong trị liệu tâm lý.
Những phương pháp giải phóng cảm xúc
Có rất nhiều những phương pháp giải phóng cảm xúc mà chúng ta có thể áp dụng, tùy vào khả năng và sở thích của từng người. Chúng ta nên chọn những phương pháp phù hợp và thoải mái, giúp bản thân thả lỏng. Dưới đây là một số phương pháp phù hợp mà bạn nên cân nhắc.
1. Tham gia hoạt động liên quan đến nghệ thuật
Âm nhạc là một trong những liều thuốc tuyệt vời dành cho tâm hồn, giúp con người quên đi những cảm xúc tiêu cực, hướng đến việc thả lỏng và thanh lọc tinh thần. Bạn có thể chơi nhạc cụ, hoặc đơn giản là lắng nghe những bài hát yêu thích khi buồn để cảm xúc được giải tỏa, tránh chất chứa quá nhiều những nguồn năng lượng tiêu cực.
Âm nhạc có thể giúp bạn loại bỏ nỗi buồn, và khơi gợi những cảm xúc tích cực, thỏa mãn. Trong quá trình thưởng thức âm nhạc, hoặc khi chìm đắm vào tiếng nhạc du dương từ chính bàn tay của mình, chúng ta sẽ quên đi những mệt mỏi và áp lực, từ đó giải phóng năng lượng tiêu cực, khiến tâm hồn được chữa lành.
Bạn cũng có thể sáng tạo nghệ thuật theo những cách riêng, như cách mà các nghệ sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp giải phóng cảm xúc, tìm đến sự cân bằng trong tâm hồn. Nghệ thuật luôn là một phương pháp tuyệt vời để thể hiện cảm xúc, thông qua những vết sơn, vết cọ, qua giai điệu hay những sáng tác nghệ thuật độc đáo.
Bên cạnh âm nhạc hay sáng tạo nghệ thuật thì viết nhật ký hay làm thơ đều là những cách giúp chúng ta giải phóng cảm xúc, thể hiện những góc khuất trong tâm hồn và mang tính trị liệu cao. Viết nhật ký là một cách giúp ta “xả” hết những điều chất chứa trong lòng, những điều không thể nói với bất kỳ ai. Phương pháp viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc luôn được khuyến khích trong tâm lý trị liệu.
Khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi hay có những cảm xúc tiêu cực, đọc những quyển sách nhẹ nhàng, hay xem những bộ phim hài hước cũng là cách giúp chúng ta giải phóng cảm xúc. Thông qua những quyển sách thanh lọc tinh thần, những bộ phim ý nghĩa, hay những tràng cười sảng khoái, chúng ta có thể chia sẻ cảm xúc với những nhân vật trong câu chuyện. Từ đó, cải thiện tâm trạng.
2. Tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý
Nếu bạn không thể tự mình vượt qua những ám ảnh và cảm xúc tiêu cực, hãy tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý để tiếp nhận trị liệu. Trường hợp này thường xảy ra với những người stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý và những hội chứng rối loạn tâm thần khác. Người bệnh cần sự trợ giúp y tế để giải phóng cảm xúc.
Mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp bệnh nhân bày tỏ những cảm xúc che giấu. Đó có thể là những trải nghiệm kinh hoàng trong thời thơ ấu, cảm giác sợ hãi uất ức khi bị đối xử bất công, những nỗi sợ hãi phi lý, hoặc những áp lực nặng nề trong cuộc sống. Sau khi nhận thức hoặc phát tiết được những cảm xúc tiêu cực, tinh thần chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là liệu pháp thường dùng trong tâm lý trị liệu, và tỏ ra có hiệu quả trong việc giải phóng cảm xúc, giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Đầu tiên, chuyên gia tâm lý sẽ khuyến khích bệnh nhân bày tỏ nỗi sợ hãi, lo lắng, hay những ký ức không tốt trong quá khứ mà họ đang dồn nén.
Sau đó, dần dần hướng dẫn người bệnh nhân thức được, những nỗi sợ này là vô lý, những sự kiện trong quá khứ đều đã qua. Bệnh nhân hiểu rằng việc giữ lại những cảm xúc tiêu cực không tốt cho sức khỏe, không có lợi cho cuộc sống hàng ngày, và học cách điều khiển hành vi, hướng đến cảm xúc tích cực.
Liệu pháp thứ hai thường được áp dụng là liệu pháp tiếp xúc, tức là để người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây sợ hãi, hoặc hồi tưởng lại những sự kiện gây sang chấn trong quá khứ. Phương pháp này cần được tiến hành tại những nơi an toàn, và dưới sự giám sát của những chuyên gia tâm lý uy tín, có bằng cấp để hạn chế những tình huống quá tầm kiểm soát.
Phương pháp này có thể kết hợp với liệu pháp thôi miên để đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất. Việc đối diện với nỗi sợ, hoặc ám ảnh trong quá khứ, có thể giúp ta vượt qua nỗi đau, mang đến cảm giác thanh thản. Liệu pháp này giúp người bệnh học cách đối mặt vá chấp nhận những tác nhân tiêu cực.
3. Các phương pháp giải phóng cảm xúc khác
Giúp đỡ người khác sẽ là một cách giúp chúng ta tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, hay nhận lại những bài học quý giá trong cuộc sống về sự kiên cường, lạc quan và vươn lên có thể kích thích những cảm xúc và suy nghĩ tích cực, từ đó thay đổi hành vi của một người.
Quá trình lao động, tham gia thiện nguyện cũng giúp chúng ta quên đi nỗi buồn. Những hoạt động thể chất sẽ giúp giải phóng những cảm xúc tiêu cực, mang đến cảm giác thư giãn, thoải mái. Thay vì đi tham gia những hoạt động tập thể, chúng ta cũng có thể lên kế hoạch tập thể dục, thể thao.
Tập thể dục thể thao, hay tham gia các khóa học thiền, yoga có tác dụng tích cực trong việc thanh lọc tâm hồn và giải phóng cảm xúc. Những hoạt động mạnh và quá trình ngồi thiền, yoga kích thích máu huyết lưu thông, đẩy mạnh hoạt động của hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và cơ xương khớp, mang đến những thay đổi tích cực cho cơ thể.
Giải phóng cảm xúc và nguồn năng lượng tiêu cực thông qua hoạt động thể chất là cách mọi người thường sử dụng. Nếu cảm thấy tinh thần mệt mỏi, nặng nề và căng thẳng, chúng ta có thể đi bơi, chạy bộ, đánh cầu lông, chơi tennis, bơi lội, đạp xe, chạy đường dài, hoặc các môn thể thao khác tùy sở thích.
Ngoài ra, cách tốt nhất để vượt qua những cảm xúc tồi tệ, giải phóng những mệt mỏi trong cuộc sống là tìm một người để tâm sự. Người này có thể là cha mẹ, bạn bè thân thiết, hoặc một người mà bạn tin tưởng, người chấp nhận lắng nghe mà không phán xét, là chỗ dựa tinh thần cho bạn trong cuộc sống.
Hãy nói hết những khó khăn và khúc mắc trong cuộc sống cho người kia nghe. Đôi lúc, điều chúng ta cần không phải là những khuyên răn hay an ủi, mà chỉ cần có người chịu lắng nghe. Bạn hoàn toàn có thể khóc hay thể hiện cảm xúc trước mặt người mà mình tin tưởng để cảm thấy khá hơn.
Phương pháp giải phóng cảm xúc Catharsis có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tinh thần, cũng như sức khỏe thể chất. Năng lượng tiêu cực tích tụ lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà những cơ quan trong cơ thể cũng chịu tổn thương nhất định, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và cơ xương khớp.
Phương pháp này cũng là công cụ hỗ trợ trong quá trình cải thiện, và điều trị các triệu chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay lo âu quá độ. Nếu bạn muốn giải phóng cảm giác căng thẳng và những ám ảnh trong lòng, hãy tạo thói quen sống tích cực, chăm chỉ rèn luyện thân thể và liên hệ với chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
- Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Phân tích rõ hệ quả
- Áp lực công việc dẫn đến mệt mỏi, stress và cách vượt qua
- Cách giải tỏa stress cho học sinh thi chuyển cấp vào lớp 10
- Cảm xúc cùn mòn (Emotional Blunting): Nguyên nhân và Giải pháp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!