Hậu quả của trầm cảm sau sinh chớ nên xem thường
Hậu quả của trầm cảm sau sinh không chỉ liên quan đến chất lượng đời sống, sức khỏe, tinh thần của người mẹ mà còn tác động đến tâm sinh lý và sự phát triển của người con. Gia đình nếu có người bị trầm cảm sau sinh cần sớm có biện pháp hỗ trợ phù hợp, tránh để xuất hiện các tình huống nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con vì những hành động bộc phát của người bệnh.
Hậu quả của trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hơn bạn tưởng
Sự thay đổi hormone bất thường, những thay đổi lớn trong cuộc sống, cơ thể đau đớn, những xung đột với chồng hay mất ngủ đều là những nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở rất nhiều phụ nữ. Người mắc bệnh này thường luôn trong trạng thái buồn bã, u uất, tuyệt vọng, không muốn ăn uống gì, dễ kích động, không tập trung vào được việc gì, kể cả việc chăm con. Thậm chí nhiều người còn có cả suy nghĩ muốn chết cùng con.
Trầm cảm sau sinh là một vấn đề tâm lý nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt nếu gia đình và người thân không sớm phát hiện kịp thời. Hậu quả của trầm cảm sau sinh không chỉ trên mặt tinh thần mà còn liên quan đến sức khỏe thể chất, cuộc sống, công việc, các mối quan hệ, đồng thời tác động đến cả em bé. Không ít trường hợp người mẹ đã tự tử vì bị trầm cảm sau sinh nhưng lại không được ai hỗ trợ.
Vậy những hậu quả của trầm cảm sau sinh gây ra là gì?
Suy giảm sức khỏe thể chất
Thể chất và tinh thần là hai vấn đề có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn khi bạn thấy tâm trạng buồn bực thường sẽ thấy ăn uống không ngon, cơ thể uể oải, không muốn làm gì. Và ngược lại, khi thể chất không tốt, cơ thể đau đớn cũng khiến cho tinh thần không thể nào mà vui vẻ, thoải mái hay có thể nói cười vui vẻ như bình thường được.
Một trong những hậu quả của trầm cảm sau sinh gây ra có thể nhìn thấy rõ rệt chính là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, gia tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý khác. Bao gồm
- Tình trạng căng thẳng, tức giận, lo lắng diễn ra thường xuyên khiến người mẹ có nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp, tim mạch, đè nặng áp lực lớn lên hệ tim. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra phụ nữ bị trầm cảm có nguy cơ mắc tim mạch rất cao, trong đó nếu mắc cùng lúc hai bệnh này sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người bình thường.
- Dễ gặp các vấn đề về dạ dày, đường ruột do mẹ thường xuyên ăn uống thất thường, mất ngủ, ăn quá khuya khiến các acid dạ dày tiết ra quá mức, gây ra những bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày
- Dễ bị ốm vặt, cảm cúm hay bị nhiễm trùng, nhiễm virus cũng là một trong những hậu quả của trầm cảm sau sinh. Thực tế sức khỏe của người phụ nữ sau sinh vốn đã yếu, cộng thêm tình trạng mất ngủ, ăn uống kém đảm bảo cùng các hormone gây stress sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch ngày càng suy yếu nên rất dễ mắc các bệnh này.
- Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm thường hay cảm thấy đau nhức ê ẩm khắp người, có nguy cơ cao bị loãng xương. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc ăn uống không đủ chất, sinh hoạt kém lành mạnh, không tắm nắng, không hoạt động nhiều
- Có thể cảm thấy thường xuyên bị đau đầu, đau bụng, đau khắp người nhưng nếu đi khám các vấn đề này sẽ không tìm ra nguyên nhân chính xác. Nguyên nhân có thể là do tình trạng stress khiến cho các cơ bị co cứng, máu huyết kém lưu thông và gây ra các tình trạng này
Những hậu quả của trầm cảm sau sinh
gây ra thường liên quan đến các yếu tố như mất ngủ, ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh, thường xuyên căng thẳng của bà bầu. Trầm cảm kéo dài càng lâu thì sức khỏe mẹ bỉm càng ảnh hưởng, cơ thể suy nhược, xanh xao khiến người mẹ luôn trong tình trạng mệt mỏi và uể oải, cạn kiệt năng lượng, không muốn làm gì.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh
Trầm cảm khiến tinh thần người mẹ luôn trong trạng thái u uất, tội lỗi, mệt mỏi kết hợp cùng việc ngủ không đủ có thể dẫn tới nguy cơ bị suy nhược thần kinh. Khoảng 1/500 phụ nữ bị trầm cảm có dấu hiệu rối loạn tâm thần, xuất hiện các ảo giác, có các hành vi hoang tưởng, suy nghĩ lẫn lộn, cảm xúc thất thường. Những người này nếu rơi vào trạng thái bị kích động sẽ rất khó có thể kiểm soát, không thể biết được liệu họ sẽ làm gì.
Trầm cảm nếu tiến triển thành các vấn đề tâm thần thường nguy hiểm hơn rất nhiều. Người mẹ không thể điều trị tại nhà mà có thể phải điều trị trong viện tâm thần để có thể được hỗ trợ tốt nhất. Thời gian điều trị cũng sẽ lâu hơn, nếu không được chăm sóc đúng cách cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống bình thường. Đây cũng là những hậu quả nghiêm trọng của trầm cảm sau sinh nên tuyệt đối không được chủ quan.
Suy giảm chất lượng cuộc sống
Một người luôn cảm thấy u uất, chán nản, tuyệt vọng, không còn hứng thú với cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy những điều tiêu cực thì không thể nào có chất lượng đời sống tốt được. Với người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ chỉ luôn thấy cuộc sống toàn một màu u tối, chán chường, tuyệt vọng, không điều gì có thể khiến họ hứng thú trở lại, kể cả đứa con hay những hoạt động hằng ngày mà trước đó họ cực kỳ yêu thích.
Chính vì sự tuyệt vọng với cuộc sống mà không ít người chọn cách tự tử. Tuy nhiên họ thường không có xu hướng tự tử một mình mà thường đưa theo cả đứa con vì cho rằng thiếu mẹ thì con sẽ khổ. Tự tử chính là phương án cuối của những người này vì họ cảm thấy cuộc sống này không còn hy vọng cho bản thân và đây là phương án cuối cùng để giải thoát cho chính mình.
Nguy cơ tự tử ở phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường gặp nhiều ở những người có xung đột với người chồng, người có thai ngoài ý muốn hay những người lạm dụng chất gây nghiện. Một số người có thể cho rằng chính vì đứa con được sinh ra nên cuộc sống của họ mới bị đảo lộn, mới phải chịu nhiều đau khổ đến như vậy. Do đó nếu thấy người mẹ có các hành vi bất thường thì gia đình cần nhanh chóng kiểm soát để phòng tránh các hậu quả của trầm cảm sau sinh này.
Hậu quả của trầm cảm sau sinh – ảnh hưởng đến các mối quan hệ
Tâm trạng của người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường thay đổi vô cùng thất thường, nhưng đa phần đều có xu hướng tách biệt bản thân, không muốn chia sẻ gần gũi với bất cứ ai. Một phút trước họ có thể cực kỳ vui vẻ chơi cùng con, cho mọi người bế con, nhưng chỉ cần một câu nói vô tình nào đó có thể khiến họ thay đổi 180 độ, trở nên hung dữ, không cho ai lại gần con hay thậm chí là chán ghét con.
Hậu quả của trầm cảm sau sinh gây ra chính là khiến vợ chồng ngày càng có nhiều xung đột, trở nên xa cách nhau, thiếu sự gắn kết. Mối quan hệ với đứa con cũng không được gần gũi. Thậm chí còn làm tổn thương hay mất dần các mối quan hệ với người thân, bạn bè, hàng xóm xung quanh bởi sự thất thường, kích động, u uất của bản thân mình.
Đặc biệt, người chồng và gia đình sống chung nếu không thực sự kiên nhẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với người trầm cảm. Sự tiêu cực của mẹ bỉm có thể làm những người xung quanh vô cùng mệt mỏi, cho dù tinh thần có thể lạc quan vui vẻ đến đâu. Không ít cặp vợ chồng đã ly hôn ngay khi người vợ bị trầm cảm bởi những cảm xúc quá khích, trạng thái u uất của họ khiến tình cảm vợ chồng ngày càng ngột ngạt, xa cách.
Hậu quả của trầm cảm sau sinh đến em bé
Thực tế những hậu quả của trầm cảm sau sinh không chỉ trên người mẹ mà còn tác động to lớn đến em bé, liên quan đến cả sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Giữa mẹ và em bé luôn có một mối liên kết rất đặc biệt, nhất là với những người vừa mới sinh xong. Chính vì vậy nên sự ảnh hưởng trong tâm lý của người mẹ sẽ tác động trực tiếp đến đứa bé, đặc biệt là khi gia đình không sớm có biện pháp quan tâm hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, một số tác động của trầm cảm sau sinh từ người mẹ đến em bé bao gồm
- Các vấn đề về sức khỏe: trẻ có thể chậm lớn, chậm phát triển, nhẹ cân do dinh dưỡng của mẹ không tốt, không đảm bảo đủ để cung cấp cho thai nhi. Ngoài ra nếu mẹ đã bị trầm cảm ngay từ giai đoạn mang thai trẻ còn có thể gặp các vấn đề về dạ dày, dễ mắc một số dị tật bẩm sinh. Người mẹ nếu đang điều trị trầm cảm thì trẻ có thể không được bú sữa mẹ để tránh các ảnh hưởng từ thuốc gây ra. Bên cạnh đó trẻ cũng rất dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ do ảnh hưởng bởi chế độ sinh hoạt của mẹ.
- Xa cách với người mẹ: Do những cảm xúc khó hiểu của người mẹ khiến trẻ thường có xu hướng xa cách với mẹ, mối liên kết dễ bị đứt đoạn. Trẻ không được cảm nhận tình thương từ mẹ sẽ rất dễ gặp các vấn đề liên quan đến tâm lý – hành vi sau này.
- Ảnh hưởng đến hành vi – tính cách: trẻ có xu hướng bạo lực hơn, sống nội tâm, không biết chia sẻ cảm xúc, dễ kích động nếu có một người mẹ bị trầm cảm. Đặc biệt nếu ở giai đoạn sơ sinh người mẹ có các hành vi thiếu phù hợp với con thì có thể tạo thành những nỗi ám ảnh trong tâm trí của con. Ngoài ra trẻ có mẹ bị trầm cảm cũng thường có xu hướng nhút nhát, ngại giao tiếp xã hội, thiếu tự tin hơn những đứa trẻ đồng trang lứa.
- Tăng nguy cơ trẻ mắc các vấn đề tâm lý: các nghiên cứu đã chỉ ra ở những trẻ có mẹ bị trầm cảm thường có nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc ở trẻ em cùng rất nhiều vấn đề khác.
- Chậm phát triển về trí não: trẻ nếu lớn lên trong gia đình có mẹ bị trầm cảm cũng có xu hướng kém linh động hơn, chậm phát triển về nhận thức, trí não, tiếp thu học tập kém.
Những hậu quả của trầm cảm sau sinh là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt nếu gia đình không có biện pháp quan tâm để tách biệt cả hai ra khi người mẹ bị kích thích. Đứa trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc vì ảnh hưởng bởi tâm lý của mẹ sẽ tác động rất xấu đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, con người.
Hậu quả của trầm cảm sau sinh của vợ đến người chồng
Những hậu quả của trầm cảm sau sinh không chỉ tác động đến người mẹ, em bé mà còn liên quan đến cả người chồng. Không phải cứ chồng vô tâm thì vợ mới bị trầm cảm, cũng có rất nhiều trường hợp người chồng dù quan tâm nhưng lại chưa đủ tinh tế, không thể giải quyết được các xung đột giữa vợ và mẹ hay những tác động từ những môi trường xung quanh.
Như đã nói, việc sống cùng những người bị trầm cảm chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Bản thân người chồng sẽ phải là người bên cạnh động viên, hỗ trợ vợ và con trong giai đoạn khó khăn này. Nếu không vững tâm lý thì chính họ cũng có nguy cơ bị trầm cảm rất cao thì ảnh hưởng từ sự tiêu cực của vợ, gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cũng như những áp lực về gánh nặng tài chính, phải nuôi gia đình.
Những áp lực lớn cứ đè nặng lên vai người chồng, người cha lúc này. Họ không biết làm thế nào để vẹn toàn cho cả đôi bên. Đặc biệt ở những gia đình đang có xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu và phải sống chung thì người chồng càng khó giải quyết hơn. Hậu quả là chính là cũng có những hành vi tiêu cực, bốc đồng và không ai lường trước được.
Phòng tránh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ
Các hậu quả của trầm cảm sau sinh gây ra là vô cùng nghiêm trọng, tác động đến cả gia đình nên cần có hướng phòng tránh càng sớm càng tốt. Tâm lý của phụ nữ có thai và sau sinh đều cực kỳ nhạy cảm bởi sự thay đổi hormone, hơn nữa bản thân họ cũng vô cùng mệt mỏi, khó chịu, đau đớn mà không một người nào nếu chưa từng mang bầu có thể hiểu được. Chính vì vậy rất cần có sự thấu hiểu của gia đình, đặc biệt là người chồng thì mới phòng tránh được nguy cơ này.
Một số biện pháp giúp phòng tránh được nguy cơ trầm cảm sau sinh như
- Gia đình và chồng nên trò chuyện, chia sẻ, tâm sự để thấu hiểu những khó chịu trong lòng mẹ bỉm, từ đó đưa ra hướng giải quyết cho từng trường hợp
- Nếu ở chung và có những xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu; người chồng nên xem xét việc đưa vợ về ngoại ở một thời gian để tâm lý ổn định.
- Chăm sóc về mặt dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất để mẹ bầu phục hồi sức khỏe tốt nhất sau thời kỳ sinh nở cũng như đảm bảo giúp trẻ phát triển tốt hơn. Trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu rất cần được bú mẹ để phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí não, gia tăng sức đề kháng nên gia đình cần cực kỳ chú ý vấn đề này. Gia đình cũng có thể tham khảo các thực đơn khoa học để mẹ vừa khỏe, đủ dinh dưỡng nhưng cũng giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng, đặc biệt với những người tăng cân quá mức
- Khéo léo hơn trong lời nói và hành động. Tuyệt đối không nên nói những lời như “con bé quá”, ” mẹ đẻ xong mập quá, da dẻ xấu quá” hay ” không biết chăm con”.. Chính những lời nói này đã khiến không ít bà mẹ rơi vào trạng thái tiêu cực, u uất và dẫn tới nguy cơ trầm cảm sau sinh
- Khuyến khích bà bầu cùng tập thể dục hay đi lại nhiều để nhanh khỏe hơn, sớm lấy lại vóc dáng như hồi còn con gái. Người chồng cũng nên tạo điều kiện để mẹ bỉm có thể đi tập yoga, tập thiền vừa tốt cho sức khỏe, vóc dáng, vừa tốt cho tinh thần
- Tạo điều kiện cho mẹ bỉm có thể ngủ hay có thời gian làm những điều mình thích như đi chơi cùng bạn bè, đi mua sắm.. để tinh thần thoải mái hơn
- Tạo những niềm vui bất ngờ cho người vợ như trong thời gian còn yêu nhau, chẳng hạn như tặng hoa, tặng quà, cùng đi hẹn hò ăn uống…
- Quan sát vợ nhiều hơn để sớm phát hiện các hành vi bất thường, từ đó có hướng hỗ trợ và điều trị kịp thời
Những hậu quả của trầm cảm sau sinh gây ra là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình nên tuyệt đối không được chủ quan. Cư xử khéo léo, xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học lành mạnh cho mẹ bỉm đồng thời giải tỏa tâm trí căng thẳng, mệt mỏi cho người vợ chính là cách tốt nhất mà người chồng nên làm để phòng tránh được nguy cơ này.
Có thể bạn quan tâm
- Bài Quiz test kiểm tra trầm cảm online tại nhà nhanh nhất
- Cách nói chuyện an ủi người trầm cảm giúp họ vực dậy tinh thần
- Những kiến thức cần trang bị khi sống chung với người trầm cảm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!